Các nguy cơ gắn liền với đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Các thách đố gắn liền với đầu tư Trung Quốc

Nói chung, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là một thách đố rất lớn cho Việt Nam về hai mặt: (a) nguy cơ sập bẫy nợ Trung Quốc và (b) nguy cơ về mặt chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.

– Bẫy nợ Trung Quốc đe dọa chủ quyền quốc gia

Bẫy nợ Trung Quốc là một hiện tượng kinh tế chính trị dùng để mô tả hai trường hợp: (a) nền kinh tế của một nước không còn khả năng trả các tiền lời và gốc cho các tiền đã vay từ Trung Quốc hoặc (b) khi một nước, để thi hành một dự án nhà nước thấy tối cần, chấp nhận những điều kiện vay khắt khe hơn những điều kiện bình thường và do đó trong tương lai sẽ rơi vào vào trường hợp (a) kể trên.

Điều trước tiên cần biết về bẫy nợ Trung Quốc là… rất khó biết các điều kiện nào đã đưa một nước vào bẫy nợ đó. Trên nguyên tắc, các điều kiện khiến cho một nước sập bẫy nợ Trung Quốc đều được ghi ra trong hợp đồng cho vay tiền, nhưng Trung Quốc bảo mật rất kỹ càng các hợp đồng này. Theo báo cáo của hai nhà khảo cứu Thorpe và Spivack khi họ xem xét 15 dự án cảng có vốn Trung Quốc trong khuôn khổ Đề án Một Vòng Đai Một Con Đường (VĐCĐ) sự bảo mật này có ba khía cạnh:

– Một là, các hợp đồng “…rất mờ mịt, chỉ có rất ít chi tiết về các doanh nghiệp có liên hệ đến hợp đồng, hiện tình các thương thảo, các điều khoản giao dịch (kể cả các sắp xếp tài chính), cơ cấu tổ chức của các dự án, tiến độ thi công…”.

– Hai là, trong thời gian các hợp đồng này được thương lượng, các thông tin ra ngoài hầu như không có, hoặc rất mù mờ.

– Và ba là, nếu có một bên thứ ba muốn xem xét các hợp đồng đã ký kết, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xin phép nhà nước bản địa hay Trung Quốc cho phép tham khảo các hợp đồng đã ký (5).

Khi trao đổi với một số chuyên gia kinh tế tài chánh quốc tế cho bài viết này, người viết nghe được các câu chuyện như thời gian và nơi xem hợp đồng vay nợ Trung Quốc phát triển kinh tế đều rất giới hạn. Phía Trung Quốc chỉ cho phép các chuyên gia và thông dịch viên nếu cần đọc một bản sao tại một phòng họp do họ chỉ định và chỉ trong một số giờ ngắn không đủ để đọc hết hợp đồng. Một giám sát viên Trung Quốc sẽ luôn luôn có mặt trong phòng đọc hợp đồng và sẽ ngăn chặn ngay các việc làm không đúng ý họ, đặc biệt là dùng máy photocopy sao chép hay dùng điện thoại chụp hình hợp đồng. Ngoài ra, các hợp đồng cho vay, tuy có hai phiên bản, một viết bằng tiếng Hoa và một viết bằng tiếng của nước bản địa, phiên bản chữ Hoa là phiên bản chính thức có hiệu lực và phải được tham khảo khi có tranh chấp.

Điều thứ nhì cần biết về bẫy nợ Trung Quốc là, đa số các nước rơi vào bẫy nợ Trung Quốc tham gia vào đề án Một Vòng Đai Một Con Đường (VĐCĐ) của Trung Quốc. Mục tiêu của chính sách “Một Vòng Đai, Một Con Đường”, tạm gọi tắt là VĐCĐ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng và ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại Châu Á và Châu Âu, đồng thời giúp cho Trung Quốc có được những thị trường và đồng minh mới. Một số chi tiết liên quan về VĐCĐ được trình bày sau.

