Những cáo buộc vượt trí tưởng tượng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Tại Việt Nam, hiện tượng nhà nước dùng công cụ báo đài để cáo buộc bất cứ ai không cần chứng cớ là chuyện quá thường tình đến độ đa số người dân bỏ ngoài tai một cách rất hiển nhiên. Nhưng khi các cáo buộc này đi vào môi trường mạng thì nhà nước CSVN lại khá thành công. Trong khoảng thời gian gần đây, đặc biệt sau khi công an đủ loại và UBND Hà Nội cô lập toàn bộ các cuộc biểu tình, có lẽ sự bực bội đã đẩy một số người trên mạng ngả theo các cáo buộc khá nặng nề hướng vào đảng Việt Tân, kể cả những cáo buộc mà trong những lúc bình tâm đã có thể là chuyện cười. Chúng ta thử đào sâu vào vài cáo buộc chính.

Quá nhiều cánh tay nối dài

Trong nhiều năm qua, hệ thống tuyên truyền CSVN ra sức thuyết phục cả nước rằng đảng Việt Tân là công cụ tay sai của các thế lực phản động, cố tình đưa “diễn biến hòa bình” vào đất nước này. Ngắn gọn họ cố bảo đây là “cánh tay nối dài của đế quốc Tư Bản”. Điều quái lạ là cũng chính Hà Nội lại cố gắng thuyết phục các chính phủ thuộc “thế giới Tư Bản” hãy coi đảng Việt Tân là khủng bố và triệt tiêu họ đi. Dĩ nhiên, cho đến nay Hà Nội chẳng thuyết phục được chính phủ nào nhưng điều quan trọng là qua hành động đó mọi người đã thấy Hà Nội biết rất rõ đảng Việt Tân không thống thuộc thế lực quốc tế nào cả. Lý tưởng phục vụ Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam của họ bằng cả trí óc, hành động và hy sinh cho đến nay vẫn không thấy bằng chứng nào ngược lại. Đây là khác biệt lớn với đảng CSVN, những kẻ sau 5 thập kỷ hãnh diện là cờ đầu của Quốc Tế Cộng Sản nay lại sẵn sàng bán nước cho quan thầy Bắc Kinh để tồn tại.

Bên ngoài Việt Nam, lại có những luận điệu ngược lại. Đó đây vang lên những cáo buộc bất chấp trí khôn của công luận rằng đảng Việt Tân là “cánh tay nối dài của Việt Cộng” để thi hành sách lược của Hà Nội tại hải ngoại. Trước hết, chúng ta có thể xem xét những đảng viên Việt Tân tại mỗi địa phương xem trình độ và quan điểm của họ thế nào. Liệu họ có phải là những diễn viên đóng kịch tài tình suốt 30 năm qua giữa vòng cộng đồng không? Nhưng quan trọng hơn cả, liệu Hà Nội có ngu đần đến độ sử dụng một “cánh tay nối dài” từ hải ngoại để thọc vào tạo biết bao vấn đề nhức óc, hao tài, tốn sức cho họ trong nước không?

Hãy cứ nhìn cảnh hàng chục triệu mỹ kim đổ xuống sông Hồng để chỉ cố dán nhãn khủng bố lên Việt Tân, hãy nhìn cảnh công an cố lùng sục truy tìm Việt Tân trên cả nước, hãy nghe chữ Việt Tân trong mọi buổi hạch hỏi tại các đồn công an trên cả nước, hãy nhìn sự lo lắng của lãnh đạo Đảng về ảnh hưởng của Việt Tân đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, v.v… thì đủ thấy mức độ quái dị của cái “cánh tay nối dài” này.

Và sau hết, “cánh tay nối dài” đó lại cứ vả vào mặt chế độ, vạch trần những chà đạp nhân quyền của lãnh đạo Hà Nội tại từng diễn đàn quốc tế, từ Nhà Trắng và Quốc Hội Hoa Kỳ, đến các cấp chính phủ Âu Châu, Canada và Úc Châu, đến các cuộc họp thượng đỉnh của các tổ chức nhân quyền quốc tế và các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Nếu lãnh đạo đảng CSVN dại dột tới độ tự tạo cánh tay nối dài kiểu đó thì đã quá phúc đức cho dân tộc chúng ta!

