Ông Đỗ Hoàng Điềm Trả Lời Phỏng Vấn Báo Việt Weekly

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

(Trích Tuần báo Việt Weekly, số phát hành ngày 7 tháng 6 năm 2007)

LTS: Việc bốn ông Đỗ Hoàng Điềm, Đỗ Thành Công, Lê Minh Nguyên và Nguyễn Quốc Quân được tòa Bạch Ốc mời gặp tổng thống George W. Bush và phó tổng thống Dick Cheney để nói về tình hình đấu tranh dân chủ tại Việt Nam là một sự kiện làm nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ chú ý theo dõi. Trong cuộc tiếp xúc với Việt Weekly sau đó, ông Đỗ Hoàng Điềm đã tiết lộ thêm chi tiết về cuộc tiếp xúc này. Đồng thời, ông cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến chủ trương đường hướng của đảng Việt Tân trong tình hình chính trị hiện nay.

Việt Weekly (VW): Anh đánh giá ra sao về việc tổng thống Bush mời gặp các anh để nói chuyện về vấn đề dân chủ tại Việt Nam? Đây có phải là một đòn phép về chính trị, ví dụ như để tạo sức ép với Việt Nam, hoặc giảm sức ép từ phía quốc hội Hoa Kỳ không?

JPEG - 71.2 kb

Đỗ Hoàng Điềm (ĐHĐ): Tôi thấy cuộc họp này có một số chỉ dấu khá đặc biệt. Thứ nhất, bộ phận đứng ra dàn xếp cuộc họp 29 tháng 5 tại Washington D.C. là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, một bộ phận lo về chính sách của Hoa Kỳ. Thứ hai, cuộc họp này không phải chỉ với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, mà là với tổng thống Bush. Ngoài ông Bush ra còn có phó tổng thống Dick Cheney, ông Steve Hadley, cố vấn an ninh quốc gia, ông Joshua Bolten, chánh văn phòng phủ tổng thống, ông Tony Snow, phát ngôn nhân chính phủ và cũng vừa được nâng lên hàng bộ trưởng của bộ thông tin, và hai cố vấn nữa, ông Micheal Cozac và ông Kenneth Weiner. Đây là 7 người có thể gọi là ảnh hưởng lớn nhất lên chính sách của Hoa Kỳ. Sự kiện này mang tầm quan trọng nhiều hơn là thuần túy chỉ là đòn phép chính tri. Bởi vì nếu là đòn phép chính trị, chỉ cần gặp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia là đủ tạo áp lực rồi. Nên nhớ rằng, đây là một cuộc họp do họ chủ động tổ chức chứ không phải do chúng ta yêu cầu. Sau cùng, một chuyện buồn cười, tôi muốn kể, là trong buổi họp đó, tôi với anh Công có đùa với ông Bush rằng, ông đang tiếp chuyện với chúng tôi là những người đang bị nhà nước cộng sản Việt Nam kết tội khủng bố. Ông Bush bật cười nói, “Đúng rồi, đối với Việt Nam, các anh là những người khủng bố – khủng bố dân chủ.” Thái độ của ông Bush cho thấy rằng, ông không tin những luận điệu tuyên truyền chính trị của cộng sản Việt Nam. Đây là một cuộc họp mà chúng ta cần thêm thời gian để lượng định cho đúng mức tầm quan trọng của nó.

VW: Anh có nhận định sơ khởi nào về tầm quan trọng của nó chưa?

