Đại Hội XII Đảng CSVN và những đấu đá nội bộ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Chân Trời Mới Media phỏng vấn ông Lý Thái Hùng

Chân Trời Mới Media (Thanh Thảo): Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới khai mạc Đại Hội Đảng lần thứ 12 tại Hà Nội, quy tụ 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4 triệu đảng viên trên toàn quốc. Đại Hội kéo dài 8 ngày với hai nội dung chính yếu là thông qua một số văn kiện liên quan đến đường lối chính sách trong 5 năm tới và bỏ phiếu chọn 200 tân ủy viên Trung ương đảng chính thức và dự khuyết cho khóa XII. Cũng trong Đại hội này, 200 tân ủy viên Trung ương đảng sẽ bầu tân Bộ chính trị, Ban Bí Thư và Tổng Bí Thư Đảng. Có thể nói Đại hội XII đã có nhiều tin đồn nhất liên quan về những tranh giành ảnh hưởng giữa hai phe đảng đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ đứng đầu là ông Nguyễn Tấn Dũng. Để tìm hiểu vấn đề này xin mời quý vị theo dõi nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Theo như dư luận chung cả Việt Nam và quốc tế đều cho rằng Đại Hội 12 là đại hội có nhiều tin đồn nhất và hiện giờ ai sẽ là Tổng bí thư không thể tiên đoán được, tại sao vậy thưa ông?

Lý Thái Hùng: Trong một quốc gia có những sinh hoạt chính trị bình thường thì việc một đảng cầm quyền tổ chức một đại hội đảng để bầu lại nhân sự lãnh đạo hoặc thông qua đường lối chính sách cho nhiệm kỳ tới không phải là điều bí mật hoặc trở thành một đe dọa về an ninh quốc gia.

Sự chuẩn bị Đại Hội 12 của đảng CSVN cũng không đi ra ngoài quy luật bình thường nói trên, nhưng nó đã trở thành điều mà chị vừa đề cập là vì chính lãnh đạo CSVN đã tạo một ấn tượng sai lầm trong dư luận qua cách họ chuẩn bị:

– Điều động hơn 5 ngàn cảnh sát cơ động để bảo vệ an ninh cho đại hội.

– Cấm người dân di chuyển trên 33 tuyến đường phố chính trong 8 ngày diễn ra Đại Hội.

– Huy động cán bộ thực phẩm và an ninh để canh chừng 24/24 việc lo thực ăn cho đại hội.

Những chuẩn bị nói trên cho thấy là xã hội Việt Nam đang có hiện tượng bất thường: đảo chánh nội bộ hoặc diễn biến hòa bình từ thế lực bên ngoài.

JPEG - 31.3 kb
Ông Nguyễn Phú Trọng đến tận Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động giao nhiệm vụ bảo vệ Đại Hội 12 vào ngày 2 Tháng Giêng, 2016. Ảnh: TTXVN.

Diễn biến hòa bình từ thế lực bên ngoài chắc chắn là không xảy ra vì đây là chuyện nội bộ của riêng đảng CSVN. Người dân không mấy quan tâm vì nhân sự nào lên lãnh đạo đảng CSVN thì xã hội Việt Nam cũng không có gì thay đổi.

Vấn đề còn lại là lãnh đạo CSVN lo sợ đảo chánh nội bộ. Tức là phe này “chơi” phe kia để giành lấy thắng lợi sau cùng bằng những đòn tấn công và triệt hạ bằng thư tố cáo, mua chuộc nhằm khuynh loát các đại biểu tham dự Đại Hội.

Việc đấu đá giữa các phe trong nội bộ đảng CSVN đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ nhưng cuối cùng các phe đã phải thỏa hiệp nhau để duy trì quyền lực và mọi vị trí đều được dàn xếp kín bên trong Bộ Chính Trị. Ngay cả Trung Ương Đảng của những khóa truớc đây đều can dự nhiều vào sự sắp xếp kín của các phe cho nên vì thế mà sự đồn đoán về nhân sự thường thì được tiết lộ trước ngày Đại Hội khai mạc.

Lần này cũng vậy, lãnh đạo CSVN cố che giấu những rạn nứt và đấu đá ở thượng tầng nhưng càng che giấu họ càng để lộ sự mâu thuẫn giữa hai phe đảng đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ đứng đầu là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Phú Trọng thì muốn dùng Quyết Định 244 để loại Nguyễn Tấn Dũng không nằm trong danh sách đề cử của Trung Uơng Đảng khóa XI nhằm không được tái cử cho khóa XII. Trong khi Nguyễn Tấn Dũng không viết đơn xin tái cử nhưng muốn dùng đàn em của mình trong Trung Ương Đảng đề cử ngay tại Đại hội để cho các đại biểu bỏ phiếu quyết định.

