Giấc mơ Mỹ, giấc mơ Việt Nam

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 28.1 kb

Barack Obama đã thắng cử và trở thành tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông thắng làm cho tôi và một người bạn buồn.

Tôi mong John McCain thắng vì một tình cảm cá nhân đặc biệt còn bạn tôi cay cú vì không kịp nói câu: “Chúng tôi từng bỏ tù một tổng thống Mỹ”.

Nhưng cả hai chúng tôi đều khâm phục cho nền dân chủ Mỹ. Qủa thật, người Mỹ thường là không bầu nhầm tổng thống. Đã có lúc đứng trước hai thiệt hại, bao giờ họ cũng biết chọn cái ít thiệt hại hơn.

Giấc mơ Mỹ – American Dream

Lịch sử ngắn ngủi của Hoa Kỳ chứng tỏ sự khôn ngoan một cách già dặn của người Mỹ. Trong suốt 232 năm qua kể từ ngày lập quốc vào năm 1776, “Giấc mơ Mỹ” vẫn sống mạnh mẽ. Nó chứng minh khả năng thay đổi, điều chỉnh để tiếp tục đi lên.

Hoa Kỳ là một quốc gia đặc biệt khi cho phép sự phát triển bình đẳng trong đa dạng. Mỗi người đều rất tự do, có thể theo đuổi ước mơ riêng nhưng vẫn đến với nhau trên một nền tảng pháp luật chung.

Họ đã đến với nhau vì sự khát khao tự do, vì sự thịnh vượng vật chất và những giá trị bình đẳng và dân chủ. Hàng trăm ngàn người reo hò theo tỷ lệ phiếu bầu được kiểm cho ta thấy không khí thực sự của một ngày hội. Sự sôi động cuồng nhiệt thể hiện ý nghĩa lớn lao của từng lá phiếu.

“Giấc mơ Mỹ” vẫn tiếp tục thôi thúc nhiều người. Hàng ngàn dân Mexico vẫn hằng ngày mong thoát qua được đường biên giới để vào đất Mỹ. Hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mạng để kiếm tìm một chỗ trú bên kia bờ đại dương, Những người đã định cư tiếp tục đưa con cháu, họ hàng sang Mỹ. Nhiều nhà khoa học, dù nhớ về cố quốc, nhưng vẫn mong được kéo dài hơn thời gian ở một văn phòng chuyên môn hoặc một giảng đường ở Mỹ.

Nếu ở Việt Nam

JPEG - 43.5 kb

Nếu như Barack Obama sinh ra ở Việt Nam, liệu ông ấy có được bầu làm chủ tịch nước hay không ? Câu trả lời chắc chắn là không, vì ông ấy không thuộc diện ’cán bộ được quy hoạch’.

Không ít người vẫn trách tôi dại dột rời bỏ những cơ hội ở Mỹ để về Việt Nam đối mặt với song sắt nhà tù. Trước hết ông ấy không phải là “cháu ngoan Bác Hồ”, không phải là “đội viên ưu tú”, đoàn viên đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vào đảng dự bị, được chính thức, được quy hoạch và qua bao nhiều nấc bậc nhiêu khê khác trong đảng chứ không phải thông qua lá phiếu của nhân dân.

Hơn nữa ông đã từng liên hệ với “các nhân vật thuộc phong trào phản chiến” tương tự như các nhà bất đồng chính kiến bây giờ. Nhưng trên hết, ông đã trúng cử vì ông kêu gọi sự đổi thay, một điều mà ông có thể bị bắt bỏ tù tại đất nước đã từng gọi là “dân chủ gấp triệu lần tư bản.”

Thế nhưng, ông đã đắc cử vì đất nước Mỹ thực sự cho con người ta cơ hội để khẳng định bản thân. Nhiều người Mỹ gốc Việt đã được trải nghiệm điều này khi họ đã trở thành nghị viên hoặc triệu phú khi chỉ hơn 20 năm trước tả tơi trong bộ quần áo duy nhất bước lên bờ cát sau những cuộc vượt biên hãi hùng.

Việt Nam ta đã từng có lịch sử rất đáng tự hào và người Việt cũng xứng đáng có những cơ hội phát triển như người Mỹ. Khi đất nước bị lâm nguy chúng ta đã cùng đứng lên để bảo vệ. Hồ Chí Minh đã từng “suy rộng ra” khái niệm “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” của Tuyên ngôn độc lập Mỹ để khẳng định sự tự do và bình đẳng của các quốc gia.

Ngày nay liệu chúng ta đã được bình đẳng với các dân tộc khác hay chưa?