ĐHĐ: Nhận định sơ khởi của tôi, thứ nhất, là họ không thể phủ nhận được tình trạng đàn áp bắt bớ những người dân chủ tại Việt Nam đang xảy ra ngày hôm nay khá là rộng lớn, quy mô, và nó đã một phần nào tác động lên chính quyền Hoa Kỳ. Điều thứ hai, phong trào dân chủ của Việt Nam hôm nay không còn là tiếng nói của từng cá nhân đơn lẻ nữa, mà lần đầu tiên, nó là những tổ chức liên minh nổi lên chống lại đảng cộng sản Việt Nam. Đó là bước nhảy vọt của phong trào dân chủ Việt Nam mà dư luận thế giới bên ngoài, bên Hoa Kỳ cũng có nhìn thấy, theo dõi, và quan sát. Yếu tố thứ ba, cộng sản Việt Nam cũng có những thái độ khá là ngang ngược, ví dụ như khi ông Phạm Gia Khiêm sang Mỹ, đích thân bà ngoại trưởng Rice nói yêu cầu thả Nguyễn Vũ Bình. Ông Khiêm đã hứa nhưng sau đó không thả. Hành động đó đã làm cho bộ ngoại giao rất là bực mình. Bên cạnh đó, còn có vụ bà Loretta Sanchez, với sự kiện xảy ra trước nhà ông đại sứ Micheal Marine. Những sự kiện đó, ít nhiều, tạo ra sự bực bội của phía hành pháp Hoa Kỳ. Những hành động đối với ông Micheal Marine, là một sự sỉ nhục đối với thể diện nước Mỹ, cộng thêm với sự lớn mạnh của phong trào dân chủ, làm cho họ phải chú ý, và đưa vấn đề này lên một mức độ quan tâm cao hơn.

VW: Trong cuộc họp đó, ông Bush có phát biểu điều gì đáng ghi nhớ nhất?

ĐHĐ: Từ kinh nghiệm ngoại vận làm việc với chính phủ Hoa Kỳ, trong bao nhiêu cuộc họp từ trước tới nay, bao giờ họ cũng nói “nhân quyền, nhân quyền, nhân quyền”, nhưng đây là lần đầu tiên, họ nói thẳng “chúng tôi muốn tìm hiểu về tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.” Mở đầu, ông Bush nói ngay “có hai điều tôi muốn tìm hiểu, thứ nhất là tình hình dân chủ ở Việt Nam hiện nay như thế nào, phong trào dân chủ ở Việt Nam ra làm sao, nó có được thế đoàn kết giữa các tổ chức hay không? Điều thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ có thể làm được gì để giúp đỡ tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.” Tôi cho đó là điểm đặc biệt nhất trong những phát biểu của ông Bush. Nó thể hiện cách suy nghĩ của họ không còn đóng khung trong vấn đề nhân quyền, mà đã chuyển sang vấn đề dân chủ, và dân chủ hóa Việt Nam. Ông Bush hỏi đi hỏi lại hai ba lần, những lực lượng dân chủ ngày hôm nay đã có sự unity, sự đoàn kết với nhau hay chưa. Ông ta có nói, “Chúng tôi chỉ có thể yểm trợ một lực lượng nào đó, nếu có sự đoàn kết của các lực lượng dân chủ. Rất khó cho chúng tôi yểm trợ nếu không có yếu tố đó.” Tóm lại, tôi cảm nhận một sự quan tâm của ông ta nói riêng và phần nào của hành pháp Hoa Kỳ nói chung về vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Dĩ nhiên, sự quan tâm này chỉ ở mực độ ngoại giao, hay đi xa hơn, vẫn còn sớm để đo lường chính xác được. Với thời gian, chúng ta sẽ có thể giải đoán được.

VW: Hoa Kỳ đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ chiến lược với Việt Nam, nhất là trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc, vậy với tín hiệu Hoa Kỳ muốn ủng hộ một phong trào dân chủ tại Việt Nam, có làm thiệt hại đến quan hệ liên minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không?

