Vụ Nghi Sơn nhìn từ hai lề báo chí

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Báo điện tử Kinh Tế Nông Thôn ngày 4 tháng 5 có bài viết của tác gìả Tân Thành và Hải Ngọc, tường trình sự phấn khởi của người dân huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, trong 40 ngày đêm thi đua giao đất cho nhà nước để “phục vụ” các dự án ở khu kinh tế Nghi Sơn (1). Ba tuần sau, ngày 25 và 26 tháng 5, báo chí Việt Nam lại đồng loạt đưa một tin khác về việc giao đất cũng ở khu kinh tế Nghi Sơn này. Nhưng thay vì “phấn khởi thi đua giao đất” thì lại là tin sô sát, súng nổ gây thương vong, sau một thời gian dài tranh tụng không kết quả của cư dân tại đây. Hiện tượng lạ kế tiếp là chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi đăng tải, các bản tin liên quan đến sự việc đều được đồng loạt gỡ xuống (2). Đặc biệt, báo Thanh Tra, tờ báo của ngành Thanh Tra Chính Phủ, nhanh chóng đăng 2 bài liền về vụ này. Nhưng nội dung 2 bài lại trái ngược nhau, và cả hai đều được nhanh chóng kéo xuống (3).

Kiểu cách thông tin “trăm báo đài vài người viết”, cùng tiến – cùng lùi như màn múa tập thể nêu trên, không chỉ là động thái quen thuộc mà còn là nghĩa vụ của báo chí “lề phải”. Thật vậy, chức năng của mọi cơ quan truyền thông trên cả nước được xác định rõ bằng văn bản là “công cụ của Đảng”, chứ không phải phương tiện phục vụ quần chúng nhân dân. Chính vì thế mà khi “sự cố giải phóng mặt bằng” Nghi Sơn dẫn đến chết người không còn ém nhẹm được nữa, thì nhiều cấp đảng ủy trong ngành công an và các ủy ban nhân dân cùng lúc chỉ thị cho các báo, đài thuộc quyền chủ quản của họ đưa tin theo định hướng “bảo vệ Đảng”. Bên cạnh đó là một số phóng viên có lương tâm đang làm việc trong luồng muốn lách qua vòng kiểm duyệt để đưa các dữ kiện hệ trọng trong vụ việc này đến quần chúng. Chính những chỉ thị lập tức từ nhiều cấp quan chức khác nhau và nỗ lực của các phóng viên nêu trên là lý do tại sao các bài báo mang nhiều dữ kiện trái ngược, và càng lúc càng đẻ ra thêm các dấu hỏi.

Hầu như mọi bài báo đều dựa trên một bản tường trình có đóng dấu rất “ấn tượng” của công an. Chính bản văn được coi là kết quả điều tra này lại mang đầy những điểm phi lý và những hàm ý không mấy lương thiện. Điều hệ trọng nhất là cách mô tả nửa chừng để tạo ấn tượng công an chỉ bắn bằng súng ngắn lên trời cảnh cáo, nhưng dân chúng nhào vào giằng súng nên đạn nổ trúng người. Các câu hỏi khá hiển nhiên là:

– Nếu đây là kết quả điều tra và công an hoàn toàn làm chủ hiện trường sau khi vụ việc xảy ra thì tại sao không thể xác định đã có bao nhiêu phát súng nổ? Phải chăng vì có quá nhiều nhân chứng nên không thể bịa đặt con số này? Còn nếu nói thật thì so số đạn bắn và số nạn nhân sẽ lộ ra điều hiển nhiên là công an bắn thẳng vào những người dân tay không ngay từ đầu?

– Liệu có hợp lý không khi những người dân nghe tiếng súng bắn cảnh cáo lại nhào lên giật súng, trong đó có 1 em nhỏ 12 tuổi, để rồi bị bắn chết và bị thương? Và nếu người dân đã không còn sợ đạn, sợ chết như bản tường trình ghi thì tại sao họ lại ngừng lại khi có 3 nạn nhân? Nếu đúng theo kịch bản này thì lòng dân càng sôi sục và toàn bộ sự việc tại Nghi Sơn đã khác hẳn.

– Có thật là có công an bị thương như trong bản tường trình không? Tại sao các mô tả thương tích của dân rất rõ nhưng lại rất lờ mờ về công an? Phải chăng nếu nói rõ quá dân chúng lại đòi hình ảnh, chứng tích thì sẽ lộ ra sự gian trá?

– Và chỉ cần nhìn bức hình chụp cảnh công an nắm tay kéo lê một nạn nhân bị trúng đạn đang hấp hối lên sàn xe tải, người dân đã có thể thấy rõ sự vô cảm và tàn nhẫn của những kẻ sát nhân. Giữa bức hình này và bản tường trình của công an, đâu là sự thật về cách hành xử của công an tại hiện trường?

Ba ngày sau, ngày 29/05, bản tin “Khởi tố vụ dùng súng gây chết người” (4) xuất hiện ở mục Pháp Luật trên các báo, như một vụ án hình sự thông thường. Nhưng trong vụ này, sinh mạng của 2 người dân vô tội đã mất và máu của 1 người thứ ba đã đổ trước họng súng của một nhân viên thuộc cơ quan thi hành luật pháp, liệu có thể xem như một vụ án hình sự thông thường được không?

Không những thế, dư luận đang đặt ra khá nhiều câu hỏi xoay quanh trách nhiệm của NHỮNG người liên quan đến vụ việc trên. Tại sao báo chí lề phải cung cấp đủ loại chi tiết về các nạn nhân nhưng lại rất tiết kiệm dữ kiện về kẻ bắn họ. Người đọc chỉ biết vắn tắt nghi can là “Nguyễn Mạnh Thư, thuộc Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa” nhưng không biết cấp bậc, đơn vị công tác, trách nhiệm tại hiện trường của viên công an này. Chắc chắn các dữ kiện này đều có sẵn và không ảnh hưởng lên kết quả điều tra hay tố tụng.

