Những Quan Niệm Căn Bản

PHẦN 2 – NHỮNG QUAN NIỆM NỀN TẢNG

Chủ trương đấu tranh của Việt Tân là tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện để xây dựng dân chủ và canh tân Việt Nam. Nghĩa là đấu tranh để ưu tiên chấm dứt chế độ độc tài đang cản trở sức vươn lên của dân tộc và đồng thời tiến hành nỗ lực canh tân theo một tiến trình chọn lọc và tích cực, đáp ứng những khát vọng của dân tộc Việt Nam.

Nỗ lực phục hồi và phát triển đất nước là sự nghiệp của cả dân tộc và phải được tiến hành liên tục qua nhiều thế hệ Việt Nam.

A – MỤC TIÊU CANH TÂN

Mục tiêu đấu tranh tối hậu của Việt Tân là Dân Giàu Nước Mạnh. Dân không chỉ “Giàu” về vật chất, với dồi dào phương tiện và cơm áo, mà còn “Giàu” về tinh thần, với thăng tiến kiến năng, tâm linh, và văn hóa. Trong thực trạng Việt Nam và tình hình thế giới ngày nay, Nước không thể chỉ “Mạnh” về quốc phòng mà còn phải “Mạnh” về kinh tế và tư thế đối với thế giới và các quốc gia trong vùng.

Chủ trương Dân Giàu Nước Mạnh cũng nhấn mạnh nguyên tắc Dân là gốc của Nước. Nước mạnh là do Dân. Chính Dân lập nên, bảo vệ và phát triển Nước, nên Dân phải có quyền tối thượng trong việc định ra cơ chế và luật pháp để điều hành đất nước, cũng như trong việc tham gia vào quyết định phương hướng phát triển đất nước của mình.

B – ĐỐI TƯỢNG CANH TÂN

Vì mọi nỗ lực canh tân đất nước đều phải được thực hiện qua những con người, do đó Con Người phải là đối tượng cơ bản để canh tân trước hết.

Tuy nhiên, trong một hệ thống chính trị xã hội bóp nghẹt, con người dù có kiến thức, nhiệt tình và lý tưởng vẫn không thể đóng góp gì nhiều cho cuộc sống của mình, cho gia đình mình và cho đất nước. Do đó cuộc cách mạng canh tân phải nhắm vào cả con người lẫn cơ chế và môi trường sinh hoạt xã hội.

1. Canh Tân Con Người

Dân ta hàng thế kỷ nay vẫn sống trong tình trạng lạc hậu, lại bị ảnh hưởng mấy chục năm độc tài cộng sản, nên nhiều người có thói quen suy nghĩ cục bộ, không chấp nhận khác biệt và khó chấp nhận những điều ngoài tầm hiểu biết của mình. Để hóa giải tình trạng này và tạo điều kiện phát triển đất nước, quan niệm canh tân con người của đảng Việt Tân nhắm vào các chủ điểm sau đây:

1.1 Tinh Thần Hòa và Đồng

Nỗ lực canh tân con người phải bắt đầu từ những lãnh vực giáo dục và học hỏi để mỗi công dân gia tăng hiểu biết và mở rộng tầm nhìn. Nhờ giáo dục và học hỏi, con người thoát ra khỏi cái khung suy nghĩ chật hẹp chủ quan để buớc vào cung cách suy nghĩ khoa học khách quan. Yếu tố khách quan sẽ giúp mỗi người thấy được sự khác biệt với mình là điều bình thường và chấp nhận sự khác biệt ấy một cách bình thường. Đó là cốt lõi của tinh thần Hòa trong quan hệ con người. Ý kiến dù có khác nhau nhưng không vì thế mà tiêu diệt nhau, ngược lại còn để bổ xung cho nhau. Trên căn bản Hòa đó, mọi người sẽ Đồng, nghĩa là cùng nhau chung sống, làm việc, hợp tác để chia xẻ gánh nặng trách nhiệm xây đắp cũng như chung hưởng phúc lợi xã hội.

