Đối Đầu Bất Bạo Động: Cuộc Đấu Tranh của Thánh Gandhi

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 73.8 kb

Mahatma Gandhi còn gọi là Thánh Cam Địa, nguyên tên đầy đủ là Mohandas Karamachand Gandhi, sinh vào ngày 2 tháng 10 năm 1869 trong một gia đình theo Ấn Độ Giáo tại tỉnh Gujarat, Ấn Độ. Từ lúc lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập và đứng đầu đảng Quốc Dân Đại Hội Ấn (Indian National Congress) vào năm 1921, ông đã được dân Ấn tôn vinh với tên gọi là Mahatma có ý nghĩa là vĩ nhân hay đại nhân. Mặc dù ông không hài lòng với tên gọi này, nhưng đa số vì quý mến ông nên danh hiệu Mahatma Gandhi vẫn thường được dùng hơn là tên Mohandas Gandhi. Bằng phương pháp bất bạo động và bất hợp tác, Mahatma Gandhi đã lãnh đạo thành công phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ từ thực dân Anh (1914-1947); cũng như đã khích lệ hàng triệu người dân bị đô hộ khác đứng lên đấu tranh chống lại các chế độ thuộc địa, giành lại độc lập trong nhiều thập niên vừa qua. Mahatma Gandhi còn được biết đến như một nhà hiền triết với tư tưởng “bất bạo lực” hay còn gọi là “bất hại” dựa trên nền tảng “chấp trì chân lý”, tiếng Phạn gọi là Satyagraha. Theo Gandhi, Chấp trì chân lý không phải là năng lực vật chất mà là một năng lực tâm linh thanh tịnh. Nó là thể chất của linh hồn. Linh hồn bao gồm trí huệ. Ngọn lửa của lòng từ bi bùng cháy trong nó. Nếu một người nào đó làm tổn thương ta vì vô minh thì ta thắng lại họ bằng tình thương. Bất bạo động hay bất hại là nguyên lý tối cao, dựa trên năng lực của lòng yêu thương . Một người tin vào chấp trì chân lý sẽ không bao giờ dùng bạo lực.

Cuộc đấu tranh của Thánh Gandhi, dựa trên tư tưởng “bất bạo lực” có thể chia làm ba thời kỳ đáng chú ý:

Thời kỳ thứ nhất tham gia Phong trào vận động quyền công dân tại Nam Phi (1893-1914)

JPEG - 59.4 kb
Mohandas Karamachand Gandhi

Sau khi tốt nghiệp Luật sư tại đại học Luân Đôn, Mahatma Gandhi có trở vế Ấn làm việc một thời gian nhưng gặp nhiều sự chèn ép của người Anh nên năm 1893, ông đã qua Nam Phi làm việc tại Natal cho một công ty Ấn Độ. Tại đây, Gandhi đã chứng kiến cảnh người di dân Ấn Độ bị đối xử tàn tệ, thành kiến và bất công, khiến ông phải ra tay tranh đấu. Nhân dịp Hội đồng lập pháp Natal, Nam Phi đề nghị một dự thảo pháp lý nhằm truất bỏ quyền bầu cử của di dân Ấn Độ, Mahatma Gandhi đã vận động nhiều di dân Ấn tham gia chống lại dự thảo này, nhưng đa số cho là họ không có kiến thức đủ nên lại phải nhờ Gandhi khởi xướng phong trào tranh đấu. Gandhi có soạn hai văn kiện gửi cho Hội đồng lập pháp Natal và chính quyền thuộc địa Anh để phản đối; tuy không ngăn chận được việc thông qua bản dự thảo mang đầy tính kỳ thị nói trên, cuộc đấu tranh của Gandhi đã bắt đầu tạo sự chú ý trong dư luận khi ông đã nêu lên công khai tình trạng kỳ thị của người Ấn tại Nam Phi. Để đấu tranh ngày một mạnh mẽ hơn, năm 1894, Gandhi đã đứng ra thành lập Cộng đồng người di dân Ấn Độ tại Natal với mục tiêu là xây dựng một lực lượng chính trị mạnh của người di dân Ấn tại Nam Phi, đồng thời biểu hiện sự bất mãn công khai của di dân Ấn trước các chính sách kỳ thị chủng tộc của chính quyền thực dân Anh tại Nam Phi.

