Các đập nước tại Vân Nam và tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
GIF - 9.1 kb

Vào đầu tháng 4/2004, báo chí Thái Lan loan báo chưa bao giờ mực nước sông MêKong xuống thấp đến như vậy và biểu lộ ưu tư về ảnh hưởng do các đập thủy điện của Trung Quốc xây cất trên cao nguyên Vân Nam. Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng này và những dư luận tương tự được nêu lên, việc xây cất các đập Thủy Điện bởi Trung Quốc vẫn được coi là mối đe dọa cho các quốc gia hạ nguồn (Miến Điện, Lào, Thái, Cambot và Việt Nam) và gần như một sự xâm phạm chủ quyền của các quốc gia này.

Nhận xét về mối nguy cơ từ các đập thủy điện do Trung Quốc xây cất tại thượng nguồn sông Mêkong qua nhãn quan của một người Việt Nam (cho độc giả VN) là một vấn đề khó khăn vì chính sách lấn chiếm của Trung Quốc đối với nước ta trong suốt chiều dài lịch sử và ngay tới hiện nay đã khiến cho tác giả hay độc giả đều khó có thể khách quan, một sự bất đồng rất dễ bị cho là vì “chạy theo” hay vì “chống” Trung Quốc. Nhưng xét cho cùng, người ta chỉ có thể có một lựa chọn chính trị từ những thực tế khoa học, không thể nào giải thích khoa học theo quan điểm chính trị. Vì vậy, tôi xin có vài nhận xét về vấn đề này và cố gắng giữ một thái độ thuần túy khoa học, không vì yêu hay ghét, bạn hay thù.

Viết về ảnh hưởng của mười mấy con đập vĩ đại lên một đồng bằng cách đó gần 3000 Km thường phải là việc làm của một số nhà chuyên môn trong một thời gian dài… Tuy nhiên một cá nhân vẫn có thể dùng vốn hiểu biết của mình, tự học hỏi để nắm vững phần nào vấn đề và gạt bỏ một số “nhận thức” hoàn toàn vì cảm tính. Việc tìm hiểu về ảnh hưởng của các con đập xây trên thượng nguồn Mêkong tại Trung Quốc lên tương lai Đồng Bằng Cửu Long đã được thực hiện trong tinh thần này.

Để độc giả dễ theo dõi, xin trình bầy vấn đề thành một số câu hỏi đáp.

Thứ Nhất: Trong việc xây cất các đập thủy điện tại thượng nguồn sông Mêkong, Trung Quốc có xâm phạm chủ quyền các quốc gia hạ nguồn và cần sự thỏa thuận của các quốc gia này hay không?

Theo tôi nghĩ thì không. Không có lý do gì Trung Quốc lại không có quyền sử dụng gần 2,000 Km sông chẩy trong lãnh thổ của họ. Các quốc gia hạ nguồn chỉ có quyền, trong một giới hạn nào đó, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng một số quyền lợi của họ trong việc thực hiện các đập thủy điện tại thượng nguồn của dòng sông. Thông thường, các yêu cầu mà các quốc gia hạ nguồn có quyền đòi hỏi là việc xây cất đập tại thượng nguồn và quản trị dòng nước là phải tôn trọng nguyên tắc bảo vệ môi sinh, giới hạn ô nhiễm và tôn trọng an toàn cho cư dân tại hạ nguồn.Vì thiết tha với quyền lợi dân tộc và trong hoàn cảnh một quốc gia hạ nguồn, nhiều tác giả Việt Nam có xu hướng dựa vào tính chất “quốc tế ” của dòng Mêkong để đòi hỏi mọi quốc gia (đương nhiên là thượng nguồn) không được quyền đắp các con đập chắn ngang dòng sông cho quyền lợi của họ, không giúp ích gì cho ta mà chỉ tạo những hậu quả bất lợi… Nhưng thực tế cho thấy, khi một con sông chẩy qua nhiều quốc gia, sẽ khó có thể có cách khai thác mang lại lợi ích công bằng cho mọi phía. Không riêng gì trường hợp sông Mêkong, ngay như con sông Danube cũng đã và đang là mối tranh chấp từ nhiều thập kỷ giừa Hungary và Slovakia, có khi tưởng như chiến tranh có thể bùng nổ, phải nhờ tới Liên Hiệp Quốc can thiệp, đến nỗi Dòng Sông Xanh Lơ, Dòng Trường Giang Nên Thơ này còn một cái tên khác, đó là “Dòng Sông Cháy Bỏng” (“The Danube is Burning”) [1].