Nếu Hòa diễn tả quan hệ lý tưởng giữa cá nhân với cá nhân, thì Đồng cung cấp mẫu mực lý tưởng của sinh hoạt tập thể. Khi sống với tinh thần chấp nhận khác biệt, tất nhiên mọi người đều có quyền tự do phát biểu, tự do cư trú, tự do tín ngưỡng v.v… Những tự do cá nhân này chỉ bị giới hạn bởi những luật lệ rõ ràng sau khi đã có thảo luận và chấp thuận của mọi người vì lợi ích tập thể. Tập thể đây là cả dân tộc, chứ không chỉ một thành phần dân tộc hay một giai cấp. Nói cách khác, không thể nhân danh Đồng mà tiêu diệt mọi quyền tự do cá nhân; ngược lại, không thể nhân danh Hòa mà đòi quyền tự do cá nhân tuyệt đối bất kể đến xã hội.

Hòa và Đồng trong sự cân bằng và được luật pháp bảo vệ chính là cốt lõi của tinh thần dân chủ đích thực mà Việt Tân nhắm tới.

1.2 Tinh Thần Tự Lực, Tự Cường, và Khai Phóng

Giòng lịch sử cho thấy dân tộc tính của người Việt Nam vốn đã sâu đậm tinh thần tự lực, tự cường, và khai phóng. Chính nhờ tinh thần này mà cha ông ta đã học được từ cả những kẻ cai trị và dũng mãnh đứng lên giành lại độc lập cho đất nước sau những giai đoạn bị đô hộ ngặt nghèo.

Trong những thập niên cận đại, do những nghịch cảnh chính trị, tinh thần khai phóng đã bị thay thế bằng tư duy hẹp hòi của những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam giành độc quyền “chân lý” và “lẽ phải” mà họ du nhập từ bên ngoài. Cùng lúc đó, tinh thần tự lập, tự cường cũng suy kiệt trầm trọng. Sau những năm tháng ký sinh vào ngoại viện và cố vấn ngoại quốc trong thời gian chiến tranh là giai đoạn áp dụng rập khuôn một cách máy móc các mô thức xã hội-kinh tế xa lạ và đầy tai hại lên đất nước. Nghĩa là trước sau đều cậy dựa vào ngoại nhân, bất kể những tác hại di họa cho dân tộc.

Cuộc cách mạng canh tân Việt Nam phải phục hồi cho được nơi mỗi người Việt Nam một tinh thần tự lập, tự cường và khai phóng của tổ tiên, để có thể thu góp tinh hoa thế giới và thời đại, mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc; và để mạnh dạn phát triển đất nước theo đúng các đặc tính và tình hình đặc thù Việt Nam.

1.3 Tinh Thần Công Dân và Ý Thức Trách Nhiệm

Sau nhiều thập niên người dân không những không được phép thực sự tham gia vào cơ cấu điều hành và những quyết định trọng đại của đất nước, ngược lại, còn bị bó buộc phải tập trung vào việc kiếm sống và tránh xa sinh hoạt chính trị, tinh thần công dân và ý thức trách nhiệm liên đới trong xã hội Việt Nam đã gần như biến mất.

Cuộc cách mạng canh tân Việt Nam, vì vậy, phải làm sống lại trong mỗi người dân ý thức làm chủ vận mạng đất nước của mình và từng bước xây dựng tâm thức đặt Tổ Quốc và Dân Tộc lên trên mọi loại chủ nghĩa và đảng phái. Để tiến đến lý tưởng này, ý hướng Sống Phục Vụ phải được vun trồng trong xã hội qua mọi sinh hoạt giáo dục, văn hóa và tôn giáo. Cũng vậy, tinh thần Đồng Tiến — giúp nhau cùng tiến lên — phải được đề cao. Kinh nghiệm phát triển tại nhiều quốc gia cho thấy một đất nước chỉ có thể vượt qua đói nghèo và phát triển nhanh chóng khi có được một khối lượng chuyên gia đông đảo, chứ không chỉ một vài cá nhân vượt xa một đại đa số còn lạc hậu.

