Biểu tình bạo lực ở Hong Kong: Bước leo thang nguy hiểm?

Những người biểu tình tìm cách xông vào tòa nhà Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong hôm 1 tháng Bảy, 2019. Ảnh: AP
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Bạo loạn đã xảy ra trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 1 tháng Bảy đánh dấu một bước leo thang mà nhiều nhà quan sát cho là ‘nguy hiểm’ và sẽ tạo cái cớ cho chính quyền Hong Kong với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, nội bộ những người biểu tình cũng có sự chia rẽ đối với hành động bạo lực này: nhiều người phản đối mạnh mẽ nhưng cũng có người bày tỏ cảm thông.

Hôm 1 tháng Bảy, nhân kỷ niệm 22 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hong Kong từ Anh về cho Trung Quốc, khoảng 550.000 người (theo số liệu của các hãng thông tấn quốc tế) xuống đường tuần hành để tiếp tục gây sức ép lên chính quyền về dự luật dẫn độ.

Trong khi cuộc tuần hành chính diễn ra ôn hòa thì một số người biểu tình ngay từ buổi sáng hôm đó đã tấn công vào tòa nhà Hội Đồng Lập Pháp (LegCo). Họ dùng các thanh sắt và xe đẩy tông vào cửa kính tòa nhà. Họ vào được bên trong, chiếm giữ hội trường chính trong một thời gian ngắn sau nhiều giờ đối đầu căng thẳng với cảnh sát bên ngoài LegCo.

Những người biểu tình này, phần lớn che mặt, đã phá hoại bên trong tòa nhà. Họ phun sơn vẽ những câu chống chính phủ lên tường và tung ra lá cờ của Hong Kong từ hồi còn là thuộc địa Anh trong hội trường chính. Đến nửa đêm thì họ rời đi khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay giải tán những con đường xung quanh.

‘Chỉ là thiểu số’

Trao đổi với VOA, nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt, người vừa trở về Mỹ sau khi tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1 tháng Bảy ở Hong Kong, nói rằng những người có hành động bạo lực đó ‘chỉ là thiểu số’ trong cuộc biểu tình ‘có nhiều nhóm tham dự’.

“Một số người hoàn toàn chống lại hành vi bạo lực đó,” ông Thái nói và cho biết nội bộ người biểu tình còn có giả thiết là những người tấn công LegCo ‘là người do Hoa Lục đưa qua trà trộn vào để làm hoen ố cuộc biểu tình hết sức ôn hòa’.

“Tôi chưa từng thấy cuộc biểu tình nào đông đảo mà mọi người lại giữ được kỷ luật như thế,” ông nhận định.

Tuy nhiên, ông cho biết có một người quản lý khách sạn mà ông hỏi chuyện nói là ‘đồng ý với hành động bạo lực đó vì đó là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay’.

“Tôi hỏi ông ấy nếu xảy ra đổ máu thì sao thì ông ấy nói là ‘Cái gì cũng có cái giá của nó’,” ông Thái kể.

“Dân chúng Hong Kong mà tôi hỏi chuyện thì họ có vẻ không vui lắm (với hành động bạo lực). Các nhóm luật sư và sinh viên thì nói ‘Dĩ nhiên không nên xảy ra chuyện như thế nhưng nếu tiếp tục thì không còn con đường nào khác hơn cả’,” ông cho biết.

Ông nhận định rằng nếu như vào đêm 1 tháng Bảy, bạo loạn ở Hội Đồng Lập Pháp diễn ra càng mạnh hơn thì ‘nhiều khả năng nhà cầm quyền Hong Kong sẽ dùng vũ lực để trấn áp’.

Khi được hỏi người biểu tình có mệt mỏi và có dấu hiệu chùn bước hay không khi phong trào đã kéo dài mà nhiều yêu sách của họ vẫn chưa được chính quyền chấp nhận, ông Thái cho biết là nhiều sinh viên Hong Kong mà ông gặp đều nói sẽ ‘chiến đấu đến cùng’.

Bị lên án

Hành động bạo lực tại LegCo ngay lập tức vấp phải sự lên án từ chính quyền Hong Kong, Bắc Kinh, các hội đoàn tại Hong Kong và ngay cả từ phía Mỹ.

Trong một cuộc họp báo hôm 2 tháng Bảy, Đặc Khu Trưởng Hong Kong Carrie Lam cam kết sẽ ‘buộc những người có hành vi bất hợp pháp và vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm’.

