Đọc tập sách “Chết Bởi Trung Quốc” của tác giả Peter W. Navarro và Greg Autry (Phần 7)

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Sau đây là Phần 7 bài điểm sách “Chết Bởi Trung Quốc” (Death by China) của Bình luận gia Lý Thái Hùng. Kính mời quý độc giả theo dõi. BBT WebVT

— –

PHẦN 7

Chương 13: Death By Chinese Pogrom: When Mao Met Orwell and Deng Xiaoping in Tiananmen Square.
Chết Vì bị Trung Quốc Tàn Sát: Khi Mao Gặp Orwell và Đặng Tiểu Bình ở Thiên An Môn.

 

JPEG - 90.8 kb
Hàng trăm ngàn thanh niên biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn Tháng 6/1989.

Trong “thiên đường” của những công nhân Trung Quốc, kẻ thù thông thường nhất của đảng Cộng sản lại là những công dân của chính họ. Những công dân kẻ thù này là những người làm việc cật lực trong nước Cộng Hòa của Nhân Dân, họ muốn đồng lương cao hơn và những điều kiện làm việc tốt hơn, họ ao ước có nước sạch và không khí dễ thở, họ phấn đấu để được chăm sóc sức khoẻ và quyền lợi hưu trí hợp lý, và họ tìm kiếm hết lòng trong tuyệt vọng quyền tự do phát biểu tư tưởng chính trị và tôn giáo.

Tại những phần đất bị chiếm đóng như Tây Tạng, Nội Mông, và Tân Cương, những kẻ thù của đảng Cộng sản Trung Quốc này cũng là những người bản xứ can đảm đi tìm quyền tự chủ từ chế độ Bắc Kinh; họ đòi hỏi quyền được chia một phần sự thịnh vượng từ việc khai thác các nguồn tài nguyên trên mảnh đất quê hương; và họ căm phẫn tột cùng trước làn sóng tràn vào của sắc dân thống trị người Hán mà Bắc Kinh đã đưa vào nhập cư để xóa nhòa và tẩy sạch gốc tích di truyền của họ.

Đối với hàng trăm triệu nạn nhân này của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có ba vấn đề:

– Sự áp bức nội địa do mô hình tăng trưởng kinh tế đầy ô nhiễm vận hành trên lao động rẻ mạt (50 xu).

– Một hệ thống thần quyền cứng ngắc của Đảng Cộng sản dựa trên giai cấp đã hạn chế sự thăng tiến xã hội.

– Một chế độ độc tài toàn trị kiểu “Orwell tiêm kích thích tố Steroids” theo dõi mọi động thái của dân, ức chế mọi hơi thở, và tuyệt đối không dung thứ đối lập.

Trên thực tế, trớ trêu thay cái tên “Cộng Hòa Nhân Dân” vừa không phải là nền dân chủ đại diện bởi những nhà lãnh đạo được người dân bầu lên hợp lệ từ những cuộc đầu phiếu, vừa chẳng phải là một “cộng hòa” nơi người dân, bằng bất cứ phương thức hay cung cách nào giữ được quyền kiểm soát đáng kể đối với chính phủ. Thay vào đó, những cuộc hội họp và những quá trình lấy quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn bị che dấu và gạn lọc bởi phương tiện truyền thông do đảng kiểm soát bằng bàn tay sắt.

Đế Quốc Đỏ Nói Dối

Điều 35, Hiến Pháp của Trung Quốc đã ghi như sau: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do diễn hành và biểu tình.”

Ngay cả tên của Trung Quốc – Cộng Hoà Nhân Dân – là một sự dối trá đầy mỉa mai, Hiến pháp của nước Cộng hòa Nhân dân cũng là trò chơi chữ đầy rẫy những phi lý. Trong khi điều 35 bảo đảm các quyền như tự do ngôn luận, lập hội, tụ họp, và biểu tình, thì việc thực hiện bất cứ quyền nào trong số này – nhất là biểu tình – là tự chuốc lấy hoặc bị đánh đập, hoặc bị bỏ tù hay cả hai.

Đối với tự do báo chí, một điều kiện tiên quyết để thành công của một nhà nước công an trị là khả năng kiểm soát các luồng thông tin và uốn nắn nhận thức qua quản lý cả hai đầu ra vào của thông tin. Đây là một quá trình hai bước nhằm đàn áp thông tin chân thực và thay thế nó bằng sự lừa dối đầy thuyết phục; và Trung Quốc xử dụng báo chí và truyền thông điện tử của họ để làm điều này rất tốt. Trong thực tế, chỉ số tự do báo chí gần đây nhất do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp hạng Trung Quốc đứng thứ hạng 171 trong số 178, đặt nó chỉ trước nửa tá những lỗ đen kiểm duyệt nặng nề như Sudan, Bắc Triều Tiên và Iran.

Điều 40 Hiến Pháp ghi rằng: “Tự do và quyền riêng tư thư tín của các công dân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được bảo vệ bởi luật pháp”. Điều này cũng thật nực cười. Thử lên Internet ở Trung Quốc và gửi một E mail đến người bạn. Bức thư dù mang tính riêng tư sẽ bị kiểm duyệt bởi “Bức Tường Lửa Vĩ Đại” vốn xử dụng hơn 50,000 công an mạng và nhân viên kiểm duyệt; và chúng tôi đã trực tiếp thấy được điều này khi công an ở Thấm Quyến bắt giữ những người bất đồng chính kiến mà chúng tôi sắp xếp lịch gặp thông qua E Mail.

Muốn thấy Bức Tường Lửa Vĩ Đại trong hành động, ta có thể thử: Đi đến một quán cà phê Internet ở bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc và đánh thử vào trình duyệt (web browser) của bạn những câu như “freedom of speech”, hay “Tiananmen square demonstrations”. Các đường nối liên hệ sẽ bị phong tỏa. Thử lần nữa, và máy của bạn sẽ bị tắt ngay. Cứ tiếp tục thử, và rất có thể sẽ có một công an mạng đến hỏi thăm bạn – hay bị sách nhiễu bởi một kẻ nào đó trong một hệ thống những người thừa hành tài tử vốn kiếm tiền bằng cách giao nạp những công dân mạng như họ để lấy tiền thưởng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng cảnh báo:

Chúng ta phải tăng cường và cải tiến sâu rộng hơn nữa việc kiểm soát các trang thông tin mạng, nâng cao mức độ kiểm soát xã hội ảo và hoàn thiện cơ chế của chúng ta đối với các kênh trực tuyến ý kiến của công chúng.