2. Canh Tân Cơ Chế và Môi Trường Xã Hội

Con người không thể phát triển trong một cơ chế chính trị và môi trường xã hội không thuận tiện. Canh tân cơ chế và môi trường xã hội do đó phải tiến hành song song với canh tân con người. Nói đến cơ chế và môi trường xã hội tức là nói đến tổ chức, điều hành, tạo dựng điều kiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi cá nhân trong tập thể nhằm để cho tập thể ổn định, phồn vinh. Quan niệm canh tân cơ chế và môi trường của đảng Việt Tân có thể sơ lược trong các luận điểm sau đây:

2.1 Chính Trị

2.1.1 Dân Chủ Đích Thực

Trong phạm vi một nước, chính trị là điều hợp thuận thảo những nhu cầu vật chất và tinh thần cá nhân với những yêu cầu phát triển của cả nước. Trong một quốc gia, với nhiều thành phần quần chúng khác nhau, sự thuận thảo chỉ có nếu mỗi người chấp nhận sự khác biệt để cùng tìm lấy điểm chung. Sự thuận thảo không thể thành hình nếu có một nhóm người áp đặt một khuôn mẫu độc nhất để loại trừ mọi hình thức khác biệt. Sự chấp nhận khác biệt (ý niệm Hòa) để tìm lấy mẫu số chung (ý niệm Đồng) chỉ đạt được nếu mỗi người đều có quyền và có cơ hội phát biểu, thảo luận, thuyết phục, trong đó mọi ý kiến của thiểu số đều được quan tâm. Đó là tinh thần Dân Chủ đích thực mà Đảng Việt Tân chủ trương làm nền tảng chính trị cho một nước Việt Nam canh tân.

2.1.2 Vai Trò Của Đảng Phái

Trong nền dân chủ đích thực, sự có mặt của các đảng phái, đoàn thể là điều tất nhiên. Đó là tập hợp của những người có chung một số quan điểm chính trị, quyền lợi kinh tế, tương quan xã hội… Qua những tổ chức này, những quan điểm và phương cách giải quyết các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế v.v… được trình bày, thuyết phục, vận động để được đa số chấp nhận thành những chính sách quốc gia. Do đó, những đảng phái chỉ là những đại diện của một số thành phần quần chúng trong cả nước. Ngay trong trường hợp cầm quyền thì đảng cầm quyền cũng chỉ là công cụ thi hành chính sách phục vụ dân tộc và đất nước, đã được chọn lựa cho những nhiệm kỳ nhất định bằng những phương pháp dân chủ. Đảng cầm quyền tuyệt đối không được sử dụng quyền lực, tài sản và tài nguyên quốc gia nhằm phục vụ cho đảng của mình.

Không một đảng phái nào hay cá nhân nào, kể cả những người đứng đầu các ngành hành pháp, lập pháp hay tư pháp, có thể đứng trên dân tộc, đứng trên luật pháp. Cũng không một đảng phái nào có thể nhân danh bất cứ điều gì để tự cho phép mình được độc quyền hay vĩnh viễn lãnh đạo dân tộc. Nói cách khác, trong nền dân chủ đích thực mà đảng Việt Tân chủ trương có sự phân biệt rõ ràng giữa người phụ trách và cơ chế quốc gia. Cơ chế quốc gia phải được tôn trọng và bảo vệ. Nhưng nếu người phụ trách vi phạm những quy định pháp luật thì sẽ phải chịu các biện pháp chế tài đúng mức và đúng luật, chứ không thể tự đồng hóa với cơ chế để bẻ cong hay chà đạp luật pháp.

Trong nền dân chủ đích thực như đảng Việt Tân quan niệm, dù ở trong hay ngoài chính quyền, các đảng phái hay các cá nhân hoạt động chính trị đều có thể đóng góp cho quốc gia dân tộc, qua những cơ chế và sinh hoạt của một xã hội công dân.

