Ông Trọng gõ cửa Bộ Thông Tin & Truyền Thông

Phạm Nhật Bình

Bộ trưởng Thông Tin - Truyền Thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Zing

Từ 2016 trở đi, thương vụ MobiFone mua AVG dưới triều đại Bộ trưởng Bộ 4T Nguyễn Bắc Son đã gây nhiều thắc mắc trong dư luận bởi hàng loạt bài tố cáo sự mờ ám của những người đứng đầu cơ quan này. Khi mọi sự đã diễn ra gần như trót lọt thì thanh tra chính phủ vào cuộc.

Mãi gần một năm sau, đến giữa tháng 3/2018 thanh tra chính phủ đã công bố kết luận thanh tra khẳng định Bộ TT-TT và công ty trực thuộc MobiFone “làm trái quy định, thiếu trách nhiệm đã gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước hơn khoảng 7.000 tỷ đồng”, chưa kể trên 1.000 tỷ mua lại nợ của Công ty AVG. Do đó kết luận thanh tra khuyến cáo thương vụ này cần phải được xem xét lại và hủy bỏ.

Lập tức Bộ trưởng Trương Minh Tuấn người kế nhiệm ông Son đã phản bác lại thanh tra chính phủ trên báo chí nhưng bài báo được chỉ thị rút lại bài của Tuấn. Sự phản bác nhanh chóng của ông Trương Minh Tuấn không chỉ vì trách nhiệm của lãnh đạo cấp trên MobiFone mà còn để lộ cho người ta thấy ông đang sợ.

Đó là toàn cảnh vụ mua bán không bình thường giữa những tai to mặt lớn trong chính phủ mà sau 2 tháng công bố kết luận thanh tra, mọi sự vẫn im lìm tưởng chừng như đã chìm xuồng. Dĩ nhiên có những sự chạy chọt trong bóng tối theo đúng phong cách các quan chức nhám nhúa của chế độ; có chạy chức, chạy quyền tất phải có chạy tội.

Thế nhưng thật không may cho hai ông Son và Tuấn, vì ngày 2 tháng 6 Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương của Trần Cẩm Tú, nhân vật mới thay thế Trần Quốc Vượng đã lên tiếng. Bộ ba Nguyễn Bắc Son bộ trưởng đã về hưu, đương nhiệm Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Phạm Hồng Hải là những người bị chỉ đích danh “có vi phạm nghiêm trọng” trong Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu – AVG. Đối với 2 lãnh đạo Bộ 4T, đây là tiếng sét ngang tai báo hiệu cho họ những ngày không tốt lành gì trong tương lai khi đối mặt luật pháp.

Sau Trung ương 7, ông Trọng có thời gian im ắng khiến dư luận tưởng là lò của ông tắt ngúm, nay ông bắt đầu gõ cửa Bộ 4T để nhóm lại lò. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không muốn thiên hạ thấy chiến dịch đốt lò của ông bị bể sau Hội nghị trung ương mà kết quả gần như không có gì để ông huênh hoang. Kết luận của Ban Kiểm Tra Trung Ương dưới sự chỉ đạo của tổng bí thư không khác một sợi dây thòng lọng được ném ra, đang dần dần siết cổ những người có liên quan trong thương vụ mờ ám này.

Vụ án mua bán của Bộ 4T chắc chắn là bị nội bộ tiết lộ vì nếu không từ những kẻ nằm trong chăn làm sao biết chăn có rận. Chủ tịch Công ty viễn thông MobiFone Lê Nam Trà trực thuộc Bộ 4T mà người đứng đầu lúc đó là Nguyễn Bắc Son, đã âm thầm giao ước với AVG của đại gia Phạm Nhật Vũ để cuối cùng Trương Minh Tuấn là người thực hiện ký phê duyệt. Bộ ba này trong vị trí là lãnh đạo cao cấp của một bộ trong chính phủ nhưng hành động như những gian thương ngoài xã hội. Đôi bên đã “tiền trao cháo múc” gần hết số tiền gần 9.000 tỷ đồng trong khi giá trị thực sự của AVG chưa đến 3.000 tỷ đồng theo đánh giá của công ty tư vấn. Sự sai biệt quá lớn giữa giá mua và giá trị thực của AVG chỉ có thể cắt nghĩa MobiFone đã mua khống để lãnh đạo Bộ 4T lấy tiền chia nhau. Mặc dù đã thương thảo hủy bỏ hợp đồng hòng chạy tội phần nào, và AVG phải bất đắc dĩ mửa tiền ra cứu vãn cho Tuấn nhưng vẫn không thoát khỏi lưỡi hái của anh Trọng.

