Hồng Kông ngập khói trắng – Bắc Kinh đầy mây đen

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trong lúc cả thế giới dồn hết sự chú tâm vào đạo quân ISIS ở trời Tây và cuộc biểu tình Hồng Kông ở trời Đông thì tại Trung Quốc áng mây đen đang ngày một dày hơn và nặng mùi Cách Mạng Văn Hóa đang phủ cả bầu trời. Người ta bắt đầu thấy các lệnh lạc quái lạ từ ông Tập Cận Bình, chẳng khác gì các lời phán của ông Mao Trạch Đông cách đây nửa thế kỷ trong những ngày tháng điên cuồng của các đợt Hồng Vệ Binh. Cả nước bắt đầu không còn biết đâu là đúng, đâu là phải nữa. Mọi giá trị đang bắt đầu đảo lộn và hoàn toàn tùy hứng từ một cửa miệng.

Đầu tiên là lệnh của ông Tập cấm toàn bộ cán bộ cao cấp lấy các văn bằng cấp cao.

Ban Tổ chức Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc đã cùng với bộ Giáo dục vừa ký chung một nghị quyết vào ngày 19/09/2014 gởi đến các cơ sở Đảng, các ban ngành nhà nước ở mọi cấp. Nghị quyết này cấm không cho tất cả cán bộ tại chức đi học để lấy bằng cao học hay tiến sĩ nữa. Sau đó, một số quan chức cao cấp được lệnh giải thích gián tiếp với báo đài rằng ông Tập Cận Bình cấm cán bộ lấy bằng cấp cao như thế là để bài trừ tham nhũng. Nói cách khác, lệnh này cũng nằm trong kế hoạch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập. Tuy nhiên, các câu giải thích chỉ ngừng tại đó. Dân chúng tròn mắt ngạc nhiên không hiểu 2 việc liên hệ với nhau thế nào.

Hậu quả trong suốt tuần qua, trường đại học nào cũng nhận một chồng đơn xin nghỉ học của các cán bộ tại chức. Hiện đã có một số tiếng nói ủng hộ – không phải vì tác động lên tệ nạn tham nhũng nhưng vì tác động tốt lên giá trị của các bằng cấp. Mọi người thừa biết các cán bộ chỉ ghi tên cho có chứ chẳng đến trường học là bao nhiêu, rồi cứ chờ đến đúng ngày đúng tháng là lãnh bằng. Chẳng ban giám hiệu trường nào dám hé miệng phản đối. Bằng cấp do đó bị lạm phát và mất nhiều giá trị. Vô số cán bộ cao cấp nay có bằng tiến sĩ từ các trường lớn nhất nước như đại học Bắc Kinh, Thượng Hải, Thanh Hoa …

Ngược lại, giới quan chức đang “đi học” bày tỏ mức bất mãn cao độ qua hệ thống mạng Internet và hệ tin nhắn Weibo dưới dạng ẩn danh. Họ tố cáo rằng chính Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường khi trở thành cán bộ cao cấp đều đã lấy bằng tiến sĩ tại chức về môn Xã Hội Học – mà trước kia gọi là môn Triết Học Mác Lênin. Những người phản đối đòi cả ông Bình lẫn ông Cường phải trả lại 2 cái bằng tiến sĩ đó cho nhà trường theo đúng tinh thần của nghị quyết vừa được ban hành.

Nhiều nhà phân tích tin rằng nghị quyết đó chỉ là một phần trong toàn bộ nỗ lực của ông Tập nhằm xóa dần các di sản của vị tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Chỉ vài tháng trước ông Tập đã cho bắt giữ, điều tra, cách chức hàng loạt cán bộ cao cấp có gốc từ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản – tức sào huyệt phe nhóm quyền lực của họ Hồ. Nay ông Tập tiếp tục chính thức xóa bỏ một chính sách mang dấu ấn của Hồ Cẩm Đào khoảng 10 năm trước, đó là cấp học bổng để khuyến khích cán bộ, quan chức của đảng và nhà nước Cộng sản Trung quốc lấy các học vị cao.

Hiển nhiên, các phe cánh còn lại không ngồi yên nhìn ông Tập liên tiếp “đả hổ diệt ruồi” hết nhóm Bạc Hy Lai, đến phe Hồ Cẩm Đào đến cánh Giang Trạch Dân. Nhiều chỉ dấu cho thấy họ đang liên kết lại với nhau để phản công. Một trong những cách phản công là âm thầm tiết lộ nhiều hồ sơ mật về tội ác của đảng Cộng sản Trung quốc cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước. Những hồ sơ này đang lần lượt xuất hiện trên mạng Internet với những lời kêu gọi giải phóng đất nước khỏi cảnh cai trị độc tài. Hiện nay nhóm của ông Lưu Hiểu Ba vẫn tiếp tục hoạt động dù ông bị bỏ tù. Cạnh đó còn các tập thể khác như nhóm Ngải Vị Vị, nhóm Hiến Chương 08, nhóm luật sư nhân quyền…, đó là chưa kể đến các tổ chức của người sắc tộc Tây Tạng, Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), Nội Mông.