2.1.3 Thể Chế Chính Trị

Thể chế chính trị của Việt Nam phải biểu hiện tinh thần dân chủ đích thực, công bằng và hợp lý đối với mọi thành phần dân tộc.

Trong các chế độ dân chủ, thông thường có hai lực lượng trong sinh hoạt chính trị quốc gia, là chính quyền và đối lập. Sự khác biệt giữa hai bên là do ở quan niệm và phương thức giải quyết các vấn đề của đất nước. Chức năng chính yếu của khối đối lập là để quân bình quyền lực với khối cầm quyền, bảo đảm được sự trong sáng, đúng đắn và công bằng trong những chính sách quốc gia.

Thể chế chính trị Việt Nam sẽ được quyết định dựa trên lá phiếu của toàn dân qua một cuộc bầu cử tự do, sau khi tình trạng cai trị độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam được chấm dứt. Đồng thời, thể chế chính trị tương lai Việt Nam phải được tổ chức để tránh lạm quyền và độc tài dưới bất kỳ hình thức nào, dựa theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Sự phân lập này là cách để cho nước Việt Nam canh tân được điều hành và quản trị theo luật pháp, chứ không phải bằng sắc luật hay pháp lệnh do những người đương quyền tùy tiện đặt ra.

Mặt khác, đảng Việt Tân chủ trương phân biệt rõ ràng giữa lãnh đạo chính trị và guồng máy hành chánh. Lãnh đạo chính trị có chức năng hướng dẫn việc xây dựng phát triển đất nước, giải quyết những vấn đề dân sinh, xã hội… Người lãnh đạo chính trị được nhân dân chọn lựa bằng lá phiếu, trong từng nhiệm kỳ nhất định. Guồng máy hành chánh gồm những nhân viên chuyên môn về quản trị, hoạt động liên tục để phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân và thi hành hợp pháp những kế hoạch do lãnh đạo chính trị vạch ra.

Hai chức năng quản trị hành chánh và lãnh đạo chính trị phải được tách riêng để cho sự vận hành của guồng máy hành chánh được liên tục, sinh hoạt xã hội không bị xáo trộn mỗi khi có thay đổi lãnh đạo chính trị. Đây cũng là một biện pháp chống lạm quyền của lãnh đạo chính trị. Cũng vậy, quân đội và công an cảnh sát phải là những lực lượng phi chính trị để bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì trật tự xã hội theo hiến pháp và luật pháp, chứ không là một công cụ bảo vệ một chủ nghĩa, một đảng phái hay một cá nhân nào.

2.2 Xã Hội

Việt Tân quan niệm gia đình là nền tảng của xã hội. Tự do cá nhân luôn luôn là quyền quan trọng và được tôn trọng nhưng gia đình là chỗ dựa, là rào cản đối với những hiện tượng tiêu cực cá nhân tai hại đã thấy trong một số xã hội đã phát triển. Truyền thống gia đình vốn là quan niệm sống tốt đẹp của dân tộc. Giá trị gia đình càng cần thiết trong thời đại ngày nay, khi mức phát triển kinh tế và vật chất cùng với sự giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới khiến cấu trúc xã hội trở thành phức tạp. Trong khung cảnh phức tạp đó, khi gia đình không được chú trọng và củng cố đúng mức, nhiều chức năng của gia đình đã phải chuyển sang cho xã hội gánh vác, mà dù với những tốn phí to lớn, quốc gia vẫn không thể chu toàn khiến sinh ra nhiều vấn nạn làm suy đồi xã hội.

Trong một xã hội canh tân, mọi người được bình đẳng trước luật pháp và luật pháp phải được áp dụng nghiêm minh. Đấu tranh giai cấp, phe nhóm cũng như mọi hình thức kỳ thị, nguồn gốc của sự chia rẽ, phải được chấm dứt và bị nghiêm cấm. Không một cá nhân hay một nhóm người nào có thể nhân danh bất kỳ điều gì để đứng trên tất cả.

