Bangladesh: Người được giải Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus điều hành chính phủ lâm thời

Thu Hằng - RFI

Người dân hô vang khẩu hiệu khi tham gia cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Sheikh Hasina và chính phủ của bà, đòi Hasina từ chức và công lý cho các nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc đụng độ chết người trên toàn quốc gần đây, tại Dhaka, Bangladesh, ngày 5/8/2024. Ảnh: AP/ Rajib Dhar

Ngày 7/8/2024, phủ tổng thống Bangladesh thông báo ông Muhammad Yunus, người được giải Nobel Hòa Bình năm 2006, được giao thành lập chính phủ lâm thời sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina phải trốn sang Ấn Độ và từ chức, Quốc hội bị giải tán. Theo thông cáo, “tổng thống đã đề nghị người dân giúp ông vượt qua khỏi khủng hoảng. Việc khẩn trương thành lập một chính phủ lâm thời là điều cần thiết để vượt qua khủng hoảng.”

Thông tín viên RFI Côme Bastin tường trình từ Bangalore [miền Nam Ấn Độ]:

“Là biểu tượng của giới trẻ, ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, có khuôn mặt ngời sáng, là nhân vật có khả năng tập hợp mà Bangladesh cùng với 175 triệu dân cần đến sau khi triều đại Sheikh Hasina kết thúc trong đẫm máu và bà phải trốn sang Ấn Độ hôm thứ Hai (5/7).

Người được trao Giải Nobel Hòa Bình [năm 2006] đã đưa hàng triệu người dân Bangladesh khỏi nghèo khó nhờ vào chương trình phát triển tài chính vi mô [microcredit]. Ông cũng chỉ trích chế độ của Thủ tướng Sheikh Hasina nên bị nhiều lần bị kiện tụng. Là chuyên gia, nhà hoạt động nhân đạo, đối lập với chính phủ nhưng không thuộc chính đảng nào, ông Muhammad Yunus đã nhanh chóng nhận được đồng thuận. Dù ông luôn tránh xa chính trị nhưng ông đồng ý hành động ‘vì Bangladesh.’

Lựa chọn đã được đưa ra sau một cuộc họp với tổng thống, người vẫn tại vị, cùng với nhiều sĩ quan và phong trào sinh viên chính. Mục tiêu là thoát khỏi cuộc khủng hoảng sớm nhất có thể. Tương tự với thủ tướng tạm quyền, tất cả thành viên tương lai trong chính phủ sẽ xuất thân từ xã hội dân sự để tránh khơi dậy những chia rẽ vẫn còn dữ dội giữa những người trung thành với bà Sheikh Hasina và phe đối lập. Rất nhiều gương mặt của phe đối lập đã được trả tự do vào thứ Tư này (7/8).”

Thành công của phong trào sinh viên và đường phố là do quân đội Bangladesh không ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina. Theo AFP, nhiều sĩ quan cấp cao đã bị luân chuyển, một số được cho là thân cận với cựu thủ tướng đã bị giáng chức. Trong thông cáo ngày 6/8, công đoàn lớn nhất của cảnh sát Bangladesh đã “xin lỗi” vì nổ súng vào sinh viên. Tổng thống Shahabuddin đã cách chức lãnh đạo cảnh sát quốc gia.

Ngày 7/8, chính quyền Pakistan tuyên bố “đoàn kết với người dân Bangladesh,” hy vọng “tình hình trở lại bình thường” và “tương lai hài hòa” với nước láng giềng, được tách khỏi Pakistan vào năm 1971. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố chính phủ lâm thời Bangladesh phải “tôn trọng nguyên tắc dân chủ, nhà nước pháp quyền và phản ánh được nguyện vọng của người dân.”

Thu Hằng

Nguồn: RFI