Trong một tài liệu nghiên cứu về khía cạnh công pháp quốc tế của cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Chung vào tháng 5/1999 [2], ông đã có những nỗ lực để biện minh rằng Trung Quốc phải bị ràng buộc bởi Quy Ước 1997 của LHQ về việc khai thác các dòng sông chẩy qua nhiều quốc gia. Tuy nhiên, căn cứ trên các Điều Khoản 12, 13, 14, 15, 17, 18 đã được Nguyễn Văn Chung viện dẫn từ Quy Ước này, thì không một Điều Khoản nào có tác dụng ngăn cấm Trung Quốc thực hiện 14 con đập trên sông Mêkong trong phần lãnh thổ của họ.

Còn một yếu tố khác, thường được đặt ra trong việc xây cất đập trên một dòng sông quốc tế là việc phân phối nước cho các quốc gia ven sông và hạ nguồn. Dự án thực hiện 14 con đập bởi Trung Quốc tại thượng nguồn dòng Mêkong đã là chủ đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” của nhà văn Ngô Thế Vinh… Tuy nhiên, căn cứ trên điều kiện địa dư vùng Đông Nam Á, trong vị trí của Đồng Bằng Cửu Long, chúng ta có cái may mắn là chuyện này không là vấn đề nan giải ! Không có nguy cơ Trung Quốc sẽ chiếm đoạt toàn bộ nước sông cho riêng họ, để “Cửu Long Cạn Dòng” tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Thứ Hai: Không có nguy cơ “Cửu Long Cạn Dòng” tại Đồng Bằng Sông Cửu Long vì các đập nước tại Cao Nguyên Vân Nam.

Khi đề cập tới 14 con đập tại thượng nguồn sông Mêkong, chúng ta không khỏi liên tưởng tới con sông Colorado hùng vĩ của Bắc Mỹ vào thế kỷ trước đây. Thế mà chỉ trong vài chục năm vì các đập nước xây cất tại Hoa Kỳ, con sông đó đã tan biến vào các nông trại và thành phố tại Arizona, New Mexico và vùng Orange County… Chỉ còn 10% chẩy qua Mễ Tây Cơ và không một giọt nước nào ra được tới “cửa sông” tại Vịnh California,Thái Bình Dương ! [3] May mắn là đất nước chúng ta có cơ duyên ở vào vùng Châu Á Gió Mùa nên chỉ một phần nhỏ nước sông Mêkong chẩy vào địa phận Đồng Bằng Cửu Long là đến từ Vân Nam bên Tầu. Theo vũ độ của bán đảo Đông Dương thì vào các tháng nước lớn, sông Mêkong được hợp thành bởi [4]:

Nguồn cung cấp nước cho sông Mekong Số lượng (%)
Tuyết tan ở Tây Tạng 15
Mưa ở Thượng Lào 15-20
Mưa ở Hạ Lào 40-45
Mưa ở Cam Bốt 10
Mưa ở đồng bằng sông Cửu Long 10

Vào đầu tháng 4/2004, khi thấy báo chí Thái Lan báo động mực nước sông Mêkong xuống rất thấp tại vùng Bắc Thái, dư luận nói chung lầm tưởng là nếu Sông cạn tại Bắc Thái thì nguyên cả con sông đương nhiên bị cạn theo, mặc nhiên coi như toàn bộ nước sông đến từ bên Tầu. Điều này không đúng vì theo sự đo đạc từ nhiều thập niên trước, lưu lượng của Mêkong tại Bắc Thái và khi chẩy vào nước ta tại Châu Đốc không ăn nhịp với nhau. Ngay cả vào năm 1993, khi mực nước được ghi nhận rất cạn tại Bắc Thái, lưu lượng của Mêkong vẫn bình thường tại Châu Đốc. Ngược lại, vào năm 1997 khi mực nước tại Châu Đốc được ghi nhận là cạn nhất (từ năm 1881) thì tại Bắc Thái, dòng chẩy của Mêkong vẫn như các năm trước [5].

