10 sự kiện Việt Nam đáng chú ý trong năm 2023

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Hàng năm vào đầu tháng Mười Hai, anh chị em trong ban biên tập của các Trang Web Việt Tân, Facebook Việt Tân, Youtube Việt Tân cùng nhau bình chọn những tin tức Việt Nam và Thế Giới được cho là nổi bật nhất trong năm. Mỗi người được chọn từ 5 đến 10 tin tức mà mình cho là đáng chú ý nhất dựa trên ba tiêu chí: 1) Đặc thù nhất trong năm; 2) Có tác dụng hoặc ảnh hưởng lớn lên xã hội Việt Nam; 3) Có những tác động lâu dài lên đời sống hay sự tiến bộ của nhân loại. 

Các đề nghị đã được tổng hợp lại và tuyển chọn. Sau đây là 10 sự kiện Việt Nam của năm 2023 có tầm ảnh hưởng và tính chất đặc thù nhất theo đánh giá của ban biên tập, được liệt kê theo thứ tự có ảnh hưởng nhiều nhất tới ít nhất. Xin được giới thiệu đến quý độc giả. 

Ban biên tập Trang nhà Việt Tân 

***

1. Đại Án Vạn Thịnh Phát và Vụ Bà Trương Mỹ Lan Chiếm Đoạt 304.096 Tỷ Đồng

 

Đại án Vạn Thịnh Phát, dẫn đầu bởi bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm đã trở thành một trong những vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử các vụ án bị phát hiện nay tại Việt Nam, với tổng số tiền lên đến 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng (tương đương 12,5 tỷ Mỹ kim), qua việc lập khống các hồ sơ vay và sử dụng hơn 1.000 công ty “ma” để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Vụ án vượt ra ngoài sự tưởng tượng của công chúng về tình trạng lạm dụng quyền lực, sử dụng các mối quan hệ chính trị để thúc đẩy lợi ích cá nhân, và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia, với khoảng hơn 40.000 nhà đầu tư của Vạn Thịnh Phát trở thành nạn nhân bị mất tiền. Đã có hơn 108 bị can bị khởi tố do có liên quan vụ việc, với hơn 23 cán bộ bị “dính chàm.”

Sự kiện này không chỉ gây rúng động trong giới tài chính và kinh doanh mà còn tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Nó phơi bày sự yếu kém trong hệ thống giám sát ngân hàng và quản lý tài chính, đồng thời làm suy giảm niềm tin của công chúng vào sự minh bạch và công bằng trong nền kinh tế. Hơn nữa, vụ án còn làm nổi bật tình trạng tham nhũng sâu rộng và những mục ruỗng mang tính hệ thống trong cơ cấu quyền lực và ngay từ trong các cơ quan chống tham nhũng.

Đại án Vạn Thịnh Phát là một bằng chứng rõ ràng cho thấy sự tha hóa quyền lực và mất kiểm soát dẫn đến hối lộ, tham nhũng diễn ra trong nhiều năm. Cơ quan thanh tra lại nhắm mắt làm ngơ cho sai phạm vì bà Trương Mỹ Lan đã chi cho từng cá nhân hàng triệu đô-la.

Những hô hào về cải cách nền kinh tế nhưng thiếu minh bạch dễ trở thành vườn ươm cho những phi vụ rút ruột ngân sách với con số lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Những người như bà Trương Mỹ Lan cũng khiến dư luận tò mò về hiệu quả của “công cuộc đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng hơn 10 năm qua. Vụ án không chỉ là một lời cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng mà còn là một bài toán nan giải cố hữu trong “nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Hình phạt dành cho tội “tham ô tài sản” có thể lên đến tử hình, nhưng điều bất ngờ ở Việt Nam lại luôn là yếu tố tình tiết giảm nhẹ, một hàm số có thể đổi trắng thành đen, biến nặng thành nhẹ. Không có một tín hiệu nào cho thấy vụ bà Trương Mỹ Lan sẽ là cuối cùng, cũng như không có gì bảo đảm “ý đảng” sẽ hợp “lòng dân” hay đem lại công lý trong vụ án xét xử nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát cùng những quan chức lớn trong thời gian sắp tới đây.