Trong vài ngày gần đây, một cáo buộc mới còn vượt xa hơn nữa trí tưởng tượng của mọi người rằng Việt Tân là “cánh tay nối dài của Trung Quốc” với mục tiêu tạo chia rẽ giữa quần chúng Việt Nam và lãnh đạo Đảng CSVN. Các câu hỏi đầu tiên và căn bản nhất là Bắc Kinh muốn chế độ Hà Nội tiếp tục tồn tại hay xụp đổ? Có chế độ nào ích lợi cho Bắc triều hơn những kẻ đang cai trị Việt Nam hôm nay không? Một chế độ dân chủ thành hình tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến Bắc Kinh như thế nào? Khi trả lời xong các câu hỏi đó chúng ta thấy ngay Bắc Kinh có muốn tách quần chúng ra để chế độ hiện nay xụp đổ nhanh hay không?

Kế đến, nếu đây là cánh tay nối dài của Bắc Kinh thì tại sao cánh tay ấy lại nỗ lực từ Nam chí Bắc và kéo vào tận nơi tổ chức Ngàn Năm Thăng Long để cảnh báo dân tộc Việt Nam về hiểm họa Bắc Triều? Tại sao cánh tay ấy cố len lỏi vào thu hình các khu công nhân Tàu tại Tây Nguyên để cảnh báo dân tộc Việt Nam về trái bom Bôxít trên “nóc nhà Đông Dương”?

Nếu thực sự là cánh tay nối dài của Bắc Kinh thì cánh tay ấy phải hoà điệu với Hà Nội, chí ít là khỏa lấp các sự việc trên biển Đông đi chứ, từ công hàm Phạm Văn Đồng đến các ngư dân chết dưới súng hải quân Tàu? Một lần nữa, nếu lãnh đạo Bắc Kinh dại dột tới độ tự tạo cánh tay nối dài kiểu đó thì tương lai lấy lại được Hoàng Sa, Trường Sa đã rất sáng sủa!

Ai lợi dụng ai lợi dụng ai

Bên cạnh các cáo buộc “cánh tay nối dài” là các khích bác về “lợi dụng” và cả lo lắng “bị lợi dụng”.

Không chỉ tung ra rỉ tai quanh Hà Nội mà công an còn hỏi thẳng thừng nhiều người biểu tình là Việt Tân đã trả họ bao nhiêu tiền để xuống đường. Loại câu hỏi này sau đó tiếp tục dây dưa như một dữ kiện. Thắc mắc bật lên ngay là bao nhiêu tiền thì đủ để chấp nhận bị công an đánh một cách côn đồ ngay giữa đường, để bị những tên như Phạm Hải Minh đạp lên mặt? Bao nhiêu thì đủ để chấp nhận bị đuổi học? và còn biết bao xách nhiễu khác … Thực ra thì chỉ cần hỏi những câu đó đã là một sự xúc phạm đến những người biểu tình can đảm và đáng kính rồi. Chính vì thế mà đòn phép dán nhãn này của công an không đi đến đâu.

Ngược lại, trên mạng lại có loại cáo buộc Việt Tân cố gắng thu thập tên những người biểu tình để bán cho công an, đặc biệt còn “xâm nhập” vào các diễn đàn Paltalk để thu thập tên người biểu tình. Thắc mắc bật lên cũng rất nhanh là công an có cần các cung cấp đó không? Khi chúng bắt bất cứ ai trong các cuộc biểu tình thì bắt, về tới đồn chúng xét giấy tờ tất cả mọi người và ghi lại mọi thứ từ ngày sinh đến chỗ ở, thì công an bỏ tiền ra mua làm gì? Kế đến, những người biểu tình có sợ công an biết tên tuổi không? Chúng ta cứ xem các đoạn phim tiêu biểu của bà con trước đồn công an Tràng Tiền và Hoàn Kiếm thì rõ.

Và nếu cả 2 cáo buộc trên — trả tiền cho người biểu tình và bán tên người biểu tình — đều đúng thì số người đi biểu tình phải gấp trăm hay cả ngàn lần số người xưng tên tuổi trên các diễn đàn, đặc biệt là diễn đàn Paltalk. Thế thì Việt Tân phải lỗ khủng khiếp lắm. Nhưng giả dụ đó cũng quá xúc phạm rồi đối với cả Việt Tân và các vị biểu tình. Xin dừng chuyện tiền bạc ở đó.

Cáo buộc thứ hai trên báo đài nhà nước CSVN và có người bị nhiễm là “Việt Tân kích động lòng yêu nước của người dân để thủ lợi riêng”.

Trước hết, thử xem “kích động” nghĩa là gì.

