Diễn văn vinh danh luật sư Nguyễn Văn Đài

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Bản dịch của Tri Nguyên

Diễn văn vinh danh luật sư Nguyễn Văn Đài của nữ Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Marie-Luise Dött trong lễ trao tặng Giải Nhân Quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức (Deutscher Richterbund) tại thành phố Weimar, miền đông nước Đức, vào ngày 05/04/2017.

Kính thưa quý vị,

Năm nay Giải Nhân Quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức được trao tặng cho ông Nguyễn Văn Đài, một luật sư Việt Nam. Nhưng ông Nguyễn Văn Đài không giống như bất cứ một luật sư bình thường nào khác. Ông Đài là người đã tận dụng những khả năng và cơ hội của mình trong hơn một thập niên qua để dấn thân cho nhân quyền, cho các nhóm tôn giáo thiểu số và cho việc hun đúc ý thức chính trị về dân chủ và nhân quyền trên quê hương Việt Nam của ông. Nói theo nghĩa đen, ông Đài đã đem tính mạng mình ra để làm những điều này. Những điều mà đối với chúng ta ở nước Đức tuy là đương nhiên, nhưng tại Việt Nam nó lại đem tới những hiểm nguy khôn cùng.

JPEG - 12.7 kb
Bà dân biểu Marie-Luise Dött đọc diễn văn tôn vinh LS Nguyễn Văn Đài (ghế trống biểu tượng sự có mặt của LS Đài).

Trong số quý vị hiện diện hôm nay, hẳn có những người đã từng phải nếm trải sự độc đoán của Cộng hòa Dân chủ Đức khi xưa? Sự tàn bạo của nhà cầm quyền Cộng hòa Dân chủ Đức quý vị hãy nhân lũy thừa lên, thì sẽ hình dung ra được phần nào thể chế độc đoán tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn nhiều công ước trong đó có Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, nhưng trong việc thực thi Việt Nam lại thường làm một cách độc đoán hơn là dựa trên cơ sở nhà nước pháp quyền. Tôi càng thấy rõ điều này hơn kể từ khi tôi nhận bảo trợ cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Việt Nam.

Từ tháng Mười Hai 2015, ông Nguyễn Văn Đài bị tạm giam để điều tra với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Trong gần 16 tháng qua tôi đã cùng với tổ chức nhân quyền “Veto! Mạng Lưới Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền” đấu tranh đòi cải thiện điều kiện giam giữ, thực hiện thủ tục tố tụng theo tiêu chuẩn nhà nước pháp quyền và nhất là phải trả tự do cho ông Đài, vì những tội danh mà ông đang bị gán ghép là hoàn toàn vô căn cứ so với những chuẩn mực tự do, dân chủ của chúng ta.

JPEG - 21.2 kb
Lễ trao Giải Nhân Quyền 2017 cho luật sư Nguyễn Văn Đài. Từ trái sang: bà Dân biểu Quốc hội CHLB Đức Marie-Luise Dött, ông Chủ tịch Liên đoàn Thẩm phán Đức Jens Gnisa và ông Vũ Quốc Dụng – người đại diện của LS Nguyễn Văn Đài.

Kính thưa quý vị, đối với nước Đức chúng ta, tự do quan điểm, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo hay tự do đi lại là những quyền căn bản được bảo đảm bằng hiến pháp. Những quyền này là một phần đương nhiên của cuộc sống hàng ngày, trong nền dân chủ của chúng ta. Không những chúng ta được sử dụng mà còn được viện dẫn và có quyền đòi hỏi được có những quyền tự do này. Là đại diện cho các cơ quan công tố và tòa án, quý vị là người bảo vệ những giá trị cao quý này của xã hội tự do dân chủ của chúng ta. Chính sự họp mặt của chúng ta hôm nay tại Weimar để trao tặng một giải nhân quyền đã chứng tỏ rằng, không phải tất cả mọi nơi nhân quyền đều được tôn trọng – một điều thật đáng tiếc!