Cuộc đấu tranh của Mahatma đã làm cho người Anh khó chịu và một số người Anh cực đoan đã tìm cách sát hại Gandhi cũng như hăm dọa những người liên hệ với Gandhi. Tuy nhiên Gandhi đã một mặt giữ kín việc hăm dọa này bên trong nội bộ; mặt khác, tăng cường việc công khai phê phán những thảm kịch kỳ thị. Nhưng khi xảy ra cuộc chiến tranh tại Nam Phi, Gandhi đã vận động rất nhiều di dân Ấn tham gia vào quân đội Anh, để qua đó vận động thành công cho tư thế công dân chính thức. Tuy nhiên sau khi chiến tranh chấm dứt, tình trạng người Ấn tại Nam Phi cũng không khá hơn là bao, liên tiếp bị đối xử bất công. Năm 1906, chính quyền Transvaal công bố đạo luật Back Act (Asiatic Registration Act) buộc tất cả di dân Ấn phải làm tờ giấy chứng minh cá nhân có lăn dấu tay, và bắt đóng thuế thân. Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, hàng ngàn di dân Ấn đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống đối đạo luật này và đã bị đàn áp rất dã man. Mahatma Gandhi đã khuyên các di dân Ấn không nên dùng bạo lực để phản công lại mà dũng cảm đối đầu bằng phương thức bất bạo động, chịu đựng những đòn trù dập, khủng bố. Cuộc đấu tranh nói trên kéo dài 7 năm, từ tháng 9 năm 1906 đến tháng giêng năm 1914 với hàng ngàn người bị bắt giữ gồm cả Gandhi – bị bắt bỏ tù nhiều lần, bị đánh, bị tra tấn vì lãng công, đình công, và nhất là không chịu lăn tay hay ký tên vào giấy chứng minh thư.

PNG - 51.1 kb
Tướng Jan Christian Smuths

Mặc dù bị đàn áp, nhưng phong trào đấu tranh chống đạo luật Black Act để đòi quyền công dân, đã thu hút hầu hết sự tham gia của những người di dân tại Nam Phi, tạo sự chú ý của dư luận thế giới. Hàng trăm cuộc đình công và lãng công xảy ra tại mỏ than Newcastle và khu vực trồng trọt tỉnh Natal đã làm tê liệt các sinh hoạt khiến cho chính quyền thực dân Anh tại Nam Phi bối rối. Trước sự kiện này, dư luận Ấn tại bản xứ và nhất là Bá Tước Hardinge của Anh đã cực lực chỉ trích chính quyền Nam Phi và hoàn toàn ủng hộ phương thức đấu tranh bất bạo động của Gandhi, khiến chính quyền Anh phải giải quyết. Cuối cùng, tháng 1 năm 1914, Tướng Jan Christian Smuths đã phải mời Gandhi đến thảo luận và tuyên bố hủy bỏ đạo luật Back Act, thuế thân và công nhận sự kết hôn của người Ấn, đồng thời bảo đảm sự an toàn của Cộng đồng người Ấn tại Nam Phi. Sau thắng lợi giành lại quyền công dân cho người di dân Ấn tại Nam Phi, Mahatma Gandhi đã rời Nam Phi trở về lại Ấn Độ vào tháng 7 năm 1914 như một anh hùng.

Thời kỳ thứ hai lãnh đạo Đảng Quốc Dân Đại Hội đấu tranh chống chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Độ (1918—1924)