Cũng nên thêm ở đây rằng, như bao chuyện ở Trung Quốc, kiểm duyệt gắn liền chặt chẽ với chiến tranh kinh tế của Bắc Kinh nhằm chống lại những đối tác mậu dịch và đối thủ cạnh tranh của họ. Ví dụ, Trung Quốc cấm phim ảnh Hollywood tại những rạp chiếu bóng ở Trung Quốc với lý do là phản đối văn hóa và đạo đức trong khi mặc nhiên cho phép những phim này được sao chép trên đường phố Thượng Hải; rõ ràng đây là một rào cản mậu dịch lớn lao nhắm vào trong những kỹ nghệ lớn của Hoa Kỳ.

Tương tự, ngăn cấm những công ty Hoa Kỳ như Google, Youtube, và Facebook xâm nhập thị trường Trung Quốc trong khi đó lại dung dưỡng các công ty nhái như Baidu, Youku và Renren là một sự vi phạm trắng trợn những luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới: núp đàng sau lập luận quái đản cho rằng kiểm duyệt là một lý do chính đáng chứ không phải là một tội ác.

JPEG - 39.8 kb
Sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn 1989

Tác giả đã đưa ra một vấn đề khá mỉa mai; sự kiện có quá nhiều công dân Trung Quốc bị bỏ tù vì cố thực thi quyền tự do được quy định trong điều 35 và điều 40 của Hiến Pháp, rõ ràng cho thấy rằng công an Trung Quốc không buồn đọc điều 37 Hiến pháp – nêu rõ: “Quyền tự do của các công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là bất khả xâm phạm.”

Thực tế, ngày nay, có khoảng 2 triệu công dân Trung Hoa đang khốn đốn trong hơn 300 cái gọi là “trại cải tạo lao động” và hàng chục ngàn những công dân này đã bị giam về những tội như theo đạo Thiên Chúa Giáo “chưa được đăng ký” hay là thành viên của Giáo phái Pháp Luân Công. Điều này nữa, cũng thật kỳ lạ bởi vì điều 36 của Hiến pháp rõ ràng quy định: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc có quyền tự do tín ngưỡng”.

Đương nhiên, khi những công dân bình thường của Trung Quốc buộc phải đối diện với sự tương phản hoàn toàn giữa lý tưởng được nêu ra trong Hiến pháp và thực tế của đời sống hàng ngày kiểu Orwell, họ đã phải tự trải nghiệm một trường nhận thức nghịch lý nghiêm trọng. Điều đó làm nảy sinh câu hỏi: Điều gì đã khiến một quốc gia với người dân cần cù và thông minh và với một lịch sử kinh tế, văn hóa lâu đời và phong phú như thế lại rơi vào địa ngục toàn trị như hôm nay? Để trả lời câu hỏi đó, cần nhìn sơ vào một số bước ngoặt lịch sử quan trọng.

Đế Quốc Đỏ Bần Cùng

Phần lớn sự đổi mới và năng động mà chúng ta liên kết với Trung Quốc bắt nguồn từ đời Đường (khoảng từ 600 đến 900 trước Công nguyên) và đầu triều đại nhà Minh (từ 1370 đến 1450). Trong cả hai thời kỳ này, Trung Quốc – phát minh ra tất cả mọi thứ từ la bàn, thuốc súng và hỏa tiễn đa chặng đến tiền giấy, xe đẩy, rượu và cờ tướng – đã là nền văn minh thịnh vượng nhất, hùng mạnh nhất, ổn định nhất và tiên tiến nhất trên trái đất.

Đặc biệt dưới triều đại nhà Minh, trong khi Châu Âu còn ngủ vùi trong thời kỳ tăm tối, Trung Quốc đã phát triển một nền kinh tế tiêu dùng vững chắc với sự hỗ trợ của một đế chế sáng tạo kỹ thuật và thương mại to lớn. Chính trong thời kỳ này, Hoàng đế thứ ba của Nhà Minh đã cho hạ thủy những hạm đội thám hiểm lớn nhất mà thế giới chưa từng thấy – trước đó hay từ đó về sau.

Theo ghi chép của Samuel Wilson trong quyển The Emperor’s Giraffe, hạm đội viễn chinh Hoàng gia Trung Quốc có hàng trăm “thuyền chở châu báu” đồ sộ – dài bằng nửa chiếc du thuyền hiện đại. Những tàu này chở hàng chục ngàn thủy thủ Trung Quốc đến Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông; chúng quay trở về với đồ cống nạp và sứ thần từ phương xa. Nếu so sánh, toàn bộ hạm đội của Christopher Columbus chỉ là một nhóm thuyền bé nhỏ tội nghiệp, và với sự xuất hành của hạm đội Hoàng gia, Trung Quốc đã sẵn sàng để trở thành một thế lực quốc tế có thể dễ dàng gạt Tây Ban Nha và Anh sang một bên trong cuộc chinh phục địa vị bá chủ hoàn cầu ở thế kỷ 16.

Tuy nhiên, giấc mộng đế quốc của Trung Quốc đã không thành hiện thực. Năm 1433, những hoạn quan đầy quyền lực đã đột ngột cắt đứt các chuyến thám hiểm, phá hủy tàu thuyền, và thậm chí tiêu hủy những ghi chép của các cuộc hành trình. Những gì theo sau là một chính sách cô lập tai hại, trong đó quốc gia có một thời vĩ đại là Trung Quốc từ từ rơi vào thời kỳ đen tối trong lúc Phương Tây phát triển rực rỡ.

