Nhiều Cựu Chiến Binh Kêu Gọi Hủy Bỏ Công Hàm Của Cựu TT Phạm Văn Đồng

Thanh Quang

Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2008-09-14

Vào dịp đánh dấu 50 năm ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm công nhận chủ quyền của Trung Quốc, nhiều cựu chiến binh cùng những người tâm huyết đã ký tên trong một bản kiến nghị yêu cầu Hà Nội hủy bỏ công hàm đó.

Đây là công hàm ngoại giao do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện Chỉnh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gửỉ Thủ tướng Trugn Quốc Chu Ân Lai vào ngày 14-9 năm 1958, tán thành bản tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kiến nghị hủy bỏ

Hôm mùng 2 tháng 9 vừa rồi, 20 cựu chiến binh Việt Nam, kể cả những nhà dân chủ hàng đầu như cựu đại tá Phạm Quế Dương, ông Vũ Cao Quận, cùng 25 nhà trí thức tâm huyết trong nước như Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Tụ tức Hà Sỹ Phu, các nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Trần Khải Thanh Thủy, những nhà giáo như Nguyễn Thượng Long, Vũ Hùng, Vi Đức Hồi, Luật Sư Trần Lâm, sinh viên Nguyễn Tiến Nam, đã ký tên trong “Kiến nghị hủy bỏ công hàm 14-9-1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng” để gửi tới giới lãnh đạo đảng – nhà nước và quốc hội Việt Nam.

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long từ Hà Đông, một trong những trí thức tâm huyết đã ký tên trong kiến nghị, giải thích lý do ông tham gia vào bản kiến nghị này:

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long: Tôi chỉ làm cái trách nhiệm công dân trước đất nước thôi. Chúng ta biết cái giai đoạn này là cái giai đoạn khá nhạy cảm. Người Trung Quốc người ta nổ lực để bày tỏ tham vọng của người ta về lãnh thổ đối với đất nước của chúng ta.

Năm 1958 thì Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vì một lý do nào đó đã ký cái công hàm đi ngược lại những nguyện vọng và tình trạng thực tế của dân tộc chúng ta về phương diện lãnh thổ, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải có cái trách nhiệm sửa chữa cả những cái sai lầm của quá khứ.

Về phía cựu chiến binh, đại tá Phạm Quế Dương cho biết tại sao ông cùng những nhà dân chủ khác đồng gửi kiến nghị lên Hà Nội:

Ông Phạm Quế Dương: Bởi vì như thế tức là cái hành động như vậy nó rất là, nói một cách khác như vậy tức là bán nước cho người Trung Quốc, như thế họ lộ cái bộ mặt của họ ra, còn mình thì không thể nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc được. Vì thế cho nên chúng tôi ký kiến nghị.

Kiến nghị lưu ý giới lãnh đạo Việt Nam rằng một trong những văn bản bị Trung Quốc lợi dụng để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ Tướng Chu Ân Lai vào Ngày 14 Tháng 9 Năm 1958 xác nhận rằng Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành Tuyên Bố Ngày 4 Tháng 9 Năm 1958 của Chính Phủ Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa quy định về hải phận của Trung Quốc, trong đó bao gồm chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kiến nghị đặc biệt nêu rõ việc Bắc Kinh không đếm xỉa gì tới điều khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, mà Hoa Lục còn liên tục có hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam kể cả việc chiếm Hoàng Sa hồi năm 1974, chiếm nhiều đảo của Trường Sa vào năm 1988, thiết lập huyện Tam Sa để trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hồi tháng 11 năm ngoái gây trở ngại cho các hợp đồng khai thác dầu khí giữa Việt Nam và các tập đoàn dầu khí BP của Anh và Exxon Mobil của Hoa Kỳ, và nhân kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh đã vẽ lại bản đồ Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo bản kiến nghị, trước hành động Trung Quốc coi thường công luận và tiếp tục xâm phạm hải đảo của Việt Nam, Hà Nội chỉ lên tiếng phản đối một cách quá dè dặt. Về vấn đề này, nhà dân chủ Phạm Quế Dương nhận xét :

Ông Phạm Quế Dương: Cái hành động của lãnh đạo đảng – nhà nước này thì như vậy tức là nó hành động rất là hèn mạt, như vậy tức là bản thân nó là bán nước. Dân bây giờ người ta đối với đảng – nhà nước này, người ta có coi trọng cái gì đâu. Các cụ ngày xưa nói mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, mất niềm tin là mất hết. Bây giờ thì như vậy tức là đảng – nhà nước này đối với người dân thì người ta chẳng còn tin nữa.

Theo kiến nghị thì nhiều thế hệ Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ giang sơn tổ quốc cho nên thế hệ này không những tiếp tục bảo vệ lãnh thổ – lãnh hải của ông cha để lại mà Việt Nam còn phải can đảm sửa sai những lầm lẫn của quá khứ để không tiếp tục trao gánh nặng cho thế hệ tương lai.

Do đó, theo lời bản kiến nghị, ta không thể không có thái độ dứt khoát và hành động mạnh mẽ để đáp trả đích đáng dã tâm của đối phương.

Theo nhà giáo Nguyễn Thượng Long, Việt Nam hiện cần phải khẩn cấp ứng phó như sau:

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ rằng là nhà cầm quyền trong nước hiện nay đứng trước một sự lựa chọn: một là đi với cội nguồn, đi với dân tộc thì chúng ta có thể giữ được nhiều điều, chứ còn lúc này mà phủ nhận những nguyện vọng của dân tộc, cái nguyện vọng của nhân dân yêu nước, hoặc là có những việc làm sai lầm lúc này thì thực sự là tai hại đối với những người cầm quyền.

Cựu đại tá Phạm Quế Dương nói thêm rằng:

Ông Phạm Quế Dương: Như vậy tức là vấn đề này là do thái độ của những người lãnh đạo đảng và nhà nước này thôi, chứ còn bây giờ họ không dám trưng cầu dân ý. Lấy trưng cầu dân ý xem, dân người ta đối với vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa như thế nào?

Nhân Ngày 14 Tháng 9 này vừa tròn 50 năm kể từ khi công hàm vừa nói do cá nhân Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã ký mà không thông qua quốc hội, không trưng cầu dân ý, nên những người ký tên trong kiến nghị khẩn thiết đề nghị nhà nước Việt Nam chính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm mà cá nhân Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã ký gửi cá nhân Thủ Tướng Chu Ân Lai.

Trong phần kết luận, những người kiến nghị bày tỏ tin tưởng hoàn toàn rằng đây là sở nguyện của toàn dân Việt Nam, và làm được như vậy mới có thể chuộc lỗi cùng tổ quốc và nhân dân, từ đó sẽ cứu vãn được lòng tin.

Xem thêm: Kiến Nghị Hủy Bỏ Công Hàm 14 Tháng 9 Năm 1958