Chính sách các quốc gia về Biển Đông sau Phán Quyết Tòa PCA

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Sau phán quyết ngày 12 Tháng 7, 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration PCA) bác bỏ chủ quyền từ lịch sử của Trung Quốc (TQ) trên 80% Biển Đông, đồng thời xác nhận chủ quyền của Phi trên bãi Hoàng Nham (Scarborough) theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Biển UNCLOS 1982, tình hình tại Đông Á và tại Biển Đông đã có một số biến chuyển, giữa những động thái quân sự gây hấn liên tục của TQ.

Tại các quốc gia tại tuyến đầu Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Nhật Bản (Biển Hoa Đông) và nói chung khối ASEAN, cũng như tại các quốc gia trong vòng đai thứ hai Ấn Độ, Úc, Đại Hàn và đặc biệt Hoa Kỳ, siêu cường có quyền lợi chiến lược tại tuyến đầu cũng như tại vòng đai thứ hai tại Đông Á, tình hình đã có những biến chuyển đáng kể với sự thay đổi chính sách của tân Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đối với TQ, sự đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ của ông Trump với một chủ trương có nhiều dấu hiệu sẽ cứng rắn hơn đối với TQ.

Bài này sẽ lược qua những điểm chính ảnh hưởng lên tình hình an ninh, chính trị tại vùng Đông Á (bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông (East China Sea)) hậu phán quyết PCA.

1- Tình Hình Sau Phán Quyết Tòa PCA

Ngày 12 Tháng Bảy, Trung Quốc đã chịu một thất bại nặng hiếm có trên chính trường quốc tế vì đã hoàn toàn không tiên liệu trước được phán quyết không đảo ngược và hoàn toàn bất lợi của Tòa PCA đối với họ, dù họ đã tìm đủ mọi cách áp lực lên chính phủ Phi, mua chuộc các quan tòa PCA, từ chối không tham dự.

JPEG - 65.1 kb
Hàng ghế bên phải bị bỏ trống vì Trung Quốc từ chối không tham dự. (Ảnh: Permanent Court of Arbitration)

Tất cả những nền tảng về mặt lịch sử, địa dư, công pháp mà Trung Quốc đã dựa lên (qua Đường Lưỡi Bò 9 Điểm không có căn bản pháp lý, qua các tài liệu ngụy tạo về sự hiện diện hay thống thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng Biển Đông Phi vào chủ quyền TQ), để xác định chủ quyền của họ đã bị Tòa PCA hoàn toàn bác bỏ. Âm mưu tằm ăn dâu, lẳng lặng xâm chiếm, xây các công trình nhân tạo trên các bãi san hô, đá ngầm, mà Công Ước UNCLOS 1982 không xem là đảo, dùng sức mạnh hải quân để trấn áp Việt Nam, Phi, Mã Lai bị tạm thời khựng lại.

Đây là một thất bại cá nhân của Tập Cận Bình, khi vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa rộng rãi, và trở thành một vấn đề tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc, một cường quốc trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UN Security Council), mạnh thứ nhì về kinh tế, có một tiềm năng quân sự khả dĩ có thể gây khó khăn cho hải quân Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc tuyến đầu, cũng như các quốc gia thuộc vòng đai thứ hai.

Trước phản ứng quá chừng mực, nếu không nói là yếu kém của chính phủ Tổng Thống Obama, sau biến cố bãi Hoàng Nham vào năm 2012, tân Tổng Thống Phi Duterte, kế vị ông Aquino, đã thay đổi chính sách đối với TQ, từ đối đầu biến thành hợp tác để mong hòa hoãn với Trung Quốc tại vùng Biển Đông Phi Luật Tân, trong đó có bãi Hoàng Nham. Tòa Bạch Ốc đã không đồng ý với chủ trương quyết tâm đối đầu của hải quân Hoa Kỳ, qua các phát biểu của Đô Đốc Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương.