Ngay khi chưa có những đập nước bên Trung Quốc, tháng 4 cũng là thời điểm nước sông cạn nhất. 3/4 khối lượng nước của Sông Mêkong chẩy ra biển là trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 10. Vả lại nếu mực nước sông tại Bắc Thái bị cạn thì trách nhiệm cũng không hoàn toàn về phía Trung Quốc, vì phần quan trọng điện năng sản xuất bởi đập Jinhong tại Trung Quốc đã được xuất cảng qua tiêu thụ tại Thái Lan.

Một chi tiết khác cũng cần lưu ý là trong việc thực hiện đập thủy điện, quốc gia sở tại thường giữ lại một phần nước cho nhu cầu canh nông, tuy nhiên vì lưu lượng tại thượng nguồn sông Mêkong tương đối nhỏ, tiềm năng thủy điện to lớn là do mức đổ dốc tại Cao Nguyên Vân Nam. Với 14 con đập dự trù, lượng nước giữ lại cho nhu cầu canh nông tại Vân Nam sẽ rất giới hạn, nên nếu có ảnh hưởng trên lưu lượng của dòng sông thì sẽ chỉ thấy ở vùng Bắc Thái mà thôi.

Cũng cần lưu ý là 14 con đập, 14 hồ nước tại Trung Quốc có vị trí nối tiếp nhau trên dòng sông, Trung Quốc sẽ không thể tùy tiện dùng nước từ một hồ chứa này để dẫn ra tưới ruộng, vì sẽ không còn nước để chạy các máy phát điện tại các đập nước kế tiếp.

Nói về ảnh hưởng trên tương lai của Đồng Bằng Cửu Long về phương diện lũ lụt hay nhiễm mặn thì ngoài 14 con đập của Trung Quốc, còn phải kể tới các công trình thủy điện tại Lào, Thái, Cambôt và hệ thống kinh rạch tại chính vùng Đồng Bằng này. 14 con đập của Trung Quốc mới chỉ là một trong số nhiều tác nhân. Về môi trường sinh thái, đặc biệt là việc sinh sản các giống cá, việc nghiên cứu trong quá khứ còn sơ sài để ấn định mức độ quan trọng của khúc sông Mêkong trong lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy việc xây cất những đập thủy điện tại đây tuy chắc chắn là có hại, nhưng chưa xác quyết được tầm mức của sự thiệt hại này.

Tới đây, xin trở lại một vấn đề liên hệ tới các con đập tại Trung Quốc, đó là về khía cạnh quân sự…


Thứ Ba: Mười bốn con đập của Trung Quốc có thể là vũ khí chiến lược đe dọa Việt Nam hay không?

Thông thường, một hồ nước lớn ngăn sau một con đập ở trên cao vẫn là hình ảnh đe dọa người dân sống dưới thung lũng. Sự đe dọa này đã được nhà độc tài Kim Chính Nhật dùng để nhắc nhở dân chúng Nam Triều Tiên là hắn có thể phá vỡ đập nước ở Bắc Hàn để tạo cơn Đại Hồng Thủy tiêu diệt hàng triệu người dân thành phố Seoul. Từ câu chuyện này, nhiều người Việt Nam đã coi những con đập của Trung Quốc như những trái bom môi sinh có khả năng gây hạn hán hay những trận lụt ghê gớm cho các quốc gia hạ nguồn.

Như đã trình bầy ở trên, các con đập tại Vân Nam dứt khoát là không gây được hạn hán, mà cũng chẳng có khả năng tạo nên Đại Hồng Thủy tại Đồng Bằng Cửu Long của chúng ta.