Vài nét về Đề án Một Vòng Đai Một Con Đường

Chương trình VĐCĐ có thể xem như có hai mặt: một mặt nổi và một mặt chìm.

Mặt nổi là mặt mà ai cũng biết và được nhà nước Trung Quốc và các đồng minh quảng bá và cổ động một cách rộng rãi, công khai và rất hồ hởi phấn khởi.

Mặt chìm là mặt mà các viên chức hay tướng lãnh cao cấp của nhà nước Trung Quốc đề xuất và tranh cãi trong các văn bản chủ yếu là không chính thức nhưng lại được nhà nước thực hiện dưới tầm dò xét của truyền thông quốc tế hay các đối tác nước ngoài.

Về mặt nổi, theo ĐCSTQ, đây chỉ là sự hồi sinh dưới một dạng hiện đại, quy mô hơn và thắng-thắng – tức là cả hai bên đều có lợi – cho tất cả các quốc gia đã có quan hệ với Trung Quốc qua Đường Tơ Lụa đã có từ đời Hán, hơn 200 năm trước Công Nguyên.

VĐCĐ nổi có hai thành tố chính. Một là hệ thống xa lộ và đường xe lửa ở phía bắc mà các tuyến chính chạy từ Bắc Kinh đến Venice, Ý và qua các thành phố lớn của Âu châu như Hamburg, Đức, Rotterdam, Hà Lan và Madrid, Tây Ban Nha.

Hai là một hệ thống cảng và các đường hải hành chạy từ Venice, Ý, xuyên qua Địa Trung Hải, nương theo Vịnh Á Rập, xuôi xuống phía Nam dọc theo bờ biển Đông Bắc của Phi Châu, chạy lên và tiếp cận với Sri Lanka, xuyên qua eo biển Malacca trước khi vòng lên dọc theo bờ Biển Đông để đến Phúc Châu, Trung Quốc. Hình “Các Dự Án Trong Vòng Đai Con Đường của Trung Quốc” ghi nhận vị trí các hệ thống đường xa lộ và xe lửa và các dự án trên VĐCĐ (6).

Kinh phí đầu tư của VĐCĐ dạng nổi rất cao. Đây là một chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở có tầm vóc toàn cầu ước tính sẽ có kinh phí đầu tư từ 1 đến 8 nghìn tỷ USD. Con số 1 nghìn tỷ có thể hợp lý nhưng thấp, vì trong thời khoản 2014-2017 Trung Quốc đã đầu tư khoản 340 tỷ USD và do đó sẽ chỉ cần khoảng 7 năm nữa để đạt con số 1 nghìn tỷ USD. Với tăng suất 340 tỷ trong vòng 3 năm này, nếu muốn con số này lên tới 3 nghìn tỷ USD, phải chờ đến các năm 2030. Con số 8 nghìn tỷ thì có thể quá cao, vì cơ sở của con số này hình như là một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank) theo đó tổng trị giá của tất cả các kinh phí đầu tư có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở cho toàn thể Á Châu đang phát triển chính là 8 nghìn tỷ USD (7).

Để hoàn tất chương trình VĐCĐ này, Trung Quốc sẽ hợp tác theo mô hình thắng- thắng, tức là ai cũng có lợi cả – với từ 65 đến 68 nước và qua các nước này, sẽ có ảnh hưởng trục tiếp hay gián tiếp trên đời sống của 70% dân số, 55% tổng sản lượng quốc gia, và 75% trữ lượng năng lượng của toàn thế giới. Dọc theo Vòng Đai trên đất liền là những hành lang kinh tế và ở bờ các đại dương là những cảng và đặc khu mà Trung Quốc sẽ hợp tác để nâng cấp nếu đã có hay thiết kế nếu chưa có. Tại cả hai nơi, Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước liên hệ để xây dựng những đặc khu, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, v.v. như đã trình bày trong hình “Các Dự Án Trong Vòng Đai Con Đường của Trung Quốc”.