Với tinh thần dân chủ đích thực, xã hội Việt Nam phải là một xã hội trong đó mọi người, không phân biệt thành phần, đều có cơ hội đồng đều để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình và đóng góp cho đất nước. Khả năng và sự phấn đấu cá nhân là yếu tố quyết định mức độ an hưởng của mỗi người. Trong xã hội Việt Nam tương lai, thang giá trị xã hội được đánh giá trên khả năng cá nhân, nhưng cũng còn dựa trên những giềng mối đạo đức nhân bản và tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, không phải vì tiêu chuẩn giá trị đặt trên đóng góp cá nhân mà những người kém may mắn bị tật nguyền hay vô năng bị khinh rẻ, bỏ rơi. Ngược lại, xã hội có nghĩa vụ nỗ lực giúp đỡ cho những người này có đời sống tối thiểu chấp nhận được và có điều kiện phát triển, thăng tiến.

2.3 Kinh Tế

Việt Tân chủ trương xây dựng nền tảng Kinh Tế Tự – Dân, tức một nền kinh tế tự do mang mục tiêu phục vụ dân tộc.

Trong nền kinh tế tự do này, quyền tư hữu được tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật, mọi người dân không những có quyền tham gia, khuếch trương theo những quy luật của thị trường mà còn được chính quyền khuyến khích, hỗ trợ, và bảo đảm một “sân chơi bình đẳng”.

Yếu tính dân tộc được nhấn mạnh vì đây là nền kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển cả nước và tạo cơ hội tham gia cho toàn dân, chứ không ưu tiên phục vụ lợi nhuận cho một vài công ty, một thành phần trong xã hội, hay một nước ngoài.

Vì nền kinh tế quốc gia nói chung chỉ có thể phát triển bền vững với cả hai yếu tố tự do và dân tộc, chính quyền có trách nhiệm tạo quân bình giữa hai mục tiêu này. Một cách cụ thể, chính quyền sẽ điều hướng các chính sách vĩ mô theo tình hình và lãnh vực trọng tâm của từng giai đoạn phát triển đất nước, nhưng để thị trường quyết định các sinh hoạt kinh tế vi mô.

Chính quyền cũng có trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế như pháp luật, các bộ phận thống kê kinh tế, các hệ thống giao thông, liên lạc, và năng lượng… mà tư nhân khó làm hoặc không thể làm được. Chính quyền đặc biệt trách nhiệm, nhưng không giữ độc quyền, trong những hoạt động kinh tế liên quan đến an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Trong quan niệm kinh tế Tự-Dân, quan hệ giữa chủ hãng và công nhân không mang tính đương nhiên đối nghịch. Ngược lại, đây là sự hợp tác để mưu cầu lợi nhuận chung. Một bên góp vốn và phương tiện kỹ thuật, một bên góp kiến năng và sức lao động, nên đều xứng đáng chung hưởng lợi nhuận làm ra. Đó là một quan hệ hỗ tương và được luật pháp bảo vệ. Công nhân có quyền thương lượng quyền lợi với chủ hãng sao cho thỏa đáng, hoặc thành lập công đoàn đại diện để thương lượng theo hướng tập thể.

Trong tình hình liên lập của thế giới ngày nay, sự kiện Việt Nam hội nhập kinh tế với các quốc gia trong vùng và toàn cầu không chỉ là bước đương nhiên, mà còn là một nhu cầu để vươn lên ngang hàng với thế giới. Tuy nhiên, việc hội nhập này mở ra cả thuận lợi lẫn nguy cơ cho nền kinh tế còn phôi thai và rất yếu kém của Việt Nam hiện nay. Cùng lúc với tác dụng gia tăng khả năng cạnh tranh, thu hút thêm các đầu tư ngoại quốc và du nhập các kỹ năng từ thế giới, Việt Nam phải chịu tác dụng của sự cạnh tranh gay gắt trên một số mặt hàng trọng yếu vì chất lượng còn thua kém, vì thiếu kiến thức về luật pháp, hoặc bị khai thác một cách không công bằng, và lệ thuộc vào vốn cũng như kỹ năng từ bên ngoài, từ đó dẫn đến hiện tượng mất dần chủ quyền kinh tế.