Hải quân Hoa Kỳ đã đề nghị biệt phái hẳn một lực lượng đặc nhiệm Carrier Strike Group, gồm một mẫu hạm, 2 tuần dương hạm loại Ticonderoga, và một số khu trục hạm Arleigh Burke đặt căn cứ thường trực tại Phi, sẵn sàng trả đũa lại các hành động khiêu khích của chiến hạm, phi cơ chiến đấu TQ, khai triển khả năng chống lại các hỏa tiễn Đông Phong DF21, hoả tiễn thiềm du (ASCM Anti Ship Cruie Missile) chống mẫu hạm của TQ.

Sau khi điều nghiên và nắm vững thái độ và phản ứng của hành pháp Hoa Kỳ, hiện nay TQ vẫn tiếp tục các hành động gây hấn có tính toán, tiến hành chính sách lấn chiếm theo cách tằm ăn dâu tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các hành vi quân sự này làm gia tăng rất nhiều rủi ro chạm trán quân sự hay hiểu lầm giữa hải quân TQ và các hải quân Nhật, Phi, Mã Lai, Việt Nam, Hoa Kỳ… bất chấp các cảnh báo của nhóm G20 tại Thượng Đỉnh Hàng Châu, của Liên Âu, Hoa Kỳ, yêu cầu TQ tuân thủ công pháp quốc tế, tôn trọng phán quyết của Tòa PCA.

Các hành động gây hấn này chỉ chấm dứt nếu có những phản ứng cụ thể mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất hiện nay có khả năng chặn đứng âm mưu xâm lược mềm của TQ về mặt quân sự bây giờ và trong một tương lai trông thấy được từ 5 đến 10 năm. Các quốc gia liên hệ đều đang trông chờ chính sách Biển Đông của tân TT Hoa Kỳ Trump.

2- Âm Mưu Của Trung Quốc Sau Phán Quyết PCA

Một ngày sau khi quyết định của Tòa PCA, 13 Tháng Bảy, Bắc Kinh đã nhanh chóng công bố tài liệu “China Adheres to the Position of Settling Through Negotiation the Relevant Disputes Between China and the Philippines in the South China Sea”, nhằm phủ nhận phán quyết Tòa PCA, xác nhận chủ quyền của TQ trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bãi Hoàng Nham mà TQ cho biết đã có hoạt động của người Hoa từ hơn 2000 năm nay.

JPEG - 18 kb
Tài liệu “China Adheres to the Position of Settling Through Negotiation the Relevant Disputes Between China and the Philippines in the South China Sea.” (Ảnh: Xinhua/Chen Yehua)

Tài liệu với nhiều dữ kiện không kiểm chứng được hay dựng đứng lên đã không được sự đón nhận thuận lợi của giới cộng đồng học giả, sử gia nghiên cứu về Biển Đông. Sau nhiều thập niên chuẩn bị cho sự vươn lên của Trung Quốc được chuẩn bị từ thời Đặng Tiểu Bình (lãnh đạo TQ 1978-1989), lãnh đạo TQ lượng định nhiệm kỳ thứ nhì của TT Obama là thời điểm thuận tiện nhất để trổi dậy để trở thành đối thủ ngang hàng với siêu cường Hoa Kỳ.

Qua việc mở rộng sự kiểm soát của TQ trên vùng ảnh hưởng chiến lược, tới lằn ranh thứ nhất tại Biển Đông, cũng như tại Biển Hoa Đông (mở đường ra đại dương), hình thành vùng phát triển kinh tế Tơ Lụa (Silk Road Economic Belt), đối đầu với khối kinh tế TPP (Trans Pacific PartnerShip) do Hoa Kỳ hình thành.

Cho đến thời điểm 12 Tháng Bảy, chính sách xâm lược của TQ tại Biển Hoa Đông, chung quanh không, hải phận quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), được xem bị khựng lại, trước sự quyết tâm đề kháng của Nhật và khả năng của quân đội Nhật vốn được trang bị rất hiện đại qua sự chuyển nhượng kỹ thuật quân sự từ Hoa Kỳ và tinh nhuệ (hải quân đứng thứ nhì Á Châu sau TQ về số lượng nhưng tối tân hơn), và khi lực hải quân TQ tại Biển Hoa Đông còn phải dàn trải ra tại eo biển Đài Loan.