Về mặt chìm, quy mô và ý đồ phía sau của VĐCĐ thật sự lớn hơn VĐCĐ nổi rất nhiều. Trước tiên là diện tích khổng lồ của những vùng đất tại đó VĐCĐ sẽ được triển khai. Theo hai nhà khảo cứu Devin Thorpe và Ben Spevack VĐCĐ gồm có 2 phần. Phần thứ nhất là một đường tơ lụa trên đất liền với 6 hành lang kinh tế chằng chịt trên các vùng đất giữa Bắc Phi Châu và Nam Á Châu. Phần này tương đương với hệ thống xa lộ và đường xe lửa ở phía bắc của VĐCĐ mặt nổi đã trình bày ở trước. Phần thứ nhì là một đường tơ lụa hàng hải dọc theo bờ biển của hai Châu Á và Châu Âu. Đường tơ lụa hàng hải dài gấp đôi hệ thống cảng và các đường hải hành của VĐCĐ mặt nổi đã trình bày ở trước. Đường tơ lụa hàng hải này có 3 nhánh chính mà các nhà kế hoạch Trung Quốc gọi là “lam sắc kinh tế vi chủ tuyến (蓝色经济为主线)tạm dịch là “đường chủ kinh tế màu lam”. Các đường chủ kinh tế này chạy dọc theo bờ biển Nam Cực phía trên Âu Châu, nối với đường tơ lụa trên đất liền tại cảng Hamburg ở Đức, bắt đầu lại tại Venice ở Ý, chạy xuyên qua Địa Trung Hải, bọc kín Ấn Độ Dương, Biển Đông, biển Nhật Bản, và lan ra Thái Bình Dương ở Châu Đại Dương. Bản đồ dưới cho thấy các hành lang và đường chủ kinh tế trên và các vùng đất khổng lồ quanh và trên đó VĐCĐ sẽ triển khai: toàn bộ châu Á, Châu Âu, và phần trên của Châu Phi.

Theo Thorpe và Spevack, đường tơ lụa hàng hải có hại nhiều hơn lợi cho các nước Á Châu đang tham gia. Cụ thể, khi đánh giá các cảng do Trung Quốc tài trợ trên các đường chủ kinh tế theo sáu tiêu chuẩn: vị trí chiến lược, sự kiểm soát tài chánh, mô hình phát triển, tính minh bạch và phân phát lợi ích, sự hiện diện của ĐCSTQ và khả năng sinh lời, họ đã đưa ra các nhận định sau (8).

· Tại Pakistan, dự án nâng cấp cảng Qwadar đã thay đổi quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Pakistan. Vì kinh phí đầu tư ngày càng leo thang, cả hai nước ngày càng lệ thuộc vào nhau về mọi mặt nhất là tài chánh.

· Tại Sri Lanka, dự án cảng Hambantota đã giúp Trung Quốc khống chế được một các rõ rệt chủ quyền và chính sách đối ngoại của Sri Lanka và dành được nhiều lợi thế cho Trung Quốc.

· Tại Campuchia, qua những thủ đoạn phi pháp và mờ ám khi thương lượng và tiến hành dự án siêu trọng điểm phát triển kinh tế Koh Kong, Trung Quốc nay đã kiểm soát được 20% bờ biển của Campuchia, gây nên nhiều thiệt hại kinh tế, tai họa môi sinh trường, và vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, cũng Theo Thorpe và Spevack, các đề án trên đường tơ lụa hàng hải còn có hai mục tiêu khác. Một là đảm bảo sự an toàn của các tuyến đường biển của Trung Quốc tại tất cả các đại dương, và hai là giúp Trung Quốc đáp ứng với “vấn nạn eo biển Malacca”, tức là phòng chống lại trường hợp eo biển này bị chận hay đóng lại.