Trong nền kinh tế Tự-Dân, chính quyền cần bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư ngoại quốc, nhưng cùng lúc phải liên tục xây dựng nội lực quốc gia và duy trì khả năng chủ động điều phối nền kinh tế Việt Nam nhằm phục vụ dân tộc.

2.4 Giáo Dục

Trong bao năm qua, hoàn cảnh và môi trường của đất nước đã không cho phép Việt Nam xây dựng dân phong, dân trí theo đúng tiềm năng và nhu cầu phát triển của từng thời đại. Do đó, trong sự nghiệp canh tân lâu dài, giáo dục phải là ưu tiên quan trọng trong cả hai lãnh vực: truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật đồng thời phục hồi, phát huy những giá trị tinh thần và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật cần được thực hiện với một nền giáo dục đại chúng và thực tiễn. Tổ chức giáo dục đại chúng là để vừa giúp mọi người dân có cơ hội học hành và thăng tiến ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ… lại vừa tránh phí phạm tài năng của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền giáo dục thực tiễn phải được cập nhật theo đà phát triển nhanh chóng của thế giới và áp dụng theo sát với nhu cầu của thực tế. Với tinh thần không từ chương và không câu nệ bằng cấp, nền giáo dục đại chúng và thực tiễn này sẽ phát huy sự sáng tạo của mọi người dân để nâng cao trí tuệ của con người, đáp ứng chính sách nhân dụng và nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia. Bên cạnh những chương trình giáo án, hệ thống học đường, việc truyền đạt kiến năng còn được thể hiện bằng sự tự do tìm hiểu, học hỏi, truyền đạt những văn minh tiến bộ của thế giới bên ngoài qua tham quan, du học hoặc sử dụng mạng lưới điện toán toàn cầu.

Phục hồi và phát huy những giá trị tinh thần, bên cạnh những động lực thăng tiến cá nhân, sẽ giúp đào tạo con người có được những động cơ tinh thần thúc đẩy để quan tâm phục vụ xã hội. Trong chiều hướng này, việc xiển dương văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc là cần thiết, nhưng quan trọng không kém là ý thức trách nhiệm xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ và nhân bản. Nền giáo dục Việt Nam tương lai nhằm đào tạo những con người có ý thức dân chủ đích thực, sống tự do và trách nhiệm trong một xã hội văn minh và hài hòa.

2.5 Tôn Giáo

Qua nhiều thời đại, tôn giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Ở tầm mức cá nhân, tôn giáo góp phần thúc đẩy con người vươn lên những giá trị cao đẹp qua lý tưởng phục vụ tha nhân. Đối với quốc gia, tôn giáo góp phần tích cực trong việc giảm thiểu những tệ đoan và các mặt tiêu cực của xã hội, giữ vững những quan niệm chung trong xã hội về luân lý, và làm giảm bớt những đau khổ, thiệt thòi cho những người kém may mắn trong xã hội.

Quyền tự do tín ngưỡng phải được tôn trọng và bảo đảm bằng luật pháp theo đúng các giá trị phổ quát của nhân loại trong lãnh vực này. Chọn lựa tín ngưỡng hoàn toàn là quyền của mỗi cá nhân, kể cả quyền không theo tín ngưỡng nào. Mọi tôn giáo đều bình đẳng khi sử dụng các phương tiện công cộng và trước pháp luật.

