Ðộng Đất Nhỏ

Ngô Nhân Dụng

Ngày hôm qua mặt đất trong vùng Quận Cam rung chuyển vì một trận động đất nhẹ. Báo chí khắp nước Mỹ đều loan tin ngay. Mấy nơi thiệt hại nhẹ, như gương treo trên tường rớt, bể; bình hoa rớt; chân giường gẫy, vân vân. Vài tiếng đồng hồ sau Người Việt Online đã nhận được thư của độc giả vùng Pomona cho biết thêm chi tiết và cảm ơn Trời Phật vì gia đình ông được bình an. Tin tức và ý kiến chạy nhanh như điện!

Cũng trong thời gian đó, các mạng lưới thông tin điện tử của người Việt từ Á Châu, Âu Châu sang Mỹ Châu cũng đang truyền đi bản tin ông Nguyễn Tấn Dũng mới cách chức 5 vị tướng cầm đầu quân khu Hà Nội. Không ai biết lý do tại sao toàn bộ chính ủy, phó chính ủy, tư lệnh, phó tư lệnh và chánh văn phòng của quân khu ở thủ đô bị cất chức cùng một lúc. Bản tin do đài Á Châu Tự Do loan báo, dựa trên tin của báo Hà Nội Mới, cho nên có thể là xác thực. Nếu đúng, thì đây là một cuộc động đất nhỏ xẩy ra ở giữa Hà Nội. Nhưng khi tìm trên nhiều tờ báo điện tử trong nước thì không thấy báo nào bàn tán về trận động đất nhỏ này cả. Tại sao như vậy?

Xin chọn một trong các câu trả lời sau đây:

Tin tức điện tử ở Mỹ chạy nhanh, ở Việt Nam chạy chậm, vì trong nước ta hay có nạn cúp điện!

California hay có động đất nên ai cũng thích nghe và kháo nhau tin động đất; còn ở Việt Nam chẳng bao giờ có cảnh ông thủ tướng cách chức một loạt tướng lãnh cho nên giới truyền thông coi đó là chuyện không quan trọng.

Người Việt Nam không quan tâm đến những chuyện xảy ra trong guồng máy chỉ huy quân sự; trong khi dân Mỹ thì rất quan tâm đến tình trạng vỏ trái đất!

Ở Việt Nam chưa có chỉ thị của đảng Cộng Sản thì chưa nhà báo nào dám loan tin và bình luận, còn ở Mỹ người ta tha hồ loan tin không chờ cấp trên bảo viết gì mới viết.

Ở Việt Nam ông thủ tướng và đảng của ông muốn làm gì thì làm, không ai dám bàn tán, lòng dân bao giờ cũng bình tâm ‘vô sự”; ngược lại, dân Mỹ tính “đa sự,” có động đất là người ta loan tin ngay để có thể nhân dịp đó mà phàn nàn, lầu bầu với nhà nước. Dân sẽ đặt câu hỏi tại sao chính quyền liên bang hoặc tiểu bang không lo giúp dân phòng ngừa động đất hoặc tại sao không giúp đỡ các nạn nhân bị bể gương hoặc bị gẫy chân giường.

Vì dân Mỹ đa sự cho nên chuyện lớn chuyện nhỏ cũng được đem ra bàn tán. Một trong những tin tức mới làm rung chuyển Washington D.C., thủ đô nước Mỹ là bản báo cáo của một ủy ban điều tra trong Bộ Tư Pháp Liên Bang. Bản phúc trình do Sở Trách Nhiệm Nghiệp Vụ (Office of Professional Responsibility) và Sở Tổng Thanh Tra (inspector general office) cho biết ít nhất có hai nhân viên cao cấp Bộ Tư Pháp đã vi phạm quy chế công chức trong khi làm nhiệm vụ. Hai người này đã nghỉ việc từ năm ngoái, họ bị coi là đã để cho khuynh hướng chính trị của mình ảnh hưởng đến việc tuyển mộ và thưởng phạt nhân viên. Ông Kyle Sampson, chánh văn phòng cựu Bộ Trưởng Alberto Gonzales và cô Monica Goodling, công cán ủy viên cho ông Gonzales trong việc liên lạc với Tòa Bạch Ốc, bị coi là đã thiên vị trong việc đề nghị bổ nhiệm các thẩm phán tòa án di dân và nhiều biện lý cấp liên bang. Họ đã gạt bỏ nhiều người có khuynh hướng theo đảng Dân Chủ, có trường hợp một người có vợ năng hoạt động trong đảng Dân Chủ, mặc dù đó là những người có khả năng hoặc kinh nghiệm cao. Riêng cô Goodling đã gạt bỏ cả những ứng viên có khuynh hướng đồng tính luyến ái, nam cũng như nữ.