Bất chấp sự cô lập của họ, trong những năm đầu thập niên 1800, Trung Quốc vẫn chiếm 1/3 Tổng sản lượng nội địa (GDP) của thế giới so với 3% khiêm tốn của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử, Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ cuộc cách mạng công nghiệp.

Thay vào đó, một trong những đổi chiều “gậy ông đập lưng ông” của lịch sử, những kỹ thuật của Trung Hoa như thuốc súng và la bàn được các quốc gia Âu Châu biến thành vũ khí; và cuối cùng những nước này đã đến cướp bóc vương quốc vốn một thời kiêu hãnh và hùng mạnh. Chính trong thời kỳ dài mà người Trung Quốc gọi là thời kỳ “mối nhục ngoại bang” này, các thế lực đang nổi lên của Phương Tây đã thiết lập các căn cứ thuộc địa tại những thành phố cảng như Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba và Thượng Hải. Những nước thực dân này không đến trong hòa bình mà đến để khai thác của cải Trung Quốc để chở về Anh, Hà Lan và Bồ Đào Nha.

Cũng trong thời kỳ này, nước Anh phát động cuộc Chiến Tranh Thuốc Phiện buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhập khẩu thuốc phiện giết người từ Ấn Độ để Anh có thể cân bằng thâm thủng mậu dịch khổng lồ với Trung Quốc về những hàng hóa như bông vải, lụa, trà. Những cuộc chiến này tích lũy đưa đến cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer Rebellion), một cuộc nổi dậy của người Hoa chống lại người ngoại quốc, đã bị dập tắt một cách dã man bởi lực lượng viễn chinh chung của Âu Châu và Hoa Kỳ. Chính các đội quân nước ngoài này đã tiến vào Cấm Thành, bước qua lăng tẩm của các hoàng đế triều Minh vĩ đại, cắt nát mảnh cuối cùng của lòng tự trọng, sự kiên nhẫn và quan trọng nhất là sự đoàn kết của người Trung Quốc.

Theo sau mối nhục ngoại bang này, Trung Quốc từ từ phân rã trong cuộc cách mạng toàn diện. Sau hy vọng ngắn ngủi về một nền cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn vào năm 1912, Trung Quốc nhanh chóng bị cuốn vào cuộc nội chiến đẫm máu đa phương giữa các phe quốc gia, cộng sản, và nhiều lãnh chúa. Đây là một cuộc hỗn loạn làm suy nhược toàn diện, dẫn đến cuộc xâm lược tàn bạo của Nhật Bản và đạt đến đỉnh điểm với sự trổi dậy của Mao Trạch Đông, sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào năm 1949 và sự đào thoát của những lực lượng quốc gia sang Đài Loan.


Mao Đã Giết Bao Nhiêu Người?

Để ghi nhận công lao của Mao Trạch Đông, ông ta đã tái thống nhất Trung Quốc dưới sự cai trị của “Hán” tộc, trục xuất vô điều kiện tất cả những người ngoại quốc, và khôi phục niềm tự hào Trung Hoa. Điều đó nói rằng, cái giá mà nhân dân Trung Quốc đã phải trả – bằng máu, nước mắt, mồ hôi, lao động cưỡng bức, tù tội và sống trong nơm nớp sợ hãi – cho cuộc giải phóng kiểu cộng sản của Mao là một cái giá cực kỳ đắt.

Trong khi Hitler giết hay tiêu diệt khoảng 12 triệu thường dân và Stalin khoảng 23 triệu trong các cuộc thanh trừng và bỏ đói của ông ta, thì con số người chết do Mao đâu đó khoảng 49 đến 78 triệu. Điều đó khiến Mao trở thành kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất của mọi thời đại – ít nhất đó là theo ông Piero Scaruff, người đã thống kê những vụ diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Trên thực tế, trong suốt 2 thập niên rưỡi cai trị của Mao, khi không bơi qua sông Dương Tử để tập thể dục, tên Chủ Tịch tâm thần này sẽ nhảy từ một chương trình điên rồ hay một cuộc thảm sát này sang một chương trình điên rồ hay một cuộc thảm sát khác. Ví dụ, chương trình “Đại Nhảy Vọt” của ông ta bao gồm việc nấu chảy toàn bộ sắt thép trong nước tại những lò rèn tự chế tại nhà và tận diệt chim sẻ. Điều tất yếu theo sau từng bước cải cách hoàn toàn điên rồ của Mao là thảm họa kinh tế và nạn đói lan tràn khắp nước.

JPEG - 47.4 kb
Một cảnh tàn sát của Bắc Kinh trong cuộc Cách mạng văn hóa

Thảm khốc và khủng khiếp không kém là những cuộc thanh trừng định kỳ của Mao đối với những phần tử phản “cách mạng”, trí thức, các phần tử trong đảng mà Mao dán nhãn là “những kẻ theo con đường tư bản”. Hiện tượng những năm 1960 được biết đến như là cuộc “cách mạng văn hóa” cực kỳ tàn bạo, và tất cả những người đã sống qua thời kỳ đó đều lưu lại nỗi kinh hoàng.

Trong thởi kỳ cách mạng văn hóa này, khi những ban nhạc Rolling Stones và Beatles nổi lên từ nước Anh làm sôi động thế giới âm nhạc và những dân híp-pi đi tìm hòa bình và tình yêu trong những cánh đồng Woodstock, những vệ binh điên cuồng trong Hồng Vệ Binh đã săn lùng khắp đường phố để tìm kiếm những nạn nhân cho cuộc bạo động chính trị quái đản của họ. Đồng thời, những doanh nhân, trí thức, giáo sư bị kết tội về tất cả những xấu xa của Trung Quốc và bị cưỡng bức lao động chân tay, còn những người thiếu “nhiệt tình cách mạng” thường bị vây bắt, bị làm nhục công khai, và bị giam giữ nhiều năm trong trại lao cải. Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục rơi vào trì trệ, người dân Trung Quốc được dạy nói láo để tồn tại và vâng lời để tiến thân: và tấm vải liệm kiểu Orwell phủ trên nước Cộng Hòa Nhân Dân này vẫn tiếp tục là di sản lâu dài nhất của Mao.