Nếu xem việc ‘vạch trần tai họa ngoại xâm ĐANG diễn ra trên nhiều phần đất nước khiến người dân nóng lòng muốn cứu nước ngay bằng những hành động cụ thể’ là kích động thì quả đúng là đảng Việt Tân đang làm điều đó. Ngoài Việt Tân ra, còn nhiều người làm việc kích động đó lắm, từ các cựu tướng lãnh, cựu đại sứ đến các nhà trí thức, chuyên gia kỹ thuật, sử gia đang tha thiết kêu gọi dân tộc phải quan tâm đến tình trạng xâm lược nổi và chìm hiện nay. Do đó dù gọi đây là “kích động” hay “báo nguy” hay “vận động” đều là bổn phận phải làm.

Kế đến, nếu nói kích động để thủ lợi riêng thì cái lợi riêng đó là gì? Lợi về tiền bạc thì rất vô lý như đã nói ở trên. Lợi về danh tiếng không? Danh tiếng đó là gì? Có bao nhiêu cách dễ hơn nhiều để tạo những danh tiếng đó và loại danh tiếng đó có ích gì cho kế sách của họ không hay chỉ tạo phản cảm? Rõ ràng là càng đi sâu vào người ta càng thấy các cáo buộc loại này không phù hợp với những tổ chức có mục tiêu dài hạn. Điều khá rõ tại điểm này là chúng ta không thấy Việt Tân họ tuyên bố gì về thành quả thuộc về ai hay tranh giành công trạng nào cả ngoại trừ các cáo buộc “Họ SẮP hay họ MUỐN lợi dụng đấy”.

Và nếu lùi lại xa hơn để nhìn rộng hơn các công việc và nỗ lực của đảng Việt Tân trong những năm qua, có thể nói nếu có chuyện lợi dụng thì Việt Tân chỉ có thể lợi dụng chính họ. Vì họ làm những việc mang nhiều rủi ro nhất, chấp nhận cái giá trả thù cao nhất từ chế độ Hà Nội. Sâu hơn nữa thì nhóm lãnh đạo Việt Tân cũng lợi dụng chính họ là chính. Trên báo đài nhà nước, chúng ta đã thấy những ủy viên trung ương hải ngoại của họ về nước cùng hoạt động như ông Nguyễn Ngọc Đức, ông Nguyễn Quốc Quân. Nhìn các hoạt động trên cả nước của họ, chắc chắn còn phải có những ủy viên trung ương hải ngoại khác và các ủy viên trung ương quốc nội nữa. Hiển nhiên chúng ta chỉ biết những trường hợp bị phát hiện mà thôi.

Cũng cùng họ “Cộng”

Nhưng nói cho cùng thì dù Việt Tân hành xử cách nào thì bộ phận tuyên giáo và công an CSVN cũng tìm mọi cách kích động dư luận hoặc thúc đẩy những quan điểm tạo chia rẽ. Trong những năm qua chúng ta đã thấy nhiều dẫn chứng:

– Nếu Việt Tân thực hiện những công tác quen thuộc thì công an sẽ tung luận điệu cả Việt Tân và lực lượng dân chủ lâm vào bế tắc, chỉ biết đi vào đường mòn cũ.

– Nếu Việt Tân tổ chức riêng những nỗ lực mang nhiều tính rủi ro để đánh động công luận thì công an thúc đẩy các phê phán không đoàn kết làm việc chung hay chỉ để tự đánh bóng.

– Nếu Việt Tân âm thầm tham gia các nỗ lực chung thì công an thúc đẩy các trách móc Việt Tân trốn tránh trách nhiệm trong những lúc sóng gió, chờ khi thanh bình mới ló dạng; hay ngay cả đẩy người khác ra đầu sóng ngọn gió. Sự im lặng của Việt Tân cũng bị diễn dịch là thiếu đoàn kết, thích chơi riêng.

– Nếu Việt Tân lên tiếng ủng hộ thì lại cũng có phê phán là lợi dụng nỗ lực của người khác, tại sao không có nỗ lực riêng.

– Nếu Việt Tân cho biết đã có tham gia – chứ không trốn tránh – và tham gia một cách bình thường như mọi đồng bào khác – chứ không tranh giành công trạng gì cả – thì vẫn có những trách móc như thế là “gieo họa” cho người khác.

Hiển nhiên không phải tất cả các luận điểm trách móc nêu trên đều xuất phát từ tuyên giáo và công an CSVN, nhưng rõ ràng họ đủ tinh nhạy để thúc đẩy luận điểm nào tạo thêm khó khăn cho lực lượng dân chủ và có lợi tối đa cho họ. Họ được lợi ở nhiều mặt:

– Đánh lạc hướng công luận: Càng nhiều người trách Việt Tân thì càng ít người trách công an bạo hành, trách lãnh đạo bỏ ngõ cho TQ xâm lược.

