Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ: 11 điều bạn cần biết

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Ezra Klein & Max Fisher, VOX, 24/08/2015

1. Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ và chính quyền Trung Quốc dường như không có cách gì ngăn chận.

Vào ngày thứ Hai, chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm thêm 8.5 phần trăm, tức là giảm tổng cộng 40 phần trăm từ khi lên tới đỉnh hồi tháng Sáu.

Lúc thị trường suy sụp hồi tháng Bảy, chính quyền Trung Quốc căn bản là giết nó để cứu nó. Tức là như thế này: ngân hàng trung ương đổ tiền vào công ty quốc doanh China Securities Finance Corp để cho thiên hạ mượn tiền đi mua cổ phần; các cổ phần mới dự tính ra mắt bị đình chỉ để tránh cạnh tranh với các cổ phần đang có trong thị trường; các cổ đông lớn bị cấm không được bán cổ phần ra; giới quản lý chứng khoán ra lệnh cho các công ty hoặc là mua lại cổ phần của mình hoặc khuyến khích giới điều hành và nhân viên mua cổ phần, v.v… và v.v…

Đây là sự can thiệp kinh khủng – nhiều đến độ nó làm hỏng khả năng tự điều tiết như một thị trường chứng khoán bình thường, tức là công ty giao dịch ở mức giá phản ảnh giá trị thật và các giá cả đó giúp giới đầu tư phân phối vốn có hiệu năng. Thoạt đầu nó cho thấy là chính quyền có thể ngăn chận sàn chứng khoán sụp đổ nếu muốn, nhưng sự suy sụt trong ngày thứ Hai làm người ta hoài nghi khả năng đó.

2. Thị trường chứng khoán tăng vọt nhờ một đống nợ

Việc đầu tư bằng tiền vay mượn trước đây bị giới hạn rất nhiều, nhưng chính quyền thả lỏng việc này từ năm 2010. Kết quả là bùng nổ giao dịch bằng tiền nợ.

Nợ ký quỹ (margin debt) của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng gấp ba lần từ tháng 6/2014. Số nợ ký quỹ chiếm 9% số lượng cổ phiếu giao dịch, con số cao nhất trong bất cứ thị trường nào trước giờ trong lịch sử. Chẳng những nợ ký quỹ không thôi mà người ta còn tìm đủ mọi sáng kiến để lòn lách các quy định của chính phủ.

3. Đa số dân đầu tư mới vào thị trường không có bằng trung học

Reuters cho biết là “không như các thị trường chứng khoán lớn khác mà trong đó giới quản lý tài chánh chuyên nghiệp chiếm đa số, còn tại Trung Quốc dân đầu tư cá thể chiếm 85 phần trăm.”

Những dữ kiện khác cần biết: đa số giới đầu tư mới tham gia vào thị trường không có trình độ trung học (6% mù chữ). Hiện có nhiều người đầu tư cá thể trong thị trường chứng khoán (90 triệu) hơn là đảng viên đảng cộng sản (88 triệu).

Những người này đầu tư vào thị trường chứng khoán là vì được đảng khuyến khích. Thế rồi thị trường sụp đổ. Họ sẽ đổ thừa chính quyền cho những mất mát của họ. Của cải của hơn 80 triệu người bị tan biến đi mất là một vấn nạn xã hội kinh khủng.

4. Chính quyền không có khả năng chận sự sụp đổ làm thị trường càng lo lắng hơn.

Chính quyền Trung Quốc đã dùng đủ mọi biện pháp để cứu vãn thị trường. Truyền thông nhà nước thì làm cổ động viên hô hào “sau cơn mưa lúc nào cũng có cầu vồng tươi sáng.” Thế nhưng tất cả những biện pháp can thiệp cũng không đủ và khiến thị trường càng lo sợ hơn. Giới đầu tư thường quen với việc nhà nước dùng quyền lực để kiểm soát thị trường này thấy nhà nước không có khả năng đó chỉ làm họ hoảng sợ.

5. Thị trường chứng khoán Trung Quốc to lớn – nhưng không to như người ta nghĩ

Thị trường chứng khoán đóng vai trò không lớn như người ta nghĩ. Giá trị của nó chỉ chiếm có một phần ba tổng sản lượng quốc gia, so với các nền kinh tế phát triển là chiếm 100%. Chỉ có khoảng 15% số tài sản tài chính của các hộ đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Nếu thế thì đáng lẻ ra chính quyền Trung Quốc không phải quá lo lắng về chuyện trồi sụt của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên sự sụp đổ của thị trường chứng khoán tiếp diễn sau những trì trệ của kinh tế thành ra nó trở thành biểu tượng của nền kinh tế xuống dốc. Chính quyền Trung Quốc thì giỏi che giấu những vấn đề kinh tế nhưng không thể che giấu một thị trường chứng khoán tụt dốc. Vì thế mà chính quyền ráng can thiệp để chận thị trường xuống dốc, nhưng làm thế chỉ bộc lộ sự yếu kém của họ và làm thế giới chú ý hơn đến vấn nạn kinh tế của Trung Quốc.