Monica Goodling.

Cô Monica Goodling mới có 34 tuổi, tốt nghiệp đại học mới 9 năm trước đây, xuất thân từ trường Luật, một trường có ý hướng “đưa Kinh Thánh vào môi trường luật pháp,” thuộc Ðại Học Regent do Mục Sư Pat Robertson lập ra để đào tạo “những người lãnh đạo bảo thủ tương lai.” Có hàng trăm cựu sinh viên đại học này làm việc trong chính quyền Bush. Cô Goodling đã tham dự ngay cuộc vận động tranh cử của Tổng Thống George W. Bush vào năm 2000, cô được bổ vào làm ở Bộ Tư Pháp ngay sau khi ông Bush nhậm chức. Cô leo lên dần dần trong guồng máy Bộ Tư Pháp, đến đời ông Gonzales thì lên chức công cán ủy viên.

Năm 2007, Bộ Tư Pháp Mỹ bị tai tiếng vì vụ 7 vị thẩm phán liên bang bị ngưng việc, mà người ta cho nguyên nhân chính là vì họ có khuynh hướng chính trị ngược lại với chính phủ Bush. Có người thuộc đảng Cộng Hòa nhưng bị coi là không đồng ý với ông tổng thống cũng không được bổ nhiệm. Sau khi báo chí điều tra và phơi bầy vụ xì căng đan này, Monica Goodling cùng nhiều viên chức đã bị mời ra cho quốc hội chất vấn, và cô đã từ chối trả lời các câu hỏi, sử dụng Tu Chính Án số 5 trong Hiến Pháp Mỹ. Ðiều này cho các công dân quyền từ chối tuyên thệ nói đúng sự thật, nếu thấy câu trả lời của mình có thể sẽ được dùng để kết tội mình. Sau vụ này, ông Bộ Trưởng Gonzales, ông Sampson và cô Goodling đã từ chức. Ông Gonzales là một luật gia có tài, đáng lẽ có thể trở thành một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tương lai, nhưng sau vụ này ông rất ít hy vọng leo lên ngôi vị cao nhất đó.

Năm nay, ủy ban điều tra nội bộ thuộc Bộ Tư Pháp Mỹ đã kết thúc cuộc điều tra và trình bày bản báo cáo 150 trang, kết luận rằng trong thời gian làm việc ở Bộ Tư Pháp cô Goodling đã dùng chính trị làm tiêu chuẩn bổ nhiệm nhân viên. Cô đã từ chối việc bổ nhiệm, thăng thưởng nhiều nhân viên trong bộ vì khuynh hướng chính trị của họ. Làm như vậy là vi phạm quy chế công chức, theo đó guồng máy chính quyền phải hoàn toàn độc lập với các đảng chính trị. Ở các nước dân chủ tự do đều có những quy chế công chức độc lập như thế. Tại các nước dân chủ, tổng thống và thủ tướng lên rồi xuống luôn, các đảng chính trị thay phiên nhau cầm quyền, nhưng guồng máy công quyền, quân đội, cảnh sát thì còn đó mãi mãi. Guồng máy nhà nước là để phục vụ dân chúng, không phải để phục vụ chính quyền, không thể là công cụ của các đảng phái chính trị. Bất cứ vị tổng thống Mỹ nào cũng có quyền bổ nhiệm các bộ trưởng thuộc đảng mình. Các bộ trưởng có quyền bổ nhiệm hàng trăm chức vụ có tính chất chính trị rõ rệt, để thi hành chương trình, đường lối, chủ trương của vị tổng thống. Nhưng trong khi thi hành các quyền chính trị đó, họ phải tôn trọng tính chất độc lập của guồng máy nhà nước, gồm quân đội, cảnh sát, và gần 2 triệu công chức liên bang Mỹ.

Vi phạm quy chế công chức không phải là một tội hình sự, cho nên cô Goodling và ông Sampson không lo; tuy nhiên họ có thể bị truy tố nếu đã nói dối trong những cuộc điều trần trước quốc hội vào năm ngoái. Ủy ban Tư Pháp Hạ Viện Mỹ đã cho cô Goodling được “miễn chấp” (immunity) trong tất cả các lời khai trước ủy ban, để khuyến khích cô nói hết sự thật.

Bộ Trưởng Tư Pháp Michael Mukasey.