Đế Quốc Đỏ Trổi Dậy

Người đã đưa Trung Quốc ra khỏi vũng lầy kinh tế của Mao là Đặng Tiểu Bình. Ông là một nhà cựu cách mạng và là một lãnh tụ đảng bị thanh từng, đưa về làm việc trong một nhà máy sản xuất máy cày trong cuộc Cách mạng văn hóa. Sau khi con trai của ông ta bị Hồng Vệ Binh đánh đập và ném ra cửa sổ từ tầng bốn, họ Đặng được tha và phục chức bởi Hoa Quốc Phong, người thừa kế Mao.

Sau khi Mao chết, họ Đặng khôn khéo đánh bại vợ của Mao và nhóm Tứ Nhân Bang cũng như người đã cứu ông ta là Hoa Quốc Phong. Mặc dù không bao giờ tuyên bố chính thức các chức vụ lãnh đạo đảng của mình, họ Đặng đã nắm giữ quyền hành một cách không chính thức và mọi người đều hiểu rằng ông là bậc thầy của bầy rối.

Thực ra, Đặng Tiểu Bình là nhân vật quan trọng nhất ở Trung Quốc ngày nay vì hai lý do. Thứ nhất, trong khi Chủ tịch Sô Viết Tối Cao Mikhail Gorbachev nhượng bộ những người biểu tình và cho phép giải thể một Liên Bang Xô Viết, chính Đặng Tiểu Bình là người đã ra lệnh quân đội Trung Quốc tàn sát những người biểu tình tại Thiên An Môn vào năm 1989 – để bảo vệ nhà nước Trung Cộng tàn nhẫn và áp bức.

Quan trọng không kém, họ Đặng có thành tích đã một mình thúc đẩy nhãn hiệu chủ nghĩa tư bản trọng thương được nhà nước bao cấp, đặc trưng của nền kinh tế Trung Quốc “lợi mình, hại người” ngày nay. Chính họ Đặng là người đã mở cửa những đặc khu kinh tế cho Tây Phương và cuối cùng giải phóng một lực lượng lao động khổng lồ của chính họ trên thị trường thế giới được trang bị những vũ khí hủy diệt việc làm mạnh mẽ như trợ cấp xuất khẩu phi pháp và thao túng tiền tệ.

Chính đó là Trung Quốc ngày nay mà Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã tạo ra, tàn nhẫn với nhân dân của mình và chơi bẩn với các đối tác mậu dịch trên khắp thế giới.

Chương 14: Death by China on China: Shanghaiing the Gene Pool at the Top of the World and Other Earthly Tales.
Chết Bởi Trung Quốc Trên Đất Trung Quốc: Thượng Hải Hóa Tập Hợp Di Truyền Chọn Lọc Tại Đỉnh Cao Thế Giới và Những Huyền Thoại Trần Gian Khác.

 

JPEG - 57 kb
Quang cảnh xét xử những người nổi dậy ở Tân Cương

Tại sao đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay đã đánh đập, tra tấn, bắt làm kiệt sức, triệt sản, bỏ tù và giết chết chính công dân của họ – và hàng triệu người Tây Tạng, Nội Mông và người Duy Ngô Nhĩ? Chúng ta thử liệt kê những phương pháp trong chương này, và ngay cả đọc lướt qua những thủ đoạn tàn bạo và dã man của Bắc Kinh, để quý vị dễ dàng hiểu rằng vấn đề ở Trung Quốc không phải là do nhân dân mà là do chính quyền thường xuyên chà đạp lên người dân của chính họ.

Nạn Triệt Sản Phụ Nữ

Tờ Economist đã viết như sau: “Chỉ riêng Trung Quốc mới có số lượng quá nhiều thanh niên độc thân – bị gọi là “những cành cây trụi lá” (bare braches)– lớn bằng tổng số thanh niên của nước Mỹ. Ở bất cứ quốc gia nào, những thanh niên độc thân thường gây vấn đề… tỷ lệ tội phạm, nạn buôn bán cô dâu, lạm dụng tình dục, ngay cả tỷ lệ tự tử của nữ giới gia tăng và sẽ còn tăng hơn nữa khi những thế hệ mất cân đối tới tuổi trưởng thành.”

Đó là sự thật, quả thực đúng, Trung Quốc là quốc gia vừa bị nhân mãn, vừa đông dân nhất hành tinh. Tuy nhiên, trong nhiều cách, lối giải quyết nạn nhân mãn của Trung Quốc – chính sách một con – đã tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Trong khi những quốc gia đang phát triển như Brazil, Ấn Độ và Mễ Tây Cơ đã kiểm soát dân số của họ hiệu quả hơn theo những cách nhân đạo hơn, sự kiểm soát và giới hạn sinh xuất của chính quyền Trung Quốc hãy còn là một sự kiện cưỡng bức, ép buộc triệt sản, nạo phá thai và giết chết trẻ sơ sinh.

Nền tảng của chính sách cưỡng chế là số tiền phạt đối với trường hợp sinh con thứ hai: số tiền phạt to lớn gần như luôn luôn vượt quá mức thu nhập hàng năm của nhiều gia đình. Mức tiền phạt lớn đó có nghĩa là đa số những cặp vợ chồng nào lỡ mang thai đứa con thứ hai sẽ kiệt quệ tài chánh nếu quyết định giữ đứa con. Hậu quả không có gì ngạc nhiên là Trung Quốc có nhiều vụ phá thai hơn phần còn lại của thế giới cộng lại và gần 13 triệu mỗi năm – và đó là con số ước lượng dè dặt của chính quyền.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngay cả một cặp vợ chồng có đủ tiền để trả tiền phạt hay đủ điều kiện được miễn, điều đó cũng không có nghĩa là họ có thể sinh đứa thứ hai. Các quan chức quá hăng say tại địa phương, những người mà cơ hội thăng tiến của họ phụ thuộc vào mức độ chấp hành chính sách một con, thường được biết đã cưỡng ép tập trung phụ nữ mang thai.