JPEG - 36.2 kb

Điều này cho thấy là hai phe đảng và chính phủ đã không còn có thể thỏa hiệp vì hai lý do:

Thứ nhất là những lợi ích nắm giữ của hai phe quá lớn và không chỉ giới hạn ở một số nhân sự mà đã lan tỏa đến nhiều thành phần cán bộ như một “bầy sâu”. Do đó sự tranh chấp đã đi đến chỗ quyết liệt một mất một còn.

Thứ hai là Bắc Kinh không dễ dàng buông thả cho các phe mặc cả lẫn nhau mà tìm cách khuynh loát để luôn luôn phải dựa vào Bắc Kinh.

Chính vì những đấu đá một mất một còn không thể thỏa hiệp như quá khứ cho nên hai phe đã tung ra nhiều nguồn tin khác nhau để khuynh loát đại hội nên vì thế mới xảy ra tình trạng chưa biết ai sẽ là người giành chiến thắng cuộc đấu đá quyền lực này.

Thanh Thảo: Theo ông thì lý do gì mà vào tháng 4/2014, Bộ chính trị lại ra Quyết Định 244 mang tính chất đi ngược với điều lệ đảng là mọi đại biểu có quyền đề cử, ứng cử ngay tại Đại Hội?

Lý Thái Hùng: Sự sụp đổ hàng loạt Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty vào năm 2010 và 2011 đã là cơ hội ngàn vàng để cho phe Nguyễn Phú Trọng tìm cách triệt hạ vây cánh của phe Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2012, Nguyễn Phú Trọng dùng diễn đàn Trung Ương Đảng khóa XI để biểu quyết biện pháp kỷ luật đối với Nguyễn Tấn Dũng là người tổng chỉ huy bộ máy doanh nghiệp của Việt Nam; nhưng thay vì Trung Ương Đảng biểu quyết kỷ luật lại đánh giá cao các nỗ lực của “chính phủ” giữ vững nền kinh tế trong lúc đang bị chao đảo trước cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới.

Thất bại trong việc kỷ luật ông Dũng và để ngăn tham vọng ông Dũng muốn trở thành Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước cho khóa XII, Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra Quyết Định 244 do chính ông Trọng ký tên ban hành vào Tháng 4 năm 2014, để quy định về một số thủ tục ứng cử, đề cử trong đảng.

JPEG - 4.1 kb
Nguyễn Phú Trọng đã dùng Quyết Định 244 để loại Nguyễn Tấn Dũng tái cử Khóa XII.

Trong Quyết Định 224, điều 13 đã ấn định rằng những Ủy Viên Trung Ương Đảng Khóa XI không nằm trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Khóa XI không được ứng cử, đề cử và nhận đề cử trong Đại Hội XII. Đây là điều trái ngược trong thể chế bầu cử, ứng cử của điều lệ đảng.

Ngoài ra, đối với những Ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư khóa XI ở trong trường hợp đặc biệt (quá tuổi hưu) phải có sự đề cử của Bộ Chính Trị thì mới được tái cử Khóa XII.

Nói cách khác là 1.510 đại biểu tham dự Đại Hội XII chỉ bầu chọn tân Trung Ương Đảng Khóa XII dựa trên danh sách đề cử của Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Khóa XI. Quy chế bầu cử này đã tạo ra sự lùng bùng chính trong nội bộ đảng CSVN và cho rằng ông Trọng đã dàn xếp để ngăn chận phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng.

Vì thế mà trong ngày trù bị của Đại Hội XII vào ngày 20 Tháng Giêng vừa qua, các đại biểu đã thông qua quy chế bầu cử trong đó có đề cập về việc ứng cứ đề cử của các Ủy Viên Trung Ương Đảng Khóa XI có một chút thay đổi.

Đó là Ủy viên Trung Ương Đảng Khóa XI không được Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Khóa XI giới thiệu thì người này không được ứng cử. Còn nếu được các Đại Biểu của Đại Hội đề cử thì người này phải xin rút, do quy định là: không được ứng cử và nhận được đề cử. Nhưng cuối cùng quyền quyết định cao nhất vẫn là Đại Hội.

Nói cách khác là dù Điều 13 của Quyết Định 244 trói buộc các Ủy Viên Trung Uơng Đảng Khóa XI như ông Nguyễn Tấn Dũng, không có tên trong danh sách đề nghị tái cử cho Khóa XII, thì cũng có thể ra tranh cử tại Đại Hội vào giờ cuối, nếu thu phục được quá bán phiếu Đại Biểu của Đại Hội ủng hộ việc tái cử Khóa XII.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng làm được điều này thì sẽ lật ngược thế cờ vào giờ phút cuối và có thể giành ghế Tổng Bí Thư từ tay ông Trọng.

Thanh Thảo: Qua những văn kiện chuẩn bị Đại Hội 12, theo ông thì Đại Hội này có gì thay đổi không?

Lý Thái Hùng: Như mọi lần chuẩn bị các đại hội đảng trước đây cũng như lần này, lãnh đạo CSVN thường đưa ra hai văn kiện chính là Báo Cáo Chính Trị và Chiến Lược Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội từ 2016-2021.

