Câu Chuyện Lá Cờ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Lá cờ Việt Nam quốc gia của chúng ta được chính phủ Nguyễn Văn Xuân chính thức công bố ngày 2-6-1948 tại Sài Gòn cùng với bản quốc ca vốn là bản “Thanh niên hành khúc” của Lưu Hữu Phước được đổi lời.

Để hiểu rõ ý nghĩa của lá cờ, xin hãy trở lui lại hoàn cảnh xuất hiện lá cờ, bắt đầu bằng thời điểm năm 1945 là cái mốc quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

Tình hình chính trị Việt Nam xôn xao mạnh vào thế chiến thứ nhì (1939-1945) với sự xuất hiện của Nhật Bản, nhất là khi Nhật đảo chánh thay quyền Pháp ngày 9-3-1945. Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam và yêu cầu Việt Nam gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật lãnh đạo. Vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Ngày 17-4-1945, Trần Trọng Kim trình diện nội các mới gồm những nhà trí thức và chuyên gia tân học yêu nước, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức chính phủ Tây phương.

Ngày 2-6-1945, ông Trần Trọng Kim chọn quốc kỳ nền vàng, trên có ba sọc đỏ theo hình quẻ ly. Quẻ ly là một trong tám quẻ đơn của bát quái trong kinh Dịch. Ly vi hỏa là lửa, sáng màu đỏ. Theo quan niệm của Hậu thiên bát quái, ly đóng ở phương nam. Như vậy, màu vàng của nền cờ vừa là màu cờ long tinh cũ của hoàng gia, vừa tượng trưng cho “thổ”, thích hợp với quẻ ly để chỉ vị trí nước ta ở phương nam, đồng thời với ý nghĩa người Việt Nam máu đỏ da vàng.

Chính phủ Trần Trọng Kim làm được khá nhiều việc hữu ích lâu dài. Chính phủ lo cứu đói năm 1945, cải cách các hệ thống thuế má, tư pháp, và giáo dục từ thể chế Pháp thuộc qua thể chế độc lập, và nhất là thống nhất ba kỳ về chính quyền trung ương. Lễ hợp nhất Nam Kỳ chưa tổ chức kịp thì chính phủ Trần Trọng Kim bị sụp đổ khi Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945.

Việt Minh lợi dụng thời cơ cướp chính quyền ngày 19-8. Đại sứ Nhật tại Huế là Yokoyama vào yết kiến vua Bảo Đại, xin đem lực lượng Nhật tại Đông Dương (còn nguyên vẹn) dẹp tan cuộc đảo chánh của Việt Minh, nhưng vua Bảo Đại từ chối vì sợ cảnh nội chiến tương tàn trước sự lợi dụng của ngoại bang. Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngày 25-8 và chính phủ Trần Trọng Kim giải tán.

Chính phủ Việt Minh do Hồ Chí Minh cầm đầu ra mắt tại Hà Nội ngày 2-9-1945, gồm đại đa số là đảng viên cộng sản, chọn lá cờ của Mặt trận Việt Minh làm quốc kỳ. Đó là lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng, phỏng theo hồng kỳ của Liên Xô. Hồ Chí Minh, người học trò của Đệ tam quốc tế cộng sản, du nhập vào Việt Nam lý thuyết Mác Xít, cũng du nhập luôn hình thức cờ đỏ sao vàng.

Chính phủ Hồ Chí Minh gặp nhiều chống đối từ phía những nhà cách mạng theo khuynh hướng quốc gia dân tộc như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), từ phía Trung Hoa và từ phía người Anh, có người Pháp đi kèm. Trung Hoa và Anh là hai nước được phe Đồng Minh chỉ định giải giới quân đội Nhật ở bắc và nam vĩ tuyến 16 nước Việt Nam theo tối hậu thư Potsdam (Đức). Pháp theo chân Anh, chiếm lại miền Nam rồi tiến ra Trung và ra Bắc.

Trước tình hình nguy ngập, Hồ Chí Minh tổ chức bầu cử quốc hội, thành lập chính phủ liên hiệp ngày 2-3-1946, bao gồm cả những đại diện của Quốc Dân Đảng và Việt Cách. Việt Minh cố gắng tạo ra vẻ ổn định bề ngoài để thương lượng với Pháp, nhưng ở bên trong, Việt Minh mở cuộc đại khủng bố nhắm tiêu diệt những phần tử quốc gia không cộng sản. Chính phủ liên hiệp thất bại. Việt Minh cũng thất bại trong cuộc điều đình với Pháp, chiến tranh bùng nổ ngày 19-12-1946.

