Nhận định về vấn đề Dân Chủ Đa Nguyên

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Năm Ất dậu 1945, Đệ nhị thế chiến chấm dứt, các nước thuộc địa, các nước nhược tiểu như Ấn-độ, Indonesia, Mã-lai, Philippines… đứng lên giành độc lập, tái lập hòa bình, canh tân đất nước. Riêng Việt-nam bị vướng vào chủ thuyết Mác-Lênin, nên lại tiếp tục một cuộc chiến khác, cuộc chiến ý thức hệ, làm cho non sông chia cắt, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, mãi đến năm 1975, hòa bình mới tái lập. Phe Mác-Lênin thắng trận, hô vang khẩu hiệu: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa.”

Marx cho rằng, sở dĩ có bóc lột, vì có tư hữu các tư liệu sản xuất như ruộng đất, nhà máy. Muốn hết bóc lột, phải quốc hữu hóa tất cả. Nhân dân phải vô sản, chỉ đi làm công cho nhà nước, nên không còn giàu nghèo, không có cạnh tranh, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, thì không còn ai bóc lột ai nữa.

Từ 1975-1985, áp dụng đường lối chuyên chính vô sản, ở nông thôn, nhà nước đã quốc hữu hóa ruộng đất cho vào hợp tác xã, ở thành thị thì đánh tư sản, tiểu thương. Tất cả đều vào quốc doanh từ nhà máy đến cửa hàng buôn bán nhỏ. Toàn dân đều đi làm công lấy điểm. Tất cả trở thành vô sản, làm cho dân tộc vừa thoát khỏi chiến tranh, liền rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhân dân đau khổ khốn cùng nhưng không ai dám nói. Có một nhà giáo ở miền Trung, đói khổ quá, than thở:

Chiều ba mươi tết, thầy giáo tháo giày ra chợ bán,
Sáng mồng một giáo chức dứt cháo đón mừng xuân.

Rủi thay, lời than thở của anh lọt vào tai chính quyền, nghe nói anh bị bắt làm kiểm điểm 3 tháng trời. Nhà nước áp dụng chủ nghĩa vô sản, tuy không còn kẻ giàu, người nghèo, không còn ai bóc lột ai nữa, nhưng lại rơi vào cảnh ” cha chung không ai khóc,” “lắm sãi không ai đóng cửa chùa.” Ai cũng chỉ đi làm lấy có, xảy ra nhiều chuyện buồn cười như chuyện trẻ con chọc các cụ già trồng cây lấy điểm ở miền Bắc:

Hoan hô các cụ trồng cây,
Mười cây chết chín, một cây gật gù.

Các cụ đáp lại:

Các cháu có mắt như mù,
Mười cây chết hết, gật gù ở đâu?.

(trích sách Nhận định… của HT Quảng-Độ)

Không ngờ, hết thực dân, đất nước ta lại rơi vào chế độ Mác-Lênin, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Khiến cho dân tộc điêu linh, non sông tan nát, tình người đổ vỡ, làng xóm chia lìa, kẻ lên núi, người xuống biển. Chiến tranh cũng chết, hòa bình cũng chết. Xác người rải rác khắp nơi, trên núi rừng, nơi đồng ruộng, dưới sông, dưới biển, trong trại cải tạo, trong nhà tù, cả trong bụng cá. Chết do hải tặc cũng có, do thuyền hư chết máy cũng có, do bão tố, hết lương thực, chết đói, chết khát cũng có, tình cảnh thật là đau xót thương tâm:

Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông
Xương bầy như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.

Trinh nữ trầm oan nổi giữa dòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang.

Viên Linh (Thủy Mộ Quan)

Cứ tính xem số người vượt biên đến được bến bờ tự do bao nhiêu thì người chết dưới biển cũng bấy nhiêu. Thật là đau đớn, hầu như gia đình nào cũng có người chết, người mất tích, người đi xa, biết bao thương binh, góa phụ, cô nhi, biết bao tang tóc, chia lìa, những người may mắn sống sót nay được đón tiếp gọi là Việt kiều yêu nước, còn những người xấu số đã vùi xác dưới biển thì sao?