Thứ nhất, chúng ta cần lưu ý là 14 con đập của Trung Quốc không phải nằm trên các phụ lưu mở vào phần sông Mêkong dẫn tới hạ nguồn, 14 con đập này “nối đuôi” nhau dọc chiều dài con sông trong lãnh thổ Trung Quốc. Theo thứ tự từ Cao Nguyên Tây Tạng tới biên giới Trung Quốc & Miến Điện, 14 con đập đó, một khi xây cất xong sẽ gồm có:

- 1/ Liutongsiang,
- 2/ Jiabi,
- 3/ Wunenglong,
- 4/ Tuoba,
- 5/ Huangdeng,
- 6/ Tiemenkan,
- 7/ Guongguoqiao (750 MW),
- 8/ Xiaowan (4,200 MW) khởi công 2001,
- 9/ Manwan (1,500 MW) hoàn tất 1993,
- 10/ Daichaoshan (1,350 MW),
- 11/ Nuozhado (5,500 MW),
- 12/ Jinhong (1,500MW),
- 13/ Ganlanba (150 MW),
- 14/ Mengsong (600 MW).

Từ số 1 tới số 6 là những con đập nhỏ. Từ số 7 tới số 14 là những đập lớn hơn, đã hoàn tất gần nửa (năng xuất của mỗi đập thể hiện phần nào độ lớn của hồ chứa nước và của chính con đập). Nếu gọi là “bom sinh hoá” thì may ra chỉ có đập Mengsong, là nơi dòng sông sắp rời đất Trung Hoa, có thể đóng được vai trò này. Còn đối với các hồ nước từ số 13 trở lên thượng nguồn, chúng đã bị chính các con đập Mengsong, Jinhong và Nuozhado hóa giải…

Thứ nhì, không rõ dung tích hồ nước Mengson là bao nhiêu, nhưng nếu khối nước này phải tràn qua 3,000 Km dọc theo con sông, thì sau khi tạo ra cảnh lụt lội tại vài trăm cây số vùng Miến Điện và Bắc Thái, sẽ còn bao nhiêu nước để vượt qua hơn 2,000 Km tới nhánh sông TonleSap dẫn vào Biển Hồ, rồi sau đó tràn tiếp tới Châu Đốc ! Tác dụng chắc không hơn gì một vài cơn mưa tại Thượng Lào và Hạ Lào !

(Lấy vài con số để so sánh. Dung tích hồ chứa của đập nước Manwan là 920 Triệu m3, mang trải đều trên diện tích 456,000 Km2 vùng Thái Lào thì chỉ được một lớp nước dầy cỡ… 2 mm. Trong khi đó vũ độ trung bình của vùng này là 1,000 mm một năm. Xem ra thì hồ nước lớn nhất hiện nay của hệ thống đập Vân Nam chỉ có dung lượng bằng một cơn mưa nhỏ tại vùng trung lưu sông Mêkong.)

Thứ Tư: Nếu 14 con đập của Trung Quốc không có khả năng làm cho chúng ta bị hạn hán hay lụt lội thì cái gì đang đe dọa chúng ta?

Câu trả lời là: Biển Hồ.

Biển Hồ là “bửu bối” chống lụt và “nồi lẩu cá” Trời cho của Đồng Bằng Cửu Long.

Tới mùa nước lớn, nước sông Mêkong chẩy vào Biển Hồ qua dòng Tonlesap, vì vậy mà mức nước không dâng cao quá nhanh, tạo nên cảnh lụt lội tại Đồng Bằng này. Vào mùa nước kiệt, nước ngọt trong Biển Hồ sẽ chẩy ngược trở lại, cũng qua dòng Tonlesap, vào sông Mêkong, giúp cho mực nước không xuống quá thấp và ngăn cản nước mặn ngoài biển tràn vào Đồng Bằng Cửu Long.

Ngoài vai trò điều hòa dòng chẩy của sông Mêkong, Biển Hồ cũng còn là nơi cá sinh sản và đổ về Đồng Bằng Củu Long vào mùa nước kiệt mỗi năm, đồng thời cũng là nguồn cung cấp 70% protein cho dân Cambôt [6]…

Gần đây, vì nạn phá rừng bừa bãi tại Cambot nhiều khối đất vĩ đại từ các cao nguyên xung quanh đã truồi xuống Biển Hồ, khiến hồ nước thiên nhiên này ngày càng nông và hẹp lại ! Khi dung tích Biển Hồ nhỏ lại, khả năng điều hoà dòng chẩy của sông Mêkong sẽ giảm đi, và đó sẽ là nguyên nhân những trận lụt đột ngột và kéo dài tại Đồng Bằng Cửu Long trong mùa nước lớn.