JPEG - 52.7 kb

Chiến thắng tại Nam Phi, tên tuổi của Mahatma Gandhi đã vang dội khắp xứ Ấn nên từ năm 1914 đến năm 1917, Gandhi đã cùng với vợ là bà Kasturba đi khắp nước để giảng về tư tưởng bất bạo động nhằm tạo làn sóng bất hợp tác với chính quyền thực dân Anh. Năm 1918, Gandhi đã hỗ trợ cho hơn 10 ngàn nông dân tại Champaran, một khu vực nghèo nằm trong tiểu bang Bihar để chống lại các chủ điền giàu có. Mahatma Gandhi đã cùng với người phụ tá của ông là Sardar Vallabhbhai Patel tổ chức cuộc đấu tranh của những nông dân nghèo khổ nhằm chống lại chính sách thu mua bóc lộc của người Anh. Đa số nông dân tại Champanran đã bị ép phải trồng loại cây indigo (để làm thuốc nhuộm chàm) mà không được trồng những cây thực phẩm cần thiết. Họ bị đàn áp và trả công rất ít nên cuộc sống của nông dân rất cơ cực, thiếu vệ sinh và bị nhiều bệnh tật. Gandhi đã tìm đến Champaran tổ chức một nhóm người để nghiên cứu tổng quát về đời sống dân làng và tìm hiểu những thủ đoạn tàn bạo của người Anh. Sau khi tìm hiểu xong, Gandhi đã tiếp xúc nông dân khuyến khích họ phải tự phấn đấu để vươn lên một đời sống mới, không chờ đợi vào những ban phát của người Anh. Gandhi đã giúp đỡ xây trường học, thiết lập các trạm y tế, khuyến khích nông dân xóa bỏ những thủ tục, hướng dẫn nếp sống văn minh…

Những việc làm của Gandhi đã tạo sự khó chịu cho những chủ điền người Anh khiến ông bị cảnh sát bắt giữ và yêu cầu phải rời khỏi Champaran. Để chống lại lệnh trục xuất này, hàng ngàn nông dân đã nổi lên chống đối. Họ bao vây trại tù, các trụ sở hành chánh và tòa án để đòi phải phóng thích Gandhi vô điều kiện. Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của nông dân, chính quyền tại Champaran đã phải trả tự do cho Gandhi. Sau khi ra khỏi nhà tù, Gandhi lại mạnh mẽ kêu gọi nông dân tham gia các cuộc đình công, lãng công hay làm việc chậm rãi để gây khó khăn cho khâu sản xuất nhằm chống lại sự bóc lột của các điền chủ người Anh. Rốt cuộc là chính quyền thuộc địa Anh đã phải mở ra các cuộc đối thoại với Gandhi, đi đến một số thỏa thuận quan trọng như kiểm soát việc các chủ điền người Anh không được bóc lột sức lao động của nông dân, trả lương cao và nhất là không bắt chẹt nông dân nghèo trong việc thuê đất canh tác, xóa bỏ việc tăng thuế cũng như không thu thuế cho đến khi nạn đói chấm dứt. Thắng lợi tại Champaran một lần nữa đã làm cho tên tuổi của Gandhi và phương thức đối đầu bất bạo động được ca ngợi khắp nước Ấn và Thế giới.

JPEG - 167.9 kb

Cuộc đấu tranh của nông dân tại Champaran đã làm cho chính quyền thực dân Anh lo sợ. Vì thế mà vào tháng 5 năm 1919, họ ra đạo luật Rowlatt cho phép các cơ quan mật vụ bắt giữ những người bị vu cáo làm loạn mà không cần phải đưa ra tòa duyệt xét. Mahatma Gandhi đã cùng với đảng Quốc Dân Đại Hội tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình, đình công, để phản đối, trong tinh thần ôn hòa, công khai và bất bạo động. Những cuộc biểu tình và đình công đã diễn ra một cách rầm rộ tại hầu hết các thành phố và thị xã trên toàn quốc. Mọi sinh hoạt xã hội hoàn toàn bị tê liệt, văn phòng chính phủ phải đóng cửa, khiến cho chính quyền thuộc địa Anh phải mang quân đội vào trấn giữ. Chính quyền Anh đã thẳng tay đàn áp, bắt giữ hàng loạt người nhưng cũng không thể dập tắt phong trào chống đối. Có nhiều nơi, chính quyền Anh đã phải ra lệnh giới nghiêm để mong giảm thiểu số người tham gia biểu tình nhưng chính quyền thuộc địa Anh càng mạnh tay đàn áp thì số người tham gia lại gia tăng. Tình hình này làm cho chính quyền thực dân Anh mất bình tĩnh và đã tạo ra cuộc tàn sát đẫm máu tại Punjab khiến cho gần 400 thường dân bị giết, tạo một chấn động trên toàn quốc. Làn sóng phẫn nộ của dân chúng Ấn ngày một gia tăng với những cuộc bạo động xảy ra khắp mọi nơi trên xứ Ấn. Mahatma Gandhi đã phê phán hành động tàn sát của chính quyền thực dân Anh nhưng cũng đồng thời chỉ trích các hành động bạo lực của một số người quá khích. Tuy nhiên, qua cuộc tàn sát đẫm máu tại Punjab, Gandhi nhìn ra rằng cuộc đấu tranh của người Ấn phải được chuẩn bị để phát triển lên thành cuộc đấu tranh toàn diện nhằm thay thế chính quyền độc tài Anh.