Khi trở lại Sài Gòn, Pháp thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị ngày 1-6-1946 do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh cầm đầu. Ngày 10-11-1946, bác sĩ Thinh từ trần tại tư gia mà dư luận cho rằng ông bị Pháp lừa gạt, nên thất vọng tự tử. Bác sĩ Lê Văn Hoạch lên thay, nhưng vì quan điểm Nam Kỳ tự trị, nghĩa là tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam, nên chính phủ nầy không được dân chúng ủng hộ. Pháp mời ông Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Lúc bấy giờ đại biểu ba miền đất nước cùng về Sài Gòn thành lập chính phủ lâm thời trung ương Việt Nam ngày 23-5-1948 do ông Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng.

Khi đó có năm lá cờ được đề nghị để chọn làm quốc kỳ, gồm có ba lá cờ do uỷ ban đại diện ba miền Bắc, Trung và Nam phần đưa ra, và hai lá cờ do đại diện Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài đề nghị. Cuối cùng lá cờ do đại diện miền Nam đề nghị được chấp thuận vì có ý nghĩa nhất, lại không phức tạp.

Ngày 2-6-1948, thủ tướng Xuân công bố lá quốc kỳ mới hình chữ nhật, chiều ngang bằng hai phần ba chiều dài, nền vàng giống như cờ của Trần Trọng Kim, nhưng thay vì quẻ ly, nay đổi lại ba sọc đỏ bằng nhau chạy dài theo chiều ngang của lá cờ. Ba sọc nầy tượng trưng cho sự thống nhất ba miền lãnh thổ Bắc, Trung, và Nam phần của đất nước trên nền vàng tượng trưng căn bản của quốc gia.

Theo cựu hoàng Bảo Đại, trong sách Con rồng Việt Nam, trang 316, thì: “Ba vạch đỏ song song tượng trưng cho ba kỳ, trên màu vàng là màu của hoàng gia.” Lối giải thích ngắn gọn của cựu hoàng có lẽ chưa nói hết đầy đủ ý nghĩa của lá cờ quốc gia của chúng ta. Không hiểu những nhà vẽ mẫu cờ có chú ý một điểm là ba sọc đỏ nằm ngang như vậy là hình của quẻ càn hay kiền trong kinh Dịch. Quẻ càn là quẻ đơn đứng đầu bát quái, gồm ba vạch ngang là ba hào dương, tượng trưng cho trời, cho khí thuần dương, có đức cứng mạnh dũng mãnh.

Có lẽ cần ghi nhận ở đây là nhưng người đối lập đã xách mé gọi lá cờ quốc gia có ba sọc đỏ nằm ngang là cờ ba que, nên tốt nhất, để tôn trọng lá cờ của chúng ta, ngày nay chúng ta không nên dùng chữ cờ vàng ba sọc đỏ, mà chúng ta gọi là lá cờ Việt Nam quốc gia vừa tránh bị xuyên tạc, vừa vì bản thân ý nghĩa của lá cờ, mà cũng vừa vì lá cờ đại diện cho lý tưởng quốc gia.

Trước hết, trên hình thức, lá cờ nầy đối nghịch hẳn với cờ đỏ sao vàng của Hồ Chí Minh, và trở lại tiếp nối lá cờ của chính phủ Trần Trọng Kim. Nếu lá cờ năm 1945 của ông Trần Trọng Kim thừa tiếp lá cờ long tinh của hoàng gia, thì lá cờ hình thành năm 1948 lại thừa tiếp truyền thống lá cờ của Trần Trọng Kim, chẳng những về hình thức, màu sắc, mà cả về lý tưởng chính trị, đó là lý tưởng quốc gia.

Chủ trương của Trần Trọng Kim là thống nhất đất nước về một khối. Pháp nổi tiếng trong kế sách chia để trị, còn Việt Minh cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp để tạo mâu thuẫn, gây xung đột, rồi thủ lợi.