Đến mùa nước kiệt, với dung tích Biển Hồ giảm sút, khối nước ngọt đổ vào dòng Tonlesap sẽ không còn như xưa, dẫn tới hiện tượng nhiễm mặn vì đồng bằng bị nước biển tràn vào.

Những năm gần đây, nạn lụt và nhiễm mặn tại Đồng Bằng Cửu Long đã thành thường xuyên và trầm trọng hơn trước, nguy cơ từ Biển Hồ đã trở thành hiện thực. Nhưng nguy cơ đó to lớn đến mức độ nào? Xin thưa: Trong diễn trình về biến đổi địa chất, chưa bao giờ đất nước ta lại bị một nguy cơ to lớn và tới nhanh đến như thế ! Độ sâu của Biển Hồ vào tháng Giêng năm 1979 trung bình là 4m -4.5m, tới tháng Giêng năm 1994 chỉ còn là 3m – 3.5m. Theo sự ước lượng vào năm 1993, mỗi năm có 1.5 Triệu m3 cây rừng bị khai thác, với đà này tới năm 2023 Biển Hồ sẽ không còn nữa ! [6].

(Theo con số thống kê của Ngân Hàng Thế Giới gần đây, khối lượng cây rừng bị đốn tại Cambôt vào năm 1997 không phải là 1.5 Triệu m3 mà là 4.3 Triệu m3, như vậy nguy cơ Biển Hồ bị lấp cạn sẽ còn sớm hơn là năm 2023 !!!).

Trong những thế kỷ qua, giữa hai dân tộc Cambôt và Việt Nam vẫn có sự mâu thuẫn, chúng ta cần biến mối đe dọa từ Biển Hồ thành mối lo chung của hai dân tộc láng giềng để hàn gắn bất hoà, cùng nhau nỗ lực “Cứu Biển Hồ để tự cứu”.

Chúng ta vừa xét về nguy cơ lụt lội và nhiễm mặn tại Đồng Bằng Cửu Long. Về nguy cơ ô nhiễm, những con đập bên Trung Quốc trên nguyên tắc cũng là mối đe dọa… Tuy nhiên, mặc dầu vào cuối năm 2003, đã có 3 đập lớn hoàn tất là các đập Manwan, Daichaoshan và JinHong và đập Xiaowan khởi công từ năm 2001, chúng tôi cũng không thấy chỉ dấu ô nhiễm trong nước sông Mêkong, căn cứ trên một mẫu nước lấy vào tháng 11/2003 tại Cần Thơ và phân chất tại một phòng thí nghiệm ở California. Chỉ căn cứ vào một mẫu nước để nhận định thì chắc chắn là không đủ, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý ở điểm: Một mẫu nước ô nhiễm không đủ để kết luận cả dòng sông ô nhiễm, nhưng ngược lại, nếu dòng sông đó đã bị nhiễm thì khó mà lấy được một mẫu nước sạch.

Trong khi đó ngay trên đất nước chúng ta, tình trạng ô nhiễm của sông Đồng Nai và nhiều dòng sông khác đã tới mức báo động.Báo Tuổi Trẻ (tháng 3/2004) đã ghi nhận về hiện trạng trên sông Đồng Nai qua đoạn ký sự như sau:

“Trong cái nắng nóng tháng ba, phóng viên tìm đến con suối Linh, một trong hai dòng suối chính chảy qua TP Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Tại cửa suối Linh (đối diện với cù lao Phố), nơi phóng viên cứ tưởng dòng nước rất trong lành và mát mắt, nhưng đó lại là dòng nước đen như nhựa đường.Dòng nước đen từ suối Linh cứ đổ ra sông Đồng Nai rộng lớn, tạo thành vùng nước đen ra đến gần giữa dòng sông. Cuốn theo dòng nước đen toàn là rác rến và chất thải: phân heo, phân người, bông băng vệ sinh, rau rác mục thối rữa, các chất thải của sản xuất công nghiệp… “