Có những ngày tôi không thể nào tưởng tượng nổi và luôn cảm thấy khó chịu khi thấy con số những quốc gia tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền trên thế giới ít hơn con số những quốc gia không thực hiện những điều này. Một trong những quốc gia coi nhẹ nhà nước pháp quyền là Việt Nam. Như chúng ta thấy, sự độc đoán của giới lãnh đạo Việt Nam chính là nguyên nhân vì sao luật sư Nguyễn Văn Đài không thể đích thân đến nhận giải thưởng ngày hôm nay. Nguyên do là ông lại bị bắt giam một lần nữa.

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị tạm giam điều tra từ ngày 16/12/2015. Tại Việt Nam điều này đồng nghĩa với sự cô lập. Ông đang bị giam cách ly. Quý vị chắc biết thế nào là giam cách ly. Nó có nghĩa là người tù không có cơ hội nhận tư vấn pháp lý, không được gặp gỡ thân nhân, không được tiếp xúc các tù nhân khác – Đó là những tình trạng mà chúng ta ở Đức không thể nào hình dung nổi. Ít nhất về một khía cạnh, chúng tôi đã đạt được một thành quả duy nhất có tính cách đột phá là vợ ông, bà Vũ Minh Khánh, đã được phép vào thăm chồng trong trại tạm giam hai lần – lần đầu tiên xảy ra sau gần một năm ông bị giam cách ly!

Ngoài điều kiện giam giữ tồi tệ thì nguyên nhân của việc tạm giam điều tra cũng đáng phải được chú ý đến, ít nhất là theo quan điểm tự do, dân chủ của chúng ta: ông Đài bị tạm giam vì đã làm công việc của một luật sư nhân quyền. Ông Đài bị tạm giam vì đã làm công việc tư vấn và huấn luyện. Ông Đài bị tạm giam vì đã hỗ trợ các nhóm tôn giáo thiểu số. Ông Đài bị tạm giam vì đã dấn thân cho dân chủ và nhân quyền. Bộ Công An Việt Nam gọi những việc làm này là “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Văn Đài bị bắt dựa trên Điều 88 này vào ngày 16/12/2015, khi ông đang trên đường đến gặp gỡ phái đoàn Liên minh châu Âu trong dịp họ sang Hà Nội tham dự buổi đối thoại về nhân quyền thường niên với Việt Nam. Vài ngày trước đó, ông đã bị một nhóm côn đồ do nhà nước chỉ đạo đánh đập tàn nhẫn giữa đường. Riêng trong năm 2015 ông Đài đã ba lần bị công an và những kẻ côn đồ dường như được thuê mướn tấn công bằng vũ lực. Cũng không thể loại trừ khả năng nhà cầm quyền sẽ tiếp tục hành hung và sách nhiễu ông Đài trong thời gian ở trong tù. Ông Đài còn bị tạm giam bao lâu nữa là điều hoàn toàn không thể nào biết được. Nếu một ngày nào đó phiên tòa xét xử được mở ra và bị kết án, thì ông Đài và nữ cộng sự viên của ông bị bắt cùng là bà Lê Thu Hà có nguy cơ bị mức án lên tới 20 năm tù giam.

JPEG - 19.2 kb
Quang cảnh hội trường với 1.000 quan khách tham dự lễ trao Giải Nhân Quyền 2017.

Kính thưa quý vị, đây không phải là lần đầu tiên ông Đài bị bắt giam bởi những công việc của một nhà bảo vệ dân quyền. Ông đã từng bị kết án theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam và bị giam từ năm 2007 đến năm 2011. Tiếp đó là bốn năm quản chế kéo dài đến Tháng Ba 2015 – và chưa đầy chín tháng sau đó ông Đài bị bắt giữ trở lại vào tháng Mười Hai 2015. Việc ông Đài vẫn không ngừng tiếp tục công việc huấn luyện mở mang dân trí đã chứng tỏ sự can đảm vượt bậc phát xuất từ niềm tin vững mạnh trong nội tâm ông. Sau thời gian tù đày, ông Đài tiếp tục có những chương trình trợ giúp các nhóm tôn giáo thiểu số cũng như tư vấn xây dựng các nhóm xã hội dân sự và hiệp hội sinh viên. Ông tiếp tục làm việc tại Trung tâm Nhân quyền Việt Nam do ông sáng lập. Ngay sau khi ra tù vào năm 2011 ông Đài đã không sợ sự răn đe của bộ máy nhà nước và vẫn dấn thân cho các quyền tự do quan điểm, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do đi lại tại Việt Nam. Đến năm 2013, ông Đài đã cùng một số người khác thành lập „Hội Anh Em Dân Chủ” trong mục đích xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ và tiến bộ.