Trong lúc về phía Nam, chính sách xâm lược tại Biển Đông thành công hơn qua chiến lược tằm ăn dâu, xâm chiếm từng đảo một cách tiệm tiến, trước phản ứng quá nhẹ của Hoa Kỳ (chính sách FON Freedom of Navigation), và ưu thế quá vượt trội của hải quân TQ so với toàn bộ hải quân Phi, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương cộng lại.

Tuy nhiên chiến lược tằm ăn dâu này có phần nào bị ngăn trở sau phán quyết của Tòa PCA và quyết tâm bảo vệ chủ quyền các quốc gia tại tuyến đầu. Ngay tại Việt Nam, nơi TQ nắm được thành phần lãnh đạo tay sai CSVN, âm mưu xâm lược tại Biển Đông đã luôn gặp sự chống đối mãnh liệt của dân chúng Việt Nam, nay lan dần tới nhiều thành phần cán bộ và quân đội trong guồng máy đảng CSVN.

JPEG - 32.4 kb
Người dân tại Hà Nội bày tỏ ủng hộ phán quyết của PCA. (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo TQ đã khôn ngoan biết lợi dụng sức mạnh kinh tế (TSLQG hơn 11.300 Tỷ MK), quân sự (hải quân với hơn 870 chiến hạm, trọng tải 1,4 triệu tấn, 225.000 người, 90 chiến hạm đại dương), nhu cầu thương mại tại một thị trường nội địa rộng lớn (1,4 tỷ người tiêu thụ), mua chuộc ảnh hưởng, quyền lợi qua các nhóm lobby, khả năng đầu tư từ số thặng dư cán cân thương mại khổng lồ, để bành trướng qua cạnh tranh bất chính và xử dụng sức mạnh quân sự để lấn áp, bắt chẹt các quốc gia nhỏ bé hơn họ nhiều lần. Chính sách này đã và đang được triệt để áp dụng tại Biển Đông.

3- Chính Sách Của Tổng Thống Duterte

Sau khi lên nhậm chức vào ngày 30 Tháng Sáu, tân Tổng Thống Phi Duterte đã tuyên bố tiến hành một chính sách ngoại giao độc lập với khuynh hướng thân thiện trở lại với TQ và Nga, không còn là một đồng minh thuần thành của Hoa Kỳ, nhất là sau khi bị Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề chính sách chống á phiện, diệt trừ tội ác của ông quá tàn bạo với các cuộc thanh toán các thành phần tội ác mà không cần mang ra xét xử trước tòa án.

Thất vọng trước phản ứng quả yếu ớt của Hoa Kỳ trước các hành động gây hấn của TQ, ông Duterte tuyên bố sẽ xử dụng các điểm căn bản trong phán quyết 12 Tháng Bảy của Tòa PCA để tiến hành đàm phán song phương với TQ và sẽ không mang vấn đề tranh chấp chủ quyền với TQ ra trước ASEAN.

Sự xoay chuyển trong chính sách ngoại giao này khiến ông Duterte gặp nhiều chống đối ngay trong vòng đai thân cận và trong dân chúng Phi (bà Phó Tổng Thống và một số Bộ Trưởng đã từ chức vì không đồng ý với sự thay đổi chính sách này). Một số cuộc tập trận chung với hải quân Hoa Kỳ bị hủy bỏ, tuy nhiên Hiệp Ước Hợp Tác Quân Sự giữa Phi-Hoa Kỳ vẫn có giá trị và nhiều lãnh vực hợp tác huấn luyện, cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ chống khủng bố… vẫn diễn ra bình thường.

Sau khi ông Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, Phi Luật Tân hy vọng sẽ có một sự thay đổi chinh sách Hoa Kỳ tại Biển Đông. Ông Duterte đã nói chuyện điện thoại với ông Trump, mong mỏi sẽ xiết chặt lại bang giao giữa 2 nước. Tình hình tại vùng Biển Đông Phi và bãi Hoàng Nham tạm thời lắng đọng sau khi TT Phi gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến công du 18-21 Tháng 10 vừa qua, để mở lại đàm phán song phương về Biển Đông.