Để tạo dáng vẻ dân chủ và quan tâm đến ý kiến đóng góp của đảng viên, người dân, các văn kiện nói trên đã được lãnh đạo Hà Nội soạn thảo từ hơn 1 năm trước và tung ra lấy ý kiến từ tháng 10 năm 2015.

JPEG - 12 kb
Hình ảnh một buổi góp ý về các văn kiện đại hội 12 tại Đồng Tháp. CSVN đã tốn hàng ngàn tỷ đồng để tổ chức những sinh hoạt vô bổ và nhàm chán trong khi ngân sách thiếu hụt, nhiều địa phương phải khai phá sản vì hết tiền để trả cho công nhân viên nhà nước.

Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã họp báo khoe là có đến 24 triệu lượt người góp ý kiến nhưng chỉ là những góp ý cò mồi, không có bất cứ ý kiến nào dám chống lại các nội dung của hai văn kiện vì sẽ bị gán ghép vào tội “lợi dụng dân chủ, tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước” theo điều 258 của Luật Hình Sự.

Do đó mà nội dung chính của hai văn kiện nói trên chỉ là rập khuôn theo những gì đã từng được soạn thảo của các kỳ đại hội trước đây, không hề thay đổi.

Mấu chốt chính vẫn là tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí chủ đạo và nhất là không chấp nhận mô hình chính trị đa nguyên, đa đảng.

Đây là yếu tố then chốt đã khiến cho người dân không quan tâm, không để ý gì đến Đại Hội Đảng CSVN.

Thanh Thảo: Một ngày trước khi diễn ra Hội nghị trù bị đại hội XII, cụ Rùa Hồ Gươm có hơn 100 tuổi từ trần, nhiều người cho rằng đây là điều linh thiêng ứng báo điều gì đó cho tương lai Việt Nam nói chung và cho đảng CSVN nói riêng. Ông nhận định về tình hình Việt Nam sẽ như thế nào sau Đại Hội XII thưa ông?

Lý Thái Hùng: Rùa là loại linh vật, nó gắn liền với thần bảo tồn trong thần thoại, ở Việt Nam gắn với Thần Kim Quy. Với mu rùa tượng trưng cho bầu trời, bụng nó phẳng tượng trưng cho mặt đất; vì thế mà nhiều nhà khảo cổ cho rằng nhà sàn của người Việt là biểu tượng bắt nguồn từ hình tượng con rùa, mang ý nghĩa vững chắc. Con người sống trong nhà sàn đó là sống trong nguồn sinh lực nối giữa trời và đất nên người ta cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh.

Theo Tiến Sĩ Hà Đình Đức, nhà nghiên cứu về Rùa Việt Nam thì cho là Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi và được vua Lê thả vào Hồ Gươm, vì trước đó không có thông tin gì về loài rùa lớn nào tại Thăng Long.

JPEG - 26.9 kb
Rùa Hồ Gươm lúc còn khoẻ mạnh.

Tin Rùa Hồ Gươm có trên 100 tuổi từ trần hôm 19 Tháng Giêng, một ngày trước khi hội nghị trù bị của Đại Hội 12 khai mạc đã tạo ra nhiều tin đồn nào là báo hiệu thời kỳ suy tàn của đảng CSVN, hay là điềm xấu cho sự tranh giành quyền lực giữa ông Trọng và ông Dũng.

Liên quan đến đại hội 12, dù ông Trọng hay ông Dũng lên làm Tổng Bí Thư, nội bộ đảng CSVN đã không còn là khối thuần nhất. Các phe tiếp tục đấu đá nhưng lần này sẽ công khai đổ tránh nhiệm lẫn nhau về các thất bại trong những chính sách kinh tế – xã hội để giành thế thượng phong vì những lợi ích kinh tế mang lại cho phe nhóm.

Do đó sau Đại Hội 12, đảng CSVN sẽ rơi vào ba viễn cảnh sau đây:

1/ Tổng Bí Thư không còn khả năng cầm chịch quyền lực ở trong đảng như từ trước đến nay. Trung Ương Đảng sẽ trở thành nơi đấu đá của các phe để tìm ảnh hưởng cho những quyết định về nhân sự, về hướng đi chứ không còn nằm trong tay một thiểu số nào.

2/ Trung Quốc tiếp tục chi phối một số nhân sự để qua đó khuynh loát những quyết định quan trọng về kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng nhằm ngăn chận Việt Nam đi gần với Hoa Kỳ, Nhật Bản.

3/ Xã hội Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện vì hết tiền cạn kiệt ngân sách và tranh chấp Biển Đông leo thang. Tình hình này sẽ đẩy cho Hà Nội lúng túng đối phó trong những ngày tới.

Với những diễn biến tình hình như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho phong trào dân chủ để sớm chấm dứt ách độc tài Cộng sản, mang lại những thay đổi tốt đẹp hơn cho Việt Nam,

Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

Nguồn: Chân Trời Mới Media

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.