Kỳ II: Tại sao người dân e sợ chế độ độc tài?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Diễn Đàn Palk Talk “Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động”

Ngày 21/11/2010 Lúc 12 giờ trưa giờ Việt Nam, 4 giờ chiều giờ Sydney Úc Châu, 6 giờ sáng giờ Paris, Âu Châu, 9 giờ tối giờ California ngày 20/11/2010.

Bài 2: Bản Chất Quyền Lực Chính Trị Trong Xã Hội và Tại Sao Người Dân E Sợ Chế Độ Độc Tài? Áp Dụng Vào Trường Hợp Việt Nam Thế Nào?

Diễn Giả:
Bác Sĩ Đặng Vũ Chấn (Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Bác Sĩ Nguyễn Trọng Việt (Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân)

Xin bấm vào đây để lấy tập tin âm thanh phần trình bày của Bác sĩ Đặng Vũ Chấn và Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt

Tập tin âm thanh phần thảo luận

(Bác sĩ Đặng Vũ Chấn)

Kính chào toàn thể quý vị,

Hôm nay chúng ta bước vào đề tài thứ 2 trong một chuỗi gồm 8 đề tài liên quan đến cuộc hội luận “Tìm Hiểu Và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động” . Đề tài mà chúng tôi đề cập ngày hôm nay là Bản chất quyền lực chính trị trong xã hội và Tại sao người dân e sợ chế độ độc tài?

Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về bản chất quyền lực chính trị trong xã hội là gì?

Khi định nghĩa về quyền lực chính trị trong xã hội, Tiến sĩ Gene Sharp, một nhà nghiên cứu về đấu tranh Bất Bạo Động, đã cho rằng quyền lực là tập hợp của tất cả những công cụ, sự ảnh hưởng, các áp lực bao gồm cả quyền điều khiển, khen thưởng và quyền trừng phạt nhằm thỏa mãn những mục tiêu của thực thể nắm giữ quyền lực, đặc biệt là những người nắm giữ quyền lực nhà nước, đoàn thể xã hội và những tổ chức đối lập chính quyền.

Với định nghĩa nói trên, Tiến sĩ Gene Sharp, đã cho chúng ta thấy là quyền lực chính trị trong xã hội không chỉ đến từ các công cụ cầm quyền của những nhà lãnh đạo quốc gia, mà còn đến từ quần chúng qua những định chế chính trị, truyền thông, tôn giáo trong xã hội.

Tùy theo cách phân bố quyền lực, người ta đã định ra hai mô hình quyền lực khác nhau trong xã hội. Mô hình đa nguyên và mô hình độc tài.

Mô Hình Đa Nguyên

Trong xã hội đa nguyên, dựa trên nền tảng tự do dân chủ, quyền lực chính trị không hoàn toàn nằm trong tay chính quyền. Với sự hiện diện của số đông các đoàn thể tôn giáo và xã hội, các cơ quan báo chí – truyền thông, các tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập, nằm ngoài sự chi phối và kiểm soát của chính quyền đã tạo thành một nền tảng xã hội dân sự giúp phát huy những ước muốn của quần chúng mà không cần phải có chính quyền can thiệp hay giúp đỡ. Những tổ chức và đoàn thể này rất quan trọng chẳng những nó giúp phục vụ những mục tiêu của các thành viên liên hệ, mà nó còn góp phần làm thõa mãn những nhu cầu của xã hội.

Vì mang một số những đặc tính nói trên, những tổ chức quần chúng có một ảnh hưởng chính trị rất lớn trong xã hội. Những tổ chức quần chúng này – tùy theo mối quan tâm và nhất là tùy theo môi trường hoạt động – sẽ tạo ra những định chế hoặc những tập hợp mà qua đó quần chúng có thể ảnh hưởng lên hướng đi của toàn bộ hay một phần xã hội trong một giai đoạn nhất định. Không những thế, những định chế hay tập hợp này còn có khả năng huy động một khối lượng quần chúng để phản bác những nhóm khác hay là chống lại chính quyền khi có sự xen lấn hoặc khống chế một cách không chính đáng vào quyền lợi và các mục tiêu hoạt động của họ.

