Khi người dân đang dần khỏi bệnh liệt kháng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

LGT: Tác giả là một bác sĩ chuyên khoa về tâm trí thần kinh, từng có dịp tâm-dược lý trị liệu cho những nạn nhân bị bạo hành. Trong bài này tác giả đối chiếu quan hệ giữa kẻ bạo hành và nạn nhân so với quan hệ giữa Đảng CSVN và nhân dân.

 

Những nạn nhân của sự bạo hành mãn tính

Những chuyên gia tâm lý thường không xa lạ với tâm trạng của những nạn nhân bị bạo hành dai dẳng lâu ngày. Từ bạo hành ở đây có nghĩa ức hiếp hành hạ bao gồm về mặt thể xác (cưỡng bức tình dục, đánh đập đầy đoạ thân thể, nhục hình) và/hay về mặt tinh thần (liên tục làm tổn thương tâm lý, hạ thấp nhân phẩm).

Nạn nhân thường bị kẻ bạo hành cô lập cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và đẩy vào thế bị lệ thuộc vào thủ phạm, và thủ phạm có thể khống chế, kiểm soát chi phối hoàn toàn nạn nhân, và khiến nạn nhân phải nghĩ rằng mình là kẻ đang thọ ơn kẻ bạo hành như công cha nghĩa mẹ dung dưỡng mình.

Lâu ngày, nạn nhân quen dần với sự bất lực của mình, an phận chịu đựng, coi đó là chuyện đương nhiên, tuyệt vọng không tin rằng mình có thể làm gì được để thoát ra khỏi tình trạng bị bạo hành. Ý chí và sức đề kháng do đó bị bào mòn triệt tiêu đưa tới tình trạng liệt kháng. Rồi trở nên vô cảm thậm chí còn cưỡng lại mọi tác động thay đổi từ bên ngoài vì sợ phá đi cái không gian sinh tồn nhỏ bé còn lại của mình mà mình đã phải trải qua nhiều đau khổ để thích ứng.

Sự lệ thuộc vào kẻ bạo hành khiến nạn nhân nhiều khi còn quyết tâm bênh vực thủ phạm sợ thủ phạm mất đi thì mình cũng chẳng còn, sợ thủ phạm không mất đi mà chỉ bị thương tích xây xát thì sẽ giáng cơn tức giận lên đầu mình, mình còn khổ hơn.

Trong khi đó kẻ bạo hành thường khéo léo khi xiết mạnh, khi mở để nạn nhân cảm kích thọ ơn. Ví dụ khi bị xiết cổ lâu ngày trong trạng thái gần ngạt thở, đến lúc được nhả lỏng ra cho thở dễ hơn để khỏi chết, nạn nhân dễ thấy đó là hạnh phúc và rất đội ơn kẻ bạo hành đã tử tế nương tay cho phép mình thở dễ hơn, quên đi rằng thở bình thường tự nhiên là quyền tự nhiên của mình không ai được xúc phạm tước đi.

Kẻ bạo hành nhiều khi cũng rất là tử tế với nạn nhân, nhất là khi cảm thấy con run xéo mãi cũng quằn vùng vẫy, hay khi muốn thưởng cho nạn nhân đã ngoan ngoãn triệt để phục tòng. Những giây phút tử tế đó làm nạn nhân càng thêm mủi lòng, từ khổ tận cùng lên đến hạnh phúc tuyệt vời, và dễ dàng chấp nhận những năm tháng dài bị đầy đọa như là cái giá hợp lý phải trả cho giây phút hạnh phúc ngắn ngủi đó và trở nên sợ mọi sự thay đổi hiện trạng e sẽ không còn cơ hội hưởng cái cảm giác phê đã ấy.

JPEG - 45.1 kb
Ảnh: cdn.inquisitr.com

Những cơ quan xã hội muốn can thiệp giúp đỡ nạn nhân trong một gia đình mà người chồng, người cha là kẻ bạo hành lạm dụng vợ và con, không hiếm khi gặp những người vợ tuy là nạn nhân, vẫn hết mình bênh vực bảo vệ chồng, vô cảm với nỗi đau khổ của con đang bị cha lạm dụng bạo hành, thậm chí còn mắng con, bắt nó im lặng không kháng cự lại cha, và từ chối thậm chí chống lại sự giúp đỡ từ người ngoài.

Khi đã bị liệt kháng và hoàn toàn bị thuần phục như con chó trung thành trong nhà, thì dù có được thả lỏng cho đi ra bên ngoài, nạn nhân vẫn sẽ ngoan ngoãn quay trở về lại với kẻ bạo hành.

Lúc này nếu người ngoài muốn can thiệp giúp họ, muốn khích động sự đề kháng của họ bằng cách chửi bới tô vẽ hình ảnh kẻ bạo hành là kẻ tàn độc, hình ảnh càng tàn độc, thì càng làm họ thêm sợ hãi, liệt kháng thay vì tức giận phản kháng.

Những nạn nhân đã thoát khỏi được tâm lý liệt kháng nói trên, thường trải qua tiến trình tiệm tiến, không dễ một sớm một chiều.

Trước hết là họ tiếp cận được với thế giới xung quanh, tầm nhìn được mở rộng để dần thấy rằng kẻ bạo hành không phải là mạnh vô song, là tất cả thế giới của họ như họ đã từng tin, từ đó mới dần dần thấm rằng cuộc sống của họ là hiện trạng không bình thường như họ đã quen.

Họ bớt tuyệt vọng và tin rằng mình có thể có một cuộc sống an toàn ngoài sự bao bọc kiểm soát chi phối của kẻ bạo hành rồi dần có thêm tự tin rằng mình không hoàn toàn bất lực mà có thể làm được cái gì đó cho cuộc sống mình khá hơn không cần phải thông qua kẻ bạo hành. Rồi bắt đầu có những rụt rè dọ dẫm thử mức độ an toàn cho mình. Trong tiến trình này trong thâm tâm họ vẫn luôn mong và hy vọng kẻ bạo hành sẽ chủ động thay đổi tử tế hơn để đôi bên hòa thuận vui vẻ cho cuộc sống dễ dàng hơn, mặc dù hy vọng đó thường hão huyền vì bản chất kẻ bạo hành khó thay đổi, nhất là nếu không bị áp lực thường trực, không cưỡng lại được.

Khi sự tự tin bắt đầu tăng dần cũng là lúc ý chí đề kháng bắt đầu thức dậy và từ từ hồi phục. Tinh thần đề kháng phục hồi dần đến một mức độ mà sự bạo hành càng tàn độc của kẻ ác sẽ càng thôi thúc tính đề kháng cho tới một lúc nó bùng lên thành hành động quyết liệt dứt khoát, nhất là khi nạn nhân cảm thấy mình tới đường cùng không thể mất hơn.

Hành động dứt khoát có thể như người vợ dắt con bỏ trốn sẵn sàng phá bỏ cuộc hôn nhân hoặc sẵn sàng tử chiến với kẻ bạo hành.


Chế độ CS bạo hành và nạn nhân của nó: người dân

Những chế độ độc tài như CS vốn có bản chất của kẻ bạo hành với cùng cung cách duy trì quyền lực và áp bức nạn nhân là nhân dân như ở trên.

Nhìn lại những năm gần đây ta thấy một sự chuyển biến nơi người dân tương tự như các nạn nhân bị bạo hành kể trên.

Tình trạng bưng bít thông tin bị phá vỡ, người dân trong nước kết nối được với thế giới bên ngoài, thái độ vô cảm makeno đã bớt đi nhiều, cũng thấy bớt đi hiện tượng những gia đình mắng mỏ, thậm chí đánh đuổi con cái của mình vì đã dám dấn thân vào đấu tranh khiến gia đình bị làm khó dễ.
Thay vào đó, ta thấy những người mẹ, người cha, anh chị em càng thêm sát cánh bênh vực con em của mình, thậm chí hết sợ mà còn hãnh diện về thái độ và tinh thần quả cảm của người thân đang đối kháng lại sự áp bức.

Từ những rụt rè dò dẫm bày tỏ bất đồng chính kiến với chế độ, núp sau những hình ảnh Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng, như những tấm khiêng chắn, càng ngày ta càng thấy những cuộc xuống đường của người dân trong đó hoàn toàn không có những thứ khiêng chắn trên.

Lúc ban đầu sau mỗi đợt trù dập bắt bớ của nhà cầm quyền, các người đấu tranh phải lặn im một thời gian khá lâu trước khi có người mới công khai đứng lên; nhưng càng về sau, hễ có ai bị trù dập bắt bớ thì liền sau đó có lớp người mới dứng dậy tiếp nối. Có vẻ đang tới giai đoạn mà càng trù dập thì sự đề kháng càng thôi thúc.

JPEG - 124.2 kb
Bạn bè của những người bị bắt đi đòi người. Ảnh: Facebook

Khởi đi từ lên tiếng phản kháng của vài cá nhân, càng ngày càng nhiều người lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền, mới đầu ta thán chửi bới cho nhau nghe, về sau trực diện công khai nhắm cho Đảng và nhà nước nghe.

Rồi sự đề kháng không còn ở mức chửi đổng, chửi suông mà đang bước qua hành động. Càng ngày các cuộc xuống đường càng nhiều và dạn dĩ hơn. Xuống đường bày tỏ thái độ công khai về mọi lãnh vực: bảo vệ cây xanh, khiếu kiện của dân oan, phản đối đắp bờ sông thay đổi giòng lưu, phản đối Trung Cộng và Tập Cận Bình, đòi biển sạch v.v… Người dân đang thêm tự tin để đòi lại quyền làm chủ cuộc sống của chính mình.

Một điều đáng quan tâm, nhất là đối với chế độ cầm quyền cần quan ngại, là người dân có vẻ đang bước vào ranh giới của sự bạo động.

Trước đây những cuộc xuống đường rất ôn hoà, các clip phim tên youtube dạo đó thường cho thấy người dân thường nhẫn nhịn, ngay cả khi bị công an côn đồ đánh đập bạo hành, người dân vẫn chỉ thụ động chịu đựng đứng nhìn, cùng lắm là la làng và quay phim làm chứng; chỉ thỉnh thoảng mới có vài cá nhân riêng lẻ đối kháng bạo động trong vô vọng như Đoàn Văn Vươn Ở Tiên Lãng, Đặng Ngọc Việt ở Thái Bình (bắn 5 cán bộ rồi tự sát).

Gần đây mức độ bạo động lên mức tập thể, như vụ dân Nghệ An ném đá tới tấp vào công an khi lực lượng này định dẹp biểu tình, dân Khánh Hòa mạnh dạn nhào tới xô đẩy lực lượng CSCĐ và trên Youtube ta thấy lực lượng này nhiều phần ở vị thế chống đỡ, dân Lâm Đồng chém chết 1 cán bộ kiểm lâm khi xô sát với lực lượng công an và kiểm lâm đến cưỡng chế đất làm rẫy của họ.

Đây là tiếng chuông báo động cho giới cầm quyền CSVN. Với thảm họa môi trường đe doạ trực tiếp đến sinh mạng của người dân, với viễn cảnh bị Bắc Thuộc với gương của Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ bị Trung Cộng tiêu diệt văn hoá bản sắc dân tộc, nhiều người dân bắt đầu cảm thấy mình không còn gì để mất hơn. Với sự tự tin và sức đề kháng đang được phục hồi đủ để bước sang hành động, người dân sẽ dễ bước vào giai đoạn dứt khoát quyết liệt. Và lúc này, cầm quyền CSVN chỉ còn vài lựa chọn đối với người dân.

Những lựa chọn cho giới cầm quyền CSVN

Khi mà người dân hay nạn nhân của bạo hành bắt đầu đứng dậy phản kháng giành lại quyền làm chủ vận mạng mình, phản ứng đầu tiên của kẻ bạo hành là gia tăng trấn áp bức hại nạn nhân. Nhưng khi mà nạn nhân đã hết liệt kháng đủ tự tin và ý chí để không chịu quỳ gối mà muốn đứng dậy, thì càng bị trấn áp, nạn nhân càng nung nấu lòng uất hận căm thù.

Bạo lực trấn áp có thể thắng trong một thời gian, nhưng khi lòng căm thù uất hận lên cao, giống như áp xuất trong nồi xúp de càng căng đến một lúc sức đè của bạo lực trấn áp không đủ để kìm giữ, cơn cuồng nộ nổ bùng, bạo lực từ nạn nhân đối với kẻ bạo hành sẽ không thể kềm hãm được. Số phận cuối đời của vợ chồng nhà độc tài Ceaucescu ở Romania, Saddam Hussein ở Iraq, Khadafi ở Lybia là ví dụ điển hình.

Thiên An Môn VN? Trong sự chai lỳ muốn duy trì quyền lực bằng mọi giá, nhóm độc tài CSVN có thể muốn theo gương sư phụ của mình là chế độ Bắc Kinh, chuẩn bị theo khuôn xử lý của Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhưng nhìn kỹ lại vụ Thiên An Môn theo các tài liệu lịch sử tổng hợp phổ biến trên Youtube, lực lượng quân đội đầu tiên được phái đến triệt hạ quần chúng biểu tình đã quay xe trở ra khỏi Bắc Kinh sau khi tiếp cận trực diện với người dân, vì đây là những đơn vị đóng gần xung quanh thủ đô nên dễ thông cảm với người dân Bắc Kinh khi hai bên từng có những liên hệ xa gần có khi ruột thịt với nhau để dễ truyền đạt cho nhau tình hình thời sự.

Nhà cầm quyền Trung Cộng sau đó đã phải điều động quân về từ Tân Cương, trong khung cảnh bưng bít thông tin, sau khi đã nhồi sọ các binh lính này rằng những người biểu tình là những tên phản động xấu xa đang phá hoại đất nước XHCN và cần phải bị tiêu diệt. Nên cuộc đàn áp tàn sát không nương tay đã xẩy ra.

Tàn sát kiểu Thiên An Môn sẽ khó xẩy ra tại Việt Nam. Vì nước ta không rộng nghìn trùng như nước Tàu, ngày nay sự bưng bít thông tin đã bị phá vỡ, sự ta thán bất mãn của quần chúng đối với giới cầm quyền rộng khắp mọi miền đất nước, bộ đội công an chẳng còn mấy ai cực đoan tin vào lý tưởng CS XHCN để mà hăng hái tiêu diệt người dân “phản động”, khi chính trong những đám dân chúng “phản động” này có nhiều người là bà con họ hàng của họ.

Dù họ có nằm trong bộ máy bạo lực chuyên chế, được Đảng CS ưu đãi cho nhiều quyền lợi vật chất khiến nhiều phụ nữ vẫn mong được kết hôn với họ, để họ cảm thấy “Còn Đảng còn mình”, nhưng lương tâm con người Việt Nam sẽ khó làm cho họ thẳng tay mạnh dạn tàn bạo với người dân trong khi vẫn phải kiên nhẫn nhịn nhục với sự lấn áp của giặc tàu cộng.

JPEG - 83.3 kb
Một người biểu tình thuyết phục lực lượng an ninh ở Sài Gòn “mở đường” để những người xuống đường vì môi trường hôm 1-5-2016 có thể ra. về Ảnh: YouTube BBC

Nhìn lại các clip phim gần đây về những đụng độ giữa dân biểu tình và CSCĐ mặc quân phục, ta càng ngày càng thấy những nét mặt thẫn thờ, cánh tay buông lỏng nơi nhiều anh CS trước những lời thuyết giảng của bà con đối kháng. Và những lời chống chế biện bạch: “Chúng tôi chỉ làm theo lệnh của cấp trên!”

Có lẽ nhiều người trong họ cũng đang bắt đầu cảm thấm rằng mình cũng là nạn nhân của chế độ, nhất là khi biết được rằng những thành phần quyền lực nhân danh Đảng và chế độ, mà mình đang bảo vệ nơi tuyến đầu tiếp cận với dân, lại đang rủ nhau chuẩn bị bỏ chạy ra nước ngoài.


Syria VN? Có thể giới lãnh đạo ở Ba Đình cũng đang cân nhắc học tập gương của Assad ở Syria. Trong tinh thần thà mất nước hơn mất Đảng (quyền), đám này có thể để cho đất nước tan hoang, rơi vào nội chiến trong khi vẫn giữ được quyền lưc. Nhưng phải biết rằng lực lượng trung thành với Assad không phải chỉ vì Assad, mà là chính vì yếu tố sắc tộc với mối thù truyền kiếp giữa phái Shia (Assad) và phái Sunni (phần lớn quân nổi dậy), và tranh chấp lãnh thổ với phái Kurd.

Sự trung thành của quân đội công an đối với CSVN không phải là vô điều kiện mà căn bản hiện nay chỉ dựa trên lợi ích được những ưu đãi đặc quyền hơn người dân bình thường. Khi các xếp lớn của họ đang lo dọn đường thủ sẵn những bãi đáp an toàn cho gia đình và bản thân tại các xứ Tây Phương, các bộ đội công an sẽ dần phải thấy rằng nếu họ triệt để thi hành lệnh dùng bạo lực đàn áp dân, thì khi đổi đời lúc cơn cuồng nộ của người dân nổ bùng, chính họ có nhiều xác xuất trở thành nạn nhân trực tiếp đầu tiên của lòng uất hận mà người dân đã chất chứa bấy lâu và đang bùng vỡ mất kiểm soát.

Vì họ là biểu tượng trực tiếp với dân của chế độ bạo hành. Họ đã phải thấy cơn phẫn nộ của người dân có thể sẽ như thế nào qua hiện tượng dân làng xúm lại đập chết các kẻ trộm chó chỉ vì bực tức đã bị liên tục mất trộm chó nhiều lần.

Những tên Lê Chiêu Thống đương đại? Cũng vẫn với tinh thần thà mất nước hơn mất ghế quyền lực, các kẻ chóp bu cầm quyền ở Ba Đình có thể sẵn sàng bán mình cho TC, để được làm lãnh chúa quận vương của một châu quận Việt nằm trong nước Tàu vĩ đại để được “hoàng đế” ở Bắc Kinh che chở giúp trấn áp dân Việt đang nổi dậy. Nhưng đây cũng không phải là lựa chọn thật sự an toàn cho chóp bu CSVN.

Cùng là CS hiểu rất rõ về cách ứng xử CS, sẵn sàng thanh toán giết hại nhau như Mafia mà điển hình là vụ thanh toán nhau ở Yên Bái gần đây nhất, các chóp bu ở Ba Đình phải biết rằng họ có thể bị CS TQ thanh toán, hay vất thải dễ dàng khi giao sinh mạng mình trong tay các đồng chí Tàu.
Họ cũng phải đối diện với nguy cơ thanh toán tàn sát trong nội bộ để giành lấy sự tin tưởng của chủ Bắc Kinh để được chủ phong cho ngôi vị đứng đầu phiên quận Việt. Không biết họ có còn thấy không một nguy cơ nữa quan trọng nhất: khi không còn liệt kháng, dân tộc VN (bao gồm cả dân lẫn quân) đã từng chứng tỏ truyền thống lịch sử bất khuất trước xâm lược phương Bắc và Lê Chiêu Thống đã phải chết ô nhục bên Tàu.

Xuôi theo hay đón đầu diễn tiến hoà bình. Những người lãnh đạo CS không phải không thấy xu hướng tất yếu của trào lưu dân chủ hoá trên thế giới nhưng lòng tham mê ghiền quyền lực làm họ cố kéo chậm tiến trình này càng lâu càng tốt cho họ có thì giờ chuẩn bị thích ứng để vẫn nắm quyền lực trong bối cảnh dân chủ mới.

JPEG - 121.5 kb
Giáo dân Giáo phận Vinh xuống đường vì môi trường ngày 14.8.2016. Ảnh: GNsP

Họ hay nhân danh sự ổn định để chống lại mọi thay đổi nhanh chóng vượt ngoài vòng kiểm soát của họ. Hy vọng qua hiện tượng 3 đến 4 chục ngàn giáo dân giáo phận Vinh xuống đường ôn hoà làm sạch bảo vệ môi trường vừa nói lên nguyện vọng của mình ngày 14 tháng 8 vừa qua, cầm quyền CSVN sẽ tỉnh ngộ để thấy rằng nếu để cho người dân cơ hội tranh đấu cho quyền lợi của mình một cách bất bạo động mọi chuyện sẽ êm ả trong hoà bình ổn định.

Thật vậy, khi lực lượng cảnh sát trấn áp chỉ khoanh tay đứng nhìn, bà con giáo phận Vinh sau khi đạt được chỉ tiêu cho cuộc xuống đường của mình đã tự động giải tán trong ôn hoà trật tự chỉ sau 1 thời gian ngắn. Lực lượng trấn áp chẳng phải tốn công mất sức, không giọt máu nào đã phải đổ.

Đây là bài học hy vọng bộ máy bạo lực chuyên chế của đảng CS nắm được và áp dụng ngay cả trong những khi mà tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía công an cảnh sát. Bởi vì bạo lực trấn áp đến lúc này chỉ làm sôi sục thêm lòng uất hận căm thù của nạn nhân là dân với kẻ bạo hành mà hậu quả về sau đối với kẻ bạo hành sẽ khó lường đươc, dù các tổ chức và phong trào đấu tranh có kêu gào bất bạo động.

Lực lượng bạo hành cũng nên nhớ rằng ngay tại Thiên An Môn, khởi đi từ cuộc xuống đường ôn hoà bất bạo động, khi cầm quyền Bắc Kinh ra tay trấn áp bằng bạo lực, trong những giây phút bạo hành hỗn chiến đó, có những lính TC đã bị người dân thiêu sống treo xác lên cao.

Áp lực của phong trào đấu tranh bất bạo động từ quần chúng sẽ thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đi nhanh hơn là tốc độ mà chóp bu CSVN muốn. Đây là tiên trình tất yếu, khó thể cưỡng lại. Nếu chọn lựa những cách chống lại như liệt kê ở trên chỉ đem lại những kết quả cuối cùng nguy hiểm cho CSVN, thì xuôi theo diễn tiến hoà bình có nhiều phần an toàn hơn cho họ, như họ đã thấy ở Đông Âu và Liên Sô trong thập niên 90.

JPEG - 139.5 kb
Người dân Hà Nội tọa kháng tại Hồ Gươm sáng ngày 1.5.2016. Ảnh: http://nhathothaiha.net

Nếu khôn hơn nữa trong đối phó với áp lực từ quần chúng, CSVN nên chủ động đón đầu diễn tiến dân chủ hoá hoà bình này, như Thein Sein tại Miến Điện, để cùng góp tay vào một cuộc chuyển giao quyền lực êm ả sang thể chế dân chủ mà trong đó họ có thể hạ cánh an toàn ngay chính trên quê hương mình.

Được như thế, rồi sẽ chẳng còn chế độ bạo hành và dân chúng nạn nhân, và với bản chất bao dung và hay quên hận thù của người dân nói chung trên thế giới, và của dân Việt nói riêng, cuộc đại hòa hợp hoà giải dân tộc thực sự sẽ xẩy ra để tất cả mọi thành phần dân tộc có thể cùng nhau góp phần canh tân xã hội và đất nước cũng như đoàn kết để bảo vệ chủ quyền và độc lập cho nước nhà.

Đặng Vũ Chấn

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (gọi tắt là SCB) của đại gia Trương Mỹ Lan được chính phủ Việt Nam bơm tiền cứu. Ảnh: Nhac Nguyen/ AFP via Getty Images

Giải cứu SCB: Lợi bất cập hại!

Hình dung một cách đơn giản thì ngân hàng SCB huy động tiền của người dân, cung cấp cho bà Trương Mỹ Lan, bà này hối lộ cho các quan chức, rồi bây giờ bà Lan bị án tử hình còn NHNN bơm tiền ra để cứu ngân hàng SCB.

Khoản tiền giải cứu khổng lồ này [24 tỷ đô-la] không tự dưng mà có mà lấy từ ngân sách, nghĩa là từ tiền người dân và doanh nghiệp đóng thuế, từ bán tài nguyên quốc gia. Xét cho cùng, đất nước thiệt đơn thiệt kép, chỉ các quan chức giấu mặt được hưởng lợi.

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 15 – 21/4/2024

Nội dung:

– Hawaii tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương;
– Ghi ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương tại Paris;
– Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội; Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Genève, Thụy Sĩ;
– Kêu gọi tham gia Biểu tình và Văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR vào hai ngày 7 và 8/5, 2024 tại Genève, Thụy Sĩ.

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.