Trong lúc Pháp muốn tách miền Nam một lần nữa ra khỏi tổ quốc thiêng liêng bằng cách tổ chức chính quyền Nam Kỳ tự trị, thì chính nhân dân và các chính trị gia miền Nam đã đứng lên ngay trên đất Sài Gòn, thủ phủ của miền Nam, đòi hỏi miền Nam phải được nằm trong một nước Việt Nam thống nhất, tượng trưng bằng lá cờ do ông Nguyễn Văn Xuân công bố. Do đó, bên cạnh tính truyền thống, lá cờ nầy còn nói lên ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam chống lại những mưu đồ chia rẽ của thực dân Pháp và Việt Minh cộng sản.

Sự ra đời của lá cờ quốc gia trong hoàn cảnh lịch sử năm 1948 cho thấy sự ra đời của một khuynh hướng chính trị mới ở khắp Bắc, Trung và Nam phần Việt Nam. Đó là khuynh hướng của những nhà chính trị dân tộc độc lập, chủ trương tự do dân chủ, chống sự đô hộ của Pháp và chống lại cộng sản độc tài.

Những nhà lãnh đạo ban đầu của khuynh hướng nầy bị cộng sản chụp mũ là những người thân Pháp hay tay sai của Pháp, vì họ xuất thân từ công chức Pháp, hoặc tốt nghiệp từ các trường Pháp. Kể cũng lạ vì nếu ông Nguyễn Văn Xuân, một đại tá quân đội Pháp, là tay sai của thực dân, thì tại sao ông Hồ Chí Minh lại chọn mời vào chính phủ do ông thành lập ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, rồi nay quay lại chụp mũ ông Xuân?

Trong lúc lớp sĩ phu Nho giáo cũ dần dần tiêu vong, thì những những nhà lãnh đạo mới không ít thì nhiều đương nhiên xuất thân từ các lớp tân học hoặc từ Pháp về. Những người nầy ngay từ đầu đã thấy mầm mống cộng sản trong con người Hồ Chí Minh, trong khi những người trong nước có thể không thấy được. Những người lãnh đạo trong nhóm Việt Minh đều được đào tạo ở Liên Xô và Trung Cộng, đem lý thuyết Mác Xít về áp dụng một cách cứng ngắt tại Việt Nam, mới đúng là tay sai của ngoại bang.

Trong khi đó, những người từ tây Âu hoặc xuất thân từ trường Pháp, học được tư tưởng tự do dân chủ trong văn hóa phương tây, khi ứng dụng vào tình trạng Việt Nam, họ thấy rõ dã tâm của nhà cầm quyền thực dân Pháp, nên họ muốn tách ra khỏi thế lực Pháp, trở về với quốc gia dân tộc. Những người trong nhóm Nguyễn Văn Xuân tuy được đào tạo từ Pháp, nhưng không theo chủ trương Nam Kỳ tự trị của thực dân, mà muốn đem Nam phần gia nhập trở lại đại gia đình Việt Nam. Họ chính là những người tiên phong tìm về cội nguồn dân tộc.

Sau khi ký hiệp ước Élysée tại điện Elysée (Paris), ngày 8-3-1949 với tổng thống Pháp là Vincent Auriol, cựu hoàng Bảo Đại về nước làm quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam, tiếp tục chọn lá cờ nầy làm quốc kỳ.

Khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, nước Việt Nam bị chia hai do hiệp định Genève ngày 20-7-1954. Ông Diệm ổn định tình hình miền Nam, tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, thiết lập chế độ Cộng Hòa do ông làm tổng thống. Quốc hội lập hiến được bầu ngày 4-3-1956, bàn chuyện thay đổi quốc kỳ và quốc ca, nhưng chưa có mẫu vẽ quốc kỳ mới nào ưng ý hơn, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội ra quyết nghị hoãn bàn, và vẫn giữ quốc kỳ như cũ. Sau đó Quốc hội mở cuộc thi vẽ quốc kỳ mới; có tất cả 350 mẫu cờ và 50 bài nhạc được đề nghị. Ngày 17-10-1956, quốc hội lập hiến một lần nữa ra tuyên bố không chọn được mẫu quốc kỳ và bài hát nào hay đẹp và ý nghĩa hơn, nên quyết định giữ nguyên màu cờ và quốc ca cũ làm biểu tượng quốc gia.