Đối với xã hội dân chủ, chính quyền hay là những đảng phái cầm quyền rất quan tâm vào việc tranh thủ sự đồng tình của những định chế quần chúng vì chính quyền coi việc phục vụ các nhu cầu của quốc gia chính là đáp ứng các nguyện vọng của những định chế quần chúng gồm gia đình, tổ chức tôn giáo, hội văn hóa, câu lạc bộ thể thao, định chế kinh tế, nghiệp đoàn, hội sinh viên, tổ chức nhân quyền, các đảng phái chính trị. Bởi vì những đoàn thể này đã tạo ra những trung tâm quyền lực chính trị mà từ đó quần chúng có thể tạo áp lực hay phản kháng lại những việc làm sai trái hay những chi phối vô lý của chính quyền.

Do đó, nguồn gốc quyền lực trong những xã hội này đến từ lòng dân, tức là đến từ sự chấp thuận và hợp tác của người dân đối với chính quyền. Nói cách khác, trong tất cả mọi diễn biến, điểm quan trọng của xã hội dân chủ là người dân có thể cung ứng cho kẻ cầm quyền mọi nguồn lực cần thiết nhưng người dân cũng có thể rút lại sự ủng hộ của họ đối với chế độ bởi vì người dân là căn nguyên quyền lực quốc gia.

Mô Hình Độc Tài

Ngược lại, trong xã hội độc tài chuyên chế, kẻ cầm quyền không chấp nhận các tổ chức, đoàn thể quần chúng hoạt động một cách độc lập mà phải nằm dưới sự chi phối của chế độ. Những đoàn thể quần chúng như hội nông dân, đoàn thanh niên, hội văn nghệ sĩ, hội ký giả, hội văn học nghệ thuật, hay các đoàn thể tôn giáo đều phải nằm trong Mặt trận tổ quốc, do chế độ lập ra và được lãnh đạo bởi những người của chế độ. Hậu quả tất nhiên là những định chế quần chúng này trở thành công cụ khuynh loát tất cả những thành viên lẫn những lãnh vực liên hệ. Quần chúng sống trong chế độ độc tài, không những bị tước hết tất cả những ảnh hưởng chính trị của mình trong xã hội mà còn bị chế độ trấn áp thường xuyên bằng cách tạo ra không khí sợ sệt bao trùm lên cả nuớc. Chính lề lối cai trị này đã khiến quần chúng luôn luôn bị ám ảnh những lo sợ và mặc nhiên phục tùng mệnh lệnh của kẻ độc tài. Hậu quả của sự sợ sệt này, người dân đã vô hình chung giúp cho chế độ độc tài có thể nắm chặt và duy trì các nguồn lực chính trị trong tay.

Dưới chế độ độc tài chuyên chính, quyền lực chính trị nằm trong tay kẻ cai trị còn dân chúng chỉ biết tuân phục mà thôi. Giới lãnh đạo cũng thường dùng bầu cử để hợp thực hóa quyền lực cai trị của họ với kết quả đã được định sẵn. Từ đó người ta mới có nhóm từ “đảng cử dân bầu” để nói về tình trạng bầu cử tại các xứ độc tài. Trong các cuộc bầu cử này, người dân đã bị cưỡng chế đi bầu và chỉ bỏ phiếu cho những người đã được hướng dẫn từ trước. Đôi khi các nhà độc tài tính toán sai lầm và thất bại trong việc thực hiện những bước cần thiết để đạt kết quả mà họ mong muốn. Ví dụ chế độ quân phiệt Miến Điện đã bị chấn thương khi họ cho phép bầu cử vào năm 1990 và đã thất cử. Phản ứng của họ trước thất bại này là từ chối chấp nhận ý muốn của cử tri và cầm tù những nhà lãnh đạo đối lập.

