Từ Sông Thị Vải đến bãi biển Miền Trung

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Hiện tượng cá biển chết hàng loạt trôi giạt vào bờ biển Miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên-Huế đến nay thực sự trở thành một thảm họa, chẳng những cho ngư dân, cho hàng triệu người sống ven biển mà còn cho đồng bào cả nước trong sinh hoạt hàng ngày.

Câu chuyện khởi đầu từ sáng ngày 8/4/2016, nhiều ngư dân tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã phát hiện cá biển chết trắng ở khu vực này, trong vòng một bán kính 500m từ Công Ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa của Đài Loan đóng tại Vũng Áng. Báo chí trong nước cho biết ngoài hàng chục tấn cá tự nhiên bị chết trôi giạt vào bờ, một số lồng tôm, cá, thủy sản của người dân quanh đó cũng bị ảnh hưởng. Từ Hà Tĩnh, cá tiếp tục chết vào tận Thừa Thiên-Huế và gần đây nhất vào ngày 27/4 cá chết đã thấy xuất hiện ở bãi biển Đà Nẵng, theo báo Tuổi Trẻ.

Sự kiện ô nhiễm môi trường biển gây chấn động dư luận này làm người ta nhớ lại cách đây 8 năm, nguồn nước sông Thị Vải, Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị ô nhiễm nặng nề bởi Công Ty Vedan Việt Nam. Công ty này chuyên sản xuất bột ngọt, phân bón và một số gia vị thực phẩm khác, năm 2008 đã bị bắt quả tang xả nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải chưa qua hệ thống lọc theo quy định. Với số lượng nước thải ước tính 5.000 m3 một ngày, tôm cá suốt 10 cây số dọc bờ sông này chết trắng.

JPEG - 64.4 kb
Ô nhiễm nghiêm trọng trên Sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra vào năm 2008.

Đối chiếu hai sự kiện diễn ra cách nhau 8 năm tuy ở hai địa phương khác nhau, người ta có thể tìm ra những điểm tương đồng. Cả hai công ty dù một nhỏ (Vedan) một lớn (Formosa) đều có cách làm giống nhau: Vedan chôn đường ống bí mật trực tiếp thải nước bẩn xuống sông bị bắt quả tang. Ngày nay Hưng Nghiệp Formosa cũng thực hiện một đường ống bí mật dưới đáy biển để xả nước độc ra biển.

Sự vô trách nhiệm của hai công ty Đài Loan cũng giống nhau, cả hai đều phủ nhận những gì mình đã làm. Đối với hành động Vedan, mức độ thiệt hại chỉ giới hạn trong một con sông của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và cuối cùng đã bị xử phạt đền bù. Còn Formosa, kích thước vấn đề lớn hơn nhiều, thiệt hại vật chất lẫn tinh thần chưa ai lường nổi.

Thứ nhất, Formosa là một đại công ty và tổng đầu tư vào Vũng Áng lên đến 27 tỷ Mỹ Kim, trong khi Vedan đầu tư vào Việt Nam không thấm vào đâu, khoảng 320 triệu Mỹ Kim.

Trong khi Vedan nói đã chi ra 3 triệu Mỹ Kim cho hệ thống lọc, Formosa khoe đã bỏ ra 45 triệu Mỹ Kim cho hệ thống xử lý nước thải thì con số ấy quá thấp. Thông thường theo thông lệ đầu tư quốc tế, kinh phí đầu tư cho công trình xử lý phải chiếm đến 10 – 15% tổng vốn đầu tư. Điều này cho thấy Formosa coi thường vấn đề quan trọng nhất của công trình đầu tư đối với môi trường nước chủ nhà. Sự cố ý vi phạm của Formosa ngay từ ban đầu đã quá rõ ràng, mãi đến khi cá chết lan tràn sự việc mới bùng nổ.

Thứ hai, Formosa là nhà đầu tư chiến lược về thép và đã cảnh báo nước chủ nhà trước sẽ có tác động đến môi trường nơi đặt nhà máy. Thế mà lãnh đạo đảng và chính phủ vẫn bỏ qua; điều này cho thấy là đảng cộng sản đã hy sinh môi trường sống và sự an bình của người dân vùng biển nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

Trong tình hình ngành thép đang gặp nhiều khó khăn, vì lý do gì những kẻ cầm quyền Việt Nam chấp nhận cuộc chơi mất nhiều hơn được với Công Ty Hưng Nghiệp Gang Thép Formosa? Tương tự dự án Bauxite Tây Nguyên năm 2007, cũng là một “chủ trương lớn” của Bộ Chính Trị, chấp nhận hy sinh môi trường sinh thái Tây Nguyên để ngày nay sản xuất alumin đem bán lỗ cho Trung Cộng.

JPEG - 39.2 kb
Bùn đỏ tràn từ hồ chứa xảy ra ở nhà máy bauxite Tân Rai, Lâm Đồng Tháng 10/2014.

Thứ ba, điều đáng ngạc nhiên là Formosa đã ký được đầu tư đến 70 năm tại Hà Tĩnh, lấy lý do dự án đầu tư trong khu kinh tế. Nếu theo đúng Luật Đầu Tư không cho ký quá 50 năm, đây là sự nhân nhượng quá lớn của Hà Tĩnh. Sự nhân nhượng ấy chỉ có thể giải thích Formosa đã đút đầy túi các viên chức tỉnh này để mua một thời gian khai thác thật dài.