Ngoài nguy cơ ngập lụt tại Đồng Bằng Cửu Long do viễn tượng Biển Hồ bị lấp cạn, mối đe dọa ngập lụt to lớn khác đe dọa Việt Nam ngày nay không phải là những đập nước bên Tầu, mà chính là đập Sơn La, xây cất trên Sông Đà trong một vùng có hoạt động địa chấn cách đập Hoà Bình 50 Km về phía Bắc. Nếu đập Sơn La bị bể vì thiên tai hoặc do xây cất cẩu thả hay bị phá hoại, chỉ 2 giờ sau là nước đã tràn tới Hà Nội và mọi toà nhà dưới 5 tầng sẽ đều chìm dưới làn nước. [7]

Kết Luận: Từ nguồn tin nước sông Mêkong xuống thấp chưa từng thấy vào đầu tháng Tư vừa qua tại Thái Lan, chúng tôi đã có dịp đề cập với bạn đọc một số nguy cơ thường được coi là có liên hệ tới các đập nước do Trung Quốc xây tại thượng nguồn sông Mêkong. Những nguy cơ này mới nghe thì đầy tính chất đe dọa nhưng lại có rất ít triển vọng xẩy ra. Trong khi đó, những vấn nạn môi sinh từ Biển Hồ, Sông Đồng Nai, Sông Đà lại là những gì đang xẩy ra, kề cận với đời sống của người dân Việt Nam chúng ta.

Môi sinh là một khoa học phức tạp, nhưng hiểu biết về môi sinh để nắm vững một số căn bản và góp phần tạo một môi trường sống tốt đẹp quanh ta thì trong tầm tay của hầu hết mọi người.

Đó là lý do vào tháng 10/2003, một số anh em chúng tôi có lập ra một Nhóm Nghiên Cứu và Hành Động có tên là “Ủy Ban Môi Sinh Việt Nam”.

Môi trường liên lạc của Ủy Ban là Diễn Đàn Môi Sinh có địa chỉ www.moisinh.org, rất mong có dịp trao đổi thông tin và hợp tác với quý bạn.

Hoàng Cơ Định` Ủy Ban Môi Sinh Việt Nam` www.moisinh.org

[1] A tale of two dams., György Moldova, www.unesco.org/courier/2001

[2] Việt Nam và việc khai thác sông Cửu Long, Nguyễn Hữu Chung-Mekong Forum (8 tháng 5, 1999)

[3] Heavily used Colorado River gives last drops to Mexican farm fields (June 1997. US Water News Online).

[4] Điều kiện khí tượng – thủy văn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Lê Anh Tuấn, Giảng Viên Viện Đại Học Cần Thơ

[5] Hydrologic Impacts of China’s Upper Mekong Dams on the lower Mekong River. (Quang M. Nguyen, P.E. – June 28, 2003)

[6] Just desert for Cambodia? THE IMPACT OF THE ILLEGAL TIMBER TRADE ON HUMAN RIGHTS & THE ENVIRONMENT.

[7] Son La headaches begin

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 02/03/2023 trước Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: AP - Nhan Huu Sang

Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền?

Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. (TS Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp – IRSEM)

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27 tháng 11 năm 2023. Ảnh: AP

Các nhà phân tích: Việc chủ tịch nước Việt Nam từ chức cho thấy đấu đá trong nội bộ đảng

Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức trong tháng này, chỉ sau một năm trong nhiệm kỳ 5 năm, cho thấy sự đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản và tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Người dân Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện... hôm 17/3/2024 tại TP. Santiago. Ảnh chụp màn hình video Aljazeera.com

Cuba

Trong 2 ngày 17 – 18/3 (2024) vừa rồi, truyền thông thế giới đưa tin hàng nghìn người, rồi cả vạn người dân Cuba đổ ra đường biểu tình.

… Họ, người Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện. Trước đó mấy ngày, dân chúng cũng biểu tình sau khi nhà nước đột ngột tăng giá xăng đến… 500%. Họ không hô “tự do hay là chết” nữa, mà hô “dân chủ hay là chết,” “quyền sống hay là chết,” “lương thực hay là chết.”