Để làm suy yếu và chấm dứt tình trạng cai trị độc tôn của một thiểu số quyền lực bằng phương pháp đấu tranh ôn hòa bất bạo động, trước hết, chúng ta cần phải vượt ra khỏi giới hạn của cấu trúc quyền lực để nhận diện và tìm hiểu về những khái niệm tạo nên quyền lực ở mọi chế độ. Kế đến chúng ta sẽ phải nghiên cứu về cách thức một kẻ cai trị đã đoạt được, nắm giữ và chuyển giao quyền lực – đặc biệt là đối với chế độ độc tài chuyên chế – như một hướng dẫn cho những suy nghĩ về thay đổi chính trị từ một chế độ độc tài sang một chế độ dân chủ.

Những Nguồn Quyền Lực

Kẻ thống trị chỉ có thể duy trì quyền lực cai trị nếu có được sự chấp thuận và hợp tác của người dân. Sự chấp thuận và hợp tác này có thể là do tự nguyện hay do ép buộc. Sự chấp nhận có thể là kết quả từ thái độ dửng dưng của một số người trong xã hội, hay ngay cả do ảnh hưởng văn hóa trong ý thức phục tùng của dân chúng. Tiến sĩ Gene Sharp đã chỉ ra 6 nguồn quyền lực dưới đây là những điểm then chốt, giúp củng cố quyền lực cho các chế độ.

Thẩm Quyền: Tức là quyền cai trị của một thiểu số và sự phục tùng của đa số bị trị.

Thông thường, kết quả của bầu cử thường được kể như là sự hợp thức hóa thẩm quyền cai trị của một người hay của một nhóm người. Đây là lý do vì sao nhiều chế độ độc tài vẫn duy trì việc tổ chức các cuộc bầu cử để rồi tráo phiếu, hăm dọa cử tri, hạn chế các cuộc vận động bầu cử của phe đối lập và phủ nhận những kết quả không thuận lợi.

Tính hợp pháp là điểm tối quan trọng đối với một chính quyền, vì thế mà người dân đã bị nhồi sọ và khống chế để phải coi đây là chế độ cầm quyền chính danh. Đảng CSVN cũng tự nhận mình chính danh nắm quyền qua việc nhồi sọ người dân, kể lể công trạng đánh Pháp đánh Mỹ để bắt người dân mang ơn, rồi xem chuyện Đảng CS cầm quyền là tự nhiên. Khi một chính quyền bị coi là không hợp pháp, đương nhiên thẩm quyền từng bước bị soi mòn và bị xem là vi phạm hiến pháp trầm trọng. Trong trường hợp này, về mặt đối nội, đây là cơ hội để hợp thức hóa sự tồn tại của lực lượng đối lập. Về mặt đối ngoại, giúp phe dân chủ mở rộng các vận động áp lực quốc tế bằng những trừng phạt mạnh mẽ về kinh tế hay chính trị.

Nhân Lực: Tức là số lượng người ủng hộ, hợp tác và tuân phục nhà cầm quyền.

Đây là yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh của một chế độ. Dù đa số người dân không thích và bất mãn cách cai trị của những người lãnh đạo nhưng nếu kẻ cầm quyền duy trì được sự ủng hộ và đồng tình của một số nhân lực nào đó, thì sự thay đổi chế độ chưa chắc sẽ xảy ra. Bởi vì dù dân chúng chống đối nhưng nếu tầng lớp chuyên gia, trí thức, quân nhân và công an vẫn còn hợp tác giúp duy trì chế độ độc tài thì phong trào chống đối của quần chúng khó có thể bộc phát mạnh.