JPEG - 20.3 kb
TT Phi Rodrigo Duterte và CT Trung Quốc Tập Cận Bình Tháng 10 vừa qua. (Ảnh: AP/Ng Han Guan)

Có thể nói, hiện nay ngoài các động thái thuần túy về mặt ngoại giao để làm giảm bớt căng thẳng, tạo hòa hoãn với TQ, trên Biển Đông, chưa có một sự kiện đáng kể nào xảy ra kể từ sau sự thay đổi chính sách của ông Duterte. Tình hình sẽ còn biến chuyển sau khi Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Trump nhậm chức vào Tháng 1, 2017.

Trong lúc đó, hải quân Phi vẫn liên tục được tăng cường với sự chuyển nhượng hay đặt xây hải vận hạm loại lớn, nhiều tầu tuần duyên có trang bị hỏa tiễn từ Úc, Nam Dương, Hoa Kỳ. Và mới đây tập trận để bảo vệ đảo trong vùng biển thuộc chủ quyền bị TQ lấn chiếm. Nói chung, chính phủ và nhân dân Phi vẫn giữ quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, sau khi đạt được nền tảng pháp lý từ phán quyết 12 Tháng 7 của Tòa PCA, sau 3 năm kiện.

4- Chính Sách Của Tổng Thống Obama

Chính sách ngoại giao đối phó mềm của Hoa Kỳ dưới thời TT Obama đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp khá nhiều cho sự trổi dậy của TQ: Hoa Kỳ không có hành động cụ thể nào ngoài những tuyên bố khá cứng rắn của các thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ (Tổng Thống Obama, bà Ngoại Trưởng Clinton rồi Kerry, Phó Tổng Thống Joe Biden) trong các Hội Nghị Thượng Đỉnh trong lúc vẫn giữ được ưu thế vượt trội về quân sự.

Và quan trọng hơn vẫn duy trì một chính sách đối tác tương đối thân thiện với TQ như cách đây hơn 20 năm, dù không còn thích hợp nữa. Qua kiểm nghiệm, chính sách này đối với TQ đã lỗi thời qua nhiều điểm nóng tranh chấp giữa hai bên (tấn công mạng, ăn trộm kỹ thuật, cạnh tranh thương mại bất chính, đe dọa đồng minh của Hoa Kỳ…) khi tình hình đã hoàn toàn thay đổi với sự trổi dậy “không hòa bình” của Trung Quốc, từ đối tác thành đối thủ.

TQ đã bỏ nhiều tài chánh để thuê mướn các nhóm vận động (lobby) cho quyền lợi của họ tại Hoa Kỳ, qua các công ty lớn, các nhóm tài phiệt tại đây. Các nhóm này trong nhiều thập niên luôn có khả năng ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao Hoa Kỳ theo hướng mở rộng giao thương, hòa hoãn, tạo nhiều dễ dãi cho TQ để mong có sự chuyển hóa dân chủ khi kinh tế TQ phát triển và mức sống người dân cao hơn. Họ chủ trương xem nhẹ vấn đề nhân quyền đặt quyền lợi kinh tế không phải chung của Hoa Kỳ, mà chỉ của một số hãng xưởng, tài phiệt lên trên hết.

Chính sách chuyển trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (dồn 60% hải lực về vùng này, đặt căn cứ tại Úc, Tân Gia Ba, Phi… gia tăng các đơn vị hải quân, thủy quân lục chiến bố trí tại các căn cứ tiền phương (Forward Deployment)…), kể từ năm 2009 đã giúp củng cố vòng đai thứ hai, tân trang hải quân Nhật, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ, giúp cho sự chuyển hóa dân chủ tại Miến Điện, tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn chưa có một chính sách cứng rắn cụ thể nào để đối đầu công khai với sự trổi dậy về quân sự, các âm mưu xâm lược trắng trợn của TQ trên Biển Đông và gây hấn tại Biển Hoa Đông tại vòng đai thứ nhất.