Chủ Tịch Hội Đồng Lập Pháp Andrew Leung cho biết cơ quan lập pháp sẽ đóng cửa ít nhất hai tuần.

“Là một thành phố văn minh, Hong Kong sẽ không dung thứ bạo lực chống lại pháp trị,” ông Leung nói với các báo giới, “Cho dù ý kiến có là gì đi nữa, không ai nên dùng đến bạo lực để mọi người biết đến quan điểm của mình.”

Các nhà lập pháp ủng hộ chính quyền đã hòa giọng lên án hành động tấn công này, đồng thời chỉ trích những người có thiện cảm với những kẻ tấn công.

“Việc đột nhập, phá hoại tại LegCo đã được nhiều người chứng kiến rõ ràng. Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ nhất và kêu gọi cảnh sát truy trách nhiệm đến cùng,” lãnh đạo nhóm nghị sỹ ủng hộ chính quyền Martin Liao được Reuters dẫn lời nói.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động và các học giả nói rằng hành động tấn công bạo lực và phá hoại trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong là ‘khó mà biện hộ’.

“Chúng tôi có thể hiểu tại sao nó bùng nổ, mặc dù chúng tôi hy vọng rằng có cách làm tốt hơn để chuyển sự phẫn nộ đó thành một chiến lược khác,” ông Lee Cheuk-Yan, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Công Đoàn Hồng Kông, và một người ủng hộ trung thành của phong trào biểu tình, được tờ Wall Street Journal dẫn lời, “Chúng tôi đã hy vọng rằng họ không đi đến mức đó, bởi vì chúng tôi biết có một cái bẫy ở phía trước họ.”

Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bác bỏ bạo lực thẳng thừng. Phòng Thương Mại Mỹ tại Hong Kong trong một thông cáo hôm 2 tháng Bảy nói rằnghọ ủng hộ quyền bày tỏ một cách ôn hòa, nhưng không thể dung dưỡng cho hành động bạo lực của người biểu tình.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo có lập trường dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bình luận rằng những người biểu tình đã hành động xuất phát từ ‘sự kiêu ngạo mù quáng’ và ‘cơn thịnh nộ’ và tỏ ra ‘hoàn toàn coi thường luật pháp và trật tự’.

Cần thông cảm?

Tuy nhiên, một số người cũng nói rằng sự bất mãn đã khiến hàng ngàn người biểu tình trong trang phục đen tiến đến hành động vô luật pháp.

“Tôi hy vọng mọi người có thể thông cảm nhiều hơn. Hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền đã phớt lờ họ,” anh Joshua Wong, nhà lãnh đạo Phong Trào Cách Mạng Dù năm năm trước vừa được ra tù, nói với Wall Street Journal.

“Các nhà hoạt động Hong Kong cảm thấy không có cách nào để thúc đẩy chính nghĩa của họ mà không có sự hy sinh cá nhân nào,” anh Wong nói với ý nhắc đến án tù dành cho những hành động bạo loạn. “Sự bất mãn như thế không chỉ xuất phát từ sự không khoan nhượng của chính quyền đối với các yêu cầu của người biểu tình, mà còn là từ sự thất vọng sâu xa hơn hơn đối với sự phân cách giàu nghèo Hong Kong.”

Wong cũng nhấn mạnh rằng hành động tấn công vào tòa nhà lập pháp cũng diễn ra đồng thời với 500.000 người biểu tình khác đang tuần hành ôn hòa gần đó. Anh nói điều đó cho thấy ‘sự đa dạng’ của phong trào.

“Chúng tôi không tán thành phá hoại, chúng tôi không dung túng cho bạo lực”, nhà lập pháp Claudia Mo thuộc phe ủng hộ dân chủ nói với Reuters. “Nhưng chúng tôi hy vọng thế giới sẽ hiểu được sự tuyệt vọng của giới trẻ ở Hong Kong.”

Tạo cớ trấn áp?

Ông Kenneth Ka-Lok Chan, phó giáo sư Đại Học Baptist Hong Kong và từng là nghị sỹ Đảng Công Dân Ủng Hộ Dân Chủ, cho rằng Bắc Kinh sẽ hậu thuẫn Hong Kong tăng cường đàn áp hơn nữa.

“Họ phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng cảnh sát để khôi phục luật pháp và trật tự, vì vậy cảnh sát sẽ được tiếp sức hơn nữa về mặt quyết liệt trấn áp người biểu tình,” ông Chan được Reuters dẫn lời nói.