ĐHĐ: Nếu chúng ta diễn giải rằng cuộc họp mặt với những nhân vật cao cấp nhất của hành pháp tại tòa Bạch Ốc vào hôm 29 tháng 5 vừa rồi là một chỉ dấu về việc Hoa Kỳ tích cực ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam, là một kết luận, tôi cho rằng, hãy còn quá sớm. Chúng ta cũng phải thành thực với nhau rằng không có một quốc gia nào, khi không đi giúp dân tộc Việt Nam cả. Tất cả chỉ vì quyền lợi. Hoa Kỳ cũng thế. Ngày hôm nay, nếu Hoa Kỳ quan tâm tới tình hình dân chủ của Việt Nam nhiều hơn, trước hết, nó phải vì quyền lợi của Hoa Kỳ đã. Quyền lợi đó là gì, như tôi đã nói, cần có thêm thời gian để lượng định. Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa, chúng ta không thể nào phủ nhận trong chính sách toàn cầu hóa của Hoa Kỳ, vấn đề dân chủ hóa cũng là một phần của chính sách của họ. Vấn đề của chúng ta là làm sao nương vào chính sách đó để tác động một cách tích cực vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Vấn đề chính sách không bao giờ cứng ngắc một chiều, hoặc bất di bất dịch, ngày hôm nay có thể như thế này, nhưng nếu chúng ta khéo tác động, ngày mai có thể như thế khác. Sau cùng, tôi muốn nói thêm, cách ngoại vận hay nhất vẫn là xây dựng nội lực. Nếu chúng ta không xây dựng được nội lực dân chủ dân tộc, đừng nói đến ngoại vận. Một phần nào, sự quan tâm của chính quyền Mỹ về dân chủ Việt Nam, bắt nguồn từ chính nội lực của chúng ta. Trong buổi họp, tôi có nói với ông Bush điều này, “Cuộc tranh đấu này là của chúng tôi. Đối với tôi, người dân Việt Nam phải đi tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, không có nghĩa chúng tôi ngây thơ hay chủ quan cho rằng chúng tôi không cần đến sự hỗ trợ của thế giới tự do.” Ông ta nói ngay, ông đồng ý với cái nhìn đó. Tôi cho rằng trong vòng 12 cho tới 24 tháng tới sẽ có nhiều chuyển động nữa về vấn đề này.

VW: Anh trả lời ông Bush về vấn đề đoàn kết của phong trào dân chủ tại Việt Nam như thế nào?

ĐHĐ: Tôi nói đây là lần đầu tiên mà phong trào dân chủ tại Việt Nam không còn những tiếng nói đơn lẻ của cá nhân nữa, mà đây là hiện tượng của những đảng phái. Cách đây 10, 15, 20 năm, nó là những cá nhân nổi lên. Ngày hôm nay, nó là từng những tập hợp nổi lên, đảng này, đảng nọ, liên minh này, liên minh nọ. Đó là điểm đặc sắc nhất của phong trào dân chủ, mặc dù bị đàn áp, mà ngày hôm nay vẫn bùng lên mạnh hơn lúc trước. Tôi nói với ông Bush, phong trào dân chủ của Việt Nam ngày hôm nay tương tự như tình hình của Tiệp Khắc vào thập niên 1970 hay tình hình Ba Lan vào đầu thập niên 1980. Với sự đàn áp đang xảy ra, phong trào dân chủ Việt Nam đang đứng trước một cơ hội và một thử thách. Sự thử thách là phải vượt qua được cuộc đàn áp này, nếu không sẽ bị đẩy lùi lại 5, 10 năm. Nhưng cũng là một cơ hội, nếu vượt qua được thử thách này, nó sẽ là một cơ hội. Và tôi cũng nói thêm, nó không phải chỉ là cơ hội cho Việt Nam, mà còn của Hoa Kỳ nữa. Vì sao? Nếu Việt Nam là một quốc gia tự do dân chủ, Việt Nam sẽ là một đối tác đường dài hữu hiệu hơn, ích lợi hơn cho Hoa Kỳ. Điều thứ hai, sự thành công của một cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam sẽ tạo ra chấn động cho phong trào dân chủ ở Trung Hoa vào trong toàn vùng. Đó là một mối lợi chung cho toàn cầu và đương nhiên là cả Hoa Kỳ.

