Vấn đề quốc tế hóa Biển Đông

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Kể từ khi 3 tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và cắt cáp tàu Bình Minh 02 đang khảo sát dầu khí trong Thềm lục địa Việt Nam hôm 26 tháng 5, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã không chỉ dừng lại giữa Hà Nội với Bắc Kinh hay giữa một số nước trong khối ASEAN với Trung Quốc, mà đã lôi kéo sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Hoa Kỳ, Úc Châu, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản đang rất lưu tâm về thái độ “hiếu chiến” của Bắc Kinh lần này. Đa số các quốc gia đều cho rằng những hành xử trịch thượng và coi thường sự phản đối của CSVN, Phi Luật Tân và mới đây là của Tân Gia Ba đối với tàu Hải giám 31 xâm nhập vùng eo biển Malacca, đã cho thấy là Trung Quốc đang “muốn” thách đố công luận về chủ trương chủ quyền “đường lưỡi bò” chiếm 80% diện tích biển Đông. Tại sao?

Thứ nhất, năm 2010, Trung Quốc đã gia tăng ngân sách quốc phòng lên đến 2,5% GDP. Hiện nay GDP của Trung Quốc là hơn 5 ngàn tỷ Mỹ Kim, đứng hàng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ. Như vậy, quân đội Trung Quốc đang sử dụng một ngân sách khoảng 125 tỷ Mỹ kim với một đạo quân khoảng 2,25 triệu quân nhân hiện dịch. Trung Quốc đang bắt đầu cho chạy thử hàng không mẫu hạm mua lại của Ukraine vào năm 2002 với tên là Shi Lang – tên của một đô đốc thời nhà Minh-Thanh – từng chỉ huy chiếm đảo Đài Loan năm 1681. Sau khi cho chạy thử Hàng không mẫu hạm Shi Lang, Trung Quốc dự tính sẽ cho hạ thủy chiếc Hàng không mẫu hạm số 2 vào năm 2014, hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo. Để chuẩn bị cho hải trình của hai Hàng không mẫu hạm này, Trung Quốc có nhu cầu phải gấp rút xác định chủ quyền trên biển Đông, bằng cách từng bước tạo sự hiện diện thường trực tại vùng “lưỡi bò” sau khi đã ra lệnh cấm đánh cá, khai thác hải sản và tài nguyên thiên nhiên trên vùng biển này từ ngày 15/5 đến cuối tháng 8 hàng năm.

Thứ hai, năm 2012, đảng CS Trung Quốc tổ chức đại hội đảng kỳ thứ 18 và lần này toàn bộ lãnh đạo được thay đổi bởi lớp người trẻ, đa số truởng thành sau biến cố Thiên An Môn năm 1989. Với hào quang trở thành siêu cường số 1 của Á Châu và nhất là với tham vọng kiểm soát Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào năm 2025 như lãnh tụ Đặng Tiểu Bình căn dặn trước khi chết, lãnh đạo Bắc Kinh phải gấp rút thu tóm Biển Đông vào trong tay trước khi vói tay đến Ấn Độ và thọc sâu xuống chuỗi đảo thứ hai – vùng đảo Guam của Hoa Kỳ. Tập Cận Bình sẽ lên thay Hồ Cẩm Đào vào sang năm, tiến hành kế hoạch nói trên trong khung thời gian 10 năm tới, vì thế mà Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo mới sẽ tận dụng mọi tình huống để bành trướng ảnh hưởng trên Biển Đông thật nhanh, kể cả việc chấp nhận những xung đột vũ trang. Thu tóm được biển Đông, Bắc Kinh đã đi được một đoạn đường quan trọng và rất chiến lược để kiểm soát Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào năm 2025 như họ Đặng đã dặn.

Bắc Kinh biết rất rõ là họ không dễ dàng thực hiện các ý đồ nói trên vì sự lên án của khối ASEAN và sự can thiệp của Hoa Kỳ. Hiện nay, Bắc Kinh đi hai nước cờ. Một mặt thì họ cho tàu Hải giám hay tàu Ngư chính “lấn tới”, biến những vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp, để sau đó tùy thời điểm mà dùng sức mạnh quân sự khống chế và đặt đối phương vào thế đã rồi như họ đã từng chiếm Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam hay chiếm quần đảo đá ngầm Vành Khăn (Mischief Reef) của Phi Luật Tân vào tháng 2 năm 1995. Mặt khác, Bắc Kinh tung ra hàng loạt công kích vào một số quốc gia ASEAN như CSVN, Phi Luật Tân, Mã Lai là có hành động khiêu khích để qua đó đòi hỏi Hoa Kỳ đứng ngoài các tranh chấp, không tiếp cứu hay ủng hộ các quan điểm của khối ASEAN.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn xử dụng hệ thống truyền thông ở trong nước để loan tải một số bài bình luận mang nội dung “sửa soạn chiến tranh”. Tờ Văn Hối số ra ngày 21/6/2011 tại Hồng Kông đã nói rõ chủ đích của Bắc Kinh rằng: “Cho dù chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng phương thức hòa bình, nhưng Trung Quốc cũng đã làm tốt các công tác chuẩn bị cần thiết về mặt quân sự, có đủ quyết tâm và thực lực để bảo đảm lợi ích cốt lõi của đất nước không bị xâm phạm”. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu, phụ bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo của đảng CS Trung Quốc số ra ngày 21/6/2011 cũng đã cho biết là Bắc Kinh sẽ sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ biển Hoa Nam: “Tùy tình hình diễn biến như thế nào, Trung Quốc phải sẵn sàng cho hai kế hoạch: thương lượng về một giải pháp hòa bình, hoặc đáp trả sự khiêu khích bằng những trận đánh trả vào chính trị, kinh tế hoặc thậm chí cả quân sự….”