Tháng 12 năm 1921, Gandhi được bầu lên làm lãnh đạo Đảng Quốc Dân Đại hội. Gandhi cho tổ chức lại Đảng và mở rộng sự tham gia của quần chúng bên ngoài vào trong đảng nếu đóng một số lệ phí tượng trưng. Mục tiêu của Gandhi là biến Đảng Quốc Dân Đại Hội thành một đảng của quần chúng, quy tụ số đông để có thể tiến hành cao trào bất phục tùng và bất hợp tác với chính quyền Thực dân Anh. Đầu năm 1922, Gandhi đã phát động phong trào tẩy chay các hàng hóa ngoại quốc, đặc biệt là các hàng hoá của Anh. Đồng thời, Gandhi còn kêu gọi mọi người Ấn Độ hãy tự dệt vải may quần áo mà mặc, bằng cách hàng ngày bỏ ra một số thời giờ – tự dệt vải may lấy quần áo – để ủng hộ cao trào đấu tranh giành độc lập. Bên cạnh việc tẩy chay hàng hóa, Gandhi còn tiến xa hơn, kêu gọi dân chúng tẩy chay hệ thống trường học và các tòa án của người Anh, từ chức không đi làm việc cho chính quyền thực dân Anh, từ chối không đóng thuế và hủy bỏ mọi huy chương hay tặng thưởng của chính quyền thuộc địa Anh. Chính Gandhi đã từ bỏ tất cả lối ăn mặc âu phục của người Anh, tự mình xe chỉ, dệt vải và may lấy quần áo mặc. Tấm gương tranh đấu của ông đã cảm hóa hàng triệu dân Ấn, tạo thành một phong trào tẩy chay hàng hóa và các chính sách cai trị của người Anh một cách rộng lớn trên toàn quốc. Nhưng điều đáng tiếc là khi cuộc vận động đang lên cao điểm thì xảy ra một cuộc bạo động tại thành phố Chauri Chaura, tiểu bang Ultar Pradesh khiến cho nhiều người chết và người Anh đã lấy lý cớ bạo động nên ra tay đàn áp vào tháng 2 năm 1922.

JPEG - 80.3 kb

Lo ngại cuộc bạo động có thể lan rộng và nhất là sẽ làm chuyển hướng sự kêu gọi của mình theo chiều hướng tiêu cực có hại cho tư tưởng bất bạo động, Gandhi đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch bất hợp tác. Sự tuyên bố của Gandhi lại tạo ra một làn sóng bất mãn trong dân chúng và một số đông đã tuyên bố không đi theo Gandhi. Lợi dụng tình thế này, chính quyền thực dân Anh đã bắt giữ Gandhi vào ngày 10 tháng 3 năm 1922 và kết án ông 6 năm tù về tội gây rối loạn xã hội. Nhưng ông ngồi tù 2 năm thì được phóng thích vào tháng 2 năm 1924 vì bị đau ruột dư. Trong thời gian Gandhi ngồi tù, đảng Quốc Dân Đại Hội chia làm hai nhánh. Một nhánh thì chủ trương tham gia vào cơ quan lập pháp của chính quyền thực dân Anh do Chitta Ranjan Das và Motital Nehru lãnh đạo. Một nhánh khác thì chống lại chủ trương này do Chakravarti Rajagopalachari và Sardar Vallabhbhai Patel lãnh đạo. Sự phân hóa này đã làm cho tiềm lực của đảng Đại Hội Quốc Dân yếu đi trong khi tiếng nói của Gandhi không được các phe tôn trọng vào lúc đó.