Hải hành tự do qua eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương rất quan trọng đối với Trung Quốc vì một lý do dễ hiểu. Khoảng 80% dầu hỏa từ Trung Đông và Nam Mỹ và hầu hết các khoáng sản từ Phi Châu nhập vào Trung Quốc phải vận chuyển qua eo biển này. Để phục vụ hai mục tiêu kể trên, Trung Quốc đã dành được quyền cho tàu chiến, tàu ngầm của Trung Quốc được tự do ra vào bất cứ lúc nào để nghỉ ngơi, sửa chữa hay tiếp tế thêm tại một số cảng bên bờ Ấn Độ Dương (cảng Gwadar ở Pakistan, cảng Hambantota ở Tích Lan, và cảng Koh Kong ở Campuchia) (9).

Khi điều trần tại Ủy ban Chọn lọc Thường trực về Tình báo của Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 17/5/2018, bà Patricia M. Kim, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) đã lặp lại các nhận xét của Thorpe và Spivack, đồng thời lưu ý Ủy ban là Trung Quốc nay đã có một cảng thuần túy quân sự tại Djibouti, Phi Châu, và đã gần đây đã có những thao diễn tập dượt nhằm giải cứu và sơ tán kiều dân Trung Quốc tại Libya và Yemen khi cần thiết (10).

Một phân tích mới (3/2018) và công phu đã xác nhận các nhận định về việc vay tiền Trung Quốc trong khuôn khổ VĐCĐ của Thorpe và Spevack. Theo các tác giả John Hurley, Scott Morris, và Gailyn Portelance của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, trong số 68 nước tham gia vào VĐVĐ và có thể vay tiền Trung Quốc, có 23 nước có xếp hạng tín dụng thấp và vì thế có bị khủng hoảng nợ nếu nhận thêm tài trợ liên hệ đến VĐVĐ. Trong 23 nước trên, có 8 nước mà tỷ lệ công nợ trên tổng sản phẩm quốc gia có chiều hướng gia tăng vì tham gia VĐVĐ. Các nước này được liệt kê trong hình sau “Dự Phóng 2018 Tỷ Lệ Nợ/Tổng Sản Phẩm Quốc Gia của 8 Nước Nghèo Có Vay Tiền Của Trung Quốc Qua Đề Án Vòng Đai Con Đường”.

Vào lúc này, để đòi nợ, Trung Quốc đã có các biện pháp từ nhẹ đến mạnh như sau đối với một số trong các nước kể trên.

· Burundi, Afghanistan, và Guinea: xóa nợ 100%.

· Khoảng 28 nước khác: không xóa nợ, nhưng giảm nợ hay giúp trả nợ.

· Cuba: tái cấu trúc từ 4 đến 6 tỷ USD nợ, xóa một số nợ khác; một điều kiện là Cuba phải vay thêm để buôn bán tái thiết các cảng.

· Tajikistan: lấy đứt vĩnh viễn 1.158 kilomét vuông, khoảng 5,5 % diện tích của vùng đất Trung Quốc tiên khởi đã đòi là 21.054,55 kilomét vuông.

· Sri Lanka: vào tháng 7 năm 2017, đồng ý hoán đổi nợ-vốn chủ sở hữu và do đó đã biến cảng Hambantota thành một nhượng địa được Trung Quốc quản lý trong vòng 99 năm tới để xiết nợ 8 tỷ USD với lãi suất 6% vì Sri Lanka không chịu trả nợ theo kỳ hạn.

Những gì đang xảy ra tại các nước như Tajikistan và Sri Lanka chính là thực trạng bi đát của “bẫy nợ” VĐCĐ do Trung Quốc đang giăng ra cho các nước nghèo. Không trả được nợ thì sẽ bị Trung Quốc thao túng các sinh hoạt chính trị và kinh tế trong nước, sẽ mất đất hay phải nhường đất trong vòng 99 năm, tức là cũng như mất đứt luôn. Chỉ trong những trường hợp rất hiếm hoi (3 trường hợp) thì Trung Quốc mới xóa nợ, ngoài ra thì phải tái cấu trúc nợ tức là trả nợ với lâu dài hơn với số tiền trả góp ít hơn, hay phải …vay thêm (11).