VW: Nói như vậy, một phong trào dân chủ tại Việt Nam xảy ra có nghĩa là sẽ có sự nhúng tay sâu đậm của chính quyền Hoa Kỳ vào không? Và nếu có, chính quyền Hoa Kỳ sau đó sẽ đóng một vai trò quá ảnh hưởng như thời miền Nam Việt Nam trước đây hay không?

ĐHĐ: Thành ra, hồi nãy tôi có nói, cách ngoại vận hay nhất là chúng ta phải có nội lực. Nếu lực của chúng ta vững, nếu các lực lượng dân chủ đoàn kết với nhau vững chắc, khó có một thế lực quốc tế nào có thể chi phối được. Ngày hôm nay, trong thế liên hiệp toàn cầu, ảnh hưởng quốc tế là một điều không thể tránh khỏi. Cho dù không muốn, không thích đi chăng nữa, yếu tố quốc tế luôn luôn tác động lên chúng ta. Để không trở thành một con chốt, một chư hầu cho một quốc gia nào đó, cách hay nhất là xây dựng nội lực.

VW: Trong trường hợp Hoa Kỳ tích cực ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam như là một đường hướng mới, và tạo nên thế đối đầu quyết liệt với nhà nước Việt Nam, có nhiều triển vọng là thế lực Trung Quốc cũng sẽ bị lôi vào vòng chiến, bởi vì quyền lợi hoặc không muốn bị ảnh hưởng dây chuyền một cách thụ động, như anh vừa phân tích, ít ra là về mặt phong trào dân chủ lây lan sang. Ngoài ra, vì nhu cầu sống còn của đảng cộng sản Việt Nam cũng có thể dẫn đến việc phải dựa vào Trung Quốc. Và như thế, Việt Nam một lần nữa, có triển vọng trở thành một bãi chiến trường giữa các thế lực quốc tế trong một môi trường mà dân tộc Việt Nam không có khả năng nắm quyền chủ động?

ĐHĐ: Vâng, tôi nghĩ rằng là trong bất cứ một sự thay đổi nào, nó đều có xác xuất, những rủi ro, những nguy hiểm của nó, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tôi không quan tâm cho lắm. Thứ nhất, ngay trong nội tình đảng cộng sản Việt Nam ngày hôm nay, họ cũng đâu có đoàn kết thống nhất hết đâu. Cũng có những phe, như phe thân Trung Quốc, hoặc có những phe đối lập nghịch lại, rồi bên đó có sự tác động của quốc tế bên ngoài vào. Chúng ta cũng đừng quên sự tác động từ bên ngoài không đơn thuần chỉ là Trung Quốc và Hoa Kỳ thôi đâu. Nhật Bản cũng là một đối tác. Liên Hiệp Châu Âu cũng là một đối tác. Khối ASEAN cũng là một đối tác. Chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong vòng vài thập niên qua trong vùng Đông Nam Á đã làm cho các quốc gia đó e dè. Và những quốc gia đó nhìn thấy nếu Việt Nam là một quốc gia tự do dân chủ, trên đường dài, vẫn tốt hơn cho họ. Thành ra, chúng ta có triển vọng sẽ có những thế lực sẵn sàng ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Nói thế, nó vẫn chưa giải quyết được câu hỏi Việt Nam trở thành bãi chiến trường giữa phe Trung Quốc và phe dân chủ. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng chưa chắc. Trung Quốc muốn là một chuyện, nhưng liệu Trung Quốc có làm được nổi điều đó hay không? Trung Quốc chỉ làm được điều đó, nếu phe gọi là thân Trung Quốc trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam mạnh mẽ. Hoặc ít ra có một tư thế nào đó. Đằng này, nếu đặt giả sử rằng phe ủng hộ đó hay phe theo Trung Quốc trong đảng cộng sản Việt Nam đang từ từ bị đẩy ra ngoài, chưa chắc Trung Quốc đã có khả năng, có điều kiện để xen vào nội tình Việt Nam. Điều thứ hai, Trung Quốc cũng đang cần đến một số quyền lợi kinh tế từ thế giới bên ngoài. Thế trận đang bày ra ngày hôm nay rất phức tạp, đang có nhiều ẩn số. Điều anh vừa nói ra, tôi ghi nhận, nó luôn luôn là một xác xuất rủi ro có thể xảy ra, nhưng tôi tin rằng sự rủi ro đó tương đối thấp.