Ví dụ, Tạp chí Time đã nêu trường hợp 61 phụ nữ mang thai đã bị cưỡng ép và đưa đến bệnh viện Quảng Tây để chích thuốc phá thai. Ngay cả đài truyền hình Al Jazeera thường vẫn thân thiện với Trung Quốc cũng đã có chương trình đặc biệt về chuyện cô Tiểu Ái Anh (Xiao Ai Ying) bị “bắt ép nạo thai 8 tháng vì cô đã có con gái 10 tuổi”. Đài phát thanh Quốc Gia (National Public Radio) đã mô tả về Mục sư Tin Lành Lương (Liang Yage) và vợ ông ta là bà Vị (Wei Linrong) được lệnh phải vào bệnh viện mặc dù họ sẵn sàng chịu đóng phạt để có đứa con thứ hai. Khi hai vợ chồng từ chối không ký đơn đồng ý phá thai, các quan chức đã ký giả chữ ký của họ và chích thuốc cho người vợ đang mang thai 7 tháng. Ngày hôm sau, bà Vị đã chịu những cơn đau thắt suốt 16 tiếng đồng hồ trước khi sinh ra nam thai nhi đã chết; thai nhi sau đó đã bị nhân viên bệnh viện ném vào bịch ny lông đựng rác.

Trong khi bà Lương mất đứa con trai, thì hầu hết những đứa bé gái đã là nạn nhân bởi chính sách một con của Trung Quốc. Thực vậy, hầu hết những thai nhi bị bỏ rơi của Trung Quốc là con gái; nhiều vụ phá thai là do lựa chọn giới tính, và việc loại bỏ thai nhi gái hiện vẫn còn khá phổ biến nên cần phải có những cuộc vận động công khai mang tính chất cộng đồng để chống lại tệ nạn này. Vì luật lệ Trung Quốc nghiêm cấm những cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và những người đã có con nhận con nuôi, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi hàng ngàn bé gái Trung Quốc bị bỏ rơi lại may mắn tìm thấy mái ấm tình thương ở Mỹ, Úc và Châu Âu – nhờ đó mà những công ty quốc doanh lo dịch vụ con nuôi của Trung Quốc thu về nhiều ngoại tệ hơn.

Ngày nay do chính sách một con và chuộng nam giới mà ngày nay hơn một trăm triệu đàn ông Trung Quốc không thể tìm được vợ. Những “cành cây trụi lá” này – theo cách gọi của Trung Quốc – lớn hơn số đàn ông của Nhật và Nam Hàn gộp lại hay bằng toàn bộ thanh niên của Hoa Kỳ. Hậu quả không tránh khỏi là sự gia tăng đột biến về nạn mãi dâm (cùng tất cả những hệ lụy của nó), nạn nô lệ tình dục, buôn bán phụ nữ và ngay cả bắt cóc phụ nữ từ nước ngoài. Thực vậy, tờ Washington Post cho biết khoảng 100 ngàn phụ nữ Bắc Hàn đã bị đưa vào Trung Quốc như những nô lệ tình dục. Những gì xảy ra ở Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Trung Quốc!


Nạn Diệt Chủng và Hán Hóa

Cưỡng bức triệt sản không chỉ giới hạn đối với phụ nữ Trung Quốc muốn có đứa con thứ hai. Nó còn là thủ tục vận hành tiêu chuẩn tại Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan – ba vùng của cái được gọi một cách mỉa mai là tỉnh “tự trị” của Trung Quốc. Đây là bức tranh lớn hơn của chính sách diệt chủng các sắc tộc thiểu số.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan trên danh nghĩa đã từ lâu được đặt dưới sự thống trị của Trung Quốc, nhưng sự thực là các khu vực này duy trì một nền văn hóa riêng biệt đầy tự hào của họ và thường thực hiện nguyên tắc tự quản cho đến khi xe tăng của Cộng sản tiến vào trong thập niên 1950s. Trong thời gian này, Hồng Quân Trung Quốc đã đuổi Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi Tây Tạng và Mao Trạch Đông đã tách Nội Mông ra khỏi Liên Xô. Với sự giúp đỡ của Stalin, Mao cũng đã thành công trong việc dàn dựng vụ tai nạn rớt máy bay để xử trảm nguyên giàn đầu lãnh chính trị của Đông Turkestan và cho phép thay thế một cách dễ dàng các nhà lãnh đạo này bằng những thành phần bù nhìn của Trung Quốc.

JPEG - 45.3 kb
Quân đội Bắc Kinh đàn áp người Tân Cương

Ngày nay, hơn năm mươi năm sau, cả ba vùng lãnh thổ một thời độc lập này vẫn còn dưới gót giày của đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ cũng hứng chịu một chiến dịch diệt chủng tàn nhẫn nhằm mục tiêu thay thế sắc dân bản xứ bằng sắc dân Trung Hoa gốc Hán. Điều này gọi là Hán hóa (Hanification) Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan liên quan đến tất cả mọi thứ – từ việc sắp xếp đưa vào hàng triệu sắc dân Hán và giết hại người dân địa phương hàng loạt, đến việc triệt sản người phụ nữ địa phương và lai giống của họ thông qua chính sách kết hôn với đàn ông người Hán.

Đến nay, chính sách diệt chủng bản xứ đã thành công nhất tại Nội Mông, nơi có đến 80% dân số là người Hán. Theo đảng Nhân Dân Nội Mông, để thực hiện chính sách Hán hóa này, hơn một phần tư triệu dân Mông Cổ đã bị sát hại trong khi hơn 15 triệu người Hoa được di cư đến để xóa dần nền văn hóa Nội Mông.