Rõ ràng là thái độ của Trung Quốc không những trịch thượng mà rất hiếu chiến. Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ John McCain trong bài nói chuyện nhân Hội nghị Biển Đông tại Hoa Thịnh Đốn hôm 20 tháng 6, đã cho rằng tình hình Biển Đông đang bị bế tắc và có nguy cơ xung đột lớn là do sự hành xử hiếu chiến và sự tham lam của Bắc Kinh. Ông McCain kêu gọi chính quyền Obama cần hỗ trợ khối ASEAN để ngăn chận sự quá đà của Bắc Kinh. Ai cũng nhìn thấy rõ sự tham lam và quá đà của Bắc Kinh, nhưng nếu Hoa Kỳ lẫn các quốc gia thuộc khối ASEAN tiếp tục ứng xử quá yếu như hiện nay, nhất là chỉ phản đối bằng những tuyên bố suông thì Bắc Kinh sẽ leo thang các xâm phạm và coi thường những phản ứng của các quốc gia.

JPEG - 69.4 kb
Các khu vực tranh chấp

Nếu ASEAN và Liên Hiệp Quốc đã quyết định giải quyết chủ quyền Biển Đông dựa trên cơ sở đa phương và Luật biển năm 1982 thì không thể tiếp tục duy trì tình trạng đối phó theo phản ứng từng nước với Bắc Kinh khi bị xâm phạm. Ngay cả việc Hoa Kỳ cùng với Phi Luật Tân tổ chức tập trận vùng biển Tây Thái Bình Dương, xảy ra sau vụ tàu hải giám xâm phạm lãnh hải của Phi Luật Tân cho thấy là phản ứng quá yếu. Tập trận giữa hai nước chỉ là hình ảnh biểu hiện sẵn sàng hỗ trợ của Hoa Kỳ cho các nỗ lực đối đầu của Phi Luật Tân, nhưng nó không giúp cho tư thế của Phi Luật Tân mạnh hơn lên. Muốn đối đầu và ngăn chận những xâm chiếm của Trung Quốc, vấn đề quốc tế hóa Biển Đông phải tiến hành hai mặt.

Thứ nhất là ASEAN và Liên Hiệp Quốc phải tổ chức ngay Hội Nghị Biển Đông với những chuyên gia thuộc các lãnh vực, dựa trên những quy định của Luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 để xác định những quy tắc cơ bản về chủ quyền giữa các nước. Từ xưa đến nay, chưa có một Hội Nghị Quốc Tế nào đưa ra những giải quyết cụ thể về chủ quyền mà chỉ là những hội nghị mang tính chất bàn về nguyên tắc, không đi sâu vào các biện pháp chế tài nếu có vi phạm xảy ra. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông không chỉ có chủ quyền của một số nước liên hệ, mà còn là sự hợp tác khai thác đường hàng hải lớn nhất thế giới giữa các quốc gia. Nếu không khởi đầu một cơ chế Quốc tế mang tính trung gian hòa giải đa phương thì Trung Quốc sẽ ngày một lấn tới và Biển Đông tiếp tục dậy sóng.

Thứ hai là người dân và các đoàn thể tại các quốc gia liên hệ đến Biển Đông phải có quyền và có nghĩa vụ góp phần vào nỗ lực vận động nhân dân và dư luận tại các quốc gia trên thế giới cùng lên tiếng ủng hộ, cổ võ chủ quyền của quốc gia mình; đồng thời tiếp tay cô lập đối phương, đặc biệt là Bắc Kinh. Cụ thể ra, chính quyền của các quốc gia, đặc biệt là CSVN phải để cho người dân có toàn quyền bày tỏ lòng yêu nước và vận động mọi người tham gia bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc một cách mạnh mẽ như người Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương đã hành xử trọn vẹn quyền này. Trung Quốc sản xuất hàng hóa cần sự tiêu thụ của người dân tại các quốc gia. Nếu người Việt Nam được tự do tham gia vào nỗ lực quốc tế hóa Biển Đông bằng cách vận động các dân tộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, tẩy chay du lịch Trung Quốc trên một quy mô lớn thì sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc khiến cho Bắc Kinh không dám tự tung tự tác. Hiện nay, người Việt ở trong nước chưa làm được việc này, người Việt tại hải ngoại phải góp phần đẩy mạnh nỗ lực tranh thủ sự đồng tình của các quốc gia

Nói tóm lại, quốc tế hóa Biển Đông không phải chỉ là việc làm duy nhất giữa các chính quyền liên hệ. Điều này đã chứng minh là không hiệu quả vì những ràng buộc phức tạp ngoại giao giữa các nhóm ảnh hưởng. Quốc tế hóa phải có sự tham gia của chính người dân, các đoàn thể xã hội thì mới tạo thành sức mạnh để vận động sự ủng hộ của quốc tế và nhân dân các quốc gia tạo áp lực mạnh mẽ buộc Bắc Kinh phải chấm dứt tham vọng bá quyền.

Trung Điền
Ngày 23/6/2011

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.