2. Phanh Phui Đường Dây Quan Tham Trong Các Đại Án “Chuyến Bay Giải Cứu” Và “Việt Á”

Trong lúc đất nước tan hoang, người dân khốn khổ, chết chóc vì dịch Covid-19, vẫn có hàng trăm quan chức lợi dụng dịch bệnh để làm giàu. Tham nhũng trong các đại án Việt Á, Chuyến bay giải cứu là những ví dụ điển hình về sự tham ô mang tính hệ thống của guồng máy độc tài do thống trị, đồng thời cho thấy những thất bại trong công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, và thuốc chữa duy nhất là dẹp bỏ độc tài.

Các bị cáo trong đại án tham nhũng Việt Á và Chuyến bay giải cứu hầu hết là đảng viên. Trong đó có gần 100 quan chức ở cấp trung ương và địa phương, có cả những lãnh đạo cấp cao bao gồm: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố. Họ chính là những người được giao nhiệm vụ cứu giúp đồng bào, trớ trêu thay lại là những kẻ trục lợi, được mua chuộc bằng tiền một cách công khai.

Điều đáng nói là hai đại án này không chỉ đơn thuần là tham nhũng, mà còn có sự móc nối, dàn dựng bài bản, cấu kết của cả hệ thống nhóm lợi ích, lợi dụng quyền lực để thao túng chính sách trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, mặc dù các quan chức tham nhũng trong hai đại án đã bị bắt giam, xét xử, tuy nhiên quyền lợi của người dân và các nạn nhân không hề được nhà cầm quyền xem xét. Đơn cử như, hàng trăm ngàn nạn nhân là những người dân bị thiệt hại tiền bạc vì phải mua vé máy bay đắt đỏ, đã không được nhắc đến trong phiên tòa, và cuối cùng tiền của họ lại bị chui vào túi Nhà nước với danh nghĩa xung công quỹ.

Ngoài ra, những “trùm cuối” của đại án Việt Á như Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, đã trực tiếp gây ra cái chết oan cho hàng vạn đồng bào vô tội, nhưng chính quyền cố ý bỏ qua điều này. Cơ quan điều tra chỉ nhắm đến hành vi vi phạm pháp luật của Việt Á như hối lộ, vi phạm đấu thầu ở cấp thấp mà thôi.

Đảng Cộng Sản đang nắm quyền thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng đối với các chính sách chống dịch! Trong một nhà nước pháp quyền, ông Nguyễn Phú Trọng phải bị kỷ luật, thay thế, và bị điều tra cho những hoạt động lãnh đạo chính sách kém cỏi của mình, cũng như phải chịu trách nhiệm đối với các sai lầm và tang thương cho quốc dân đồng bào.

3. CSVN Nâng Cấp Quan Hệ Với Hoa Kỳ Và Nhật Bản Lên Ngang Hàng Với Trung Quốc Và Nga

Năm 2023 Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với hai quốc gia lớn, Hoa Kỳ và Nhật Bản, lên mức “đối tác chiến lược toàn diện.”  Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại, không chỉ tăng cường hợp tác song phương, mà còn nhấn mạnh tới sự phối hợp đa phương trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.  Tác động của sự kiện lên xã hội và thế giới:

Về Kinh Tế và Thương Mại: Cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội đáng kể cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cả hai quốc gia này đều là các đối tác thương mại lớn và có tiềm năng mà nhiều quốc gia mong muốn được hợp tác, vì vậy Việt Nam sẽ được hỗ trợ rất nhiều trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.

