Điểm cộng cho Bí thư Nên

Bí thư thành Hồ Nguyễn Văn Nên khai bút đầu năm tại Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt hôm mùng 7 Tết Nhâm Dần (7/2/2022). Ảnh: Báo Người Lao Động
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đầu năm mới, ông Nên đến dâng hương và khai bút ở đền thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt. Đây không phải là lần đầu ông tới thăm ngôi đền linh thiêng thờ vị danh tướng triều Nguyễn, đệ nhất công thần lập quốc của vua Gia Long – Nguyễn Ánh, được coi là thần bảo hộ đất Sài Gòn Gia Định khi xưa. Ông Nên và ông Mãi cũng đã cùng đến đây một cách lặng lẽ, thành kính cầu xin Đức Tả Quân trong những ngày Sài Gòn chìm trong đau thương tang tóc bởi ôn dịch.

Việc làm của hai ông Nên, Mãi ở góc độ nào đó đã khiến một bộ phận người dân Nam Bộ cảm thấy có cảm tình hơn với hai vị quan đầu tỉnh vì sự thành kính với tiền nhân đã có công lao to lớn mở mang bờ cõi, tạo dựng nên hình hài cho cả một vùng đất phương Nam khi xưa.

Người viết cũng thấy thú vị, vì ông Nên, ông Mãi không cầu xin ông Hồ bảo vệ dân Sài Gòn trước cơn ôn dịch, mà lại cầu xin Đức Tả Quân. Kể cũng đúng thôi. Vì ông Hồ thì chủ trương đem AK Tàu, xe tăng, đại pháo của Nga… vào “giải phóng” miền Nam. Còn Đức Tả Quân thì bảo vệ Sài Gòn Gia Định trước những cuộc tàn sát của Tây Sơn, qui tụ sức người, sức của, xây dựng mảnh đất sình lầy thành chốn kinh kỳ phồn hoa bậc nhất phương Nam khi xưa.

Nghe nói, khu tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo cũng sắp được tôn tạo đúng ngày 17 tháng Hai năm nay – tức là tròn 3 năm chính quyền thành Hồ đã đem bứng lư hương của Đức Thánh Trần đi nơi khác vì sợ… tụ tập đông người đến dâng hương tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt-Trung.

Chẳng biết, điều đó có khiến Đức Thánh Trần nổi giận hay không nhưng 3 năm vừa qua là khoảng thời gian sóng gió với đám quan chức thành Hồ. Kẻ vào tù, kẻ mất chức và thành phố cũng phải hứng chịu những thiệt hại nhân mạng, kinh tế kinh hoàng trong cơn ôn dịch trăm năm qua chưa từng thấy.

Nếu như đúng ngày 17 tới đây, chính quyền thành Hồ đem trả lư hương cho Đức Thánh Trần và tôn tạo khu vực tượng đài của Đức Ngài thì đó cũng là một việc làm đáng ghi nhận cho hai ông Nên, Mãi. Biết sai mà sửa, biết tới công ơn của Cha Ông thì cũng đã là có cái Tâm hướng thiện – điều hiếm hoi ở giới chức CSVN.

Dù thời gian ông Nên, Mãi ở Sài Gòn chưa lâu và với mục đích chính trị hàng đầu là công phá thành trì tham nhũng của bố già Lê Thanh Hải và những gia tộc Đỏ như Trương – Nguyễn có quyền lực khuynh loát nền kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Nhưng thời điểm mà hai ông Nên, Mãi tiếp nhận thành Hồ là một giai đoạn khó khăn lịch sử, chồng chất thử thách khốc liệt.

Sự can thiệp thô bạo của chính quyền trung ương từ Hà Nội và những chỉ đạo chống dịch loạn xạ ngầu của ông thủ tướng mới lên, cùng với những mưu ma chước quỉ của bầy linh cẩu gồm Bộ Y Tế – Bộ Khoa Học Công Nghệ – Học Viện Quân Y, v.v. đã khiến cho Sài Gòn trở thành nạn nhân thê thảm. Đầu tàu kinh tế của cả nước đã tê liệt, khủng hoảng nghiêm trọng, thu ngân sách sụt giảm chỉ còn phân nửa, hạ tầng dân sinh, môi trường tồi tệ, chuỗi cung ứng, lao động, dịch vụ đều đứt gãy… Ông Nên, Mãi cùng lúc phải đối mặt với những khó khăn này.

Khác với những động thái chính trị mang tính hình thức, ông Nên, Mãi đang có những hợp tác tương đối nhịp nhàng trong việc khôi phục kinh tế, xử lý những hậu quả của các chính sách chống dịch ngu dốt của ông thủ tướng. Việc hỗ trợ tiền trọ cho công nhân khu công nghiệp để kéo người lao động trở lại làm việc. Cũng như đang tìm cách triển khai các dự án nhà chung cư giá rẻ cho công nhân, cải thiện đời sống dân sinh cho người lao động. Những điều này, chưa bao giờ được quan tâm trong suốt 45 năm qua.

Tất nhiên, kết quả thực sự của hệ thống cầm quyền thành phố cần phải có thời gian kiểm chứng. Nhưng ít nhất, phát ngôn và việc làm tới thời điểm hiện tại của hai ông Nên, Mãi là tương đối phù hợp với thực tế.

Việc xác nhận tình trạng thiết quân luật và yếu kém, thụ động của hệ thống y tế thời gian đầu mà báo chí truyền thông không được phép nói theo chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cũng cho thấy sự thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông Nên. Đó là một đặc điểm đáng ghi nhận và cần thiết của người đứng đầu.

Về chính trị, việc bình định những “bố già” và các gia tộc Đỏ đã “sâu rễ, bền gốc” ở đất thành Hồ và miền Nam không phải là việc dễ dàng. Nhưng ít nhất, những con domino đầu tiên của chuỗi mắt xích ma quỉ cũng đã được lật xuống như Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Văn Đua, Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng (em trai ruột của Lê Thanh Hải)… vấn đề còn lại là thời gian và sự ủng hộ chính trị của đám chóp bu. Ở An Giang, những cuộc chinh phạt của Đại Tá Đinh Văn Nơi tấn công những đường dây buôn lậu vàng, đánh bạc ngàn tỷ… đang được ông Nên ủng hộ và cho những kết quả tích cực…

Qua bài này, người viết muốn gửi đến những quan chức CSVN rằng bất cứ việc làm nào của họ có kết quả tốt cho dân sinh dù là nhỏ bé, cũng sẽ được dư luận ghi nhận và được khách quan đánh giá. Hy vọng rằng, những người có năng lực và có còn chút Nhân Tâm sẽ có cơ hội phát huy chứ không sớm trở thành những nạn nhân của ván cờ người “chém cây sống trồng cây chết” của đám chóp bu Ba Đình.

Biết dựa vào dân, biết nói và làm việc hợp nhân tâm đó là kẻ biết đại lợi, đại cục trong bối cảnh hỗn loạn quần ngư tranh thực. Hy vọng, ông Nên, Mãi có thể làm được một vài điều ích lợi cho dân Sài Gòn. Được vậy, người viết cũng sẽ tâm thành cầu chúc an lành cho hai ông trong dịp đầu năm mới. Tất nhiên, kết quả thực sự của những việc làm của ông Nên, Mãi vẫn còn cần thời gian kiểm chứng và còn sớm để đánh giá đúng sai, hay dở.

Tân Phong

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.