Các nước tham gia VĐCĐ rơi vào bẫy nợ Trung Quốc thì đã đành, có nước không dính gì nhiều đến VĐCĐ nhưng có tài nguyên Trung Quốc muốn cũng rơi vào bẫy nợ này.

Ví dụ điển hình là Venezuela, một nước sản xuất dầu hỏa hàng đầu trên thế giới và có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới – 300.878 triệu thùng vào năm 2018, so với nước thứ nhì là Saudi Arabia, với 266.455 triệu thùng (12). Trong vòng 20 năm qua, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của các tổng thống Hugo Chavez và người kế vị là Nicolas Maduro, Venezuela đã chi tiêu rất nhiều vào các chương trình dân sinh xã hội mỵ dân và nâng công nợ trong đó có tiền vay nước ngoài lên đến 140 tỷ USD (13). Một trong những chương trình này là việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu hỏa đã mang lại 90% các ngoại tệ của Venezueala. Sau quốc hữu hóa, các ngành khai thác và biến chế dầu hỏa tụt hậu về mọi mặt: nhân sự, vì đã đuổi trên 18 ngàn nhân viên có kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm để thay thế họ bằng tay chân của đảng cầm quyền; và kỷ thuật, vì không thay thế máy móc thiết bị đã quá hư hỏng hay lạc hậu. Sự tụt hậu này khiến cho lượng dầu xuất khẩu ngày càng giảm. Vào năm nay (2018) Venuzuala đã phải nhập khẩu khoảng 100 ngàn thùng dầu thô nhẹ/tháng, loại dầu thô nhẹ này cần thiết cho các quy trình biến chế dầu thô nặng (14).

Theo IMF, nền kinh tế Venezuela sẽ co rút lại và nhỏ hơn nền kinh tế vào năm 2013 đến 23%. Lạm phát vào năm nay sẽ lên tới 1.600% và bi đát nhất là việc người dân Venezuela càng ngày càng ốm đói. Cũng vào năm nay (2018), mỗi người dân đã tụt mất trung bình là 8,7 kg vì thiếu ăn (15).

Đứng phía sau hậu trường của thảm kịch này là Trung Quốc. Dưới các chế độ Chavez và Maduro, để bù vào ngân sách thiếu hụt, hai nhà lãnh đạo này đã vay Trung Quốc một số nợ khổng lồ, tổng cộng là 62 tỷ USD; số nợ chưa trả vào năm nay (2018) là 23 tỷ USD. Vì thiếu ngoại tệ, hiện nay Venezuela đã chỉ có thể trả tiền lời thay vì trả tiền vốn của nợ, và phải trả bằng dầu hỏa, khoảng 330 ngàn thùng dầu một ngày (bpd, hay là barrel per day). Một tạp chí mạng chuyên ngành về dầu hỏa đã nhận định là tất cả trữ lượng dầu hỏa Venezuela trên thực tế đã nằm gọn trong tay Trung Quốc vào lúc này và có thể là mãi mãi (16).

Nói chung, khi tình trạng không trả được nợ được đúng kỳ hạn ngày càng đậm nét, nước vay tiền Trung Quốc sẽ phải thương lượng trong thế yếu với Trung Quốc để có một lịch trình trả nợ mới, một đặc ân xóa toàn phần hay một phần các nợ, hay một phương pháp trả nợ mới. Các phương pháp trả nợ được Trung Quốc ưa chuộng thường là: nhượng bất động sản (đất, biển, cảng, khu kinh tế…) vĩnh viễn hay lâu dài, tức là từ 70 đến 99 năm (tức là cũng thế), hay trả bằng tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa; các quặng mỏ kim loại như đồng, sắt, đất hiếm, vàng, kim cương.