Về Quốc Phòng và An Ninh: Mối quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể cung cấp cho Việt Nam những lợi ích về quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức an ninh khu vực ngày càng tăng, như vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Về Đối Ngoại và Hợp Tác: Thông qua quan hệ với hai cường quốc này giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, trở thành một điểm tựa quan trọng trong chính sách của cả Mỹ và Nhật Bản tại Đông Nam Á.

Sự nâng cấp và mở rộng hợp tác với Nhật Bản và Hoa Kỳ cho thấy là nhà cầm quyền CSVN đang muốn tìm một thế đứng mới trong chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương mà hai nước này là trung tâm. Tuy nhiên, quan hệ này cũng đặt ra những thách thức cho đảng và nhà nước CSVN trong mối quan hệ với Trung Quốc, Nga và Iran – những quốc gia độc tài đối nghịch với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nếu trước đây, CSVN chọn đường lối đối ngoại đu dây để thủ lợi trong các quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối Phương Tây với Trung Quốc và Nga thì nay, do sự căng thẳng ngày một gia tăng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản với Trung Quốc và Nga sau cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine và Hamas tấn công Israel, buộc Hà Nội phải điều chỉnh quan hệ để không bị khinh miệt là “không có xương sống” và để cứu vãn nền kinh tế đang gặp khó khăn khi không thể trông mong gì vào nền kinh tế suy sụp của Trung Quốc.

Nói cách khác, Việt Nam cần điều chỉnh một cách cẩn thận để bảo đảm rằng mối quan hệ chiến lược này không chỉ thúc đẩy lợi ích quốc gia mà còn duy trì được mối quan hệ cân bằng với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt đối với nước láng giềng Trung Quốc.

4. Đại Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Viên Tịch

Đại lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã viên tịch chiều ngày 24 tháng 11, 2023 (12 tháng Mười, năm Quý Mão), tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, thọ 80 tuổi. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 5 tháng 4 năm 1943, tại tỉnh Pakse, Lào. Ngài xuất gia vào lúc 7 tuổi, học Phật pháp ở Viện Hải Đức tại Nha Trang, rồi sau đó là Thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là bậc chân tu, nổi tiếng là dịch giả của nhiều bộ kinh, trước tác, biên soạn và giới thiệu nhiều tác phẩm luận giải kinh điển, lịch sử và triết học Phật Giáo,… Ngài thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ngài được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.

Nhưng cuộc đời của Ngài đã trở nên phong ba sau khi miền Nam Việt Nam bị CSVN cưỡng chiếm.

Sau ngày 30 tháng 4, 1975 Ngài lui về ở ẩn tại Nha Trang, nhưng đến năm 1977 thì vào Sài Gòn sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam. Đầu năm 1978 Ngài bị CSVN bắt và đưa đi học tập “cải tạo” 3 năm, đến năm 1980 thì được trả tự do.

Ngày 1 tháng 4, 1984 Ngài lại bị bắt cùng với Thượng tọa Thích Trí Siêu (thế danh là Lê Mạnh Thát) và bị gán ghép là “tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân.” Ngài đã nhờ Tổ chức Ân xá Quốc tế tận tình đấu tranh vì tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ này do CSVN muốn triệt hạ các thành viên lãnh đạo tương lai của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào lúc đó. Sau 4 năm giam giữ phi pháp, tháng 9 năm 1988 Ngài và Thượng tọa Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.” Sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân vào tháng 11 năm 1988. Mười năm sau vào ngày 1 tháng 9 năm 1998, Ngài và Thượng tọa Thích Trí Siêu được trả tự do từ trại Ba Sao, Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1998 tổ chức Human Rights Watch đã tặng giải thưởng về nhân quyền Hellman/Hamett Awards cho Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ và 7 người Việt khác.

Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ luôn được nhớ đến, không chỉ là một vị lãnh đạo tôn giáo nổi bật với các công trình nghiên cứu Phật học giá trị, mà còn ở tinh thần đấu tranh bảo vệ Phật Giáo tại Việt Nam. Phó Giáo sư Mạc Văn Trang đã viết về Ngài: “Thầy không làm tủi nhục kẻ sĩ của bao thời đại và không làm nhụt chí của những thế hệ kẻ sĩ tương lai.”