Phải chăng điều mà báo chí lề phải cố giấu chính là chức năng của nghi can tại hiện trường? Ông Nguyễn Mạnh Thư là Đội trưởng Đội cảnh sát cơ động 113, chứ không phải là một cán bộ công an cấp thấp hay công an cấp huyện Tĩnh Gia như báo chí cho biết. Nói cách khác, ông Thư là người chỉ huy tại hiện trường. Và ở vị trí đó khó có chuyện người dân nào dám xông qua các vòng công an để giằng súng với ông. Ngược lại, khi chính ông đưa súng lên bắn dân, đó là hành động có suy tính và chắc chắn đã được sự cho phép từ các cấp trên của ông. Các cấp trên này là những ai? Và đấy mới là trọng tâm mà các “công cụ của Đảng” đang ra sức bảo vệ!

Về mặt kỹ thuật, làng báo lề phải vẫn dùng cách thức truyền thống. Đó là bịt miệng những ai muốn làm nhân chứng và chuyển hướng sự chú ý của người đọc bằng cách tập trung lên án các “thành phần quá khích” mà không viết ra đó là ai. Nói cách khác, đấy là lời hăm dọa ngầm rằng “nhân chứng” nào cũng có thể bị biến thành dê tế thần để nhận một phần tội lỗi.

Từ nay cho đến ngày xử ông Nguyễn Mạnh Thư, chắc chắn các cấp ủy công an và nhà nước sẽ còn tung ra nhiều đòn “ứng biến” khác nữa quanh sự việc Nghi Sơn. Dĩ nhiên, các ứng biến mới sẽ nhất quán hơn chứ không hỗn loạn, đăng lên lấy xuống như trong thời gian qua. Tuy nhiên, khá khó cho phía công an đề xuất thủ thuật gì mới vì hầu hết các trò thông thường người dân đều đã biết rõ, từ những trò do công an địa phương tạo dựng ra các nhân chứng và vật chứng giả như trong vụ vu khống nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, đến các cách đưa quan chức thật cao ra hứa hẹn điều tra để mua thời gian như các lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Bô-xít Tây Nguyên và cho thuê rừng biên giới, v.v.

Ở trên là những đóng góp của báo chí “lề phải” trong sự việc Nghi Sơn. Còn báo chí “lề trái” thì sao. Có lẽ chỉ cần đặt ra vài câu hỏi cũng đủ thấy cả bức tranh lớn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu dân chúng Nghi Sơn không chụp được và cấp tốc phổ biến các hình ảnh đó ra thế giới bên ngoài? Chắc chắn người ta sẽ lại chỉ đọc được các bài báo cho biết dân chúng hồ hởi “thi đua giao đất” cho nhà nước.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những ký giả mang tâm hồn “lề trái” đang làm việc trong luồng đã không khéo ngầm đẩy sự việc đến mức không thể che dấu được nữa? Chắc chắn công an sẽ lại đến từng nhà hăm dọa người dân trong vùng phải im miệng như gia đình các ngư dân tại Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắn chết trên biển Đông, hay như gia đình các cháu học sinh bị hiệu trưởng bán dâm ở Hà Giang.

Điều gì sẽ xảy ra nếu làng dân báo (bloggers) đã không vạch trần các điều trái ngược và dấu giếm trong bản tường trình của công an, đã không nhanh chóng loan tải những tin tức, hình ảnh bạo hành của công an đối với dân chúng tại hiện trường? Chắc chắn toàn dân chỉ biết 1 kịch bản do công an đưa ra. Và chắc chắn nhiều người nay đã bị gán cho tội giằng súng với công an và lãnh luôn tội bắn chết 3 nạn nhân.

Với mỗi sự việc như vụ Nghi Sơn, dân tộc Việt Nam càng nhận rõ hơn một điều mà hầu hết nhân loại đã trân quí từ hàng trăm năm qua. Đó là vai trò vô cùng hệ trọng của báo chí độc lập trong mục tiêu canh chừng sự vận hành của mọi viên chức và buộc guồng máy chính phủ phải làm đúng chức năng bên dưới luật pháp. Hiển nhiên các lãnh đạo CSVN cũng thấy và hiểu điều đó nên mới nhất quyết nắm chặt báo giới làm công cụ riêng, một phần là để tiếp tục duy trì guồng máy tuy tham nhũng và tàn ác nhưng rất cương quyết trong nỗ lực bảo vệ sự cai trị của Đảng vì quyền lợi chung. Tuy nhiên, liệu lãnh đạo đảng còn xiết được báo chí bao nhiêu lâu nữa khi hàng ngũ báo lề trái đang ngày một đông hơn với sự tham gia của các bloggers, của các người dân bình thường nay có nhiều phương tiện chụp hình và chuyển hình nhanh chóng ra khắp thế giới, của đủ loại phương tiện thu thanh để đưa lên mạng Internet trực tuyến, v.v….

Một xã hội dân sự đang nhanh chóng lan rộng tại Việt Nam trong lúc sức mạnh của hai cột trụ chính, tuyên truyền và công an, để chống đỡ chế độ độc tài đang bị từng bước soi mòn.

— –

(1) http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story//2010/5/23086.html
(2) http://www.tin247.com/ba_nguoi_bi_ban_tai_khu_kinh_te_nghi_son-1-21596012.html
(3) http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=29364
(5) http://my.opera.com/Ao-Trang-Oi/blog/show.dml/12076502

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.