Đặc biệt cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người dân Scotland (Tô Cách Lan) vào ngày 18/09/2014 đã ảnh hưởng mạnh đến các phong trào đòi độc lập ở Hoa lục và tạo nhiều lo lắng cho chính phủ Tập Cận Bình.

Sự lo lắng này dẫn đến một bài viết rất quái lạ, theo kiểu báo động trời sắp sập, vào ngày 24/9/2014 trên trang nhất báo Nhân Dân Trung Quốc. Bài viết được ký tên của ông Lý Mãn Trường, Đại sứ Trung quốc tại Cộng hòa Serbia, với tựa đề Nếu dân chủ hóa Trung quốc sẽ tan thành 30 mảnh. Có lẽ ông Lý được chọn đứng tên để cố tạo sự liên tưởng đến Serbia, một phần của nước Yugoslavia (Nam Tư) cũ bị vỡ ra sau khi thoát ách độc tài cộng sản.

Bài viết đưa ra các tiên đoán gần như khẳng định rằng nếu vì một lý do nào đó mà áp dụng thể chế tự do, dân chủ, đa nguyên đa đảng theo kiểu Âu Mỹ thì Trung Quốc trong vòng 2 năm sẽ xảy ra nội loạn, với ít nhất 13 triệu người thiệt mạng, 130 triệu người tị nạn, và Trung quốc sẽ chia thành 30 mảng.

Lập tức có người cho rằng đây là bước chuẩn bị để ông Tập lập ra tội danh mới cho cánh đối phương: tội âm mưu xâu xé tổ quốc. Chưa rõ ý định đó có thật không và bài viết kể trên có hù dọa được ai không, nhưng các nhà theo dõi tình hình Trung Quốc đã đưa ra nhận định ngay rằng các con số này không dựa trên căn bản khảo cứu hay thống kê khoa học nào cả, mà chỉ tung ra tùy tiện y như thời cách mạng văn hóa. Các con số thời đó đều là chân lý chỉ vì đảng và Mao chủ tịch bảo thế. Thí dụ như tiên đoán: với số lò rèn ở sân sau mọi nhà vào thời đó thì chỉ trong vòng 15 năm kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ và Anh.

Một số cư dân mạng cũng bỏ công ôn lại lịch sử để phản luận bài của ông Lý Mãn Trường. Các nước thuộc Nam Tư cũ thực ra là những dân tộc có lịch sử, ngôn ngữ, tập tục khác nhau, nhưng đã bị Nguyên Soái Tito và đảng cộng sản của ông ép buộc phải đứng chung dưới cùng một chế độ. Cộng sản Trung Quốc ngày nay cũng thế, đặc biệt là đối với 2 dân tộc Tây Tạng và Ngô Duy Nhĩ. Sau khi chiếm 2 nước này, Bắc Kinh còn tiến hành các nỗ lực tẩy xóa văn hóa của họ, đưa đông người Hán đến chiếm đóng hầu hết các đô thị, kỳ thị người dân bản xứ và đối xử với họ như các kẻ thù tiềm ẩn. Khi các nước phương Tây có chính sách đô hộ nước khác như vậy thì chúng là “lũ thực dân, đế quốc độc ác đáng bị tiêu diệt”, còn khi “đảng ta” làm cùng một việc như thế thì người dân lại phải ca ngợi công trạng của đảng đã duy trì và “phát triển” sự đoàn kết quốc gia?

Trong những ngày tháng tới, đặc biệt với các biến động tại Hồng Kông, người dân Trung Hoa chờ đợi bầu không khí đầy mùi và màu của thời Cách mạng Văn hóa sẽ càng lúc càng đậm đặc – một cảnh tượng cứ diễn đi diễn lại dưới bầu trời bình ổn Xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: DienDanCTM

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.

Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số người lao động trẻ từ 15 tuổi lên là 52,4 triệu, chiếm 53,3% tổng dân số.

Thời gian qua, tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh nói lên thực trạng khó khăn của người lao động Việt Nam, nhất là trong giới lao động trẻ.

Các chuyên gia nói gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam

Một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam, tám tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế sẽ cùng tổ chức một hội thảo vào ngày 6 tháng 5 năm 2024 để báo động tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo “Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng tại Việt Nam & hành động để tranh đấu cho nhân quyền” sẽ quy tụ các chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền.