Nhân danh đám đông và trích dẫn thứ phát

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đọc bài phê bình của tác giả Trường Sơn (1) thật thú vị vì có nhiều thông tin và nhất là nó cho chúng ta một cái nhìn khách quan. Tác giả phê bình bài “Niềm tin của một dân tộc không thể là sự ’ảo tưởng’” (2) của ông PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng trên bài QĐND. Nhưng qua bài viết của tác giả Trường Sơn tôi chú ý ngay đến 2 vấn đề liên quan đến việc nhân danh đám đông và trích dẫn thứ phát trong bài văn của ông Nguyễn Mạnh Hưởng, và nhân đây tôi có vài dòng bàn thêm chung quanh 2 vấn đề đó.

Nhân danh đám đông

Ngay từ tựa đề, bài viết của ông Hưởng đã có cái nhân danh đám đông: “Niềm tin của một dân tộc không thể là sự ’ảo tưởng’”. Tác giả muốn nói rằng một khi đám đông (quần chúng) đã chọn một lí tưởng nào đó thì lí tưởng đó không thể là một ảo tưởng, không thể sai được. Tôi nghĩ ngay đến 2 điểm không ổn trong kiểu lí luận này.

Thứ nhất là sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội có thật sự là lựa chọn của dân tộc? Theo tôi thì chẳng có chứng cứ nào để nói như thế cả. Phân nửa đất nước trước 1975 không chọn XHCN, và phân nửa đó bị tấn công, tiến chiếm bằng vũ lực, và áp đặt thể chế XHCN, chứ họ đâu có chọn chủ nghĩa đó. Ngay cả ở miền Bắc tôi nghĩ nếu được hỏi nghiêm chỉnh và khách quan, đa số cũng không chọn XHCN. Sau 1975, hàng triệu người liều mình vượt biển và vượt biên và họ thà chết chứ không chấp nhận sống với XHCN. Cho đến nay, khi có điều kiện và có dịp, người Việt vẫn tìm cách bỏ nước ra đi. Cách hay nhất và khách quan nhất để biết ý kiến của người dân là trưng cầu dân ý một cách không can thiệp (giống như Thuỵ Sĩ đã làm về câu hỏi có nên tham gia EU, hay Úc làm để hỏi ý người dân muốn duy trì chế độ quân chủ). Thế nhưng ở VN hoàn toàn không có một cuộc trưng cầu dân ý nào để hỏi người dân về đường hướng XHCN. Người dân cũng không có quyền bầu cử người mình chọn (vì họ chỉ được bầu người do đảng chọn). Do đó, không có bất cứ một chứng cứ nào để kết luận rằng dân tộc Việt Nam chọn XHCH.

Thứ hai là cách nói dựa vào đám đông (dân tộc) là không ổn. Nếu dùng cách lí luận như thế, người ta cũng có thể nói việc đấu tố các “địa chủ” trong thời “Cải cách ruộng đất” là đúng bởi vì đa số người dân tham gia phiên toà đều tố cáo và xỉ vả nạn nhân. Nếu dựa vào số đông thì chúng ta thử xem trên thế giới còn bao nhiêu nước theo XHCN. (Ngay cả cái nước khai sinh ra cái chủ nghĩa xã hội đó cũng đã dẹp nó và đang hạnh phúc khi nó không còn). Dĩ nhiên con số nước (và số dân) trong các-nước-gọi-là XHCN chỉ là thiểu số trên thế giới, vậy suy ra, chủ nghĩa xã hội là sai? Do đó, lí luận dựa vào đám đông là không ổn. Việc dựa vào đám đông để thuyết phục một lí tưởng nào đó phản ảnh sự yếu đuối nội tâm của người phát biểu, và cũng phản ảnh sự thiếu tự tin vào lí tưởng mà họ đề xuất.

Thật ra, lí luận dựa vào đám đông là một loại nguỵ biện có tên là ad numerum. Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.” Nhiều người cố gắng có nhiều fan để khi cần huy động họ cho một lí tưởng nào đó. Những người được huy động, rất nhiều người thuộc vào nhóm có học, cũng bị cuốn hút vào đám đông theo tâm lí bầy đàn mà không chịu suy nghĩ. Đó là thảm nạn của Cải cách ruộng đất khi con đấu tố cha mẹ vì bị kích động bởi đám đông và bị tiêm vào cái lí tưởng đấu tranh giai cấp. Do đó, vấn đề không phải là có nhiều người hay ít người ủng hộ một lí tưởng; vấn đề là lí tưởng đó có logic và hợp lí hay không. Vả lại, cái gọi là “đám đông” đó có thể bị kích động hay can thiệp, nên chân lí không nằm ở đám đông. Không nên dựa vào đám đông hay vào “dân tộc” để biện minh cho lựa chọn của một thiểu số.

Trích dẫn thứ phát

Vấn đề kế tiếp mà tôi muốn nêu trong bài viết của ông Hưởng là vấn đề mà tác giả Trường Sơn đã đề cập đến: đó là việc trích dẫn thông tin. Ông trích dẫn thông tin từ Oxfam cảnh báo rằng “đến năm 2025 Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói”, mà khi đọc nguồn thì ông cho biết từ báo … Nhân dân. Tương tự, ông viết “Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2010, ở Mỹ có tới 46,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo, mức cao nhất trong 20 năm qua”, và nguồn thông tin cũng từ báo Nhân dân. Nói cách khác, ông không có đọc báo cáo của Oxfam, ông chưa tiếp cận được báo cáo của Cục điều tra dân số Mĩ, nhưng ông đọc báo Nhân dân có trích dẫn hai nguồn trên, và thế là ông tin rằng Nhân dân là nguồn thông tin!

Trong qui chế học thuật, người ta gọi hành động của ông Mạnh Hưởng là secondary citation, hay “trích dẫn thứ phát” (3). Trích dẫn thứ phát là một hành động thiếu thành thật tri thức, tức là intellectual dishonesty. Thiếu thành thật tri thức là vì người viết không có nỗ lực để kiểm tra nguồn thông tin gốc. Nếu ông A trích dẫn sai, và bà B trích dẫn từ ông A, thì bà B cũng sai. Không ai biết báo Nhân dân trích dẫn có đúng hay không, mà dựa vào báo Nhân dân là không thể xem là chính xác và thành thật.

Mà, quả thật là bài viết của ông Mạnh Hưởng trích dẫn sai. Sai về con số và thiếu thành thật về khái niệm. Tác giả Trường Sơn cung cấp thông tin gốc cho thấy khái niệm “nghèo” của Mĩ rất khác với nghèo của VN. Ở Mĩ, người ta định nghĩa hộ nghèo là thu nhập hàng tháng dưới 1987 USD. Còn ở VN chuẩn nghèo là thu nhập dưới 4.8 triệu đồng/năm (nông thôn) và 6 triệu đồng/năm (thành thị). Thu nhập trung bình của VN hiện nay chưa bằng chuẩn nghèo của Mĩ. Thành ra, so sánh kiểu ông Hưởng thật là so sánh trái táo và trái cam, rất khập khiễng.

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là tác giả bài báo là một phó giáo sư tiến sĩ! Nếu bài viết chỉ là một bài trên blog thì chắc chẳng ai quan tâm đến các khía cạnh học thuật; nhưng đằng này nó là bài chính luận, xuất hiện trên tờ Quân đội nhân dân rất danh giá và nằm trong mục “Chống diễn biến hoà bình”. Với những sai sót căn bản về nguỵ biện và trích dẫn như nêu trên, tôi nghĩ bài viết chẳng thuyết phục được ai, và đó là một điều đáng tiếc. Nhưng có lẽ những sai sót đó cũng phản ảnh một phần, hay ít ra là một tín hiệu trong nhiều tín hiệu cho thấy nền học thuật ở VN đang có vấn đề.

Chú thích:

(1) http://anhbasam.wordpress.com/2014/09/17/2970-viet-ve-mot-con-ga-mai-de-pgs-ts-nguyen-manh-huong/

(2) http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chong-dien-bien-hoa-binh/niem-tin-cua-mot-dan-toc-khong-the-la-su-ao-tuong/321696.html

(3) Tôi có một kinh nghiệm về tình trạng trích dẫn thứ phát trong khoa học rất ư là thú vị. Năm 1998 một tác giả Singapore tên là Deurenberg công bố một bài báo về béo phì trên tập san International Journal of Obesity, trong đó ông phát biểu rằng tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì là tỉ trọng mỡ toàn thân (PBF) >35% ở nữ và >25% ở nam; ông cho biết hai tiêu chuẩn này là trích dẫn từ một báo cáo của WHO vào năm 1995. Thế là suốt 16 năm liền, rất nhiều tác giả cứ trích dẫn tiêu chuẩn đó và nói là của WHO.

Tôi và đồng nghiệp VN khi phân tích tỉ trọng mỡ ở người Việt rất nghi ngờ về tiêu chuẩn này (vì nếu đúng như thế thì gần 60% người Việt là béo phì). Thế là chúng tôi quyết định tìm báo cáo của WHO năm 1995. Báo cáo có trên mạng, dài độ 400 trang. Chúng tôi scan tiêu chuẩn 35/25 đó, nhưng hoàn toàn không có. WHO không hề khuyến cáo bất cứ tiêu chuẩn PBF nào để chẩn đoán béo phì. Khi tôi liên lạc Deurenberg để hỏi thì ông cứ … lòng vòng. Chúng tôi thấy cũng chẳng cần nêu vấn đề, vì định chờ một dịp khác để nói.

Đến khi thấy một bài báo trên Mayo Clinic Proc lại trích dẫn tiêu chuẩn 35/25 thì chúng tôi thấy kiên nhẫn đã đến giới hạn. Chúng tôi viết một lá thư ngắn cho tập san, và họ đăng kèm theo trả lời của nhóm tác giả. Nhóm tác giả thú nhận là WHO không có đề ra tiêu chuẩn đó, nhưng họ không dám thú nhận là sai, mà viết vòng vo rất nực cười. Nhưng cộng đồng nghiên cứu obesity thì sau khi đọc lá thư của chúng tôi đều biết là suốt 16 năm trời người ta đã dùng sai tiêu chuẩn chỉ vì một trích dẫn thứ phát. Trích dẫn thứ phát rất tai hại.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.