VW: Có bao giờ anh nghĩ đến việc ngồi xuống để thương lượng với phía chính quyền Việt Nam về một giải pháp chính trị cho Việt Nam không?

ĐHĐ: Sự thương lượng đòi hỏi một số điều kiện. Thứ nhất, nó cần có thiện chí thành tâm của đôi bên phải làm tốt cho nhau. Tiền đề thứ hai, tương quan lực lượng đôi bên phải tương xứng. Nếu không, sự thương lượng đó, sự đối thoại đó dễ đi đến việc một bên đè bẹp, lấn áp bên kia. Đối với tôi, đó là một vài tiêu chuẩn căn bản. Ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng vẫn còn quá sớm để nói đến vấn đề đó. Chủ quan của tôi, không nhìn thấy một tí mảy may nào thiện chí của phía bên đảng cộng sản Việt Nam muốn tìm một lối thoát chung cho dân tộc. Khi đã không có thiện chí, làm gì có việc nói chuyện lỗi phải với nhau. Điều thứ hai, giờ phút này họ vẫn không tôn trọng sự thực, vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói khác biệt, làm sao đối thoại gì được với nhau. Trong hoàn cảnh của ngày hôm nay, tôi không hoàn toàn đặt một chút tin tưởng nào trong việc thương lượng cả, không thấy một chỉ dấu gì cả. Tôi tin rằng việc thương lượng sẽ không đem một chút lợi ích gì cho dân tộc cả. Chúng tôi không hề bao giờ có ý định đó cả. Rõ ràng là không có lợi.

VW: Trong dịp ông Nguyễn Minh Triết viếng thăm Hoa Kỳ, đảng Việt Tân dự định sẽ có những phản ứng như thế nào?

ĐHĐ: Sự kiện ông Nguyễn Minh Triết qua đây, là một cơ hội để chúng ta tạo áp lực, không hơn không kém. Khi ông ta đóng vai chủ tịch nhà nước, ông ta là người lãnh đạo cao cấp nhất của nước cộng sản Việt Nam, đây là một cơ hội để chúng ta huy động áp lực của dư luận quốc tế, áp lực của chính giới Hoa Kỳ, áp lực của các tổ chức nhân quyền, áp lực của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, vân vân. Đây là lúc chúng ta phải tạo áp lực tối đa. Như hồi nãy tôi đã nói, ngày hôm nay phong trào dân chủ của Việt Nam đang chịu một cơn thử thách rất lớn, đó là họ đang chịu một sự đàn áp rất lớn. Nếu chúng ta không giải tỏa được áp lực này, chúng ta sẽ bị lùi lại rất là lâu. Ngược lại, nếu thành công, chúng ta sẽ đẩy được phong trào dân chủ đi xa hơn, mau hơn.

VW: Nhiều người có thể đồng tình với những nhận định của anh về tình trạng của Việt Nam, nhưng họ cho rằng, đảng phái chính trị quốc gia tại hải ngoại cũng còn quá yếu, và chưa có đủ khả năng về mặt nhân sự, kiến thức, kinh nghiệm chính trị, kinh tế để thay thế tập thể cầm quyền hiện nay. Anh trả lời như thế nào về nhận định này?