Như đối vối Đông Turkestan – nơi được biết như là Tỉnh Tân Cương trên bản đồ của Trung Quốc – 240 ngàn dân Duy Ngô Nhĩ, đa số là phụ nữ, đã bị cưỡng bức rời khỏi quê hương của họ, theo lời điều trần trước hạ viện Hoa Kỳ của bà Rebiya Kadeer, một lãnh đạo của người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất sang Hoa Kỳ. Đa số những người phụ nữ này đã bị ép buộc làm vợ đàn ông Hán để lai giống, trong khi nhiều người khác bị cưỡng bức làm nô lệ lao động và làm điếm rẻ tiền. Thêm nữa, mặc dù có trường hợp ngoại lệ dành cho các sắc dân thiểu số về chính sách một con, hàng ngàn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt buộc phá thai, triệt sản, đặt vòng…

Sự căm phẫn ở Tân Cương đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2009 với những cuộc chống đối leo thang dẫn đến những cuộc ẩu đã giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Bằng sự đối phó cứng rắn, công an Trung Quốc đã vây bắt và đánh đập hàng trăm người chống đối – thậm chí họ đã thủ tiêu hàng chục người đàn ông Duy Ngô Nhĩ. Một nhân chứng đã mô tả cuộc đàn áp dã man đó với Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền như sau:

“Họ kêu mọi người ra khỏi nhà. Phụ nữ và người già đứng qua một bên, và tất cả đàn ông, 12 đến 45 tuổi, đứng xếp thành hàng úp mặt vào tường… Họ đánh tới tấp vào những người đàn ông, thậm chí cả những người già – ông già hàng xóm 70 tuổi của chúng tôi bị đấm và đá nhiều lần. Chúng tôi không thể làm gì để ngăn cản vụ cuồng đả – họ đã không nghe chúng tôi.”

Ở Tây Tạng cũng chẳng khá gì hơn so với Nội Mông hay Tân Cương. Thực vậy, việc thiết lập tuyến tàu xe lửa cao tốc vào Tây Tạng từ Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu và Thượng Hải chỉ gia tăng thêm những làn sóng hầu như bất tận của người Hán vào dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Ở Tây Tạng ngày nay, người Hán sở hữu hầu hết các cửa tiệm ở thủ đô Lhasa và có thể đã bao gồm phần lớn dân số của thủ đô. Trong khi đó, tiếng Tây Tạng đang dạy như ngôn ngữ thứ hai còn tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ duy nhất được phép dùng trong các trường học.

Nông thôn Tây Tạng cũng nằm dưới sự Hán hóa tương tự. Có những trường hợp, toàn bộ các ngôi làng bị di tản và sau đó bị ngập lụt từ những con đập do Trung Quốc xây dựng, trong khi dân du mục bị lùa vào các trại giam bê tông kiên cố và gia súc của họ bị tịch thu. Một người bị giam trong trại giải thích hoàn cảnh khốn khó của đồng bào ông rằng: “Họ không có việc làm và không có đất. Cách duy nhất để họ có thể trám đầy bao tử là ăn cắp”.

Trong khi đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma bị lưu đày sống lưu vong tại Ấn Độ, tuyệt vọng trong những nỗ lực của Ngài nhằm đưa dân tộc thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc và giành lại quyền tự trị thực sự. Và tại công viên gần Thánh Điện Potala, nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng sống trong cung điện mùa đông, tín đồ của Ngài đã phải cất giấu những hình ảnh bị nghiêm cấm của Ngài trong túi họ và cầu nguyện trong khi các loa phóng thanh lớn của chính quyền phát đi những lời tuyên truyền như: “Chúng ta là một phần của đất nước Trung Quốc đóng góp cho một tương lai vĩ đại – chúng ta là người Trung Quốc.”

Và đây là những giòng ta thán thấu trời trước sự hăng say lẫn kiện toàn của gót giày xâm lược Bắc Kinh: Họ đã rắp tâm thực hiện hai bước để bảo đảm rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp sẽ trở thành một trong những con rối của họ và không phải là một tiếng nói độc lập như Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay.

Thứ nhất là từ lâu họ đã cho “mất tích” vị Thiền Ma tái sinh 6 tuổi hiệu Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama), khuôn mặt đứng hàng thứ hai của Phật Giáo Tây Tạng. Tù nhân chính trị trẻ nhất thế giới này đã không thấy xuất hiện từ năm 1996.

Thứ hai, và đây là điều dở khóc dở cười không kém, là Bắc Kinh đã cấm các tu sĩ Phật Giáo ở Tây Tạng không được tái sinh khi không có phép của chính quyền. Tờ The Huffington Post đã giải thích ý đồ ẩn giấu đàng sau điều luật phi lý này: bằng việc cấm bất kỳ tu sĩ Phật giáo nào sống bên ngoài Trung Quốc không được tái sinh, nhà cầm quyền Trung Quốc tự cho phép mình quyền chọn lựa Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp mà theo truyền thống, linh hồn của vị này được tái sinh như một người mới để tiếp tục sự nghiệp cứu khổ.”

Nạn Nô Lệ Lao Động

Trong khi người Tây Tạng, Nội Mông và Duy Ngô Nhĩ chịu đau khổ dưới gót giày cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, hàng ngũ công nhân cũng không được đối xử tốt hơn. Thực tế, trong khi các quan chức Trung Quốc thích đưa khách phương Tây đến những nhà máy làm cảnh được gọi là “năm sao” trong các chuyến thăm có người hướng dẫn: những nhà máy được dọn dẹp sạch sẽ với những trang thiết bị an toàn tân tiến và dụng cụ bảo vệ môi trường, họ hiếm khi được cho phép nhìn thấy sự thật của những điều tệ hại không thể dung thứ che giấu đàng sau các cổng điện tử và những toán bảo vệ vây quanh mà hầu như mọi hãng xưởng Trung Quốc đều có. Chẳng hạn như một công nhân trong một nhà máy phía Nam Trung Quốc, nơi những Xboxes của hãng Microsoft được lắp ráp đã giải thích: “Chỉ khi nào có khách ngoại quốc đến thì ban giám đốc mới mở máy điều hòa không khí.”