“Hành động này sẽ khiến Bắc Kinh rất, rất quan ngại,” ông Steve Tsang, Giám Đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại Học London SOAS, nhận định với Washington Post. “Bắc Kinh sẽ bắt đầu một quá trình tại để suy nghĩ họ sẽ phải làm gì nếu chính phủ Hong Kong không thể xử lý [những cuộc biểu tình này]?”

“Khi Hong Kong có chuyện, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và có bạo lực trên đường phố, nỗi sợ của chúng tôi là nếu cảnh sát không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở đây, có nguy cơ từ xa rằng [quân đội Trung Quốc] sẽ can dự,” ông Ronny Tong, thành viên của nội các Hong Kong và là cố vấn pháp lý cho bà Lam, nói. “Nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của mô hình ‘một nước, hai chế độ”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, văn phòng liên lạc của Trung Quốc về Hong Kong và Ma Cau, đã lên án vụ tấn công vào cơ quan lập pháp là ‘hành động của những kẻ cực đoan’ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘trừng trị hình sự đối với những kẻ phạm tội’.

“Đây giống như là một chỉ thị,” ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, được Washington Post dẫn lời nhận định về tuyên bố này. Theo đó thì bà Lam được chỉ thị phải có hành động nghiêm khắc.

Cường độ chưa từng có của hành động lần này cũng sẽ đem đến cho Bắc Kinh ‘một lý do để mạnh tay hơn và trấn áp nặng nề hơn’ sự phản kháng ở Hong Kong, ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Mathew Wong, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại Học Giáo Dục Hong Kong, dự đoán rằng Bắc Kinh có thể để cho cuộc biểu tình tự tan.

Nguồn: VOA

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh minh họa: VNTB

Đừng vội mừng khi Chính phủ lại tăng lương dồn dập

Tăng lương cơ bản chỉ dành cho công nhân viên nhà nước và sẽ đem đến niềm vui cho một nửa đồng bào cả nước nhưng cũng [sẽ] làm cho một nửa đồng bào cả nước trong khu vực tư nhân và lao động tự do méo mặt. Lương tăng nhưng lạm phát cũng sẽ không đứng im hay chỉ trong tầm mục tiêu.

Vietnam Airline "cân nhắc" việc mua máy bay C919 Trung Quốc. Ảnh chụp trang nguoiquansat.vn

Tính mạng người dân Việt Nam không phải thứ để đem ra gỡ khó cho Vietnam Airlines

Theo thông tin từ nguoiquansat.vn đưa tin, do thiếu máy bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc. Cụ thể ở đây là máy bay thân hẹp 919 mà Trung Quốc vừa ra mắt.

Theo tôi được biết, hiện C919 của Trung Quốc chưa được EU và Mỹ cũng như các quốc gia phát triển cấp phép bay và cấp chứng nhận an toàn hàng không. Theo các chuyên gia, có thể mất ít nhất vài năm nữa. Vậy nếu Vietnam Airlines mua thì chỉ bay nội địa sao? Và liệu tính mạng của người dân Việt Nam có được đảm bảo an toàn, hay chỉ đáng giá giải quyết khó khăn cho Vietnam Airlines.

Tình trạng đáng báo động, cán bộ nhà nước ngày càng giàu có, sống xa hoa bất thường so với mức lương nhận lãnh. Ảnh minh họa: FB Manh Dang

Có cần quan tâm đến thời cuộc hay không?

– Nếu bạn vẫn ung dung trả 100.000 đồng để mua xăng dù vẫn biết trong đấy chỉ có 45.000 đồng là giá xăng, nhưng có đến 55.000 đồng là thuế phí các loại, chưa kể đến yếu tố chúng ta là một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa,

– Nếu bạn chấp nhận như lẽ đương nhiên khi con cái bạn rời ghế nhà trường mà không thể kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng không thích ứng được với công việc vì sự đào tạo kém cỏi của hệ thống giáo dục,

-…

Ảnh minh họa: Foreign Affairs

Những bài học lịch sử về Nga của Tập Cận Bình

Là con trai của một người có liên quan nhiều đến quan hệ giữa đất nước mình với Moscow, Tập Cận Bình hiểu rõ lịch sử. Lịch sử đã dạy cho ông bài học về những nguy hiểm của việc vội vàng liên kết lẫn việc thù địch toàn diện. Giờ đây, Tập muốn được hưởng lợi từ chiếc bánh – tiến đủ gần đến Nga để gây rắc rối cho phương Tây, nhưng không quá gần đến mức buộc Trung Quốc phải phân tách hoàn toàn.