Cái hộp Pandora ở Trung Đông đã mở

Tùng Phong

Do Thái nằm gọn giữa các nước Ả Rập. Ảnh: Sky News

Một Trân Châu Cảng thứ 2

Cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas hôm 7/10 vừa qua được nhiều người ví như là sự kiện 11 tháng 9 của Do Thái và cho đây là một thất bại không thể biện minh của các cơ quan tình báo Do Thái như Mossad, Shin Bet, Aman và cả tình báo Mỹ CIA. Người ta không thể hiểu nổi một cuộc tấn công sử dụng tới 5000 tên lửa Qassam tự chế, với rất nhiều lực lượng từ bộ binh, hải quân và sử dụng cả dù lượn để vượt qua hàng rào và hệ thống phòng vệ cực kỳ tối tân của Israel mà lực lượng tình báo Mossad nổi danh không hề hay biết gì về quá trình chuẩn bị hậu cần qui mô và kéo dài, cũng như việc triển khai lực lượng của phiến quân?

Thậm chí, ở một địa điểm tấn công, những kẻ khủng bố đơn giản chỉ dùng một chiếc máy xúc để phá bỏ hàng rào. Điều ngạc nhiên khác là những kẻ khủng bố đã sử dụng thành thạo kỹ thuật dùng drone tự sát do Iran sản xuất để bắn cháy một xe tăng chủ lực của Israel. Tràn ngập trên mạng X những ngày qua rất nhiều hình ảnh những kẻ khủng bố bắn giết, hành quyết, mang xác của các nạn nhân là thường dân Israel đi diễn hành, một lượng lớn dân thường bị bắt làm tù binh…

Có nhiều giả thuyết cho rằng cơ quan tình báo Israel đã đánh giá thấp khả năng của Hamas sau một thời gian dài tổ chức này im ắng. Hay tự sự chủ quan đầy tự mãn của các nhà lãnh đạo Israel?

Theo Jacob Dallal, một sĩ quan dự bị của Israel và cựu phát ngôn viên của IDF (Israel Defense Forces – Lực lượng Phòng vệ Do Thái), kịch bản kiểu tấn công này dự kiến sẽ được thực hiện từ Lebanon bởi Hezbollah do Iran hậu thuẫn. “Kịch bản quân sự hình dung Hezbollah tấn công từ phía bắc chứ không phải Hamas từ Gaza. Không ai nghĩ Hamas có năng lực như vậy, đặc biệt là với thông tin tình báo do Cơ quan tình báo Shabak và IDF của Israel đưa tin,” ông Jacob Dallal viết trên tờ báo Times of Israel.

Thông tín viên của đài RFI Sami Boukhelifa tại Israel giải thích:
“Đúng thế, Israel bị suy yếu từ nhiều tháng nay. Tại sao ư? Đó là vì kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Kế hoạch này bị phản đối rầm rộ trên đường phố. Người dân Israel coi đó là một vụ đảo chính. Các cuộc biểu tình được tổ chức hàng tuần trên cả nước để phản đối kế hoạch bị coi là phi dân chủ.

Ngoài ra còn có nhiều hình thức phản đối khác, ví dụ chống lệnh động viên quân sự. Kết quả là lực lượng vũ trang mạnh nhất Trung Đông đã bị đánh úp và thất bại. Các chiến đấu cơ Israel bất động trên mặt đất. Phải mất vài tiếng, quân đội mới phản ứng được. Đó là một thất bại hoàn toàn. Lực lượng biệt kích Hamas dễ dàng thâm nhập vào lãnh thổ Israel một cách đáng ngại vì không gặp bất cứ trở ngại nào trong suốt nhiều giờ.

Nhiều căn cứ của quân đội Israel đã bị chiếm trong khoảng thời gian ngắn, nhiều quân nhân bị bắt cóc, đánh đập. Nhiều thường dân và quân nhân Israel bị bắt cóc và đưa đến Gaza. Đây vừa là một thất bại quân sự cho Israel, vừa là một thất bại chua cay lực lượng tình báo nước này.”

Theo tôi, những nhận định trên đều khá chủ quan.

Bởi xét về mặt logic, cuộc đột kích dễ dàng và gây nhiều thương vong của Hamas có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời. Mục đích cuộc tấn công này của Hamas là gì? Xóa xổ Israel bằng một cuộc đột kích giết hại thường dân bởi những nhóm biệt kích nhỏ kết hợp với việc bắn phá bừa bãi hỏa tiễn Quassam (loại hỏa tiễn có độ chính xác kém) vào lãnh thổ Israel? Còn nếu không thì cuộc khủng bố đẫm máu này của Hamas là cái cớ hoàn hảo cho Israel vĩnh viễn xóa bỏ tất cả các tổ chức hồi giáo cực đoan như Hamas, Hezbollah, IS… trong cơn cuồng nộ. Sự trả đũa của Israel luôn vô cùng khủng khiếp.

So sánh về mặt thực lực, nhóm phiến quân Hamas không thể sánh với quân đội Israel về mọi mặt. Sự chênh lệnh này không giống như việc so sánh giữa quân đội Ukraine với quân đội Nga ở thời điểm trước tháng Hai, 2022 hay Nga với phiến quân Chechnya. Israel là một cường quốc quân sự với sức mạnh áp đảo và nguy hiểm số 1 ở Trung Đông, vừa là đối tác, đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ cũng như Liên Âu. Còn Hamas dù được Iran hay kể cả được FSB hỗ trợ cũng chỉ là một nhóm phiến quân, không có lãnh thổ, căn cứ, không có bất cứ một hậu phương lớn nào để có thể rút lui và trốn chạy sau cuộc tấn công trả đũa của đối phương.

Gaza chỉ là một dải đất hẹp, một mặt giáp biển, chiều dài chỉ khoảng 25 dặm và chiều rộng khoảng 7 dặm với địa hình hoàn toàn trống trải. Đó thực chất là một khu ổ chuột khổng lồ với 1,85 triệu người chen chúc trong không gian ngột ngạt bao quanh bởi những hàng rào thép gai, nơi người dân bị bần cùng hóa bởi xung đội liên miên, rất ít công ăn việc làm, phần lớn thanh niên thất nghiệp bị lôi cuốn vào tệ nạn hoặc tham gia các nhóm Hồi giáo cực đoan. Thành phố dễ dàng bị cô lập này không có khả năng tự cung ứng lương thực, nước, điện… mọi vật tư nhu yếu phẩm đều bị phụ thuộc từ bên ngoài. Nó không có khả năng tồn tại khi quân đội Israel bao vây.

Sự phi lý từ cả hai phía trong cuộc tấn công khủng bố của Hamas vừa qua khiến người ta nghiêng về một thuyết âm mưu rằng đây là một cái cớ hoàn hảo cho Israel khởi động một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông với không chỉ Hamas mà tất cả những thế lực chống lưng cho Hamas như Iran, các nước Arab, Syria, Libanon… Rằng Hamas đã bị xúi và được “tạo điều kiện cho ăn cứt gà” khi thực hiện một cuộc tấn công khủng bố gây ra nhiều thương vong cho dân thường Israel dễ dàng và bất ngờ như vậy? Nó có vẻ như là một Trân Châu Cảng thứ hai chứ không phải là sự kiện 11/9 của Do Thái.

Hamas dựa vào cái gì để có thể chống lại sự trả đũa của Israel?

Hamas có thể biết rõ phản ứng của IDF nhưng có lẽ họ tin rằng đây là một thời điểm tốt để tạo ra tiếng vang và giành thắng lợi, ít nhất về mặt chính trị cho phong trào khi mà Tây Phương đang hoàn toàn tập trung tới cuộc chiến ở Ukraine. Sự hỗ trợ của Iran cũng như việc hiệp đồng cùng lúc các nhóm phiến quân khác sẽ khiến Israel gặp khó khăn khi phải đối phó với nhiều mặt trận.

Ngoài ra, Hamas sở hữu cơ sở đường hầm, kho dự trữ ngầm hiện đại được đầu tư hàng tỷ USD từ năm 2007 tới nay cho phép có thể phòng thủ lâu dài và tạo ra các cuộc tấn công bất ngờ như vừa qua. Một yếu tố có thể gây khó khăn cho quân đội Israel là mạng sống của hàng trăm dân thường và binh sĩ Israel mới bị bắt cóc, cùng sinh mạng của hàng triệu dân thường ở Gaza bị Hamas sử dụng như “lá chắn sống.” Có lẽ, tất cả điều này khiến những kẻ khủng bố có thể tự tin sẽ đạt được một thỏa thuận có lợi?

Hamas có nghĩa là “ngọn lửa, nhiệt huyết” theo tiếng Arab, tôn chỉ của tổ chức Hồi giáo cực đoan được thành lập từ năm 1987 này là “Allah là mục tiêu; Nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu; Kinh Koran là Hiến pháp; Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành.” Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Và để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ, không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành cuộc thánh chiến.

Đánh bom liều chết, sử dụng mọi thủ đoạn tàn bạo nhất và bất chấp mọi luật pháp để đạt được mục tiêu, thế nhưng tổ chức này lại dành được khá nhiều sự ủng hộ của dân Palestine. Năm 2006, trái với mọi dự đoán, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Palestine. Một trong những lãnh đạo của Hamas là Ismail Haniya trở thành thủ tướng của Palestine. Điều đó có nghĩa, phong trào Hamas có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền Palestine và phần nào đó chính là hiện thân của chính quyền Palestine.

Hamas quản lý dải Gaza từ khi lên nắm quyền tại đây vào năm 2007 và họ luôn đối mặt áp lực phải thuyết phục người Palestine rằng Hamas chứ không phải Chính quyền dân tộc Palestine (PA) có khả năng cai trị và cung cấp các dịch vụ công cho người dân tốt hơn, cũng như ít tham nhũng hơn PA. Đồng thời, Hamas muốn duy trì hình ảnh là người lãnh đạo kháng chiến chống Israel. Đường lối cực đoan của Hamas hấp dẫn giới thanh niên thất học và cuồng tín. Điều thuyết phục lớn nhất đối với một cộng đồng như vậy là một chiến thắng quân sự thuyết phục trước Israel.

Có thể tất cả các lý giải trên đều có phần đúng khi tìm lý do cho cuộc tấn công khủng bố mang tên “bão Al Aqsa” nhưng nó không đủ thuyết phục. (Al Aqsa, được coi là nơi linh thiêng thứ ba của Hồi giáo bởi nơi đó có tảng đá thiêng được cho là Tiên tri Muhammad đã thăng thiên. Al Aqsa có nghĩa “Giáo đường Hồi giáo xa xôi nhất” theo tiếng Arab. Đây là nơi được cho là cái cớ khởi tranh chấp giữa Palestine và Israel dẫn đến cuộc tấn công khủng bố vừa qua)

Cuộc chiến của Thánh Thần?

Cuộc chiến Israel và Palestine là một cuộc chiến phức tạp nhất trong lịch sử thế giới và dường như không bao giờ có hồi kết trừ phi một bên bị tiêu diệt hoàn toàn. Điều đó có thể nghe rất phi nhân tính. Nhưng hãy đọc một đoạn trong kinh Do Thái của người Israel:

“Giết sạch không bỏ sót. Diệt chủng bọn con cháu hậu duệ dòng dõi Amalek. Ghi nhớ và khắc sâu trong tim những gì bọn Amalek đã làm với dân tộc Do Thái —Không bao giờ quên tội ác mà bọn Amalek đã làm với dân Do Thái trong chuyến hành trình Ai Cập và trong sa mạc” (Deut.)

Còn người Palestine, Arab, Libanon, Iran… thì căm ghét người Do Thái. Thậm chí, việc bài trừ, chống lại người Do Thái còn là “chính nghĩa” duy nhất để kết nối các thế lực trong thế giới Arab. Thực ra, sự thù hận dù có từ xa xưa, ngay cả trong kinh Cựu Ước cũng ghi nhận cũng sẽ không phải là vấn đề khi các cộng đồng dân cư có tín ngưỡng khác nhau này không có xung đột lợi ích.Vấn đề ở đây là xung đột về đất đai và cả tín ngưỡng khi cùng tranh chấp Jerusalem.

Dân tộc Do Thái là một dân tộc vô tổ quốc kể từ thế kỷ XIII TCN khi nhà nước của họ bị tiêu diệt. Vùng đất của họ lần lượt bị người Assyria, Babylon, Ba Tư, La Mã cai trị trước khi bị người Arab chiếm đóng và trở thành một phần của đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ thứ 16.

Khởi nguồn của cuộc xung đột Ả Rập-Do Thái đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của các phong trào chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cả hai đều hướng tới mục tiêu giành được độc lập từ Đế chế Ottoman và thành lập một quốc gia có chủ quyền cho dân tộc của họ ở khu vực Trung Đông. Với sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái ở Châu Âu, một làn sóng di cư của người Do Thái tới Palestine đã diễn ra từ đầu những năm 1880. Sau thất bại của Đế chế Ottoman trong Thế chiến Thứ nhất, Palestine đã trở thành một vùng lãnh thổ ủy trị của Anh vào năm 1918. Trong suốt thời gian này cho tới Thế chiến Thứ hai, xung đột về đất đai giữa những người Do Thái trốn tránh nạn diệt chủng ở Châu Âu và quay về vùng đất tổ tiên của họ theo tiếng gọi “phục quốc” với cộng đồng Arab cũng như người Palestine bản địa ngày một trở nên gay gắt. Sự kỳ thị trong thế giới Arab với sắc dân “được Chúa lựa chọn” là vô cùng lớn.

Thế chiến Hai kết thúc, để chấm dứt tình trạng lưu dân Do Thái không chốn dung thân và bị kỳ thị, Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 181 vào ngày 29 tháng 11 năm 1947. Nghị quyết này phân chia vùng đất Palestine do Anh quản lý thành hai nhà nước. Một của nhà nước Arab và một của nhà nước Do Thái. Trên cơ sở đó, nhà nước Israel ra đời vào ngày 14 tháng 5, 1948. Trong tuyên bố của vị thủ tướng đầu tiên, Ben Gurion có lời mở đầu:

“Theo quyền của quốc gia và nội lực của bản thân, cũng như quyền năng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng tôi tuyên bố thành lập nhà nước Do Thái ở Palestine, được gọi là nhà nước Israel.”

Chính thể Israel ngay lập tức được cả Liên Xô và Hoa Kỳ công nhận, trở thành quốc gia có chủ quyền lãnh thổ, chấm dứt lịch sử lưu vong kéo dài hơn 2000 năm. Thế nhưng, chỉ ngay sau khi tuyên bố của Ben Gurion, những người Arab đã “chào mừng” lễ quốc khánh đầu tiên của người Israel bằng đợt không kích kinh hoàng. Liên quân gồm Ai Cập, Libanon, Jordan, Ả Rập Xê Út rầm rộ cho một cuộc tắm máu những kẻ “ngoại đạo.” Thế nhưng, những hậu duệ của David đã chứng tỏ bản lãnh và đập tan liên quân Arab hùng mạnh.

Theo thỏa thuận ngừng bắn và đình chiến được ký kết giữa hai bên vào năm 1949, hầu hết các vùng lãnh thổ tại Palestine được phân chia cho người Ả Rập theo Nghị quyết 181 đã bị sáp nhập vào Israel, trong khi Jordan sáp nhập Bờ Tây (West Bank) và Ai Cập chiếm lấy Dải Gaza. Đồng thời Israel cũng sáp nhập Tây Jerusalem, còn Đông Jerusalem tạm thời được đặt dưới quyền kiểm soát của Jordan. Bị mất toàn bộ lãnh thổ, một làn sóng di cư khổng lồ của người Ả Rập tại Palestine tràn sang các quốc gia láng giềng gây ra rất nhiều vấn nạn xã hội. Kể từ đó, thù hận của thế giới Arab với Israel ngày một chất chồng. Các phiến quân Hồi giáo như Fedayeen được sự ủng hộ của các quốc gia từng thất bại trước Israel liên tục tấn công vào lãnh thổ Israel.

Năm 1967, các nước Ả Rập lên kế hoạch xâm lược Israel lần thứ hai. Israel đã mở một chiến dịch tấn công phủ đầu vào cả ba nước Ả Rập là Syria, Jordan và Ai Cập và gần như xóa sổ các lực lượng không quân, thiết giáp của ba nước liên quân trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Kết thúc cuộc chiến, Israel đã chinh phục được Bờ Tây (bao gồm cả Đông Jerusalem), Dải Gaza, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai, đánh dấu một thất bại nặng nề dành cho khối Ả Rập.

Thất bại này, khối Arab không thể nuốt trôi. Năm 1973, các lực lượng quân sự của Ai Cập và Syria lại tấn công Israel nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ bị mất trong Chiến tranh Sáu ngày, song cuộc xâm lược này tiếp tục thất bại trước sự phản kháng mạnh mẽ của Israel. Để chứng tỏ thiện chí hòa bình, Israel đã trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập theo Hiệp định Hòa bình David Camp năm 1978, với hy vọng thiết lập một nền hòa bình thực sự ở Trung Đông. Tuy vậy những hi vọng về việc lập lại hòa bình đã tan vỡ sau vụ thảm sát Coast Road được tiến hành bởi PLO cũng trong năm đó, khiến nhiều dân thường Israel thiệt mạng.

Có thể nói kể từ Nghị quyết 181 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, những dòng người Do Thái tìm về cố quốc xa xưa của họ, Trung Đông chưa bao giờ yên ổn. Thử hình dung xem nếu bây giờ LHQ cũng ra một nghị quyết bắt nhà cầm quyền Việt Nam phải trả đất cũ về cho người Chàm, người Bana, người Gia Rai, Xơ Đăng, Mông, Mèo… những vùng đất mà người Kinh đã đánh chiếm từ thời… Lý, Trần thì có lẽ cũng sẽ có những cuộc chiến sắc tộc và đất đai không bao giờ chấm dứt. Đó cũng là căn nguyên dẫn đến xung đột đẫm máu xuất phát từ một nghị quyết rất… nhân văn. Thế nhưng cũng không thể nói những đứa con của David không có quyền chiến đấu và giành cho mình một vị trí xứng đáng dưới ánh mặt trời. Vậy thì đâu sẽ là Chính nghĩa đây?

Cuộc tấn công vừa qua của Hamas với những hành động tàn ác không thể dung thứ, rõ ràng là một tội ác, một cuộc khủng bố. Thế nhưng nó bắt nguồn từ một mâu thuẫn không có lời giải đáp. Và sự trả thù của Israel luôn luôn là tàn khốc. Chỉ 3 ngày sau cuộc tấn công, IDF đã đếm được 1500 xác chết là lính Palestine. Không quân Israel đã liên tục trút bom và tên lửa xuống dải Gaza và loại bỏ hầu hết các thủ lĩnh Hamas… thế nhưng không hề nói đến bao nhiêu thường dân là nạn nhân trong những cuộc oanh kích không ngơi nghỉ đó. Mỗi một người Israel ngã xuống sẽ có bao nhiêu thường dân Palestine phải trả giá? Không thể biết được cuộc chiến này sẽ đi tới đâu. Đây chỉ khởi đầu của cơn ác mộng. Chiếc hộp Pandora ở Trung Đông đã mở ra và nó sẽ kéo theo vô vàn hệ lụy bi thảm với thế giới. Chẳng có Thánh Thần nào trong cuộc chiến này cả. Chỉ có lòng tham, sự hiềm khích, thù hận của con người mà thôi.

“Chính nghĩa” duy nhất mà thế giới được nghe thuộc về kẻ chiến thắng cuối cùng!

Tùng Phong