Đó là câu hỏi mà khi “cầm hộ chiếu Việt Nam” những nhà lãnh đạo nên nhạy cảm quan sát. Nếu như không thấy nhục vì nước mình thua bạn kém bè thì phải biết nhục khi hàng chục cô gái trẻ Việt Nam xếp hàng cho thanh niên Đài Loan lựa chọn như những món hàng; phải biết nhục khi hàng ngàn dân Việt cứ thấy bóng công an Hàn Quốc là cắm đầu cắm cổ chạy; phải biết nhục khi những cụ già liệt sỹ hiện đang vẫn: “gọi con đội mồ lên đi kiện” ngay trước các cơ quan công quyền.

Những việc phải làm

Thế giới đang đối mặt với những khó khăn vô vàn phức tạp. Nước Mỹ đã cố gắng để thay đổi chính mình, khôi phục hình ảnh và chung tay giải quyết nó thông qua “Lời hứa của nước Mỹ”. Đó là lời hứa mà ông phải thực hiện nếu muốn tiếp tục duy trì ở một nhiệm kỳ tiếp theo. Để học tập từ câu chuyện bầu cử, những người thân Cộng và chống Cộng ở Việt Nam phải hiểu rằng chúng ta có thể bất đồng ý kiến nhưng không tấn công nhân cách và lòng yêu nước của nhau và dĩ nhiên là không bỏ tù nhau.

Vì rằng lòng yêu nước không do đảng phái và cương vị. Một bà già còng lưng đang lội nước và một ông Bí thư thành ủy trên xa lông sang trọng có thể có sự khác nhau ghê gớm ở tính chất phản động nhưng lòng yêu nước có lẽ cũng bằng nhau.

JPEG - 10.7 kb

Tôi tin rằng chỉ có sự đoàn kết trong sự đa dạng ý kiến bởi vì bản chất của tự trong thâm tâm con người là đa nguyên. Và dù có nhiều dị biệt nhưng chúng ta cùng có những điều to tát hơn để chung lo.

Đó là đói nghèo. Đất nước ta không có ai chết đói nhưng hàng ngàn người đang đói đến chết.

Đó là bệnh tật. Dân số nước ta rất trẻ nhưng thuộc diện nhỏ con và suy dinh dưỡng cao. Trong một buổi tối, tôi đã lặng nhìn hàng chục chiếc xe cứu thương đã quay đầu ra khỏi cổng viện Bạch Mai vì dân không có tiền viện phí.

Đó là lãnh thổ, lãnh hải bị xâm chiếm. Là thác Bản Giốc đang kêu lên tiếng vọng cố hương, là Trường sa và Hoàng sa giãy dụa trong đơn vị hành chính Tam Sa của Trung Quốc.

Đó là tham nhũng đang hoành hành khi những tiếng nói chống lại bị đem đi xét xử và những người treo biểu ngữ bị bắt bỏ tù.

Trên hết là mỗi một chúng ta thấy đang bức nhíp, thấy không thật với chính mình, không đủ trí tuệ và đạo đức để nói lên sự thật, nói lên niềm khát khao dù cho khi đang họp chi bộ hay đứng trên bục giảng bài. Người Mỹ đã không kỳ thị về sắc tộc và đảng phái vì nhiều người đảng Cộng hòa đã bầu cho Dân chủ và ngược lại thì không có một cớ gì mà chỉ những người là thành viên đảng cộng sản mới được quyền làm chủ tịch Xã.

Những người lãnh đạo ở Việt Nam không được lẩn trốn lịch sử mà phải làm nên lịch sử. Nếu tiếp tục lẩn trốn, nhân dân sẽ đứng lên làm lịch sử, đưa đất nước bước về phía trước.

Điều đầu tiên phải làm là quyền ra báo tư nhân như thời kỳ pháp thuộc; Được quyền thành lập đảng tự do như đất nước Campuchia đã hưởng hàng chục năm qua; Được quyền treo biểu ngữ chống tham nhũng chống việc mất đất mất đảo mà không phải bị bỏ tù…Đó là những thay đổi chúng ta cần phải làm ngay.

Nước Mỹ đã sang trang, Việt Nam ta không thể còn đọc hoài trang sách cũ. Người Việt chúng ta, mà bắt đầu phải bằng các nhà Lãnh đạo, hãy lần giở từng trang một cuốn sách phải đọc. Đó là cuốn “Từ độc tài đến Dân Chủ” của Gene Sharp.

Vì đã đến lúc chính các “đồng chí” cũng cần được giải phóng khỏi ý thức hệ đã là vòng kim cô ràng buộc chính mình thì mới có một cách tiếp cận mới hơn, tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam yêu quý này!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/…

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.