5. CSVN Gia Tăng Đàn Áp Các Nhà Hoạt Động Môi Trường

Môi trường là không gian ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, từ cung cấp tài nguyên thiên nhiên tới thực phẩm, nước uống, không khí và khí hậu. Chính vì sự quan trọng liên quan mật thiết đến vấn đề duy trì sự sống của toàn nhân loại, nên luôn luôn cần có các biện pháp bảo vệ môi trường. Oái oăm thay khi những nhà hoạt động ôn hòa phổ biến nguy cơ của biến đổi khí hậu và vận động cho các chính sách xanh để bảo vệ trái đất lại chịu sự trừng phạt từ chính quyền độc đoán.

Trong năm 2022, nhà cầm quyền CSVN đã bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường với cáo buộc “trốn thuế” và các án tù từ hai đến năm năm. Những người này bao gồm: Nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC); Bạch Hùng Dương, Giám đốc MEC; Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD); bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) đồng thời là khôi nguyên của giải Goldman năm 2018.

Sang năm 2023, người thứ năm bị bắt giữ là bà Hoàng Thị Minh Hồng – người bảo vệ nhân quyền môi trường ở Việt Nam, Giám đốc của tổ chức bảo vệ quyền môi trường CHANGE có trụ sở tại thành phố Sài Gòn. Bà bị bắt vào ngày 30 tháng 5, với cáo buộc tội “trốn thuế.”

Người thứ sáu mới đây nhất là bà Ngô Thị Tố Nhiên, một nhà hoạt động với lý lịch trong suốt, không liên quan gì đến chính trị và có trình độ chuyên môn cao, có bằng Thạc sĩ Quản lý và Hệ thống Năng lượng của Đại học Flensburg, Đức. Ngoài ra, bà Nhiên còn có hơn 15 năm kinh nghiệm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng do Ngân hàng Thế giới, EU, LHQ, ADB, Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.

Chỉ trong vòng 2 năm qua đã có tới 6 nhà hoạt động môi trường bị bắt với các cáo buộc về thuế một cách khó hiểu như một vũ khí để trừng phạt những nhà hoạt động bảo vệ môi trường mà đảng Cộng Sản cho là mối nguy quyền lực của họ.

Tại Hội nghị COP 28 tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ “quyết tâm bảo vệ môi trường” với các nhà đầu tư quốc tế, hứa hẹn sẽ sớm cụ thể hóa các chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo, và đã kêu gọi đầu tư được 15,5 tỷ Mỹ kim cho phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030.

Trong khi đó thì nhà cầm quyền Việt Nam cho phép Bộ Công an gia tăng đàn áp, bắt giữ các nhà hoạt động môi trường. Hành động đi ngược lại với cam kết cho thấy, việc truy tố hình sự các nhà hoạt động môi trường là “một phần của cuộc trấn áp rộng rãi hơn, không chỉ đối với những người bảo vệ quyền môi trường, mà còn là chống lại các hoạt động của xã hội dân sự ở Việt Nam.” Chế độ độc tài chủ trương chế độ “xin-cho” và không khoan nhượng với những hành động tự phát dù đem lại ích lợi cho xã hội.

Nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế đã đồng thanh bày tỏ sự đoàn kết với các nhà hoạt động vì môi trường bị bỏ tù và kêu gọi trả tự do những người này cũng như chấm dứt hành động trả thù của nhà nước khi các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam thúc đẩy nhân quyền và công bằng môi trường.

Các vấn đề môi trường đã bị chính trị hóa ở Việt Nam trong những thập niên gần đây vì những khiếu nại về môi trường thường dẫn đến sự chỉ trích các chính sách của chính quyền lờ đi những tác hại môi trường và sức khỏe của người dân vì lý do lợi nhuận. Khởi đi là dự án bauxite do chính quyền triển khai đã gây ra sự phản đối gay gắt từ người dân địa phương đến vụ Formosa gây tràn hóa chất dọc bờ biển miền Trung – được coi là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất của Việt Nam.