Như thế, sau nhiều cuộc thăm dò, lá cờ do thủ tướng Nguyễn Văn Xuân chọn lựa năm 1948 vẫn đứng vững là lá cờ tượng trưng cho khuynh hướng chính trị quốc gia dân tộc của người Việt Nam. Trong sách Việt nam máu lửa, tr. 453, tác giả Nghiêm Kế Tổ viết: “Lý tưởng quốc gia tự ngàn xưa, thế kỷ qua thế kỷ, vẫn dồi dào đầy ắp trong tiềm thức của dân chúng Việt Nam và đã là yếu tố chính, yếu tố căn bản, nòng cốt trong mọi hành động cứu tổ quốc giang san của giòng giống Lạc Hồng.”

Khuynh hướng quốc gia dân tộc bị cả thực dân Pháp lẫn cộng sản xem là kẻ thù. Hai thế lực thực dân và cộng sản là hai thế lực tương khắc nhưng tương sinh, nghĩa là hai thế lực nầy tuy kình chống nhau nhưng dựa vào nhau để phát triển. Việt Minh cộng sản lấy cớ chống Pháp để kêu gọi lòng yêu nước của dân chúng mà lớn mạnh. Pháp lấy cớ chống Việt Minh cộng sản mở những cuộc hành quân tiêu trừ và không chịu trao trả độc lập lại cho Việt Nam. Sau năm 1954 cũng vậy. Hoa Kỳ lấy cớ chống cộng để đưa quân vào Việt Nam, Cộng sản lấy cớ chống Mỹ cứu nước để cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa.

Cộng sản Việt Nam dựa vào sự hậu thuẫn của Đệ tam quốc tế cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Vì cần hậu thuẫn trên thế giới, những người theo khuynh hướng quốc gia dân tộc ở thế chẳng đặng đừng liên kết với Pháp, rồi sau đó liên kết với Hoa Kỳ để chống cộng sản. Rất tiếc một sự thật tự nhiên cho thấy rằng không có một người ngoại quốc nào thực tâm yêu nước Việt Nam. Cả Pháp lẫn Hoa Kỳ đều hành động vì quyền lợi tối thượng của tổ quốc họ. Họ sẵn sàng hy sinh đồng minh để thực hiện những tính toán riêng tư cho quyền lợi đất nước họ hoặc của tập đoàn lãnh đạo của họ. Đây là điều tự nhiên không đáng trách.

Do đó, khuynh hướng quốc gia dân tộc bị kẹt giữa hai thế lực, một bên là thực dân và tư bản, một bên khác là cộng sản. Hai thế lực nầy đều kiếm cách tiêu diệt những nhà lãnh đạo quốc gia chân chính để thực hiện chính sách của họ. Những nhà lãnh đạo chính trị và cả những tướng lãnh quân đội theo khuynh hướng quốc gia dân tộc, nếu quyết chí hy sinh vì đất nước, thường bị một trong hai bên tiêu diệt. Đó là cái bẫy hai đầu làm hao mòn đất nước chúng ta và cuối cùng đẩy đất nước chúng ta đến chỗ bị sụp đổ thảm hại năm 1975.

Không phải chỉ có một vài lãnh tụ hay tướng lãnh hy sinh vì lá cờ quốc gia mà còn biết bao anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của chúng ta. Chẳng những thế, sau cuộc chiến, rất nhiều người trung thành với lá cờ, đã ngã gục trong các trại tù đen tối ở một xó xỉnh nào đó, hoặc chết thảm trên các đại dương mênh mông trong khi bỏ nước ra đi tránh nạn cộng sản. Nhà văn Roumania gốc Do Thái, Elie Wiesel, giải Nobel Hòa bình năm 1986, trong tác phẩm Night (Đêm) đã viết một câu đáng nhớ cho những người Việt hải ngoại được sống sót sau năm 1975: “Được sống sót là mắc nợ những người đã chết…Ai không nhớ đến những người đã chết là thêm một lần nữa phản bội họ.”

Đời sống thăng trầm của lá cờ Việt Nam quốc gia, tượng trưng cho truyền thống dân tộc và tinh thần tự do dân chủ, mách bảo cho người Việt hải ngoại một điều căn bản, đó là nếu chúng ta muốn lá cờ quốc gia tung bay trở lại trên bầu trời Việt Nam thân yêu, nghĩa là muốn tìm cách khôi phục lại chế độ tự do dân chủ tại Việt Nam, thì những người quốc gia phải tự mình kiếm cách tạo một nội lực để tranh đấu cho chính tương lai tổ quốc mình.