Trong đấu tranh bất bạo động, vấn đề giảm bớt số nhân lực tuân phục và ủng hộ chế độ độc tài đồng thời huy động số nhân lực này quay trở lại chống chế độ rất quan trọng. Khi thành phần này không còn tích cực phục vụ và bảo vệ cấp lãnh đạo ở bên trên, sự vận hành guồng máy cai trị sẽ bị đình đọng và không còn đủ sức đối phó các sức ép của quần chúng.

Tài Năng và Kiến Năng: Tức là khả năng mà mỗi người dân đã cống hiến cho chính quyền các cấp để bộ máy cầm quyền thực hiện những chức năng cai trị của nó lên người dân.

Những nhà lãnh đạo – dù có tài giỏi đến đâu – sẽ không thể nào biết rõ và biết hết những công việc phức tạp trong sự vận hành của bộ máy nhà nước hay xã hội như bảo trì máy bay, theo dõi lịch trình các chuyến bay, thi hành luật hàng hải, soạn thảo luật pháp điều tra tội phạm, thu thuế, vạch ra các kế hoạch tiến hành chiến tranh, phân phối lương thực và hàng loạt công việc khác đòi hỏi sự thành thạo của người điều khiển. Chính những tài năng và kiến thức này từ người dân đã được cung cấp cho chính quyền các cấp để bộ máy chính quyền đó thực hiện chức năng của mình. Không có sự đóng góp này, chính quyền sẽ sụp đổ.

Những Yếu Tố Vô Hình: Tức là những biểu tượng hay những giáo luật được dùng làm nền tảng cho đức tin của con người vào sự tồn tại của một thể chế.

Việc một số chính quyền đã chọn tôn giáo nào đó làm quốc giáo, buộc người dân tuân phục chính quyền như tuân phục vào đức tin của tôn giáo. Ví dụ Iran đã dùng hệ thống giáo luật Hồi Giáo, buộc người dân tuân phục chính quyền song song với việc tuân phục quyền uy của các giáo sĩ Hồi Giáo. Trong các xã hội độc tài, người ta cũng cố dựng lên một vài biểu tượng và thần thánh hóa để bắt người dân tin theo như một tin ngưỡng. Dưới chế độ Cộng sản Việt Nam trước thập niên 80 của thế kỷ 20, đảng Cộng sản đã bắt mọi người phải luôn luôn nói “nhờ ơn bác và đảng” trước mỗi phát biểu, nhằm tẩy não mọi người dân rằng phải tuyệt đối tin và bác và đảng. Dân chủ là điều không tưởng trong những xã hội này.

Những Nguồn Vật Chất: Tức là quyền ảnh hưởng lên người khác nhờ vào khả năng vật chất mà một người hay một nhóm người nào đó có được.

Khi quyền kiểm soát về kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, truyền thông và báo chí, giao thông vận tải, giao thương buôn bán vân, vân hoàn toàn nằm trong tay của một thiểu số cầm quyền thì đời sống người dân luôn luôn bị lệ thuộc vào các hành xử của thiểu số này. Nói cách khác, nơi nào mà chính quyền kiểm duyệt gắt gao về thông tin thì đời sống của những người có liên quan đến tất cả khía cạnh báo chí, truyền thông đều bị kiểm soát hay chịu ảnh hưởng của chính quyền.

Trừng Phạt: Tức là khả năng đe dọa, khống chế của mọi chính quyền nhằm hạn chế những hành vi chống đối của những thành phần đối lập.

Trừng phạt không chỉ có nghĩa là đàn áp một cách tàn nhẫn như hành hình, tra tấn để làm cho đối tượng bị trừng phạt khiếp sợ mà thường là từ chối không cho việc làm, không cấp tiền hưu trí, giới hạn cơ hội giáo dục và thăng tiến, hạn chế việc đi lại (không cấp hộ chiếu), áp đặt trưng thu tài sản, ruộng đất và những hình phạt khác nhằm buộc đối phương phải phục tùng vô điều kiện. Trong những chế độ độc tài, truyền thông và báo chí là hai cơ chế luôn luôn tự kiểm duyệt vì nhà cầm quyền có khả năng đóng cửa các nhà xuất bản và các tổ thông tin bằng cách kiểm soát sự phân phối báo hay thu hồi giấy phép của đài truyền hình và đài phát thanh. Những hình phạt như vậy rất thông thường và khá hiệu quả khi chế độ nắm trong tay khả năng bóp chẹt đường mưu sinh của cá nhân và gia đình những người đối kháng.

