Những Quan Niệm Căn Bản

PHẦN 1 – NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI
VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã vượt qua 10 thế kỷ đô hộ của Trung Hoa, không chỉ tồn tại mà còn vươn lên đứng ngang hàng với thế giới. Cho đến cuối thế kỷ 18, Việt Nam không thua kém một nước nào trong vùng và nhiều nơi trên thế giới về tổ chức xã hội, bề sâu văn hóa, và khả năng quốc phòng.

Nhưng chỉ sau nửa đầu của thế kỷ 19, với những chọn lựa sai lầm của lãnh đạo, Việt Nam đã không được canh tân kịp thời và trở thành nạn nhân của chủ nghĩa Thực Dân suốt 100 năm kế tiếp. Từ đó trở đi, tình trạng nhiễu nhương của đất nước cộng thêm nhiều chọn lựa sai lầm khác của một số người, đã khiến dân tộc Việt Nam phải trả giá bằng núi xương sông máu, nhưng con người Việt Nam ngày nay vẫn chưa hết đói nghèo và đất nước Việt Nam vẫn rớt lại ngày một xa hơn so với thế giới văn minh đang bay nhanh về phía trước.

Thật vậy, nếu ước mơ của người dân Việt Nam ở thế kỷ 19 là đủ cơm ăn áo mặc và được sống mà không phải thường xuyên sợ hãi những trấn áp tùy tiện của giới cầm quyền, thì ước mơ này vẫn nằm ngoài tầm tay với của đa số người dân Việt Nam hôm nay. Đây là một bất hạnh lớn cho dân tộc !

Trong lúc đó, hầu hết các nước tự do trên thế giới, kể cả những nước có cùng hoàn cảnh quá khứ như Việt Nam, đã giải quyết xong bài toán lương thực và các nhu cầu sinh tồn tối thiểu cho dân chúng. Hơn thế nữa, mỗi con người tại những nước này ngày nay được bảo đảm các quyền căn bản để sống xứng đáng trong cộng đồng nhân loại, và được bảo đảm quyền làm chủ vận mạng của chính họ và đất nước họ. Ở đó, các cơ hội được giáo dục đạt đến mức cao nhất, cơ hội thăng tiến về của cải và địa vị trong xã hội, cơ hội phát triển con người về tinh thần và tâm linh cũng được mở ra đồng đều cho những ai muốn vươn lên.

Sau hơn 150 năm miệt mài hy sinh và chịu đựng, nhân phẩm của mỗi con người Việt Nam phải được ở vị trí ngang tầm với nhân loại. Mỗi con người Việt Nam phải được sống xứng đáng với đầy đủ nhân quyền và làm chủ vận mạng của mình. Các thế hệ Việt Nam tương lai phải thoát khỏi những lo lắng về các nhu cầu căn bản sinh tồn của các thế hệ trước, để tập trung công sức đưa Việt Nam lên ngang hàng và hòa nhập vào thế giới văn minh.

Cũng vậy, đất nước Việt Nam ngày nay có nhu cầu phải hóa giải gấp rút những hậu quả của quá khứ, từ tình trạng băng hoại xã hội đến sự tê liệt của các cơ chế quốc gia, nhằm chặn đứng lập tức tình trạng tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong vùng và thế giới. Từ đó, cấp tốc đặt nền móng canh tân đất nước một cách bền vững và quân bình, từ các kiến trúc hạ tầng đến hệ thống kinh tế, giáo dục và luật pháp, ngỏ hầu đưa đất nước cất cánh theo kịp đà tiến của loài người.

Trước những nhu cầu bức thiết đó, chế độ độc tài do đảng Cộng Sản Việt Nam áp đặt lên dân tộc đã chứng minh hoàn toàn yếu kém trong khả năng điều hành quốc gia suốt nhiều thập niên qua. Không những vậy, chính chế độ độc tài cộng sản này còn là nguồn gốc phát sinh ra các quốc nạn khác như tham nhũng cường quyền, phung phí tài nguyên quốc gia, tàn phá môi sinh… và cũng là trì lực ngăn chận sức phục hồi và tiến lên của dân tộc bởi những chính sách bưng bít và trói buộc ngặt nghèo nhằm bảo vệ độc quyền cai trị của họ.

Vì vậy, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam hôm nay là:

Phải tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện để khôi phục lại tinh thần tự tin dân tộc. Nhờ tinh thần này, tiền nhân ta đã vượt qua được biết bao thăng trầm của lịch sử, đã anh dũng bảo vệ bờ cõi và xây dựng một đất nước mà chúng ta đang thừa hưởng ngày nay. Tuy nhiên, trong những thập niên qua, do hoàn cảnh kiệt quệ về mặt vật chất, suy thoái về mặt tinh thần, niềm tự tin dân tộc đã bị lung lay khiến xu hướng vọng ngoại gia tăng trong nhiều tầng lớp quần chúng. Người Việt Nam có nhu cầu cấp bách phục hồi những đức tính truyền thống cao đẹp, nâng cao trí tuệ của dân tộc Việt Nam ngang bằng với những dân tộc tiền tiến trên thế giới.

Phải tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện để xóa bỏ mối nhục lạc hậu và chậm tiến đã kéo dài quá lâu trên đất nước. Nếu trong những thế kỷ trước, toàn thể dân tộc đã đứng lên vì cái nhục mất nước, thì ngày nay, những người Việt Nam yêu nước phải đứng lên xóa bỏ cái nhục đói nghèo và lạc hậu cứ đeo mãi một dân tộc vốn có truyền thống tự trọng, cầu tiến, và siêng năng. Người Việt Nam có nhu cầu cấp bách đánh thức lẫn nhau để tỏ thái độ không chấp nhận hiện trạng cũng như những thay đổi quá chậm chạp, giới hạn và sai trái trong hiện tại. Dân tộc Việt Nam thừa khả năng và xứng đáng để sớm có một tương lai tươi sáng hơn.

Phải tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện để đưa đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia trong vùng và trên thế giới. Trong tình hình hiện nay, dù với mỗi bước dè dặt tiến lên của Việt Nam về mặt kinh tế, thì các nước khác đã đi được năm, bảy bước không những về kinh tế mà còn trong nhiều lãnh vực khác của quốc gia họ. Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới vì vậy vẫn tiếp tục dài ra. Tương quan này đồng nghĩa với tình trạng Việt Nam đang tiếp tục thụt lùi trên con đường phát triển toàn cầu. Người Việt Nam có nhu cầu cấp bách phải thay đổi toàn diện cơ chế và môi trường xã hội để tạo điều kiện rút ngắn giai đoạn phát triển, bắt kịp các nước trong vùng và xây dựng nền tảng cho một tiến trình phát triển bền vững.

Đó là lý do căn bản dẫn đến sự hình thành Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là đảng Việt Tân.

Việt Tân là tập hợp của những người Việt Nam mang lý tưởng phục vụ dân tộc và hoài bão xây dựng một cuộc sống thăng tiến xứng đáng cho con người Việt Nam; xây dựng một đất nước phát triển xứng đáng với lịch sử dân tộc và biết bao hy sinh của hàng trăm thế hệ Việt Nam.

Phần Hai | Phần Ba