JPEG - 95.4 kb
Trung Quốc có đội ngũ hacker đặc biệt chuyên lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến của Tây Phương. (Ảnh: Breaking Defense)

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, trong lúc Hoa Kỳ bận tâm tập trung khả năng quân sự, ngân sách quốc phòng nhằm đối phó với các tổ chức khủng bố Al Qeada, Daech tại Trung Đông, A Phú Hãn, Iraq, đối phó với chương trình võ khí nguyên từ, hóa học của Ba Tư và Bắc Hàn, TQ đã tổ chức, huấn luyện các toán hacker chuyên nghiệp đặc biệt để đi lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến của Tây Phương, đặc biệt là của Hoa Kỳ, về kỹ nghệ, quân sự (J20 Chengdu F22 Raptor, J31 Shenyang F35 Lightning), hàng hải, công nghệ thông tin…

Với kết quả giúp cho kỹ thuật TQ đạt nhảy vọt một bước rất dài từ 10 đến 15 năm, tiết kiệm được hàng trăm tỷ MK về Nghiên Cứu (R&D Research and Development). Ngoài ra, nhờ số thặng dư cán cân thương mại khổng lồ với Hoa Kỳ, Liên Âu, TQ tung cả trăm tỷ Mỹ Kim để đầu tư, xâm nhập vào thị trường và chính trường tại Phi Châu, Nam Mỹ, để mở rộng vùng ảnh hưởng, tìm kiếm thị trường và nguyên liệu.

Vào Tháng 4, 2012, hải quân TQ chiếm hẳn bãi Hoàng Nham, lấy cớ bảo vệ các tàu đánh cá TQ bị Phi săn đuổi, trong lúc Hoa Kỳ không có một phản ứng nào cụ thể để can thiệp cho đồng minh, ngay cả đưa sự việc ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trước thái độ không phản ứng của Hoa Kỳ, TT Phi Luật Tân Aquino vào thời đó đã quyết định lập hồ sơ để kiện TQ ra trước Tòa PCA. Và từ đó TQ cũng đã lượng định rõ được thái độ của Hoa Kỳ, không muốn đối đầu và nhanh chóng gia tăng hải quân, đẩy mạnh chiến lược tằm ăn dâu tại Biển Đông.

Mặc dù về mặt hải lực hiện nay, hải quân TQ vẫn còn thua kém Hoa Kỳ về mặt phẩm, về mặt tinh nhuệ và khả năng tổng hợp về hỏa lực và viễn thám, nhưng đang dần bắt kịp về con số chiến hạm đại dương (blue ocean navy), và vượt trội tại các vùng biển ven biên TQ với sự hỗ trợ các đội thuyền đánh cá có võ trang. TQ có điểm thuận lợi, khai triển hải quân gần các căn cứ tiếp liệu tại Trung Hoa lục địa.

Ngân qũy quốc phòng của TQ tăng vọt 119 tỷ Mỹ Kim (2010), 143 Tỷ Mỹ Kim (2011), 166 Tỷ Mỹ Kim (2012), 188 Tỷ Mỹ Kim (2013), 216 Tỷ Mỹ Kim (2013), 215 Tỷ Mỹ Kim (2015), 232 Tỷ Mỹ Kinm (2016). Trong khi đó Hoa Kỳ đã tiết giảm ngân sách quốc phòng: 698 Tỷ Mỹ Kim (2010), 711 Tỷ Mỹ Kim (2011), 682 Tỷ Mỹ Kim (2012), 640 Tỷ Mỹ Kim), 610 Tỷ Mỹ Kim (2014), 596 Tỷ Mỹ Kim (2015), 610 Tỷ Mỹ Kim (2016). Từ 2010 đến 2015, ngân sách quốc phòng TQ tăng 80%, trong lúc ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ giảm 15%.