Đến nay, năm 2005, trải 60 năm, dù đã hòa bình, dân tộc vẫn tiếp tục bị phân hóa, bất hòa, chia rẽ, mất đoàn kết, nên không vận dụng được tất cả tài năng, sức lực, để cùng nhau hàn gắn những đổ vỡ, mất mát, xây dựng lại xứ sở quê hương. Tất cả đều do chủ thuyết Mác-Lênin chủ trương bạo động đấu tranh giai cấp mà ra.

Nghĩ lại, Việt-nam ta với 4.000 năm văn hiến, với tư tưởng nhân nghĩa, hòa ái, dung hợp, đa nguyên làm chủ đạo, mới dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi từ ải Nam quan đến mũi Cà mau. Một dải non sông tươi đẹp, với dân tình hiền hậu, đoàn kết, yêu thương, nay lại bị lây nhiễm cái chủ nghĩa ngoại lai cực đoan, đấu tranh bạo động, gây ra biết bao đổ vỡ. Chủ thuyết duy vật vô thần đó, đã làm băng hoại xã hội Việt-nam, khiến cho văn hóa, đạo đức suy đồi, giáo dục xuống cấp, kinh tế kiệt quệ, tình người tan nát, tuổi trẻ hoang mang.

Mác-Lênin chủ trương đấu tranh giai cấp bạo động để cướp chính quyền. Sau khi nắm chính quyền rồi, thực hiện chuyên chính vô sản. Nắm giữ chính quyền bằng độc tài, độc đảng, bằng súng đạn, lưỡi lê và nhà tù. Hoặc bằng các thủ đoạn đe dọa, khủng bố, dối gạt, tuyên truyền, bằng bất cứ phương tiện nào, với bất cứ giá nào.

Nhưng sau hơn 70 năm thí nghiệm, chủ thuyết Mác-Lênin đã thất bại, tan rã. Từ năm 1989 đến năm 1991, các nước Liên-xô và Đông-Âu đã dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa lạc hậu này, ngày nay chỉ còn sót lại 4 nước, trong đó có Việt-nam.

Sau 10 năm thí nghiệm, áp dụng chuyên chính vô sản từ năm 1975 đến năm 1985, Việt-nam cũng đã thất bại, làm kiệt quệ đất nước. Nếu không đổi mới là chết, nên năm 1986, Việt-nam bắt chước Trung cộng, làm ăn theo kinh tế thị trường tư bản. Nhưng đã 20 năm rồi, vì không đổi mới chính trị, nên nền kinh tế không cất đầu lên nổi, Vì vậy, Việt-nam vẫn còn là một trong mười nước nghèo nhất thế giới, thu nhập bình quân mỗi người một ngày chỉ có hơn một đô la, thua Thái lan đến 5 lần tính theo số liệu điều tra của Quốc hội Châu Âu năm 2003. Trong khi ở thập niên 1950, Việt-nam là nước giàu nhất nhì châu Á, hơn cả Nhật-bản.

Theo kinh tế thị trường tức là chấp nhận có tư sản, không vô sản nữa. Như vậy, Việt-nam đã bỏ đi một nửa chủ thuyết Mác-Lênin rồi, nhưng vẫn còn giữ lại nửa kia là độc tài, độc đảng, duy trì chánh quyền bằng sức mạnh, không có tự do. Tại sao đã theo kinh tế thị trường, mà lại không chịu bỏ hẳn độc tài, độc đảng, không cho dân chúng được tự do, lại chỉ đổi mới nửa chừng, một cách khập khiểng như vậy?. Nên nhớ, khi Việt-nam chịu đổi mới, thì kinh tế khá lên ngay, dân đã bớt đói. Nhưng vì không chịu đổi mới chính trị nên đã 20 năm, đất nước vẫn còn nghèo, không giàu lên được. Hãy xem Nhật-bản, sau khi bị thất bại ở thế chiến hai, họ chú tâm cải cách đất nước theo kinh tế thị trường tự do, đa nguyên đa đảng, nên chỉ sau 20 năm, từ 1945 đến 1965, Nhật trở thành cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới.