Tôi xin ngừng phần trình tóm lược về bản chất quyền lực chính trị và những yếu tố cấu thành nên quyền lực của một chế độ. Phần kế tiếp là trình bày Tại sao người dân e sợ chế độ độc tài và áp dụng vào trường hợp Việt Nam như thế nào. Phần này sẽ do Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt trình bày.

— –

(Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt)

Kính chào toàn thể quý vị,

Qua những điều trình bày của Bác sĩ Đặng Vũ Chấn nói trên, chúng ta thấy là tất cả những nguồn lực chính trị đều tùy thuộc vào sự chấp nhận và tuân thủ của quần chúng cũng như sự hợp tác của họ đối với các mệnh lệnh do chế độ đưa ra.

Sự hợp tác và tuân phục của người dân vào các chính sách cai trị của chế độ độc tài sẽ làm gia tăng nguồn lực chính trị và do đó sẽ tăng cường uy quyền của các đảng độc tài trong xã hội. Trong bất cứ chế độ nào, nhóm cầm quyền luôn luôn dựa trên vài khối quần chúng để nhân danh quyền cai trị. Tuy nhiên vì những chế độ độc tài – như độc tài cộng sản – đòi hỏi phải có nhiều quyền lực để mà đối phó trước sự nổi dậy của người dân, nên những chế độ này thường có nhu cầu tập trung sự tuân phục một cách tuyệt đối của quần chúng vào chế độ.

Như vậy, quyền lực chính trị trong xã hội tùy thuộc vào việc người dân có khả năng và điều kiện để hành xử quyền công dân của họ nhiều hay ít. Nếu họ được tôn trọng và hành xử quyền công dân nhiều thì chính quyền luôn luôn đi tìm sự hợp tác của các định chế quần chúng để tạo sự ổn định xã hội. Nếu họ bị khống chế và bị tước đoạt mọi quyền công dân thì chính quyền – tuy kiểm soát xã hội chặt chẽ – nhưng luôn luôn phải đối phó mọi cuộc phản kháng chính trị bùng nổ. Nói cách khác, mức độ tự do hay chuyên chính của bất cứ chính quyền nào phần lớn phản ảnh mức độ hành xử quyền công dân nhiều hay ít của người dân, cũng như sự sẵn sàng và khả năng kháng cự của người dân trước những thế lực tìm cách trói buộc họ vào vòng nô lệ.

Khi người dân rút lại những sự hợp tác và tuân phục đối với chính quyền, nhất là bắt đầu phản kháng lại những hành vi vô lối của cán bộ, những kẻ độc tài bắt đầu co rút hay phải cắt đứt những nguồn lực chính trị mà họ thường dựa vào để nhân danh quyền lãnh đạo. Khi bị người dân cô lập và từng bước vô hiệu hóa các nguồn lực chính trị của thiểu số lãnh đạo, chế độ độc tài sẽ yếu dần và cuối cùng tan rã theo một tiến trình tiệm tiến từng bước. Dĩ nhiên, chế độ độc tài rất nhạy cảm về sự bất phục tùng của người dân và luôn luôn hoảng sợ về những cuộc chống đối có thể xảy ra. Do đó mà họ rất nhanh tay tung ra những tuyên bố mang tính răn đe hoặc trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào những người mà chế độ coi là nguy hiểm.