Kính thưa quý vị, đáng lý hôm nay vợ ông Đài, bà Vũ Minh Khánh, phải có mặt cùng chúng ta ở nơi đây, để thay mặt chồng nhận Giải Nhân Quyền. Tiếc rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã ngăn cản không cho bà xuất cảnh vào Chủ Nhật vừa qua tại Hà Nội. Đây là một điều hết sức đáng tiếc và là thêm một bằng chứng nữa về thể chế độc đoán tại Việt Nam.

Bà Khánh là người phụ nữ mạnh mẽ đứng sau lưng ông Nguyễn Văn Đài; thiếu bà, ông Đài không thể nào làm được công việc của mình. Ngay khi ông bị bắt giam lần đầu, bà đã bắt đầu thực hiện việc đánh động dư luận và tạo một tiếng nói cho chồng. Bà Khánh đã tìm những luật sư giỏi nhất và chống trả lại những lời mạ lỵ bôi xấu trên báo chí nhà nước. Bà thật vô cùng can đảm! Sau khi ông Đài bị bắt vào tháng Mười Hai năm 2015, trong năm vừa qua bà đã đi khắp bốn lục địa để gây sự chú ý về những bất công lại vừa xảy đến cho chồng mình. Bà là người phụ nữ quả cảm mà ông Đài hiện đang rất cần đến! Tôi rất tiếc là giới lãnh đạo Việt Nam đã không cho bà xuất cảnh để hôm nay bà có mặt cùng chúng ta và đại diện chồng đón nhận giải thưởng.

Tôi biết trong lúc này, đối với ông Nguyễn Văn Đài cũng như vợ ông, Giải Nhân Quyền của Liên đoàn Thẩm Phán Đức có tất cả ý nghĩa. Giải Nhân quyền đồng nghĩa với sự công nhận một việc làm vô cùng dũng cảm. Giải Nhân quyền là sự đồng tình, hỗ trợ và khuyến khích việc làm này. Đối với ông Đài, Giải Nhân quyền tạo được sự quan tâm trong thời gian mà tiếng nói của ông không thể nghe thấy. Và như thế, Liên đoàn Thẩm phán Đức đã cho luật sư Nguyễn Văn Đài có thêm một tiếng nói và đã cụ thể hóa một tín hiệu.

JPEG - 21 kb
Buổi lễ trao giải diễn ra rất trang trọng. Mở đầu chương trình là biểu diễn nhạc cổ điển. Ghế trống biểu tượng sự có mặt của LS Đài.

Như thế chúng ta tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta không chấp nhận sự độc đoán. Chúng ta không chấp nhận để cho giới lãnh đạo Việt Nam bắt ông Đài để dọa người khác. Chúng ta đứng phía sau, phía trước và bên cạnh người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài! Chúng ta – cũng như ông Đài – chỉ ngừng nghỉ khi nào nhân quyền có giá trị ở mọi nơi và cho mọi người.

Ông Đài đã luôn dấn thân cho quyền của những người khác, bất chấp hiểm nguy luôn đe dọa tính mạng của mình và của gia đình. Hiện nay ông cần sự quan tâm của chúng ta hơn bao giờ hết. Ông Đài cần những sự vinh danh như thế này – như là một câu đáp trả với giới lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, và như là một lực đối trọng với họ.

Kính thưa quý vị, Nguyễn Văn Đài là một người đàn ông xuất chúng. Trong một chuyến công du tại Hà Nội vào mùa hè 2015 tôi đã trực tiếp làm quen và có dịp trao đổi với ông rất lâu. Người ta không thể nào không có ấn tượng về con người này. Tuy vậy người ta vẫn tự hỏi, từ đâu ông có được sức mạnh, có được sự dũng cảm và tính bất khuất trong những hoạt động của mình?