Quân đội Hoa Kỳ phải triển hạn, giảm bớt hay ngay cả hủy bỏ một số chương trình chế tạo võ khí ngay cả những chương trình rất tiền tiến như võ khí laser, railgun, hoả tiễn siêu tốc, khu trục hạm DDG-21, máy bay chiến đấu không người lái (combat drone), giúp cho Hoa Kỳ duy trì ưu thế về quân sự.

5- Chính Sách Quyết Tâm Đối Đầu Của Nhật Bản

Hiểu rõ chính sách bành trướng tìm đường ra đại dương của lãnh đạo TQ tại Biển Hoa Đông nhắm vào quần đảo Điếu Ngư, và sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nhật và TQ đã có từ thế kỷ thứ 20, để nắm vị trí đầu tầu tại Đông Á, Nhật (TSLQG 4670 Tỷ MK/TQ 11.400 Tỷ MK, TSL Đầu Người gấp 4,5 lần TQ) đã nỗ lực tân trang hải quân.

Nhằm đối phó với các hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông của TQ (cho tầu đánh cá, chiến hạm vào trong hải phận Điếu Ngư, cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ loại mới nhất bay ngang eo biển Miyako, xâm phạm không phận Nhật, cũng như tuyên bố vùng Nhận Dạng Phòng Không ADIZ lấn qua không phận Nhật trên quần đảo).

JPEG - 31.7 kb
Chiếc bay giám sát của Nhật gần quần đảo Senkaku. (Ảnh: AP)

Cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa TQ và Nhật ngấm ngầm từ năm 1971, lên cao độ vào tháng 7, 2012, khi chính phủ Nhật chính thức mua lại quần đạo Điếu Ngư, với một chuỗi các chạm trán, đụng độ liên tục giữa hải quân Nhật, chiến hạm, tàu đánh cá TQ từ 2013 đến nay.

Cuộc tranh chấp này đã ảnh hưởng đến khối lượng giao thương giữa Nhật – Trung Quốc (giảm khoảng 10%) từ 2014-2016. Nhiều hãng xưởng Nhật vì tinh thần dân tộc đã rút khỏi TQ, một số khác lo ngại các cuộc biểu tình phản đối, bạo động đập phá của công nhân TQ, các hành động trả đũa về thủ tục hành chánh, thuế khóa, nên cũng quyết định rút các xưởng sản xuất khỏi thị trường TQ.

Để gia tăng khả năng quốc phòng, Nhật đã sửa đổi Hiến Pháp 1947, để biến Lực Lượng Tự Vệ thành quân đội Nhật, cho phép quân đội tham chiến ngoài phạm vi thuộc chủ quyền Nhật, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối đầu với TQ về mọi âm mưu xâm lược lãnh thổ thuộc chủ quyền Nhật. Nhật cũng liên kết quyền lợi của Nhật trên Biển Hoa Đông với tình hình trên Biển Đông, sẵn sàng tham gia tuần tiễu trên Biển Đông với hải quân Hoa Kỳ, Phi, cung cấp một số tầu duyên cho Phi, Việt Nam. Từ năm 2008, Nhật đã thành lập một bộ phận tình báo chuyên để thu thập, phân tích mọi dữ kiện liên hệ đến TQ và Bắc Hàn.

Nhằm đối phó với TQ và mối đe dọa từ Bắc Hàn, đang nỗ lực để có hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử bắn từ tầu ngầm, có khả năng đe dọa tất cả các thành phố lớn của Nhật. Nhật và Nam Hàn luôn được chuyển nhượng những kỹ thuật tiền tiến nhất của Hoa Kỳ như đối với Do Thái (khu trục hạm AEGIS, khả năng chống hỏa tiễn ABM,…).

Về mặt kinh tế, Nhật đã ký tham gia Hiệp Ước TPP với Hoa Kỳ, trong lúc không tham gia vào Hiệp Ước ACFTA, vùng mậu dịch tự do giữa ASEAN và TQ, được thành lập tháng 11, 2002, dù đã được TQ mời gọi. Hiện nay, vùng Biển Hoa Đông là một ngòi nổ tiềm tàng giữa TQ – Nhật – Hoa Kỳ.