Đã chấp nhận có tư hữu, có cạnh tranh, có giàu nghèo, mà không chấp nhận Tự do, Dân chủ, lại củng cố độc tài, độc đảng, thì đó là môi trường thuận lợi tạo ra nhiều tệ nạn như: tham nhũng, hối lộ, quan liêu, cửa quyền, hống hách và rất nhiều thói hư, tật xấu, làm cho các nhà đầu tư, cũng như dân chúng đều chán nản, đất nước không thể phát triển nhanh được. Muốn chận đứng những tệ nạn, để phát triển đất nước, thì vấn đề tiên quyết là phải có dân chủ, phải tuân theo các công ước quốc tế về tự do, nhân quyền mà Việt-nam đã ký kết. Phải có tự do báo chí, tự do ngôn luận, để người dân cùng góp ý, trừ bỏ những tệ nạn trên.

Dầu vì lý do kinh tế phát triển, nhưng phải hy sinh tự do, dân chủ, nhân quyền là không được, và đó cũng không phải là con đường duy nhất. Con người sống không phải chỉ có vật chất là đủ mà còn phải có cả tinh thần. Vật chất là cơm áo, gạo tiền, còn tinh thần là tự do, dân chủ, nhân quyền, đạo đức, tôn giáo. Không phải chỉ ăn là đủ, mà còn phải thở mới sống được. Dân Việt-nam sống mà không dám thở, có miệng ăn mà không có miệng nói. Muốn nói gì phải nhìn chung quanh, xem có ai nghe lén hay không, mới dám nói. Nếu có người nào gan dạ, dám nói, nhẹ thì cũng bị đe dọa, quản thúc, nặng thì bị bỏ tù. Nhưng dù có ai nói được, cũng chỉ mình nói, mình nghe, chứ đâu có phương tiện báo chí, truyền thanh, truyền hình gì để cho người khác nghe được?

Nhìn ra thế giới chung quanh, các nước đến mùa bầu cử rất sống động, toàn dân đều rộn ràng, vui vẻ, hăng hái, lựa chọn người sáng suốt, tìm ra tổ chức, đảng phái có nhiều ưu điểm nhất, để đứng ra lãnh đạo, nhờ vậy mà đất nước người ta, mỗi ngày mỗi phát triển. Nhìn lại Việt-nam mình không giống ai cả, nhân dân im lặng, thụ động, e dè, sợ sệt như chúng ta đang sống trong một xó xỉnh nào ở thế giới khác, trong một thời đại cổ lỗ man sơ nào khác. Dân không biết ai là người lãnh đạo đất nước, không có quyền lựa chọn, không có sự lựa chọn nào. Mấy mươi năm cũng thế: một chính phủ, một đảng cầm quyền, chẳng có gì thay đổi, vẫn trì trệ, buồn chán, dã dượi, hời hợt, thờ ơ, như chuyện đã rồi. Tuy bề ngoài cũng có chính phủ, cũng có quốc hội, cũng có tòa án, nhưng tuy ba mà một, vì tất cả đều do đảng viên Cộng-sản điều hành. Như quốc-hội là cơ quan dân cử, mà tuyệt đại đa số là đảng viên, nên quốc hội Việt-nam rất ít dân biểu, mà chỉ toàn là đảng biểu. Vì vậy, luật nào đảng muốn là xong ngay, dân có muốn cãi cũng không được. Mặc tình, đảng muốn thí nghiệm thế nào cũng được, người dân chỉ còn biết nhắm mắt đưa chân. Dẫu cho nhân loại văn-minh, tiến bộ, Việt-nam vẫn trì trệ, một mình, lạc lõng, lẻ loi. Thế giới ngày nay đã thân tình gần gũi bên nhau, mà nước ta cứ cách biệt đứng ở tận đâu đâu.