Sự trấn áp, ngay cả bằng bạo lực không phải luôn luôn làm người dân trở lại tình trạng tuân phục và hợp tác với chế độ như trước mà ngược lại nó dẫn đến tình trạng giằng co và đối đầu từng sự việc giữa người dân và chế độ. Nếu người dân được hướng dẫn để chịu đựng các biện pháp trấn áp và nhất là tiếp tục duy trì lập trường bất hợp tác, bất tuân phục các mệnh lệnh của chế độ trong một khoảng thời gian đủ dài để đọ sức, thì sau đó, các chế độ độc tài sẽ phải tìm biện pháp tháo chạy bằng những chiêu bài đối thoại, hội nghị bàn tròn để mua thời gian. Theo kinh nghiệm của Đông Âu, một khi phong trào quần chúng vượt qua giai đoạn bị trấn áp gay gắt, người dân sẽ không còn biết sợ nữa và đa số sẽ tự động tham gia các cuộc biểu tình bao vây chính quyền độc tài cho đến khi chế độ này tan rã.

Rút từ những biến chuyển của cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu và tại các nước xảy ra cuộc cách mạng Màu vào đầu thế kỷ 21, theo Tiến Sĩ Gene Sharp, người ta đã rút ra ba yếu tố quan trọng nhất để xác định mức độ một chính quyền đang kiểm soát hay đang mất dần khả năng kiểm soát của họ:

Thứ nhất là sự mong muốn của quần chúng trong việc giới hạn quyền lực cai trị của chính quyền (so với sự mong muốn ngược lại của chế độ) trong việc đặt giới hạn về quyền lực của nhà cầm quyền.

Đây là yếu tố biểu hiện tinh thần bất phục tùng dân sự bắt đầu bén rễ trong xã hội dưới những hình thức: lãng công; làm việc không theo giờ giấc quy định của nhà cầm quyền; tham dự các cuộc họp trễ; không cho con em của mình tham gia vào các sinh hoạt đảng, đoàn; công khai lên tiếng phê phán những hành động tham ô của cán bộ; đặt vấn đề khi có những giải quyết không theo đúng quy trình đã vạch ra. Đây có thể coi là giai đoạn mà người dân không còn âm thầm chịu đựng những khống chế, đàn áp tuỳ tiện của chế độ mà bắt đầu lên tiếng phản kháng trong phạm vị cá nhân hay gia đình.

Thứ hai là sức mạnh của những tổ chức độc lập và những định chế xã hội của người dân lập ra (so với sức mạnh ngược lại của chế độ ) trong việc cùng nhau biểu hiện sự bất phục tùng, bất hợp tác hay phản kháng lại các mệnh lệnh của chính quyền một cách công khai và ôn hòa.

Đây là yếu tố biểu hiện những phản ứng của số đông nhằm tạo những áp lực lên chính quyền để có những thay đổi hay cải tổ phù hơp theo nguyện vọng của số đông này. Một cá nhân đơn độc thường có phản ứng thụ động trước những thay đổi của xã hội. Nhưng khi nhiều cá nhân chia xẻ với nhau cùng một quan tâm, cùng một ước muốn thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bày tỏ công khai ra bên ngoài để vừa tìm sự đồng thuận của nhiều nhóm quần chúng khác; vừa tìm cách thực hiện những quan tâm của họ mà không ngồi chờ chính quyền cho phép hay câu giờ giải quyết.

Thứ ba là khả năng của quần chúng (so với khả năng ngược lại của chế độ) trong việc rút lại sự hỗ trợ, sự chấp thuận dành cho chế độ.