6. Kinh Tế Việt Nam Suy Thoái Nặng NềTrong Năm 2023

Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP) 2023, nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương (CIEM) khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 chỉ đạt gần 5,2%, thấp hơn nhiều so với những dự báo được đưa ra trước đó là 6,5%. Sự suy thoái kinh tết Việt Nam đến từ một số nguyên nhân theo phân tích của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Đầu tiên là nền kinh tế thế giới trong năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm:

– Những tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine;

– Dư âm của đại dịch Covid-19 khiến tình trạng lạm phát và lãi suất vẫn còn cao dù có giảm, và có thể kéo dài hơn dự kiến, gia tăng áp lực trả nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ, trong khi mức nợ tăng cao trong 3 năm qua;

– Tình trạng rủi ro tài chính, tiền tệ (bao gồm cả rủi ro vỡ nợ ở một số quốc gia kém phát triển) còn ở mức cao. Kinh tế EU và Trung Quốc phục hồi chậm hơn so với dự kiến, thậm chí đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong trung hạn, và

– Sau cùng, là hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, tác động xấu tới các hoạt động kinh tế – xã hội, cản trở đà phục hồi kinh tế, v.v.

Kế đến là những yếu kém tự thân của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và số doanh nghiệp hoàn tất giải thể vẫn tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Sau cùng là tình trạng siết chặt nguồn vay tài chánh ở các ngân hàng sau hàng loạt vụ phá sản các đại công ty về bất động sản.

Thời gian gần đây lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm mạnh, thậm chí có lúc xuống dưới 2% theo yêu cầu của chính phủ, nhưng doanh nghiệp sản xuất cũng không muốn vay vì có vay cũng không biết phải làm gì khi đơn đặt hàng không có mà hàng tồn kho thì bị ứ đọng. Mắc kẹt giữa khủng hoảng thiếu đơn đặt hàng trong khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và sa thải bớt công nhân.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý III năm 2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,08 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Khi nền kinh tế chững lại, thất nghiệp gia tăng, thu nhập người lao động giảm sút, thì người dân phải gia tăng tiết kiệm để chống đỡ, khiến sức mua giảm mạnh. Và khi sức mua giảm, các doanh nghiệp tồn kho hàng hoá nhiều phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm lao động khiến nạn thất nghiệp tăng thêm, thu nhập giảm thêm, sức mua sẽ càng suy yếu thêm, có nguy cơ kéo nền kinh tế vào suy trầm.

7. Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình Tuần Du Hà Nội

Từ ngày 12 đến 13 tháng 12 vừa qua, Tổng bí Thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của ông Thưởng (Chủ tịch nước) và ông Trọng (Tổng bí thư đảng). Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã sang thăm Việt Nam, chuyến đi được coi là “dọn đường” cho chuyến thăm của ông Tập.

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình sang Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện với cả Mỹ (tháng 9/2023) và Nhật Bản (tháng 11/2023), tức lên ngang bằng với Trung Quốc và Nga.

Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam kể từ khi họ Tập lên làm tổng bí thư vào năm 2013. Hai lần trước vào năm 2015 và 2017. Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam đã đón tiếp ông Tập Cận Bình với nghi thức cao nhất.

Trong chuyến tuần du này, CSVN và Trung Quốc đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận gồm 4 lĩnh vực: Lĩnh vực Chính trị – Đối ngoại (4 văn bản), lĩnh vực An ninh – Quốc phòng (4 văn bản), hợp tác cấp Chính phủ (24 văn bản), cấp Bộ và cơ quan địa phương (4 văn bản).

Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng ra tuyên bố chung gồm 6 phương hướng: (1) Tin cậy chính trị cao hơn, (2) Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, (3) Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, (4) Nền tảng xã hội vững chắc hơn, (5) Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, (6) Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Phía Trung Quốc tuyên bố Việt Nam đã tham gia vào “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc; trong khi phía Việt Nam lại diễn giải theo nghĩa “cộng đồng chia sẻ tương lai” để tránh sự phẫn nộ của dư luận Việt Nam. Nhưng cho dù là khái niệm nào đi chăng nữa, thì sự kiện này cũng đánh dấu việc đảng và nhà nước CSVN đã chính thức tham gia vào “cộng đồng chung vận mệnh,” nằm trong vòng chi phối chung của Trung Quốc.

Về dư luận trong nước, người dân đã tỏ ra lo lắng nhiều hơn sau sự kiện này như: Sự lệ thuộc của chính quyền Việt Nam trước chính quyền Trung Quốc; lo ngại về chủ quyền lãnh thổ, nhất là về các tranh chấp trên biển Đông; lo ngại về việc Việt Nam bị đẩy vào “bẫy nợ” của Trung Quốc với các dự án xây đường sắt, đường cao tốc bắc-nam; hàng hóa Trung Quốc sẽ xâm chiếm hàng nội địa…

Về quốc tế, các nước cũng đã thấy chính sách “ngoại giao cây tre” nghiêng ngả của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ và công khai hơn. Một câu hỏi đặt ra với nhiều nước là liệu có tin tưởng được Việt Nam hay không khi nước này liên tục ngả về phía Trung Quốc?

Tóm lại, sự việc hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc lần này cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục lệ thuộc Bắc Kinh. Đảng Cộng Sản Việt Nam càng ngày càng tự chui mình vào vòng kim cô và cái thòng lọng mà Trung Quốc giăng ra sẵn.

8. Nguyễn Phú Trọng “Trảm” Một Lượt Ba Lãnh Đạo Cao Cấp Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam

Hôm 17 tháng 1, 2023, Trung ương đảng CSVN đưa ra thông cáo cho biết ông Phúc từ chức ghế chủ tịch nước đang giữa nhiệm kỳ vì phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi “để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.” Trong số này, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự cũng như 2 phó thủ tướng đã buộc phải từ chức vào cuối năm ngoái là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Lý do cho việc bị buộc phải từ chức của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là có liên quan đến “các chuyến bay giải cứu“ và  Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là dính líu đến đại án “test kit Việt Á.” Đây là những vụ án tham nhũng gây phẫn nộ nhiều trong dư luận Việt Nam vì phơi bày sự vô đạo đức của giới quan chức cao cấp CSVN, cấu kết với giới doanh nghiệp kiếm lợi trên sự đau khổ của người dân trong mùa đại dịch.

Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng, lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CSVN, trong suốt thời gian qua cho giới quan sát trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về thực chất của chiến dịch. Đốt lò chống tham nhũng thật sự chỉ là chiến dịch diệt phe cánh đối nghịch trong đảng để thu tóm quyền lực. Vì thế hàng loạt quan chức của phe ông Nguyễn Xuân Phúc buộc phải bị từ chức, chịu trách nhiệm hình sự và những doanh nghiệp sân sau của họ bị tịch thu.

Tình trạng trên đưa đến nguy cơ bất ổn về nhân sự lãnh đạo tối cao, gây tổn hại cho hình ảnh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế, không thể xem VN là điểm đến trong bối cảnh các nhà đầu tư ngoại quốc có khuynh hướng di dời những công ty sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.

Tình trạng trên khiến bộ máy nhà nước đình trệ vì các quan chức không thuộc phe nắm quyền lực không dám đưa ra quyết định để giải quyết bất cứ vấn đề gì vì lo sợ mình có thể thành củi để đốt lò. Và đây cũng là nguyên nhân đưa đến sự đình trệ của nền kinh tế.