ĐHĐ: Đối với tôi, quyền phán xét đó là của người dân Việt Nam, chứ không phải của đảng đang cầm quyền. Nếu người dân Việt Nam trong một cuộc bầu cử tự do, thực sự có tự do, thực sự có công bằng, mà người dân Việt Nam lượng giá và nói rằng các đảng phái không cộng sản không xứng đáng, và họ tiếp tục bỏ phiếu cho đảng cộng sản Việt Nam, tôi tôn trọng, bởi vì đó là thực sự quyết định của người dân. Điều kiện tiên quyết là cuộc bầu cử đó phải thực sự trong sáng và tự do. Nói một cách nôm na cho dễ hiểu, là chúng ta đang tranh đấu cho quyền tự quyết của người dân Việt Nam. Hãy để cho người dân Việt Nam được quyền chọn lựa. Họ chọn ai cũng được. Giả sử họ tiếp tục chọn đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta chấp nhận, bởi vì đó là quy luật dân chủ.

VW: Giả sử trong một cuộc bầu cử tự do, nếu anh phải thuyết phục người dân Việt Nam bỏ phiếu cho đảng Việt Tân, anh sẽ nói những điều gì?

ĐHĐ: Chủ trương căn bản của đảng Việt Tân là canh tân đất nước. Đảng Việt Tân quan niệm phải xây dựng lại đất nước Việt Nam trên hai căn bản. Thứ nhất là phải xây dựng lại con người Việt Nam, bởi vì trong suốt mấy trăm năm qua, chúng ta đi dài từ cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh, cho đến thời Pháp thuộc, cho đến thời cộng sản, chúng ta cần phải có một tiến trình canh tân tư duy con người Việt Nam. Thứ hai, chúng ta phải canh tân về môi trường xã hội, về cơ chế chính trị. Nói nôm na, Việt Nam hôm nay đang đứng trước một tình trạng có thể thành đạt, có thể tiến triển về mặt kinh tế, nhưng đổi ngược lại, về mặt tư duy, văn hóa, xã hội, đang cần một số nỗ lực canh tân toàn diện. Chủ trương của đảng Việt Tân là phải nỗ lực canh tân trên những lãnh vực còn đang thiếu sót này. Đó làm kim chỉ nam căn bản. Về mặt đấu tranh, chúng tôi chủ trương bất bạo động, và không tin tưởng một tí nào và mặt sử dụng bạo lực. Đó là những điều hoàn toàn gán ghép của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh bất bạo động, chúng ta mới vận động được sức lực của toàn người dân Việt Nam để xây dựng lại đất nước. Làm sao để xây dựng được một nước Việt Nam có công bằng, có công lý, mọi người đều được đối xử một cách bình đẳng. Đó làm một số chủ trương căn bản để xây dựng lại đất nước Việt Nam của chúng tôi.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

Việt Nam sẽ trải qua cuộc chính biến trong thời gian tới?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ từ chức hay không sau khi trợ lý thân tín Phạm Thái Hà bị bắt? Tình hình chính trị Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới khi thượng tầng chính trị đang rối loạn? Liệu cuộc sát phạt giữa hai phe trong đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ khiến nền kinh tế, chính trị trong nước bất ổn? Và làm sao để có được nền tự do dân chủ cho Việt Nam…

Đó là những vấn đề được phân tích sâu hơn trong hội luận của RFA, mời quý vị cùng theo dõi: Ông Lý Thái Hùng – Chủ tịch Đảng Việt Tân và Luật sư Vũ Đức Khanh – Tổng Thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam.

Tại sao Tập và Biden chọn gửi thông điệp về Đài Loan vào cùng một ngày?

Gần chín năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bắt tay nhau một lần nữa tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Hôm đó là ngày 10/04/2024, và trong cùng ngày tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng.

Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các cuộc thảo luận chính trị này được tổ chức trong cùng một ngày ở hai bên bờ Thái Bình Dương?