Thời kỳ thứ ba lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập (1928 – 1948)

JPEG - 49.6 kb

Sau khi ra khỏi tù vào năm 1922, Gandhi chỉ hoạt động trong bóng tối. Trong năm năm, từ năm 1922 đến năm 1927, ông tập trung vào việc hướng dẫn và hỗ trợ việc chống lại các chính sách kỳ thị của người Anh và hàn gắn những rạn nứt nội bộ đảng Quốc Dân Đại Hội. Giữa năm 1927, chính quyền Anh lại đề cử một Hội đồng tu sửa Hiến pháp do Bá Tước John Simon cầm đầu nhưng lại không đề cử một người Ấn nào tham gia vào trong Hội đồng này. Gandhi và đảng Quốc Dân Đại Hội đã vận động các đảng phái Ấn cùng ký tên chung trong một văn kiện để phản đối sự kỳ thị này. Song song, trong Đại hội toàn quốc của Đảng Quốc Dân Đại Hội tại Calcutta vào tháng 12 năm 1928, Gandhi đã đề nghị Đại hội thông qua một bản Nghị Quyết đòi chính quyền thuộc địa Anh trong vòng một năm, phải công nhận quyền tự trị của người dân Ấn; nếu không sẽ tiến hành một cuộc đấu tranh bất bạo động để giành lại độc lập. Chính quyền thuộc địa Anh hoàn toàn im lặng và đã không đếm xỉa gì đến yêu sách của đảng Đại Hội Quốc Dân nên một năm sau, Gandhi đã chuẩn bị thế phản công.

Đầu tiên, Gandhi đề nghị Đảng Quốc Dân Đại Hội chọn ngày 26 tháng 1 năm 1930 làm ngày Kỷ niệm Độc lập. Đề nghị này đã được hầu hết các đảng phái và các nhóm quần chúng ủng hộ mạnh mẽ. Kế tiếp, Gandhi phát động cuộc đấu tranh chống lại thuế Muối phi lý của người Anh đánh trên hàng vạn dân nghèo vô tội vào lúc đó với cuộc hành trình Muối (Salt March) từ Ahmedabad đến Dandi kéo dài từ ngày 21 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1930. Đây là cuộc hành trình nổi tiếng nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ do Gandhi hướng dẫn. Ông đã đi bộ 400 cây số để tự lấy nước biển làm muối đem về dùng, chống lại lệnh cấm làm Muối của chính quyền Anh. Hàng ngàn người dân đã đi theo Gandhi đến bờ biển Dandi. Trên đoạn đường di hành này đã có mấy chục ngàn người dân bị bắt, bị cưỡng chế trở về và bị quản chế tại nhà; nhưng hành động đàn áp này đã không làm nao núng, số người tham dự ngày một quá đông. Cuối cùng chính quyền Anh đã phải chấp nhận thương lượng với Gandhi để tìm biện pháp giải quyết. Sau non một năm thảo luận, một hiệp ước đã được ký giữa Gandhi, đại diện Đảng Quốc Dân Đại Hội và Lord Irwin đại diện chính quyền Anh vào 3 năm 1931. Qua hiệp ước này, chính phủ Anh đồng ý trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, đổi lại Gandhi phải ngưng toàn bộ cuộc đối đầu bất bạo động.