Các phương pháp trả nợ khác Trung Quốc có thể dùng nhưng chưa thấy thông tin là chuyển nhượng cho Trung Quốc các vùng đất có các thắng cảnh hoành tráng có thể biến thành những khu du lịch có tầm vóc quốc tế, các rừng/biển/hồ có cây cỏ hay động vật quý hiếm có giá trị thương mại cao để Trung Quốc khai thác; hay trả bằng lao động, tức là cho người dân bản địa làm việc cho các doanh nghiệp Trung Quốc trên thế giới để trừ một phần lương trả nợ cho nhà nước. Điều cần lưu ý là vì các biện pháp sẽ được thi hành để giúp một nước đã sập bẫy nợ Trung Quốc tiếp tục trả nợ đã được thương lượng và đạt được sự đồng thuận của cả hai bên theo đúng các quy trình và thông lệ ngoại giao được quốc tế công nhận, tính hợp pháp trên toàn cầu của các biện pháp này sẽ rất khó tranh cãi hay tháo gỡ.

(Xem tiếp Trang 3: Xác suất sập bẫy nợ Trung Quốc của Việt Nam)

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Lời kêu gọi tham dự biểu tình UPR 2024 diễn ra vào ngày 7/5 trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Ngày 7 tháng 5 này, nhà nước CSVN sẽ bị kiểm điểm trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council – UNHRC) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta chỉ rõ sự gian trá của CSVN trước diễn đàn quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào tham dự buổi biểu tình diễn ra ngày 7/5/2024, trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, nhằm lên án những vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đảng

Để chống lại sự lăng loàn, độc đoán của đảng, ở những nước đa đảng (như Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Sing chẳng hạn), họ cấm tiệt việc sử dụng ngân sách phục vụ cho riêng đảng nào đó. Tất cả đều phải tự lo, kể cả chi phí cho mọi hoạt động lớn nhỏ, từ chiếc ghế ngồi họp tới cái trụ sở mà đảng sử dụng. Tham lậm vào tiền thuế của dân, nó sẽ tự kết liễu sự nghiệp bởi không có dân nào bầu cho thứ đảng bòn rút mồ hôi nước mắt mình làm lãnh đạo mình.

Ảnh chụp màn hình VOA

Nhóm trí thức Việt Nam đề nghị lãnh đạo chớ ‘nói suông,’ nên chân thành hoà giải

GS. TS. Nguyễn Đình Cống, người đã công khai từ bỏ đảng Cộng sản vào năm 2016 và là một thành viên ký tên trong bản kiến nghị, nói với VOA:

“Thực ra, đây là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu của cả hai bên để mang lại một chiến thắng cho đảng Cộng sản. Còn đối với dân tộc thì chẳng được gì cả. Nó chỉ mang lại được sự thống nhất về mặt lãnh thổ thôi. Còn sau chiến thắng ấy, không giải quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc. Đảng thì được. Đảng được vì đạt được chính quyền toàn quốc. Còn dân tộc thì việc hoà giải dân tộc mãi cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.”

Ngày 30 Tháng Tư, người Việt ở hải ngoại gọi là ngày mất nước, ngày quốc hận. Ảnh minh họa: David McNew/Getty Images

Không cần hòa giải, cần đấu tranh!

Bốn mươi chín năm đã đủ lâu để những người có suy nghĩ đều nhận ra sự thật không ai là “bên thắng cuộc,” cả dân tộc là nạn nhân trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Gần nửa triệu thanh niên miền Bắc, 280.000 thanh niên miền Nam bỏ mạng, 2 triệu thường dân vô tội chết trong binh lửa – đó là cái giá máu mà dân tộc này đã phải trả cho cái gọi là công cuộc “giải phóng miền Nam.”