Chưa ai có thể làm ông Đài run sợ: kể cả những vụ hành hung tàn bạo của các cơ quan nhà nước, kể cả những sách nhiễu, kể cả tù đày và quản chế tại gia. Ông không bao giờ để bị chùn bước tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Tại quê hương mình, ông Nguyễn Văn Đài là một người can trường và là một trong số những người bảo vệ các quyền dân sự và chính trị được nhiều người biết đến nhất.

Tôi đặt câu hỏi: Làm sao người ta làm được điều ấy ở một đất nước có cái tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”? Làm sao làm được điều ấy ở một đất nước mà tạm giam để điều tra đồng nghĩa với sự cách ly, không cho tiếp xúc với luật sư và không được thăm gặp? Làm sao người ta làm được điều ấy ở một đất nước mà tự do phát biểu quan điểm có thể đưa tới hậu quả hai mươi năm tù?

Ông Đài kể tôi nghe về động cơ của ông và qua đó mọi điều trở nên sáng tỏ đối với tôi: câu chuyện của ông gắn liền với lịch sử của nước Đức chúng ta. Quý vị hẳn vẫn nhớ đến muà hè và mùa thu của năm 1989? Vâng, dĩ nhiên chúng ta vẫn nhớ. Ông Nguyễn Văn Đài cũng vẫn nhớ, và nhớ bởi cùng một nguyên nhân với chúng ta. Khi gặp ông Đài vào mùa hè 2015 tại Hà Nội, câu chuyện về nước Đức của chính bản thân ông đã gây ấn tượng lớn trong tôi. Năm 1989 ông Đài là một người „lao động hợp tác“ tại Cộng hòa Dân chủ Đức ngày trước. Những người „lao động hợp tác“ biết rõ là họ sẽ hồi hương. Nhưng khi hồi hương ông Nguyễn Văn Đài đã mang theo một điều rất quý báu: đó là nhận thức rằng tự do là điều có thể thực hiện được. Trải nghiệm về sự thay đổi qua một cuộc cách mạng ôn hòa và việc dân chủ hóa một đất nước độc tài đã đưa ông Đài đến quyết định học luật khi trở về Việt Nam. Khi hồi tưởng lại, ông Đài nói, Bức tường Berlin sụp đổ và sự kiện nước Đức tái thống nhất trong hòa bình đã để lại dấu ấn quyết định trong cuộc đời ông.

JPEG - 29 kb
Bà Dân biểu Đức Marie-Luise Dött đọc diễn văn tôn vinh LS Nguyễn Văn Đài.

Mục đích của ông Đài trước sau vẫn là dồn mọi nỗ lực vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Ông muốn có một cuộc sống trong tự do, một cuộc sống với tự do quan điểm, tự do ngôn luận và tự do hội họp. Ông muốn có một cuộc sống tự do và được thực hiện quyền tự do tôn giáo và tự do nghề nghiệp mà không sợ thân thể và tính mạng bị đe dọa. Ông Đài muốn có một Việt Nam dân chủ và không độc tài. Ông muốn có một Việt Nam với một nhà nước pháp quyền và không độc đoán. Ông muốn có một Việt Nam được người dân yêu mến và không phải khiếp sợ.

Động cơ thúc đẩy của ông trước sau vẫn là „cách mạng” Việt Nam một cách ôn hòa, tự tin và khiêm tốn để có được dân chủ, tự do và nhà nước pháp quyền trong tương lai. Nhưng điều này hoàn toàn không dễ dàng thực hiện tại Việt Nam như chính tiểu sử của ông Đài đã cho thấy – rõ hơn hết là qua việc ông bị bắt giữ trở lại. Con đường đi tới dân chủ của Việt Nam vẫn còn dài và cần những người như Nguyễn Văn Đài.

Vì sự dấn thân không biết mệt mỏi và can trường cho dân chủ, tự do và nhân quyền tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Đài được trao tặng Giải Nhân Quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức. Niềm vui của tôi sẽ lớn biết bao nếu như hôm nay tôi được gặp lại ông và được trực tiếp chúc mừng ông tại thành phố Weimar này. Tiếc thay tôi không làm được điều này.

(Bản dịch từ nguyên bản tiếng Đức củaTri Nguyên)

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.