JPEG - 42.2 kb

Ngoài ra, chính quyền Anh còn mời Gandhi sang London tham dự một Hội nghị bàn tròn với tư cách là người đại diện Đảng Đại Hội Quốc Dân Ấn Độ. Nhưng Gandhi đã không hài lòng với Hội nghị bàn tròn vì chính quyền Anh không thực sự muốn trao trả quyền độc lập lại cho dân Ấn. Hơn thế nữa, sau khi Lord Irwin về hưu người thay thế là Lord Willingdon lại tung ra chính sách đàn áp mạnh mẽ những người lãnh đạo trong các lực lượng đấu tranh giành độc lập nên Gandhi đã tuyên bố tiếp tục thực hiện các cuộc đấu tranh cho đến khi nào chính quyền trao trả độc lập cho Ấn. Chính quyền Anh đã bắt giữ Gandhi và tìm cách cô lập mọi ảnh hưởng của ông đối với phong trào giành độc lập; nhưng mọi nỗ lực của chính quyền thực dân Anh đều thất bại vì tiếng nói của Gandhi đã được hầu hết dân Ấn tin tưởng dù ông ở bất cứ đâu. Mùa hè năm 1933, khi đảng Đại Hội Quốc Dân thảo luận về việc nên hay không nên tham gia tuyển cử vào quốc hội liên bang, Gandhi thấy là sự hiện hữu của ông ở trong đảng có thể tạo khó khăn cho việc chọn lựa hướng đi mới của đảng vào lúc đó; đồng thời tránh sự khai thác tuyên truyền của chính quyền Anh đối với việc Đảng Đại Hội Quốc Dân công nhận quyền lực chính trị của Anh, nên Gandhi đã rút lui khỏi đảng. Năm 1936, Gandhi phục hoạt trở lại, khi đồng minh của ông là Jawaharlal Nehru lên làm chủ tịch Đảng Quốc Dân Đại Hội. Nhưng vào lúc này, Gandhi đối diện với rất nhiều vấn đề phức tạp ở trong Đảng. Đó là ông chỉ muốn chuyên tâm vào con đường đấu tranh giành độc lập và chưa nghĩ nhiều về viễn cảnh xây dưng chính quyền tương lai; nhưng khuynh hướng chung của các nhà lãnh đạo đảng vào lúc đó là muốn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là Subhas Chandra Bose, một đối thủ chính trị của Nehru cho rằng cách đấu tranh của Gandhi quá chậm và không hiệu quả.

Khi Subhas Chandra Bose lên làm chủ tịch Đảng Quốc Dân Đại Hội, sự tranh cãi về phương thức đấu tranh giữa Gandhi và Subhas Chandra Bose đã xảy ra một cách khá gay gắt từ năm 1938. Nhiều người đã tuyên bố rút lui khỏi đảng hay từ chức các trách vụ để phản đối Bose đã không thi hành các quan niệm bất bạo động của Gandhi đưa ra từ năm 1920. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ vào năm 1939, Gandhi đưa đề nghị rằng người Ấn sẽ hỗ trợ nước Anh tham chiến nhưng ngược lại chính quyền Anh phải tôn trọng quyền độc lập của người Ấn. Chính phủ Anh không những không chấp nhận đề nghị này của Gandhi mà còn âm mưu gây ra những hiềm khích giữa Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo để tạo sự phân hóa. Gandhi đã vận động các lực lượng chống Anh ra một quyết nghị chung đòi chính quyền phải rút khỏi Ấn Độ. Đương nhiên, một số tổ chức và chính trị gia thân Anh đã bị chính quyền Anh xúi giục ra thông tư phản đối nghị quyết của Gandhi, cho rằng những đòi hỏi mạnh mẽ như kiểu này không phù hợp vào lúc này. Tuy nhiên, nghị quyết đòi người Anh rút về nước, đã tạo một tác động tâm lý rất lớn trong lòng dân Ấn, với nhiều cuộc biểu tình, mít tinh được tổ chức ở nhiều nơi và đã dấy lên phong trào giành độc lập mạnh mẽ hơn lúc nào hết.

Chính quyền Anh đã ra lệnh công an và sử dụng cả quân đội để đàn áp khiến cho hàng ngàn người bị bắt và bị giết. Gandhi kêu gọi mọi người đấu tranh trong ôn hòa, bất bạo động và kiên quyết lập trường đấu tranh vì tự do của Ần Độ, cho đến khi chính quyền Anh phải thừa nhận độc lập. Gandhi và toàn bộ ban lãnh đạo quốc hội Ấn, đã bị bắt giữ vào ngày 9 tháng 8 năm 1942 tại Munbai. Ông bị giam hai năm trong điện Aga Khan tại Pune. Do ảnh hưởng cái chết của vợ của ông là bà Kasturbai và người thư ký mà ông coi như con ruột là Mahadev Desai, trong thời kỳ này, khiến sức khoẻ của Gandhi suy kiệt đột ngột, chính quyền Anh sợ ông chết trong tù nên đã phải trả tự do cho ông vào năm 1944. Mặc dù chính quyền Anh đã đàn áp và khống chế được phong trào giành độc lập; nhưng thái độ của họ đã thay đổi khá nhiều vào lúc này. Sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, chính quyền Anh đã tự động trả tự do cho hơn 100 ngàn tù chính trị và nhất là đưa ra những tín hiệu sẵn sàng thương lượng với các nhà lãnh đạo Ần trong quốc hội để trao trả độc lập.