Trong cuộc điều tra trong nội bộ Bộ Tư Pháp Mỹ, chúng ta biết hiện nay ông bộ trưởng vẫn thuộc đảng Cộng Hòa, do Tổng Thống George W. Bush bổ nhiệm thay thế ông Gonzales. Nhưng các vị công chức thực hiện cuộc điều tra đã đóng đúng vai trò độc lập của họ, với những kết luận bất lợi cho những người theo Tổng Thống Bush. Ông bộ trưởng đương nhiệm, Michael Mukasey mới tuyên bố ông rất bất bình trước những điều mà ủy ban điều tra đã tìm ra. Ông cho biết đã thực hiện nhiều thay đổi, trong đó có những điều hướng dẫn khi nào thì yếu tố chính trị mới được dùng để thẩm lượng các nhân viên, thí dụ trong những chức vụ tạm thời ngắn hạn.

Vụ cô Goodling cho thấy định chế dân chủ khá vững chãi ở nước Mỹ. Khó có một vị tổng thống Mỹ nào lại cách chức một lúc 5 vị tướng chỉ huy một quân khu. Vì lập tức, báo chí sẽ đặt câu hỏi, các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn. Nhiều chức vị chỉ huy trong quân đội, cũng như các chức đại sứ, bộ trưởng, vân vân, phải được quốc hội thông qua, để bảo đảm không cho chính trị ảnh hưởng tới guồng máy nhà nước.

Chỉ có ở những nước chưa tự do dân chủ thì người cầm đầu chính phủ mới có nhiều quyền cách chức các tướng lãnh một cách thản nhiên. Ngày xưa ông Tổng Thống Nixon cách chức bộ trưởng tư pháp của chính ông cùng một loạt các công chức cao cấp trong bộ; vụ đó được báo chí gọi là một “vụ tàn sát,” massacre! Cách chức 5 ông tướng cầm quân ở thủ đô cũng có thể gọi tên như vậy. Chúng ta không biết lý do nào đã gây ra cuộc “tàn sát” này, nếu đó là chuyện thật đã xảy ra.

Nhưng việc cất chức 5 ông tướng một lúc, một trận động đất nhỏ, chắc chắn phải vì lý do chính trị. Không lẽ tình cờ có 5 ông tướng ở một chỗ cùng đến tuổi về hưu! Có người cho là ông Nguyễn Tấn Dũng muốn cải tổ quân đội nên mới thay đổi lớn như vậy. Nhưng muốn cải tổ quân đội thì cải tổ từ Bộ Quốc Phòng đến Bộ Tổng Tham Mưu trở xuống, chứ sao lại nhắm vào 5 ông tướng trong cùng một vùng? Có người cho là ông Nguyễn Tấn Dũng muốn ngả sang thân Mỹ, thay vì theo phía Trung Cộng cho nên ra tay. Nhưng như vậy thì những vị tướng bị ảnh hưởng phải là những người trấn nhậm vùng biên giới, các đô đốc chỉ huy vùng lãnh hải, chứ sao họ lại nằm ở ngay Hà Nội? Còn nhiều giả thuyết khác, trong đó có người cho là ông Nguyễn Tấn Dũng cất chức 5 vị tướng là trừ được một âm mưu đảo chính!

Vòng đai Hà Nội dự kiến mở rộng.

Nhưng một giả thuyết giản dị hơn về trận động đất nhỏ ở Hà Nội, là họ tranh giành quyền lợi. Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới công bố việc mở rộng thủ đô Hà Nội. Trong quyết định này có nhiều vụ chia chác quyền lợi đất đai rất lớn. Xưa nay các vị tướng chỉ huy thường được hưởng rất nhiều quyền lợi về việc sử dụng đất trong khu vực mình trị nhậm. Các mảnh đất thuộc quyền quân đội quản lý có thể được trao cho các nhà thầu, các công ty kinh doanh địa ốc, đó là những quyền lợi rất lớn. Trong kế hoạch mở rộng Hà Nội, Bộ Chính Trị Cộng Sản không hề tham khảo ý kiến quốc hội, cũng chẳng thèm hỏi ý các chuyên gia về kinh tế, đô thị, lịch sử, văn hóa, vân vân. Không biết họ có chia đều cho các vị chỉ huy trong quân đội hay không? Chúng ta phải chờ những tin tức tiếp theo mới dần dần hiểu được, trước hết là coi tin tức này có thật hay chỉ là một quả bóng thăm dò được tung lên chơi. (Người Việt; Tuesday, July 29, 2008)

Ngô Nhân Dụng