Lao động trong những nhà máy lụp xụp nóng bức là một trong những điều kiện bán-nô lệ lao động mà hàng triệu công nhân Trung Quốc phải đối mặt. Đây là điều có thực ngay cả trong các nhà máy mà bề ngoài có vẻ được đặt dưới sự chỉ huy của những công ty lớn của Hoa Kỳ như Microsoft và Walmart. Chẳng hạn, công ty Yuwei ở phía Nam thành phố Đông Quan. Công ty này sản xuất những bộ phận bằng thép và nhựa cho phụ tùng xe hơi như phanh (thắng xe), cửa sổ và hộp số…, và công ty xe hơi Ford mua đến 80% sản phẩm của họ. Ngoài ra, Yuwei còn cung cấp các dịch vụ cho General Motors, Chrysler, Honda và Volkswagen; và như một phần kết nối với các đối tác Hoa Kỳ, Yuwei thậm chí còn thiết lập văn phòng và kho hàng tại Ann Arbor, tiểu bang Michigan.

Tác giả đã trích dẫn một báo cáo về tình trạng công nhân làm việc tại công ty Yuwei Trung Quốc, dựa theo bản điều tra năm 2011 có tên là “Những Bộ Phận Bẩn Thỉu/ Nơi Những Ngón Tay Bị Cụt Quá Rẻ Mạt: Xe Ford tại Trung Quốc cho thấy như sau: Công nhân Yuwei làm việc vất vả 7 ngày 1 tuần, trong những ca làm 14 giờ mỗi ngày, và thường điều khiển những dụng cụ với các thiết bị an toàn bị cố tình vô hiệu hóa. Một kết quả là tốc độ sản xuất cao trông thấy; nhưng kết quả kia cũng đạt tỷ lệ cao không kém, đó là công nhân bị cắt, cụt tay, chân, ngón, hay bị tàn phế.

Báo cáo nói trên mô tả một cảnh tàn khốc đó như sau: Công viên A 22 tuổi, bị cắt đứt 3 ngón tay và giập nhiều khớp trên bàn tay trái khi nó bị mắc kẹt trong máy dập nén cực mạnh. Công nhân này đang làm “ống RT” để xuất khẩu sang cho hãng Ford khi anh ta bị tai nạn. Ban quản lý trước đó đã chính thức ra lệnh cho công nhân này tắt bộ phận kiểm soát an toàn chạy bằng hồng ngoại tuyến để anh ta có thể làm việc nhanh hơn. Công nhân A nói rằng: ‘Chúng tôi phải tắt máy. Ông chủ không cho tôi mở nó.’ Công nhân A phải sản xuất 3,600 ống RT mỗi ngày, tức một ống mỗi 12 giây.

Tác giả cho biết là công nhân A nói trên chỉ được trả khoảng 7,000 Mỹ Kim tiền bồi thường tai nạn, và bị mất việc. Ngoài ra, theo điều tra của tác giả thì bất cứ công nhân nào nghỉ một ngày ở nhà máy Yuwei đều bị trừ 3 ngày lương. Trên thực tế, bị sa thải vì bị thương là một tiêu chuẩn lao động tại Trung Quốc. Một người bạn của tác giả đang bán hàng cho một nhà máy ở Thượng Hải cho biết là ở Trung Quốc nếu có xảy ra tai nạn, ngay cả chết người trong nhà máy, cũng không có điều tra. Bị tai nạn lần thứ hai với công việc tương tự cũng không được điều tra. Đến lần thứ ba xảy ra tương tự thì mới có thể sẽ được cho điều tra.

Trong tình trạng lao động tồi tệ nói trên, theo sự điều nghiên của IHS Child Slave Labor News thì tỉ lệ lao động trẻ em tuổi từ 10 đến 14 tuổi ở Trung Quốc chiếm 11.6%. Rất nhiều nhà máy Trung Quốc thích nhận lao động trẻ em vì rẻ và sẵn sàng nghe lời, nhanh nhẹn để có thể điều khiển trong những khu vực có nhiều máy móc.

Trong lãnh vực sản xuất gạch thủ công và đồ chơi là những công việc lập đi lập lại một cách buồn chán, rất khó tìm công nhân vào làm việc. Trẻ em và những người khuyết tật đã là nguồn lao động phong phú cung ứng cho những loại việc như thế này. Chính nhu cầu này đã sản sinh ra bọn buôn người, nhằm cung ứng lao động trẻ em cho các nhà máy. Theo tác giả thì ở một số trường hợp, trẻ em và những người khuyết tật bị đánh lừa hay cưỡng bức bởi bọn buôn người đóng vai đi tuyển người lao động trá hình để bán lại cho các nhà máy ở Trung Quốc. Trong những trường hợp khác, chủ nhân các nhà máy là những thủ phạm bắt cóc trẻ em. Dù bị bắt cóc hay cưỡng bức, tất cả trẻ em và những người khuyết tật bị bắt làm việc trong những điều kiện tồi tệ không thể nào tả xiết.

Tác giả kể về số phận của anh Lưu Tiểu Bình, một thanh niên nghèo, 30 tuổi, mắc bệnh tâm thần. Anh Bình bị bọn buôn người dụ dỗ tìm việc làm, đưa anh ra khỏi nhà và bán cho một lò gạch – khét tiếng là một trong nhưng nơi tàn bạo nhất trong nhiều địa ngục lao động tại Trung Quốc. Sau khi không còn khai thác Lưu được nữa, chủ lò gạch đã vứt Lưu Tiểu Bình ra ngoài đường, trong hoàn cảnh mà tờ Los Angeles Times đã mô tả: “Bàn tay (của Lưu) đỏ như con tôm hùm mới luộc do bốc gạch từ trong một lò nung nóng mà không có bao tay bảo vệ thích hợp.”

Tác giả cho biết là ngoài những điều kiện làm việc tồi tàn, nguy hiểm và nhàm chán, công nhân Trung Quốc còn phải chịu đựng một áp lực khác tạo ra từ cuộc sống xa nhà hàng trăm dặm. Họ buồn vì nhớ nhà, nhớ người thân nhưng lại không có điều kiện về thăm. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng như vậy, đã có nhiều công nhân chịu không nổi phải tự tử. Trong một chuyến viếng thăm bí mật công ty Foxconn tại Thẩm Quyến, với 350 ngàn công nhân làm việc chuyên sản xuất những sản phẩm nổi tiếng của Apple, tác giả nhìn thấy chủ công ty đã phải thiết kế một số hàng rào đặc biệt từ tầng hai của các tòa nhà để ngăn chận nạn công nhân nhảy lầu tự tử.