Phen này dù đã từng o bế tổng bí thư bằng cách theo đuôi kiên định lập trường Mác-Lê, viết bài lớn giọng đả kích “diễn biến hòa bình”, anh Tuấn cũng sẽ bị bãi chức bộ trưởng như Vũ Huy Hoàng. Còn Son và cựu Chủ tịch Lê Nam Trà đi tù ít nhất 10 đến 20 năm như anh Đinh La Thăng. Đó là hình thức kỷ luật cho loại “vi phạm rất nghiêm trọng” mà Ban Kiểm tra kết luận.

Vì sao? Lý do dễ hiểu MobiFone là công ty làm ăn ra tiền của Bộ 4T, không thể để nó tự tung tự tác mà không chiếm lấy nguồn lợi to lớn này. Nên anh Trọng phải làm mạnh, chỉ thị cho Ban Bí thư giáng một cú thật đau xuống đàn em các anh Son và Tuấn để giành lại MobilFone cho phe ta. Nói cách khác là giành công ty này cho đàn em Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, hạt giống đỏ mà anh Trọng đang gieo cho tương lai của phe cánh mình. Trước đây thì chiến thuật giành ăn thường áp dụng với tư nhân ăn nên làm ra, ngày nay ngay trong đảng cũng quay ra giành ăn lẫn nhau vì những món lợi kếch sù.

Chỉ cần nhìn cách điều tra và kết luận của vụ MobiFone mua AVG của Ban Kiểm Tra, người ta cũng thấy là do một tay Ban Bí Thư dàn dựng và ra lệnh từ bài vở công khai trên báo chí hay ra lệnh điều tra… Chính văn thư phản bác của thanh tra chính phủ mà Bộ trưởng Tuấn gởi đăng báo cũng bị tuyên giáo ra lệnh rút lại, có nghĩa là đến lúc chính anh Tuấn cũng bị đảng bịt miệng như anh từng bịt miệng người khác. Điều đó cho thấy địa vị của Tuấn đang bị lung lay như đèn ra trước gió.

Nói cách khác vụ MobiFone khác với vụ Tập đoàn dầu khí và Bộ Công thương, là hai vụ nhằm tạo ra những trận đánh mở màn lấy uy thế cho chiến dịch đốt lò của ông Trọng. Còn vụ buôn bán gian dối của Son và Tuấn mới là chiêu đánh để dành quyền lợi về cho phe nhóm mình là chính, chứ không để đả hỗ diệt ruồi như thông thường.

Vì sau khi nội vụ đổ bể, trong cuộc thương thảo giữa đôi bên Tuấn đã chỉ đạo AVG chẳng những trả lại đầy đủ số tiền cho MobiFone mà còn trả dư. Vậy Ban Kiểm Tra không thể tiếp tục dùng miệng lưỡi để rêu rao “làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng” của nhà nước mà không hề có chứng minh. Chỉ tội nghiệp cho Son và Tuấn cũng bị buộc phải nhả ra số tiền kiếm được nhờ gian lận tài chánh lâu nay tưởng đã êm xuôi.

Rõ ràng là các anh cộng sản ngày nay đang vì lợi ích riêng tư mà tự diệt nhau và biến thành củi để mua vui cho thiên hạ. Điều đó cho thấy đảng cũng sắp đến ngày tự chôn vùi.