Làm sao đến thế kỷ thứ 21 rồi, vào năm Ất dậu 2005, mà Việt-nam vẫn còn cảnh chận đường, bắt bớ, quản thúc các tu sỹ tôn giáo; vẫn còn có người mới đề cập đến vấn đề Dân chủ, Nhân quyền, Tự do thì phải bị ngồi tù?

Đất nước hòa bình đã 30 năm rồi mà lúc nào, nơi nào, chính quyền cũng vẫn cho là còn có kẻ thù âm mưu lật đổ? Cơ chế như thế nào lại có chuyện âm mưu lật đổ, mà không thể ra ứng cử, tranh cử tự do, công bằng như ở các nước văn minh?. Ngày nay các nước cựu thù, đã bắt tay, bang giao làm ăn với Việt-nam rồi. Vậy kẻ thù là ai? Bao giờ mới hết kẻ thù?

Đã 60 năm trôi qua, nhưng Việt-nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề của mình. Trong khi các nước như Liên-xô và Đông-âu cũ, họ đã mạnh dạn chấp nhận từ bỏ những quyền lợi riêng tư của cá nhân, đảng phái nhất thời, để vì lợi ích chung của cả quốc gia, dân tộc, nên đã vĩnh viễn loại bỏ được căn bệnh nhức nhối của thế kỷ 20 trên đất nước họ. Có lẽ do chúng ta chưa rõ căn nguyên của vấn đề, chưa định rõ bịnh, chưa cho đúng thuốc? Mỗi người mỗi ý, ai cũng nhân danh dân tộc, ai cũng nhân danh yêu nước. Càng nhân danh càng làm cho nhân dân đau khổ triền miên trong suốt 60 năm qua.

Có những người, những đoàn thể, tổ chức, vì quyền lợi riêng tư, nên vô tình hay cố ý ủng hộ độc tài khi nại lý do cần an ninh, ổn định, để làm kinh tế trước, còn vấn đề tự do, nhân quyền sẽ tính sau. Hoặc có người khác, tổ chức khác, ăn nói có vẻ dịu dàng, đạo đức hơn, đương nhiên cũng nhân danh yêu nước, kêu gọi xóa bỏ thù xưa, đừng nên sân hận nữa, hãy thương yêu, ôm tất cả vào lòng. Nhưng ý tưởng lại chung chung, mơ hồ, không rõ ràng, không dứt khoát, đong đưa ru ngủ. Hạng người này vô tình mang lợi cho độc tài nếu không nói là đồng lõa, mà chẳng đưa ra giải pháp gì cụ thể để giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng trầm trọng của dân tộc.

Phải định bệnh mà cho thuốc. Không phải lúc nào, thuốc nào trị bệnh gì cũng được. Ngay cả thuốc bổ mà dùng không đúng lúc, không đúng bệnh cũng có thể làm chết người. Trong Phật giáo gọi là khế thời, khế cơ mới độ được người. Trong một xã hội, một tập thể sống chung, có nhiều mâu thuẫn, rắc rối, tuy dùng tình cảm là tốt, nhưng tình cảm thôi cũng chưa thể giải quyết hết mọi sự. Muốn hòa hợp, thân yêu, đoàn kết, phát triển, thì các xã hội, các tổ chức, các đoàn thể đều phải tuân thủ luật pháp, công bằng, dân chủ, mới giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề. Phải có giải pháp đúng đắn và dứt khoát mới được.

Đầu năm Ất dậu, 2005, mặc dù trong cương vị một tu sỹ, Ngài không làm chính trị, nhưng trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước, cần có thái độ, lập trường chính trị, nên Hòa thượng Thích Quảng-Độ, Viện trưởng Viện-Hóa-Đạo, Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã gửi Thư Chúc Xuân đến các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ và đồng bào và Phật tử trong và ngoài nước, mà cũng là lời kêu gọi vận động Dân chủ đa nguyên đa đảng cho Việt-nam. Đây là một giải pháp sáng suốt, đúng đắn, tối ưu, một nhu cầu thích hợp với trào lưu, khuynh hướng chung của thế giới văn minh, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng cho Việt-nam hiện nay. Ngài đã thể hiện tính cách đặc thù của thiền sư Vạn-Hạnh, của Đức Điều Ngự Giác-Hoàng Trần Nhân Tông, trị liệu đúng thuốc cho con bệnh và cứu dân độ thế. Đường hướng, lập trường của Hòa-Thượng thể hiện đầy đủ đức tính Bi-Trí-Dũng, làm tấm gương sáng cho mọi người. Đó mới là tình yêu quê hương chân thật.