Đây là yếu tố biểu hiện những phản kháng của quần chúng bắt đầu lan sang lãnh vực chính trị. Dân chúng cương quyết không đi bầu, công khai tẩy chay danh sách những ứng cử viên do nhà nước đưa ra qua những cuộc bầu cử quốc hội hay ủy ban nhân dân địa phương. Hay cùng nhau tẩy chay không đóng bất cứ loại tiền nào do chính quyền địa phương đưa ra như tiền sửa đường, sửa cầu cống, sửa trường học hay bệnh xá. Tuy những khoản đóng góp này là cho người dân nhưng trong thực tế đa số chạy vào túi riêng của cán bộ kể cả những khoản tiền tài trợ từ chính quyền Trung Ương. Nói chung, khi các tập hợp quần chúng bắt đầu bày tỏ những hành động rút lại các sự ủng hộ hay không thi hành những mệnh lệnh của chính quyền thì sự phản kháng của dân chúng đã đổi sang thế đối đầu. Tình hình vào lúc này đã trở nên gay gắt và hai phía (quần chúng và chính quyền độc tài) không còn có thể thoái lui. Một là phong trào quần chúng sẽ bộc phát mạnh mẽ tạo các áp lực sinh tử lên chính quyền. Hai là chính quyền phản công, tung kế hoạch đàn áp khốc liệt đối với các nhà dân chủ.

Nói tóm lại, quyền lực trong xã hội không phải là điều gì bất biến mà luôn luôn ở vào thế giằng co giữa một bên là quần chúng và bên kia là chế độ độc tài. Đấu tranh bất bạo động là làm sao cho quyền lực xã hội luôn luôn nghiêng về phía người dân ngày một nhiều, tức là giúp cho các định chế xã hội phát triển và mở rộng trong người dân, để bất cứ ai cũng có thể tham gia mà không sợ sệt bị đàn áp hay trả thù.

Bây giờ ta tóm gọn những điểm trình bày trên áp dụng vào trường hợp Việt Nam thì như thế nào?

Kính thưa quý vị,

Hai nhân tố cốt lõi trong tương quan quyền lực là kẻ nắm quyền (CSVN) và kẻ bị trị (nhân dân VN)

Tương quan quyền lực chỉ có thể có khi kẻ nắm quyền có khả năng hay tạo được ấn tượng có khả năng chi phối ảnh hưởng lên vận mạng của kẻ bị trị và khi những kẻ bị trị chấp nhận tình trạng bị chi phối đó. Hai yếu tố: khả năng chi phối ảnh hưởng và chấp nhận bị chi phối ảnh hưởng có quan hệ mật thiết với nhau, cái nọ kéo theo cái kia. Cho nên muốn thay đổi tương quan quyền lực thì hoặc làm giảm khả năng ảnh hưởng của thành phần cầm quyền hoặc làm giảm đi sự chấp nhận bị chi phối ảnh hưởng của thành phần bị tri.

Hiện nay CSVN nắm trong tay bộ máy trấn áp bạo lực (công an quân đội), bộ máy quản trị hành chánh, hệ thống tư pháp lẫn lập pháp, nguồn kinh tế vật chất tài chánh, bộ máy thông tin tuyên truyền nên có thể chi phối vận mệnh của người dân từ vật chất đến tinh thần. Người dân Việt Nam vì thế phải chấp nhận ở thế bị trị, lâu ngày sự chấp nhận trở thành một tập quán tự nhiên ăn sâu vào tư duy văn hóa. Cho nên câu hỏi đặt ra cho chúng ta là làm thế nào giảm thiểu khả năng chi phối ảnh hưởng của CSVN hoặc/và làm giảm đi việc quần chúng an phận chấp nhận quyền lực của Đảng và Nhà nước CSVN?

Để dễ trả lời câu hỏi này, ta cần phải thấy rõ rằng những yếu tố làm nên quyền lực đã kể ở trên từ nhân lực, tài năng, nguồn vật chất hay tinh thần, biểu kiến chính danh vân, vân… không phải là những yếu tố ổn định mãi mãi bất di bất dịch mà có thể thay đổi theo thời gian và điều kiện khác trước. Và sự thay đổi này con người có thể tác động lên một cách chủ động.

