Đồng bằng Sông Cửu Long đang chết

Nguyễn Công Bằng

Người dân sống dọc suối Prek Ta Hing nằm ở huyện Koh Thom, tỉnh Kandal, nơi sẽ được mở rộng khi kênh đào Funan Techo được xây dựng, chụp ngày 29 tháng 2 năm 2024. Ảnh: CamboJA/ Pring Samrang

Campuchia đẩy nhanh dự án kênh đào

Ngày 6/6, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã công bố ấn định ngày 5/8 là thời điểm khởi công dự án kênh đào Funan Techo, sớm hơn 4 tháng so với lịch trình dự kiến [1]. Thông tin được công bố tại lễ khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 Cảng đa năng Kampot tại thành phố Bokor, tỉnh Kampot, vùng biển phía Tây Nam quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 5/8 cũng là ngày sinh nhật của ông Hun Sen, cha đẻ ông Hun Manet và là cựu thủ tướng Campuchia. Sự trùng hợp không ngẫu nhiên này khiến đảng đối lập và giới quan sát coi việc khởi công kênh đào Funan Techo nhằm dụng ý nhắc nhở người dân về công lao của ông Hun Sen và gia đình ông.

Người dân Campuchia bị phớt lờ

Sam Rainsy, người đồng sáng lập và quyền lãnh đạo lưu vong của đảng CNRP đã bị giải thể, mới đây cho rằng Chính phủ Campuchia nên tạm dừng kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo để chờ những đánh giá độc lập về tính hợp lý và tác động đối với môi trường của dự án.[2]

Campuchia dường như cũng đang cố gắng tránh né việc để Ủy hội Sông Mekong, một cơ quan điều phối khu vực, xem xét dự án. Phnom Penh đã thông báo với ủy hội rằng dự án sẽ chỉ giới hạn ở một nhánh Sông Mekong và không có tác động trên diện rộng. Ủy hội Sông Mekong đã yêu cầu có thêm chi tiết về dự án gây ồn ào suốt thời gian qua này.

Sam Rainsy cũng cho biết thêm là người dân Campuchia cho đến nay cũng chưa hề được tham vấn về dự án. Các đảng đối lập đã bị giải tán dưới chế độ gia đình trị của Hun Sen và không thể đóng vai trò trực tiếp trong việc xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch xây dựng kênh đào.

Dự án quy mô nhưng được Chính phủ Campuchia quyết định một cách vội vàng và thiếu trách nhiệm theo yêu cầu của nhà tài trợ Trung Quốc. Theo ông Sam Rainsy, kênh đào sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế hạn chế cho người dân Campuchia bên ngoài chế độ.

Mặc dù dự án sắp được khởi công xây dựng, song người dân sống dọc dự án kênh đào này cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì cụ thể. Trả lời báo chí, Sophan May, một người dân sống dọc Prek Takeo, đoạn đầu tiên của kênh đào thuộc huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, cho biết chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng để người dân có phương án di chuyển hoặc chuẩn bị, do đó nếu dự án được thông báo quá muộn, “chúng tôi sẽ khó rời đi ngay lập tức”.[3]

Một người dân khác Heang Nang Eng, sống bên sông Prek Ta Hing, đoạn kênh thứ hai, cũng có quan điểm tương tự và cho biết chính quyền vẫn chưa chia sẻ bất kỳ thông tin nào.

Người đứng đầu xã Samraong Thom thuộc huyện Kien Svay, ông Chey Sam Oun cho biết ông đã nhận được một số thông tin chung chung về kênh đào, song chính quyền địa phương cũng chưa nhận được thông báo hay hướng dẫn cụ thể về các kế hoạch tiếp theo. Ông nói: “Người dân muốn biết nhưng chúng tôi cũng đang chờ đợi vì phía tôi (chính quyền) cần nhận được thông tin trước.” Ông không có bất kỳ dữ liệu nào về số lượng người sống dọc theo đoạn kênh Prek Takeo, chẳng hạn như những người sống ở vùng lân cận, những người sống ven bờ sông hay các hộ gia đình sống trên phần đất họ có quyền sở hữu.[3]

Việt Nam lo ngại

Hồi tháng 4 cho đến tháng 5 năm nay, báo chí Việt Nam ồ ạt lên tiếng  phản đối dự án này vì kênh đào chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể đòn bẩy đối với Campuchia, dẫn đến thất thoát về nguồn thu và sức ảnh hưởng của Hà Nội, đồng thời làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia trước sự bao vây của Trung Quốc và thái độ ngày càng quyết đoán của Campuchia. Mặc dù Việt Nam cảnh báo rằng kênh đào có thể tiếp nhận các tàu chiến Trung Quốc, nhưng kích thước nhỏ của kênh đào khiến điều đó khó xảy ra.