6- Chính Sách Của Khối ASEAN, Ấn Độ, Úc

Từ hơn 10 năm nay, ASEAN luôn lấy một thái độ rất chừng mực khi phải đưa vấn đề tranh chấp tại Biển Đông ra bàn thảo tại các Hội Nghị Thượng Đỉnh. TQ đã thành công khi phân hóa được ASEAN khống chế Lào, Cam Bốt, CSVN và trước đây Miến Điện, để khối này luôn lấy những quyết định phù hợp với quyền lợi TQ.

Ngoài việc thực hiện một Cung Cách Ưng Xử (Code of Conduct) nhằm giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông, các quan sát viên không ghi nhận được những nỗ lực hỗ tương nào trên bình diện toàn Khối để đối đầu với TQ. Mỗi quốc gia trong ASEAN tại tuyến đầu đều tự tiến hành các nỗ lực tân tranh hải quân riêng biệt (Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Việt Nam, Phi) và có những hợp tác song phương như giữa Phi và Việt Nam.

JPEG - 38.4 kb
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược tại Hà Nội Tháng 7/2012. (Ảnh: Reuters)

Hiện nay trên Biển Đông, TQ vẫn chưa khống chế được Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, Miến Điện và ngay cả Phi, dù có sự thay đổi chính sách. Thành quả lớn nhất của TQ là đã làm tê liệt sườn phía Tây của Biển Đông qua việc khống chế được lãnh đạo CSVN. Tuy nhiên qua các cuộc biểu tình, phản đối liên tục từ 2010, biến cố Hải Dương 981, TQ biết họ đang gặp phải sức đề kháng mạnh của người dân Việt Nam và lãnh đạo CSVN không có khả năng trung hòa hoàn toàn sự đề kháng này.

Ấn Độ (TSLQG 2.250 Tỷ MK, 1,3 tỷ dân) có một biên giới chung với TQ trên dẫy Hy Mã Lạp Sơn (dài hơn 3.300 cây số từ năm 1962), và đã nhiều lần đụng độ quân sự với TQ (1,4 tỷ dân) về mặt chủ quyền về biên giới. Ngoài vấn đề biên giới, Ấn Độ còn cạnh tranh về kinh tế với TQ, để trở thành quốc gia về công nghệ thông tin (offshore services), sau khi giá công nhân tại TQ đã tăng vọt. TQ luôn từ chối không chấp nhận Ấn Độ trở thành một thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ trong lúc Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp đều đồng ý.

Hiện nay, TQ đang xây dựng ảnh hưởng tại Sri Lanka and Maldives là các đảo trong vùng cận hải của Ân Độ. Sau nhiều thập niên, trong thời chiến tranh lạnh, giữ một vị trí trung lập giữa khối Cộng Sản cũ và Tây Phương, Ấn Độ trong những năm gần đây đã dần thay đổi chính sách ngoại giao để đối phó với TQ. Đến gần Hoa Kỳ với nhiều khế ước tân trang không quân (mua các phi cơ tuần hải Poseidon P8), hải quân (xây hàng không mẫu hạm nguyên tử) với sự trợ giúp từ Hoa Kỳ. Ân Độ đã trợ giúp CSVN về mặt huấn luyện hải quân và kiểm báo qua vệ tinh, cũng như đồng ý tuần tiễu cùng với hải quân Phi, Nhật, Hoa Kỳ trên Biển Đông.

JPEG - 86.1 kb
Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật tập trận chung vào Tháng 6/2016. Ảnh: eoneindia.com

Úc (TSLQG 1.256 tỷ MK, 24,5 triệu dân), là nơi nhận nhiều người Trung Hoa di cư, nhất là các thành phần cán bộ muốn đem gia đình đến nơi an toàn hơn ngoài TQ. TQ xem Úc là một nơi có nhiều tiềm năng về năng lượng và nguyên liệu để xây dựng vùng ảnh hưởng. Úc là một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ và đang tối tân hóa tiềm năng quân sự, với việc đặt xây 12 tầu ngầm loại đại dương từ Pháp, các chiến hạm chỉ huy loại lớn từ Tây Ban Nha, khu trục hạm từ Hoa Kỳ.

Trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông, Úc hỗ trợ cho Phi, Hoa Kỳ, Nhật, với các đề nghị cụ thể như tuần tiễu trên Biển Đông, tân trang hải quân, hỗ trợ về mặt tiếp liệu và hợp tác về kiểm báo. Cả Úc và Ấn Độ đều đồng ý với Phán Quyết Tòa PCA như là một căn bản cần tuân thủ để giải quyết ôn hòa cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

7- Kết Luận

Chủ trương Tập Cận Bình khi trở thành lãnh đạo TQ là TQ bắt buộc phải tiến hành chính sách mở đường ra đại dương, qua việc bức phá vòng đai thứ nhất các quốc gia có liên hệ thân thiện, hiệp ước an ninh với siêu cường duy nhất hiện nay Hoa Kỳ, đối thủ của TQ, tại Biển Hoa Đông, phía Đông và Biển Đông, phía Nam.

Mục tiêu của chính sách này sẽ được thể hiện qua việc TQ khống chế được Biển Đông và chiếm lại quần đảo Điếu Ngư, với những chuẩn bị từ các thời Tổng Bí Thư trước (Giang Trạch Dân (1989-2002), Hồ Cảm Đào (2002-2012), chấp nhận phá bỏ chủ trương trổi dậy trong hòa bình của Đặng Tiểu Bình. Tập Cận Bình đã lựa chọn thời điểm hiện nay (2012-201X) để đẩy mạnh, gia tăng nhịp độ tiến hành chính sách tằm ăn dâu, sau khi lượng định được thái độ mềm của Hoa Kỳ dưới TT Obama, sức mạnh kinh tế và quân sự của TQ đã tương đối đủ để tiến hành âm mưu này.

JPEG - 22.6 kb

Chính sách vừa trấn áp với sức mạnh về quân sự, hù dọa qua việc ban phát quyền lợi kinh tế, mua chuộc các thành phần lãnh đạo các quốc gia, kêu gọi hợp tác để trung hòa khả năng chống đối, phân hóa để dễ khống chế từng nước, đã được TQ tiến hành nhịp nhàng từ hơn 2 thập niên này. Chính sách được thực hiện từng bước này đã tương đối đạt kết quả tại Biển Đông (phân hóa được ASEAN, khống chế được lãnh đạo CSVN, từng bước xâm chiếm Hoàng Sa (1988), một số đảo tại Trường Sa), nhưng bị khựng lại sau phán quyết Tòa PCA về đơn kiện của Phi. Chính sách này ngược lại được coi như hoàn toàn thất bại tại Biển Hoa Đông trước quyết tâm đối đầu của chính phủ và nhân dân Nhật về mặt quân sự và kinh tế với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Về phía Nam, cán cân lực lượng hiện nay hoàn toàn thuận lợi cho TQ. Sự cân bằng lực lượng sẽ chỉ được tái lập trở lại khi nào Việt Nam trở thành tự do dân chủ, loại bỏ được những thành phần lãnh đạo tay sai của TQ hiện nay. Vì chỉ có một nước Việt Nam tự do, dân chủ thật sự, với một dân số khoảng 100 triệu, hùng mạnh về kinh tế và quân sự và nhất là quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước qua truyền thống hào hùng của tổ tiên đã từng đánh bại nhiều lần âm mưu xâm lược từ Trung Quốc, sẽ trở thành một điểm mạnh trụ cột trong toàn bộ cấu trúc để chặn đứng âm mưu xâm lược của TQ tại Biển Đông, một cách lâu dài.

Hiện nay, người ta trông chờ chính sách của TT Trump về Biển Đông nói riêng và đối với TQ nói chung (về mặt đối đầu về quân sự, về mặt hợp tác kinh tế) để lượng định về sự ổn định hay bất ổn thường trực của toàn vùng Đông Á, ngay cả đụng độ võ trang tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, trước chính sách xâm lược của TQ.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.