Không Chấp Nhận Công Đoàn Độc Lập

Tất nhiên, một lý do chính khiến những công ty Trung Quốc có thể bóc lột triệt để công nhân của họ là vì việc tổ chức một công đoàn thực sự trong “thiên đường lao động” của Trung Quốc là dứt khoát phi pháp. Trong khi đó, Tổng liên đoàn lao động Trung Quốc (All-China Federation of Trade Unions) được sự hậu thuẫn chính thức của chính quyền vừa là bù nhìn của các công ty, vừa là công cụ nhằm dò thám và kiểm soát công nhân.

Tình hình nô lệ lao động của Trung Quốc tiếp tục phức tạp do phải tuân thủ các mối quan hệ lao động của Trung Quốc: hầu hết các nỗ lực tổ chức do công nhân chủ động đều bị nghiền nát một cách tàn nhẫn bởi công an hoặc đầu gấu được công an thuê – việc thuê đầu gấu đánh đập và đe dọa là một thực tế phổ biến ở Trung Quốc.

Một trường hợp điển hình liên quan đến số phận của 2000 công nhân tại nhà máy sản xuất KOK, bên ngoài Thượng Hải. Công nhân đã dám tổ chức một cuộc đình công để phản đối điều kiện làm việc khắc nghiệt – bao gồm làm việc với cao su nóng trong những phòng lên đến 122 độ F (khoảng 50 độ C). Một nữ công nhân mô tả những gì đã xảy ra khi phong trào phản đối của họ tràn qua các đường phố: “Công an đã đánh chúng tôi loạn xạ. Họ đá và dẫm lên tất cả mọi người, không cần phân biệt nam hay nữ”.

Ngay cả việc nộp đơn khiếu nại trong khuôn khổ quy định của luật pháp cũng có thể gây rắc rối nghiêm trọng cho chính người lao động. Ví dụ Lý Quốc Hồng, một công nhân dầu khí ở Hà Nam đã lãnh 18 tháng “cải tạo lao động” tại một trong những trại lao động cưỡng bức khét tiếng của Trung Quốc. Họ Lý phạm tội gì? Gửi kiến nghị và kiện để phản đối bị sa thải.

JPEG - 33.8 kb
Tù nhân trại Laogai

Tất nhiên việc bị đưa vào một trại tù lao động cưỡng bức chắc chắn không phải là điều mà Lý Quốc Hồng có thể hình dung khi tìm cách trở lại làm việc. Nhưng hiện ông đã chịu chung số phận của hơn 50 triệu công dân Trung Quốc trong hơn 50 năm qua, những người đã đi qua (hoặc chết) tại hơn 1,000 trại lao động cưỡng bức của Trung Quốc. Ngày nay, các trại này được biết đến ở Trung Quốc với cái tên tăm tiếng Lao Cải (Laogai) – chứa khoảng 7 triệu công dân Trung Quốc, nhiều người trong số họ không có tội gì khác ngoài việc cố thực thi ôn hòa một số quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng, hội họp và lập hội.

Theo nhận xét của tác giả thì ở Trung Quốc, chính quyền chỉ cho phép đình công khi có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc trong việc đánh bại các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Tác giả dẫn chứng về trường hợp xảy ra một loạt các cuộc đình công và biểu tình đóng cửa một số nhà máy sản xuất xe hơi của công ty Honda. Thay vì can thiệp, công an chống bạo lực chỉ đứng nhìn và sau đó bỏ đi. Biến cố trên khiến chỉ tiêu sản xuất hàng ngàn xe hơi của Honda không thực hiện được. Việc công an chống đình công không can thiệp, khiến cho công ty Honda phải điều đình tăng lương cho các công nhân biểu tình. Điều này đã làm cho công ty Honda của Nhật cạnh tranh yếu hơn so với những công ty xe hơi của Trung Quốc như Chery và Geely.

(Còn tiếp)

Lý Thái Hùng
Ngày 21/10/2011

Đọc các phần trước:

Phần 1: http://www.viettan.org/spip.php?article11450

Phần 2: http://www.viettan.org/spip.php?article11506

Phần 3: http://www.viettan.org/spip.php?article11570&artsuite=0

Phần 4: http://www2.viettan.org/spip.php?article11585

Phần 5: http://www2.viettan.org/ecrire/?exec=articles&id_article=11607

Phần 6: http://www2.viettan.org/spip.php?article11623&var_mode=calcul

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (gọi tắt là SCB) của đại gia Trương Mỹ Lan được chính phủ Việt Nam bơm tiền cứu. Ảnh: Nhac Nguyen/ AFP via Getty Images

Giải cứu SCB: Lợi bất cập hại!

Hình dung một cách đơn giản thì ngân hàng SCB huy động tiền của người dân, cung cấp cho bà Trương Mỹ Lan, bà này hối lộ cho các quan chức, rồi bây giờ bà Lan bị án tử hình còn NHNN bơm tiền ra để cứu ngân hàng SCB.

Khoản tiền giải cứu khổng lồ này [24 tỷ đô-la] không tự dưng mà có mà lấy từ ngân sách, nghĩa là từ tiền người dân và doanh nghiệp đóng thuế, từ bán tài nguyên quốc gia. Xét cho cùng, đất nước thiệt đơn thiệt kép, chỉ các quan chức giấu mặt được hưởng lợi.

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 15 – 21/4/2024

Nội dung:

– Hawaii tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương;
– Ghi ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương tại Paris;
– Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội; Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Genève, Thụy Sĩ;
– Kêu gọi tham gia Biểu tình và Văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR vào hai ngày 7 và 8/5, 2024 tại Genève, Thụy Sĩ.

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.