Tuy nhiên, kênh đào này có thể tiếp nhận các sà lan có chiều rộng 100 m di chuyển hai chiều. Điều này có nghĩa là các tàu tuần tra vũ trang cỡ nhỏ của Trung Quốc có thể đi lại trên tuyến đường thủy này. Mặc dù không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia quá lớn, nhưng điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bao vây rộng hơn đối với Việt Nam: Trung Quốc ở phía Bắc, Biển Đông nơi Trung Quốc chiếm ưu thế ở phía Đông, Lào và Campuchia ngày càng liên kết với Trung Quốc ở phía Tây.

Ngoài ra, Việt Nam cũng lo ngại rằng việc Campuchia giảm phụ thuộc thương mại vào mình sẽ khiến Phnom Penh ngày càng quyết đoán hơn theo thời gian. Điều này có thể đe dọa khơi dậy những tranh chấp lãnh thổ trước đây giữa hai nước xung quanh đồng bằng sông Cửu Long và đảo Phú Quốc trong những thập kỷ tới.

Bên cạnh những lo ngại về an ninh quốc gia, động thái phản đối dự án còn xuất phát từ việc Việt Nam mất nguồn thu thương mại và các tác động tiềm tàng về môi trường và xã hội, như sự di dời dân cư, mất đất nông nghiệp, giảm diện tích đất ngập nước cần thiết cho tưới tiêu (do đó kéo dài tình trạng thiếu nước), và tình trạng nhiễm mặn gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Âm mưu của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, dự án có thể tạo ra cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, bất động sản và du lịch, đồng thời góp phần mở rộng mạng lưới cảng và cơ sở hạ tầng toàn cầu được thiết kế để giảm thiểu tầm quan trọng của eo biển Malacca. Dự án sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Trung Quốc vì một công ty nhà nước Trung Quốc sẽ vận hành kênh đào trong 40-50 năm tới. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc có được doanh thu sau khi kênh đào hoàn thành, đồng thời tạo cơ hội đầu tư lớn hơn cho các công ty Trung Quốc vào nội địa Campuchia – đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, sản xuất, bất động sản và du lịch – bằng cách cải thiện khả năng kết nối. Kênh đào này cũng sẽ tăng cường kết nối, chẳng hạn như với Đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia, nơi được hưởng lợi lớn từ nguồn tài trợ của BRI của Trung Quốc.

Từ góc độ địa chính trị rộng hơn, kênh đào kết hợp với các dự án khác do Trung Quốc tài trợ có thể tạo ra một chuỗi cảng từ Biển Đông đến vịnh Ba Tư và Biển Đỏ. Chúng bao gồm căn cứ hải quân Ream ở Campuchia, kênh đào Kra được đề xuất ở Thái Lan, cảng nước sâu Kyaukphyu ở Myanmar, cảng Hambantota ở Sri Lanka, cảng Gwadar ở Pakistan và có thể là cảng Khalifa ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), cùng với căn cứ hải quân nước ngoài duy nhất của Trung Quốc hiện có tại cảng Doraleh ở Djibouti ở vùng Sừng châu Phi, cùng nhiều căn cứ khác.

Ngoài ra còn phải kể đến hàng trăm cảng trên toàn thế giới mà Trung Quốc có cổ phần kiểm soát hoặc đầu tư đáng kể. Đối với Bắc Kinh, mạng lưới này phục vụ mục đích chiến lược chính là giảm tầm quan trọng của eo biển Malacca, một điểm nút quan trọng mà hải quân đối phương có thể dễ dàng phong tỏa trong trường hợp xảy ra xung đột và qua đó làm tê liệt hoạt động nhập khẩu các sản phẩm năng lượng và thực phẩm của Trung Quốc, đồng thời bao vây quân sự Ấn Độ. Việc tìm ra con đường thay thế cho eo biển Malacca hoặc giảm thiểu tầm quan trọng của nó sẽ góp phần đảm bảo vị trí chiến lược của Trung Quốc bằng cách loại bỏ một điểm yếu lớn, từ đó làm tăng khả năng Trung Quốc có hành động quân sự nhằm vào Đài Loan hoặc Philippines trong tương lai.

Việt Nam chấp nhận thất bại

Sau khi dùng báo chí ồ ạt lên tiếng từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay, trước sự phản ứng mạnh mẽ của Hun Sen và sự không khoan nhượng từ Hun Manet, phía Việt Nam dường như phải chấp nhận mọi sự đã rồi.

Tất cả báo chí chính thống trong nước đã im bặt, không nhắc một chữ nào tới kênh đào Techo Phù Nam nữa. Điều này cho thấy cho dù Campuchia là một nước nhỏ hơn ở bên cạnh Việt Nam, nhưng họ rất hiểu cách chống lại Việt Nam như thế nào.

Và như thế, tương lai u ám đang diễn ra. Đồng bằng Sông Cửu Long đang chết.

Nguyễn Công Bằng

[1] https://www.thestar.com.my/aseanplus/aseanplus-news/2024/06/06/funan-techo-canal-groundbreaking-set-for-aug-5

[2] https://asia.nikkei.com/Opinion/Cambodia-s-planned-canal-isn-t-in-its-own-interest-only-China-s

[3] https://cambojanews.com/funan-techo-canal-construction-begin-in-august-canal-residents-clueless-on-compensation/