Ngoài ra, nhìn những diễn biến của tình hình Việt Nam, đặc biệt là những dấu hiệu suy thoái trong nội bộ đảng CSVN mà họ gọi là “tự diễn biến nội bộ” cũng như làn sóng đấu tranh không chỉ ở trong thành phần dân oan, công nhân thấp cổ bé miệng mà đã lan sang thành phần trí thức, thanh niên sinh viên, các lực lượng tôn giáo và cả những cựu đảng viên cán bộ đảng CSVN, cho thấy tương quan quyền lực giữa CSVN và quần chúng VN đang thay đổi.

Điển hình là vào ngày 19 tháng 11 năm 2010 vừa qua, hàng trăm người dân tại xã Minh Phú thuộc Huyện Sóc Sơn, Hà Nội , trong khi phản đối dự án xây dựng công viên nghĩa trang Thiên Đường, đã bắt nhốt Phó Huyện Ủy Huyện Sóc Sơn và một Đại uý công an trong văn phòng của Ủy ban nhân dân xã, để chống lại hành vi đánh người và bao che cho công ty Hoa Sen tiến hành việc xây dựng công viên nghĩa trang có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái trong vùng mà người dân đã nhiều lần phản đối nhưng chính quyền xã và huyện không lắng nghe. Đây chỉ là một trong hàng ngàn vụ đã và đang xảy ra tại VN cho thấy người dân không còn cúi đầu tuân phục nữa mà đã hành động để thay đổi những gì đang xảy ra chung quanh họ.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao khai dụng những tâm lý muốn thay đổi của người dân Việt Nam như đế cập bên trên, để góp phần vào sự suy giảm khả năng chi phối của đảng và nhà nước CSVN nhanh hơn nữa cũng như việc quần chúng nhân dân càng ngày càng bớt tuân phục quyền lực từ đảng và nhà nước CSVN là nội dung chính yếu mà chúng tôi muốn mời quý vị cùng đóng góp ý kiến và có thể đưa ra những ví dụ, những trường hợp đã và đang xảy ra tại Việt Nam.

Trân trọng kính chào và cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.

— –

Ông Đặng Vũ Chấn

JPEG - 4.8 kb

Ông Đặng Vũ Chấn là Bác sĩ chuyên khoa hành nghề tại vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, đã từng tham gia tổ chức nhiều sinh hoạt lớn nhỏ trong cộng đồng từ sinh hoạt đấu tranh cho dân chủ nhân quyền đến các sinh hoạt văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế liên tục từ 1984 tới nay.

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn tham gia đảng Việt Tân từ năm 1985. Ông là Ủy viên Trung Ương Đảng từ năm 2001.

Ông Nguyễn Trọng Việt

JPEG - 4.6 kb

Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa tại Việt Nam và Chuyên Khoa tại Hoa Kỳ. Ông tham gia vào Đảng Việt Tân từ năm 1984. Ông là Ủy viên Trung Ương Đảng từ năm 2001 đến nay.

— –

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

Việt Nam sẽ trải qua cuộc chính biến trong thời gian tới?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ từ chức hay không sau khi trợ lý thân tín Phạm Thái Hà bị bắt? Tình hình chính trị Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới khi thượng tầng chính trị đang rối loạn? Liệu cuộc sát phạt giữa hai phe trong đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ khiến nền kinh tế, chính trị trong nước bất ổn? Và làm sao để có được nền tự do dân chủ cho Việt Nam…

Đó là những vấn đề được phân tích sâu hơn trong hội luận của RFA, mời quý vị cùng theo dõi: Ông Lý Thái Hùng – Chủ tịch Đảng Việt Tân và Luật sư Vũ Đức Khanh – Tổng Thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam.

Tại sao Tập và Biden chọn gửi thông điệp về Đài Loan vào cùng một ngày?

Gần chín năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bắt tay nhau một lần nữa tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Hôm đó là ngày 10/04/2024, và trong cùng ngày tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng.

Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các cuộc thảo luận chính trị này được tổ chức trong cùng một ngày ở hai bên bờ Thái Bình Dương?