Điều nầy xem ra rất khó khăn cho người Việt quốc gia, nhất là tình trạng phân liệt ở trong nước trước năm 1975, được kéo dài ra hải ngoại mãi cho đến ngày nay. Sự phân liệt nầy hiện còn có thể bị cả cộng sản lẫn tư bản lợi dụng để đào sâu hố chia rẽ, nên tình trạng phân hóa càng trầm trọng thêm.

Tuy rất khó, nhưng ý nghĩa của lá cờ quốc gia cho chúng ta một niềm tin vững chắc. Cá nhân của một số lãnh tụ quốc gia hay lãnh tụ cộng đồng có thể sai lầm, nhưng lý tưởng của lá cờ quốc gia không bao giờ thay đổi. Đó là tượng trưng cho chế độ tự do dân chủ là chế độ mà mọi người đều mong muốn được tái lập tại Việt Nam.

Tình hình hiện tại cho thấy càng ngày nhà cầm quyền cộng sản càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Họ đang cố gắng sửa sai, nhưng càng sửa càng sai. Lý do chính vì vấn đề lý thuyết cộng sản chỉ thích hợp cho việc tranh cướp quyền bính, chứ không thích hợp cho sự cai trị và canh tân đất nước. Hệ thống độc tài cộng sản chỉ làm mất dân chủ và cản trở sự canh tân đất nước. Do đó sẽ đến lúc tự nó phải bị đào thải theo quy luật lịch sử, “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong (thuận với trời thì còn, nghịch với trời thì suy vong). Những hiện tượng mới xảy cho thấy việc đòi hỏi dân chủ không phải chỉ diễn ra ở tầng lớp trí thức bên trên như Lê Chí Quang, Nguyễn Đan Quế… mà đã lan rộng khắp trong đại chúng, ở Thái Bình, ở Xuân Lộc, và có thể một nơi nào đó mà chúng ta không được biết.

Năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đảng Cộng Sản cầm quyền trên toàn quốc, thi hành chính sách chuyên chính vô sản, lấy ruộng đất, đánh tư sản, quốc hữu hóa các xí nghiệp, đốt sách vở, đưa hàng trăm ngàn người vào trại lao động khổ sai, thì ai ai cũng nghĩ rằng Việt Nam sẽ mãi mãi đen tối. Lúc đó, không ai thấy một tia sáng nào ở cuối đường hầm. Có ai ngờ năm 1990, thành trì của quốc tế vô sản là Liên Xô bị sụp đổ, làm lung lay nền tảng ý thức hệ Mác Xít, kéo theo sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu, làm lóe lên những tia hy vọng mới cho những người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Vậy thì tại sao ngày nay chúng ta không có quyền nghĩ rằng sẽ có ngày Việt Nam sẽ tươi sáng hoàn toàn trở lại? Xu hướng của thế kỷ 21 là tự do dân chủ sẽ toàn thắng trên khắp thế giới. Chúng ta phải kiên trì giữ vững niềm tin, tránh những va chạm vô bổ giữa những người quốc gia để bảo toàn tiềm lực người Việt tự do, chờ đợi thời cơ thuận tiện chín mùi để trở về phục hưng đất nước, thế nào rồi cũng có lúc lá cờ quốc gia chúng ta tung bay trở lại trên bầu trời tổ quốc mến yêu. Nghĩ đến lá cờ, xin đừng quên những người đã hy sinh để bảo vệ lá cờ, bảo vệ sự sống cho chúng ta. Và cũng xin đừng quên câu nói của Elie Wiesel: “Được sống sót là mắc nợ những người đã chết…Ai không nhớ đến những người đã chết là thêm một lần nữa phản bội họ.”

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 2000)

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.

Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số người lao động trẻ từ 15 tuổi lên là 52,4 triệu, chiếm 53,3% tổng dân số.

Thời gian qua, tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh nói lên thực trạng khó khăn của người lao động Việt Nam, nhất là trong giới lao động trẻ.

Các chuyên gia nói gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?