Việt Tân quan niệm rằng luật pháp cũng phải bảo đảm sự độc lập giữa chính quyền và tôn giáo. Chính quyền không ảnh hưởng vào nội bộ hoặc chi phối các sinh hoạt của tôn giáo. Ngược lại tôn giáo không tạo áp lực hay khuynh loát các sinh hoạt điều hành quốc gia của chính quyền.

2.6 Cộng Đồng Dân Tộc

Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam là tập hợp mọi sắc dân sống trên lãnh thổ Việt Nam và những người có gốc Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới.

Suốt một thời gian dài trong lịch sử nước nhà, các yếu tố cách trở địa dư, khác biệt chính kiến, bưng bít thông tin, và cả những khai thác tiêu cực từ ngoại bang… đã dẫn đến những khoảng cách biệt khá lớn giữa các thành phần trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Để phát triển đất nước dựa trên sức mạnh của đại khối dân tộc, Việt Tân quan niệm những khoảng cách này phải được gấp rút thu ngắn và lấp đầy bằng chế độ đối xử bình đẳng với mọi thành phần dân tộc trong các chính sách phát triển quốc gia và trước pháp luật. Ngoài ra, hệ thống giáo dục và truyền thông đại chúng sẽ góp phần hướng dẫn để giúp mọi người cùng trân quí giòng văn hóa của từng sắc dân, kết thành nền văn hóa chung muôn màu và đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, một phần của dân tộc đang định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới và hình thành một cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong tương lai, với những kiến năng và tinh hoa thu thập được của thế giới, với khả năng vận động dư luận và doanh nhân hay chính giới ở nước sở tại, và với khát vọng xây dựng quê hương xứ sở, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ cùng với đại khối dân tộc đóng góp tích cực vào tiến trình canh tân Việt Nam. Ngược lại, chính quyền của nước Việt Nam canh tân cũng có nhiệm vụ giúp đỡ và bênh vực mọi thành phần dân tộc đang sống bên ngoài lãnh thổ Việt Nam khi cần thiết.

Nói chung, Việt Tân quan niệm mối tương quan giữa các sắc tộc trên mọi miền đất nước, cũng như giữa người Việt ở trong và ngoài nước, phải được đặt căn bản trên hai ý niệm hỗ tương Hòa và Đồng. Đây mới chính thực là Tinh Thần Đại Đoàn Kết Dân Tộc và là nền tảng cho sự thành công bền vững của tiến trình canh tân đất nước lâu dài.

2.7 Quan Hệ Quốc Tế

Việt Tân chủ trương một nước Việt Nam canh tân sẽ thiết lập bang giao với mọi nước trên thế giới trên căn bản lý tưởng tự do, nhân bản, tương kính về chủ quyền cũng như quyền lợi; đồng thời cũng tuyệt đối bảo vệ chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia mình.

Việt Tân chủ trương định hướng và điều chỉnh các chính sách ngoại giao theo nhu cầu của đất nước và bản chất văn hóa của dân tộc; chứ không theo hướng ngược lại là dùng nguồn lực và các chủ nghĩa ngoại lai để cai trị dân tộc, hay tệ hại hơn nữa, dùng dân tộc để thực hiện các tham vọng của ngoại bang.

Trước nhu cầu phục hồi và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam sẽ chủ động liên đới với các quốc gia trong vùng, đặc biệt là các định chế quốc tế trên căn bản đã nêu; mở rộng tối đa các trao đổi nhiều mặt để đón nhận những tinh hoa của thế giới nhằm nâng cấp các sinh hoạt kinh tế, y tế, nghệ thuật, kỹ thuật tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam tôn trọng và xiển dương những giá trị phổ quát của nhân loại, đặc biệt là những giá trị nhân văn; và sẽ nỗ lực đóng góp phần mình vào lợi ích chung của khu vực và nhân loại.

Việt Tân chủ trương thi hành một chính sách ngoại giao thân thiện và giải quyết các bất đồng với các quốc gia khác trong tinh thần cởi mở và bằng phương pháp hòa bình.

Phần Ba