Với người dân Việt Nam, chống tham nhũng dưới chế độ CSVN thực chất là cuộc chiến tranh giành quyền lực ở thượng tầng đảng. Ai lên ai xuống là chuyện của Bộ Chính trị, của giới lãnh đạo chóp bu. Người dân không có quyền ảnh hưởng, cũng như không bao giờ được bàn bạc, góp ý kiến hay bỏ phiếu. Vì thế người dân cũng chẳng quan tâm nhiều đến chuyện “chống tham nhũng“ của đảng, trừ khi cần trút nỗi tức giận trên các trang mạng xã hội.

9. Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden Viếng Thăm Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 10 và 11 tháng 9, 2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay vì là Chủ tich nước Võ Văn Thưởng.  Tổng thống Biden là vị tổng thống Hoa Kỳ thứ năm đến thăm Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa ngoại giao vào năm 1995. Ngoài Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Biden bị sắp xếp gặp mặt hết tứ trụ cho đúng nghi lễ ngoại giao mà phía CSVN rất cần đến để tuyên truyền nội bộ: ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Qua cuộc viếng thăm này, hai nước đã ký kết văn kiện nâng quan hệ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện.” Cho đến nay CSVN đã có quan hệ loại này với Nga, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ và Nam Hàn. Trong tương lai gần sẽ nâng cấp thêm với Singapore, Indonesia và Úc.

Qua sự nâng cấp này, CSVN sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về an ninh chiến lược; ngược lại  Hoa Kỳ sẽ đặc biệt giúp Việt Nam phát triển kinh tế và công nghệ cao, đặc biệt là xây dựng chuỗi cung ứng về sản xuất chip. Nói cách khác, qua sự nâng cấp này, Hoa Kỳ sẽ giúp VN rất nhiều cơ hội phát triển sâu rộng và đa dạng chưa bao giờ có về công nghệ điện tử, chất bán dẫn, năng lượng xanh.

Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam vì vị trí địa chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á có một tầm quan trọng trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm đối phó tham vọng to lớn và hành động ngày càng tỏ ra hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

Những quan hệ mới này, buộc CSVN phải có những ứng xử khác với chính sách “4 không” trước đây để tích cực hơn trong việc hợp tác với Hoa Kỳ thì mới có thể nhận được những hợp tác về kinh tế và công nghệ cao từ các doanh nhân, doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Trước mắt, do sự lệ thuộc quá nhiều và quá lâu vào Nga và Trung Quốc nên dù có muốn, CSVN cũng không thể một sớm một chiều hợp tác mạnh mẽ với Hoa Kỳ để phát triển, mà ít nhất trong giai đoạn này cố gắng duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc đang chi phối Việt Nam nặng nề.

Gần đúng ba tháng sau đón Tổng thống Biden, Tập Cận Bình đã đến Việt Nam trong hai ngày 12 và 13 tháng 12, và đã được CSVN đón tiếp bằng nghi thức trân trọng nhất, hơn hẳn cuộc đón tiếp ông Biden cho thấy là cán cân đối ngoại vẫn còn nghiêng về phía Trung Quốc!

10. Ông Lê Văn Mạnh Bị Nhà Cầm Quyền CSVN Tử Hình Oan Ức

Ngày 22 tháng 9, cả cộng đồng mạng chùng xuống khi nghe tin tử tù Lê Văn Mạnh đã bị xử tử hồi 7 giờ 00 cùng ngày, sau rất nhiều nỗ lực từ nhiều người, nhiều nơi, yêu cầu nhà cầm quyền CSVN xét lại vụ án oan sai này!

Theo lời kể của mẹ ông Mạnh là bà Nguyễn Thị Việt (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), thì ngày 21 tháng 3 năm 2005 bà sai con trai đi tìm em gái đang thả trâu ngoài đồng. Tối đó, có tin một bé gái trong xóm mất tích. Hai sự kiện này xảy ra trùng hợp dẫn đến việc anh Lê Văn Mạnh bị nghi là đã hiếp dâm rồi sát hại bé gái này khiến anh bị bắt.