Lời kêu gọi này cũng là ý tưởng mà trước đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với đại diện là Đức Tăng Thống, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, các Thượng tọa Tuệ-Sỹ, Không-Tánh, Thiện-Minh ; đạo Thiên chúa có các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, các đạo Tin Lành, Hòa-Hảo, Cao-Đài… cũng đều có đại diện, và đông đảo nhất là giới sỹ phu Thăng long Bắc hà, cùng nhiều trí thức, văn nghệ sỹ như bác sỹ Nguyễn-Đan Quế, các cụ Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Hà-Sỹ Phu, v.v…, giới trí thức trẻ như bác sỹ Phạm-Hồng Sơn, luật sư Lê-Chí quang, nhà giáo Nguyễn Khắc Toàn, nhà báo Nguyễn-Vũ Bình, nhà văn Phương-Nam cũng đã lên tiếng vận động Dân chủ Đa nguyên cho Việt-nam.

Về phía chính quyền hình như họ cũng đang chuẩn bị tinh thần cho dân chúng về vấn đề quan trọng này, nên vừa qua, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng loạt các báo, đài, truyền thanh, truyền hình trên cả nước đều nhất tề thông tin, bình luận một cách rôm rả bất ngờ. Khiến cho không khí cả nước nóng lên, tinh thần dân chúng cũng rộn rã, hồi hộp, hăng hái theo sự bình luận hằng ngày, hằng giờ của các phóng viên, phát thanh viên các báo, đài trên cả nước. Dân chúng, người ủng hộ phe này, người ủng hộ phe kia, cùng trông đợi kết quả rất là nhộn nhịp. Ai ai cũng đều mong ước Việt-nam mình nhanh chóng có bầu cử tự do, đa đảng như thế. Sự hòa nhập, phổ biến, bình luận, thông tin cuộc bầu cử ở Hoa-kỳ một cách rầm rộ vừa qua, chắc chắn không phải chỉ là chuyện cho dân giải trí bình thường, vì vấn đề đa nguyên, đa đảng là vấn đề nhạy cảm của chính quyền Việt-nam hiện nay.

Cuối cùng, dù là tả khuynh, hay hữu khuynh, dù tốt, dù xấu, ai ai cũng đều là người Việt-nam, chúng ta đương nhiên phải chấp nhận tất cả, không thể khinh suất bỏ đi đâu được. Cho nên, chớ kỳ thị khuynh tả, khuynh hữu, trung dung, trong nước, ngoài nước, người già, người trẻ, chớ phân biệt tôn giáo, đảng phái, sắc tộc, tất cả đã là người Việt-nam, đều phải có trách nhiệm, với đất nước, với dân tộc Việt-nam. Mọi quyền lợi, trách nhiệm đều là của chung, không phải của riêng ai cả. Tất cả mọi người, hãy đoàn kết lại, hãy mạnh dạn cùng nhau sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, hãy biết hy sinh những quyền lợi riêng tư của cá nhân, của đảng phái, để chung sức chung lòng, theo lời kêu gọi của Hòa-Thượng Thích Quảng-Độ, mà cũng là ước vọng chung của cả dân tộc. Hãy cùng nhau bắt tay xây dựng lại đất nước cho phú cường, để sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Sài-gòn, Xuân Ất Dậu.
Thích Viên Định

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 15 – 21/4/2024

Nội dung:

– Hawaii tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương;
– Ghi ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương tại Paris;
– Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội; Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Genève, Thụy Sĩ;
– Kêu gọi tham gia Biểu tình và Văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR vào hai ngày 7 và 8/5, 2024 tại Genève, Thụy Sĩ.

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.