Gandhi biết trước âm mưu của chính quyền Anh là tách Ấn làm hai quốc gia Hồi Giáo và Ấn Giáo để làm suy yếu tiềm lực Ấn Độ khi trao trả vào năm 1946 nên đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Quốc hội là khước từ kế hoạch trao trả độc lập của Anh trong việc chia quyền cho Liên Minh Hồi Giáo. Nhưng đa số quốc hội lại lo sợ những cuộc nội chiến giữa môn đồ Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo sau khi thống nhất nên đã tìm mọi cách thuyết phục Gandhi chấp nhận giải pháp phân chia Ấn thành ba quốc gia Pakistan, Bangkladesh và Ấn Độ như ngày nay để có sự hòa bình. Ngày Ấn Độ tuyên bố độc lập, Gandhi đã không hiện diện trong bất cứ buổi lễ nào mà sống đơn độc tại Kolkata. Ngày 30 tháng 1 năm 1948, Gandhi đã bị bắn chết bởi Nathuram Godse, một tên Ấn Độ Giáo quá khích, tại tòa nhà Birla ở New Deli.

****

JPEG - 67.2 kb

Cuộc đời và những nỗ lực của Mahatma Gandhi đều dành hết cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn độ, từ lúc rời Nam Phi về lại Ấn Độ năm 1914 cho đến khi bị sát hại vào năm 1948. Trong suốt 34 năm đấu tranh này, Mahatma Gandhi đã kêu gọi người dân Ấn đứng lên bằng tấm lòng can đảm, công khai, ôn hòa và bất bạo động với tư tưởng “Chấp trì chân lý”. Súng đạn và bạo lực dù có mạnh bạo đến đâu đi chăng nữa, nó chỉ làm cho con người run sợ lúc đầu; khi từng người, từng người đã can đảm vượt qua với số đông cương quyết đứng dậy một lòng, mọi thể chế độc tài, tàn ác đều bị đốn ngã. Không có cuộc đấu tranh nào mà không có hy sinh; nhưng đối chiếu cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ với nhiều quốc gia khác, dân tộc Ấn Độ đã không trả giá quá đắt về xương máu và sự hủy hoại hạ tầng cơ sở như trường hợp Việt Nam, Trung Quốc. Chính những thành tựu này và chính phương thức đối đầu bất bạo động mà Gandhi đã được tôn vinh là bậc Thánh của nhân loại. Trong nhiều năm qua, tư tưởng bất bạo động của Gandhi đã là ngọn đuốc soi đường cho nhiều nhà lãnh đạo thế giới như Mục sư Martin Luther King, Nelson Mandela, Stephen Biko, Lech Walesa… trong công cuộc đấu tranh chiến thắng độc tài và áp lực.

Lý Thái Hùng
March 7th 2008

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.

Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số người lao động trẻ từ 15 tuổi lên là 52,4 triệu, chiếm 53,3% tổng dân số.

Thời gian qua, tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh nói lên thực trạng khó khăn của người lao động Việt Nam, nhất là trong giới lao động trẻ.

Các chuyên gia nói gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam

Một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam, tám tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế sẽ cùng tổ chức một hội thảo vào ngày 6 tháng 5 năm 2024 để báo động tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo “Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng tại Việt Nam & hành động để tranh đấu cho nhân quyền” sẽ quy tụ các chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền.

Lãnh đạo Hoa Kỳ (giữa), Nhật Bản (phải) và Philippines họp thượng đỉnh tại Washington DC hôm 11/4/2024. Ảnh: Reuters

Thế trận an ninh mới ở Á châu: Việt Nam có thể bình thản được bao lâu?

Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật Philippines hôm 11/4/2024 được nhận định đã truyền đi nhiều tín hiệu về một thế trận mới ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Tổng thống Philippines Marcos nói “nó sẽ thay đổi cục diện trong khu vực, ở xung quanh Biển Đông, ở ASEAN, ở châu Á.”

… Ba nước tuyên bố bảo vệ các nguyên tắc của Luật biển Quốc tế đối với Biển Đông, lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines tại bãi Cỏ Mây hơn một năm qua.