– Tạo xâu xé trong lực lương dân chủ: Càng ngày càng thêm nhiều nghi kỵ về mục tiêu và sự thành tâm của nhau và càng khó kết hợp.

– Cô lập để vô hiệu hóa những thành phần đáng ngại: Đây cũng là chiến thuật quen thuộc suốt từ thời Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm.

Quan trọng nhất vẫn là chọn lựa của chính chúng ta

Biết được các đòn phép của tuyên giáo và công an là một chuyện, nhưng chính chọn lựa thái độ của chúng ta quyết định việc họ sẽ thành công hay thất bại trong các đòn phép đó.

Cái khó là các đòn phép này được bọc trong nhiều hình dạng và cũng dựa theo những cảm tính tự nhiên của chúng ta.

Một phản ứng tự nhiên không chỉ của người Việt chúng ta mà của nhiều người trên thế giới, đó là khi đẩy một phía khó quá thì quay sang đẩy phía ngược lại. Trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, khi khá đông dân chúng Âu Châu không có cách nào đẩy lùi được các dàn hỏa tiễn của Liên Xô tại Đông Âu (đem vào trước), họ quay sang phản đối quyết liệt đòi Hoa Kỳ phải kéo các hỏa tiễn của Khối NATO (đem vào sau để đối đầu) về với kỳ vọng nếu Mỹ rút thì Liên Xô cũng rút. Kỳ vọng đó hoàn toàn không có trong thực tế đối với các chế độ độc tài.

Trong những lần biểu tình tại Việt Nam cũng thế, khi không thể chận đứng bàn tay bạo hành của công an và lệnh cấm biểu tình của chế độ, có người quay lại trách ngược Việt Tân, với kỳ vọng nếu không có Việt Tân thì chế độ để cho mọi người biểu tình yên ổn. Kỳ vọng đó hoàn toàn không có trong thực tế đối với chế độ độc tài CSVN. Sự trấn áp và cấm cản đã bắt đầu ngay tại các buổi biểu tình đầu tiên vào cuối năm 2007 với sự dẫn đầu đáng kính phục của anh Điếu Cày. Và sẽ không bao giờ có chuyện nếu không có Việt Tân thì người Việt biểu tình tự do!

Một phản ứng tự nhiên khác là chúng ta vô tình dựa vào chính các luận cứ của nhà nước CSVN, và tin vào các ngụy biện của họ lúc nào không hay.

Một thí dụ cụ thể là trong thời gian qua, báo đài lề phải viết rằng “Việt Tân kích động các cuộc biểu tình và lợi dụng lòng yêu nước của người dân để chống nhà nước”. Và khi đảng Việt Tân xác nhận họ có tham gia các cuộc biểu tình như những đồng bào khác, thì lập tức bật lên các luận cứ: “Thế thì nhà nước nói đúng rồi!” và nhiều người ôm trọn MỌI ÁM CHỈ của công an lúc nào không biết và quên cả chủ đích chung từ đầu.

Cụ thể là việc Việt Tân tham gia có đương nhiên là Việt Tân kích động hay lợi dụng không? Việc Việt Tân tham gia có đương nhiên là không chống Trung Quốc mà chỉ chống nhà nước không? Việc chống một nhà nước thay mặt Bắc Kinh đàn áp dân Việt có đương nhiên là sai không? Và chủ đích chung là khẳng định quyền bày tỏ lòng yêu nước ôn hòa của MỌI người dân Việt Nam cũng bị quên luôn.

Trong những ngày tới, các đòn phép của tuyên giáo và công an CSVN sẽ ngày càng hiểm độc, tinh vi, và càng đòi hỏi sự cảnh giác của lực lượng dân chủ.

***

Nhìn lại vụ tập trận “chống khủng bố trên sông Hồng” với hàng chục triệu mỹ kim chỉ để làm một buổi tạo ấn tượng với chính giới ngoại quốc, mới thấy nỗ lực của lãnh đạo CSVN tấn công đảng Việt Tân ở tầm vóc nào. Nay một phần lớn nỗ lực ấy đang đổ dồn vào môi trường mạng.

Loại tấn công như buổi trình diễn trên sông Hồng đã thất bại hoàn toàn. Không một chính phủ nào được thuyết phục và nay Hà Nội phải bỏ cái nhãn “khủng bố” đi và thay bằng nhãn “phản động” và “kích động” lên Việt Tân.

Nhưng còn loại tấn công trên mạng thì sao? Liệu có bao nhiêu đồng bào chúng ta rớt bẫy của tuyên giáo và công an?

Trần Giang

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.