6. Vấn đề sâu xa: mô hình xuất khẩu của Trung Quốc không chạy nữa

Sự trổi dậy kinh ngạc của kinh tế Trung Quốc là nhờ vào xuất khẩu hàng rẻ. Nhưng khi kinh tế phát triển rồi thì mô hình xuất khẩu bắt đầu rạn nứt. Mô hình tăng trưởng với xuất khẩu cậy nhờ vào nhu cầu bên ngoài và đầu tư cao bên trong. Đến nay nó phải chuyển tiếp qua mô hình quân bằng hơn giữa đầu tư và tiêu thụ.

Khi cơn suy thoái kinh tế 2008 xảy ra, nhu cầu trên thế giới giảm xuống và Trung Quốc không thể tiếp tục tăng trưởng qua ngõ xuất khẩu. Sức tiêu thụ của khối dân Trung Quốc thì không đủ để tạo ra nhu cầu cho cỗ máy tăng trưởng kinh tế tiếp tục chạy.

Cách giải quyết của chính quyền Trung Quốc là dùng chính sách tiền tệ, ngân hàng nhà nước, chính quyền địa phương, và các công cụ khác để thúc đẩy đầu tư trong nước. Kết quả là một cuộc xây dựng khổng lồ với các nhà máy, đường cao ốc, phi trường, bất động sản và nhiều thứ khác. Một số đầu tư sáng suốt, một số khác thì không. Trung Quốc trở nên nổi tiếng với nhiều thành phố ma, cao ốc không người ở, sân vận động trống trơn. Hệ quả là năng suất dư thừa và nợ xấu.

Đây cũng là một phần lý do tại sao chính quyền Trung Quốc khuyến khích gia tăng thị trường chứng khoán. Họ thấy là có nhiều công ty mang nợ cần vốn để cân bằng ngân sách, trong khi đó có khối lượng lớn tiền để dành có thể đem đi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Họ bắt đầu cổ võ đầu tư vào chứng khoán và tạo điều kiện dễ dàng để dùng nợ ký quỹ. Rồi số nợ ký quỹ bùng nổ.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán nói lên một vấn nạn lớn hơn: Trung Quốc chưa chuyển tiếp qua nền kinh tế tiêu thụ cần có. Nó vẫn còn kẹt trong một mô hình kinh tế lỗi thời không thể kéo dài được.

7. Đảng Cộng Sản Trung Quốc vô cùng lo sợ tăng trưởng chậm

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, sau khi điều chỉnh lạm phát trong năm 2014 là 7.4 phần trăm, và theo chính quyền thì kinh tế đang tăng trưởng (người ta không tin) khoảng 7 phần trăm trong năm 2015.

Con số quá tốt phải không? Cho Trung Quốc thì không. Giới lãnh đạo cao cấp của chính quyền Trung Quốc tin rằng mức tăng trưởng 7 phần trăm là con số tối thiểu để giữ xã hội ổn định. Theo cái nhìn của Đảng Cộng Sản, đây là cú mặc cả với người dân Trung Quốc: Người dân cho họ quyền hành, họ cho người dân tăng trưởng kinh tế. Nếu họ không thể cho người dân tăng trưởng kinh tế thì người dân có thể ngừng cho họ quyền hành – chẳng ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tình huống đó.

Chưa kể có một vấn đề khác: con số 7% có thể là số dổm. Một số viên chức Trung Quốc thú nhận riêng là thống kê chính thức không tin được. Con số này không phù hợp với những dữ kiện khác. Dữ kiện thu thập cho thấy kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 5 phần trăm.

Nhưng giả sử con số 7% là đúng đi thì vẫn là con số thấp nhất trong 25 năm vừa qua. Thành ra Đảng Cộng Sản tìm đủ mọi cách để khôi phục lại tăng trưởng cao.

8. Lãnh đạo Trung Quốc không đủ sức để điều khiển nền kinh tế

Tại sao Trung Quốc không chuyển tiếp qua một nền kinh tế mới, lành mạnh hơn? Tại sao vẫn kẹt lại trong một mô hình không bền vững? Một lý do là giới lãnh đạo mặc dầu nhìn từ bề ngoài có vẻ đồng nhất và đầy quyền lực, thật sự ra không phải vậy.

Bạn có thể thấy điều này trong việc sản suất thép. Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu quá nhiều thép làm tràn ngập thị trường thế giới và ghì kinh tế Trung Quốc lại trong mô hình xuất khẩu mà nó cần phải bỏ. Thành ra cứ mỗi năm, giới lãnh đạo Trung Quốc cứ tuyên bố là phải cắt giảm lượng thép sản xuất. Nhưng mỗi năm lượng thép sản xuất làm ngược lại – nó vẫn tăng.