Căn cứ vào lời khai ban đầu của anh Mạnh, Tòa án Nhân dân Thanh Hóa đã tuyên án anh Mạnh với tội danh “hiếp dâm” rồi “giết hại” cô bé Hoàng Thị Loan. Nhưng sau đó, liên tục trong 7 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, anh Mạnh đều cho rằng mình đã bị cơ quan điều tra dùng nhục hình để ép cung, anh buộc phải nhận tội lúc đó để thoát chết.

Sự kêu oan bền bỉ trong 18 năm liền của chính anh Mạnh, của cha mẹ và gia đình anh đã làm xúc động cộng đồng mạng và cả các tổ chức nhân quyền Tây Phương, họ đã cùng lên tiếng đòi xét xử lại bản án, ngừng thi hành án, kể cả xin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ân xá cho anh Mạnh trong những ngày cuối, nhưng tất cả chỉ nhận lại sự im lặng lạnh lùng! Điều nhẫn tâm nhất là cha mẹ anh Mạnh không được nhìn mặt con lần cuối, mà chỉ nhận thông báo 1 ngày sau đó khi bản án tử hình đã được thi hành!

Bất chấp sự can thiệp của phái đoàn Liên minh Châu Âu, của Bộ Ngoại giao Canada, Na Uy, Anh Quốc, nhà cầm quyền CSVN vẫn tiến hành vụ xử tử anh Lê Văn Mạnh, coi thường các mối bang giao quốc tế. CSVN bất chấp cả đề nghị của một nhóm luật sư ở Hà Nội xin đình chỉ việc thi hành án để xem xét lại vì họ cho là có “sai sót” và “vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng,” kể cả việc gài bằng chứng để vu khống tội cho ông Mạnh.

Việc thi hành án một tử tù đang trong quá trình kêu oan là một sự vi phạm Quyền Con Người trầm trọng! Việt Nam muốn được hội nhập vào cộng đồng quốc tế văn minh nhưng hành xử như kẻ độc tài tàn bạo thì khó mà được quốc tế nể trọng và người dân tin tưởng.

Anh Lê Văn Mạnh ra đi đã tạo một cái sốc nặng trên cộng đồng mạng, một nỗi đau xót quá lớn cho cha mẹ anh và một vết nhơ cho lịch sử của cái gọi là “tòa án của nhân dân!”

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.

Sau Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ trong hàng "tứ trụ" đã "xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.” Ảnh: Nhac Nguyên/ AFP

Còn ai liêm khiết?

Hiện trạng chính trị tại Việt Nam là sự thối rữa từ các cấp. Lũng đoạn và thao túng chính trị luôn hiện diện, bất chấp pháp luật. Các thế lực ngầm tồn tại như loạn Sứ quân. Họ hùng cứ một cõi, cho đàn em tung hoành và quấy nhiễu!

Thông tin bị nhiễu loạn. Đấu đá nội bộ nhằm tranh giành ảnh hưởng trong bộ máy cầm quyền nên mới có chuyện các lãnh đạo chủ chốt trước khi bị trảm nhưng thông tin đã rò rỉ, ngập tràn mạng xã hội, từ trong và ngoài nước.

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 22 – 28/4/2024

Nội dung:

– Tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương tại thành phố Hamburg, Bắc Đức;
– Kêu gọi tham gia biểu tình và văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR tại Genève, Thụy Sĩ;
– Mời tham dự và đón nghe: i) Hội luận “49 năm sau biến cố 30/4/1975 – Tại sao hòa giải với Mỹ mà không với Dân tộc?;” ii) Chương trình văn nghệ gây quỹ Hát Cho Đồng Bào Tôi với chủ đề “Tháng Tư thắp nén hương trầm;” iii) Hội luận “UPR – Tường trình đến quốc tế việc nhà nước CSVN đàn áp tôn giáo;”
– Quan điểm của Việt Tân về tình hình đất nước trước những biến động chính trị trong nội bộ đảng CSVN.