Trong thời gian tai họa Vũng Áng lên cao điểm, cá biển liên tục chết kéo dài suốt bờ biển nhiều tỉnh miền Trung, mọi nghi ngờ tập trung vào nguyên nhân duy nhất từ nhà máy Formosa nhưng nhà cầm quyền Hà Nội, đặc biệt là Bộ Tài Nguyên và Môi Trường lại cố tình bao che.

Sự im lặng khó hiểu ban đầu của những người có trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường càng làm cho Formosa có cơ hội biện bạch chối bỏ trách nhiệm của mình. Thậm chí cán bộ đối ngoại của Formosa còn thách thức mọi người bằng câu nói xấc xược “Muốn nhà máy thép hay muốn tôm cá?”.

Trong thông cáo đưa ra ngày 26/4, Công ty Formosa Hà Tĩnh còn tỏ ra là một kẻ vô tội ngoài cuộc khi nói họ “kinh ngạc” và “không thể hiểu nổi” cũng như “không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ sự liên can” tình trạng sinh vật biển chết, gây ô nhiễm trên biển với quy mô lớn (theo BBC).

Thế nhưng trước đó 2 ngày, cũng chính Formosa thừa nhận đã nhập về 45 loại hóa chất để xử lý chất thải, súc rửa đường ống, đồng thời thừa nhận không thông báo cho chính quyền khi súc rửa “vì không biết quy định này”, theo báo Tuổi Trẻ.

Ngư dân Miền Trung và người dân cả nước suốt nhiều tuần qua trông chờ một câu trả lời thỏa đáng từ phía chính quyền nhưng hoàn toàn thất vọng. Phản ứng của những người có trách nhiệm từ địa phương tới trung ương tỏ ra rất lúng túng, kéo dài thời gian một cách khó hiểu.

JPEG - 80.1 kb
Ông Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp báo ngày 27-4-2016.

Trong một cuộc họp báo kéo dài chưa tới 10 phút vào chiều tối ngày 27/4, Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam Võ Tuấn Nhân tuyên bố: “Chưa có bằng chứng rằng Formosa và các công ty khác trong vùng có liên quan tình trạng cá chết ở miền Trung.”

Sau cuộc họp báo, ông Võ Tuấn Nhân có cuộc phỏng vấn riêng của báo Thanh Niên, Đài Truyền Hình. Khi một nữ phóng viên chất vấn về việc kim loại nặng Crom trong nước biển Lăng Cô cao gấp 9 lần mức cho phép, thì ông Nhân cắt ngang câu hỏi, đứng dậy bỏ đi và nói: “EM HỎI CÂU ĐÓ LÀM TỔN HẠI CHO ĐẤT NƯỚC CỦA MÌNH”.

Người dân tự hỏi, tại sao trong cuộc họp báo về sự kiên Vũng Áng, ký giả hỏi về “tình trạng cá chết” mà “làm tổn hại cho đất nước” và câu hỏi bị cắt ngang? Phải chăng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường có điều gì muốn che giấu và che giấu cho ai?

Sau cuộc họp báo gây phản cảm dư luận nói trên, trong chuyến khảo sát tại Vũng Áng sáng ngày 28/4 ông Trần Hồng Hà, Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã nhận lỗi vì giải quyết vấn đề quá chậm nhưng vẫn tiếp tục tuyên bố chưa có bằng chứng Formosa liên hệ vụ cá chết.

Nhưng sáng 29/4, Trần Hồng Hà lại ra lệnh cho Formosa phải dỡ bỏ đường ống thải dài 1,5 cây số dưới đáy biển vì phạm pháp.

Những phát ngôn và ứng xử đầy lúng túng và bất nhất của những người lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cho thấy có cái gì không ổn ở bên trong vụ cá chết và Công ty Formosa.

Điều này cho thấy là Hà Nội tiếp tục coi thường dư luận, hay nói khác đi đang có một âm mưu từ phía chính quyền lấp liếm một thảm họa càng ngày càng lan rộng.

JPEG - 14.7 kb
Xác suất cá chết do Formosa xả thải chất độc gây ra là rất cao.

Suy cho cùng, vấn nạn cá chết tại miền Trung dù chưa có kết luận đưa ra từ phía chính quyền, nhưng xác suất do Formosa xả thải chất độc gây ra là rất cao. Nhưng nếu không có bọn cán bộ vô lương tâm, tham ô bán rẻ quyền lợi dân tộc thì thảm kịch cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển Miền Trung đã không xảy ra. Điều này đã được chứng minh qua các công trình đầu tư lớn nhỏ khắp nước đủ mọi ngành nghề, không riêng gì Formosa.

Từ Sông Thị Vải đến Bãi Biển Miền Trung, chưa bao giờ những kẻ cầm quyền học được bài học ô nhiễm môi trường, mà họ chỉ mải mê chạy theo lợi ích bòn rút được từ nỗi khổ của người dân.

Sự kiện này cho thấy dân ta hôm nay không đứng dậy thì tương lai con cháu ta sẽ mãi mãi là một tương lai mù mịt.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.