Bắc Kinh cứ việc tuyên bố những gì họ muốn, còn các viên chức trung cấp và cao cấp, chưa kể các xí nghiệp nhà nước uy quyền vẫn làm theo lợi ích của họ. Các viên chức này bám chặt vào nguyên trạng – đầy nhũng lạm.

Giới lãnh đạo Trung Quốc không thể chuyển tiếp nền kinh tế trừ phi cả guồng máy cũng muốn vậy. Mà điều này rất khó xảy ra vì làm như thế là thất lợi cho những người đang chi phối guồng máy này.

9. Chính quyền Trung Quốc sợ hãi việc kinh tế suy sụp dẫn đến bất ổn xã hội

Đảng Cộng Sản Trung Quốc rất sợ khủng hoảng kinh tế dẫn đến bất ổn xã hội và bất ổn xã hội dẫn đến thảm họa khôn lường. Đó là bài học của biến động Thiên An Môn năm 1989 cũng xuất phát từ vấn nạn kinh tế.

Lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng dùng mọi biện pháp để tránh tái diễn sự việc đó, có nghĩa là về mặt kinh tế phải giữ cho tăng trưởng liên tục. Điều này khiến cho họ có khi chịu chấp nhận rủi ro, nếu không thì mất mát nhiều. Cùng lúc đó nỗi sợ của họ về hệ lụy của tai họa khiến cho họ lại lo ngại rủi ro và trở nên bảo thủ.

Hai lực đẩy đối nghịch này có thể thấy trong cách giải quyết thị trường chứng khoán sụp đổ. Tập Cận Bình hứa từ năm 2013 là để sức mạnh thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, nhưng trong những tháng vừa qua ông ta làm ngược lại, can thiệp mạnh hơn để ngăn không cho suy sụp thêm.

10. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã từng giải quyết khủng hoảng kinh tế tốt đẹp trong quá khứ

Một lý do mà có nhiều tranh cãi giữa giới quan sát thời cuộc về nền kinh tế Trung Quốc là vì một phần có nhiều chỉ dấu cho thấy kinh tế không khá, nhưng mặt khác giới lãnh đạo đã chứng minh nhiều lần là họ có thể giải quyết các khủng hoảng gây ra. Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán chỉ là một trong một chuỗi dài khủng hoảng kinh tế và chính trị: thí dụ như vụ biểu tình ở làng Wukan năm 2011, vụ vỡ nợ 2013.

Cứ mỗi lần như thế có vẻ như cơn khủng hoảng đụng vào một yếu kém cơ bản có thể kéo cả hệ thống ngã nhào. Và cũng mỗi lần như thế giới lãnh đạo xoay sở trót lọt và giữ vững hệ thống. Vài tuần hay vài tháng sau cơn khủng hoảng trôi qua và mọi thứ trở lại bình thường. Kết quả là lòng tin tưởng của thị trường vào chính quyền Trung Quốc gia tăng và những người bi quan hay tiên đoán sự sụp đổ của TQ đã cận kề thì cứ bị hố.

Dĩ nhiên, quá khứ không bảo đảm gì cho tương lai cả.

11. Đánh mất niềm tin vào chính quyền Trung Quốc là điều nguy hiểm cho thế giới

Khủng hoảng tài chính xảy ra khi mà thị trường phải lượng giá lại một tiền đề quan trọng nào đó. Năm 2007 thị trường bị buộc phải loại bỏ ý niệm cho rằng loại vay nợ subprime là ít rủi ro. Năm 2010 thị trường buộc phải bỏ ý niệm là nợ vay của một thành viên Liên Hiệp Âu như Hy Lạp là an toàn. Điều nguy hiểm lớn nhất ở đây là một loạt quyết định sai lầm của Đảng Cộng Sản sẽ buộc thế giới lượng giá lại một tiền đề đầu tư rất quan trọng: đó là chính quyền Trung Quốc biết họ đang làm gì.

Bây giờ người ta mới thấy là nền kinh tế Trung Quốc quá to và quá phức tạp để chính phủ có thể kiểm soát nó, và do đó dẫn đến sự tái thẩm định cơ bản về rủi ro của Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán của Trung Quốc không quá to và vì quy định giới hạn sự đầu tư của nước ngoài, nó chưa hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Thành ra hệ quả suy sụp của thị trường chứng khoán không quá là nặng nề. Nhưng Trung Quốc rất to lớn và hội nhập hoàn toàn vào kinh tế thế giới. Hệ lụy của bất ổn chính trị tại Trung Quốc, hoặc một cơn khủng hoảng kinh tế thật sự, có thể thành hiện thực cho người dân Trung Quốc.

Radio Chân Trời Mới – Hoàng Thuyên tóm lược

Nguồn: http://www.vox.com/2015/7/9/8922121/chinas-economy-stock-market-crisis

Theo FB Chân Trời Mới

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.