Trong thời chiến tranh, bộ máy tuyên truyền của Miền Bắc luôn luôn nhấn mạnh đến điều mà họ cho là chân lý: nền kinh tế Miền Nam phát triển theo đường lối tư bản chủ nghĩa là một nền kinh tế bóc lột người dân thậm tệ. Sự tích luỹ tư bản cũng như công cụ sản xuất vào tay một số ít chủ nhân, tước đi quyền “làm chủ tập thể” của người dân mà bí thư Lê Duẩn cho là 1 trong 3 phát kiến vĩ đại của nhân loại.
Chân lý ấy bao trùm trên toàn bộ suy nghĩ của lãnh đạo cộng sản thời bấy giờ. Vì thế, năm 1975, sau khi chiếm được Miền Nam bằng một cuộc chiến tranh bạo lực với sự dàn xếp của các cường lực nước ngoài, Bắc Việt Cộng Sản lập tức đạp đổ toàn bộ nền “kinh tế bóc lột” Miền Nam đang ngược chiều với nền kinh tế ưu việt xã hội chủ nghĩa mà họ đang xây dựng ở Miền Bắc.
Hệ thống mậu dịch quốc doanh được áp dụng trên toàn thành thị mới chiếm được. Người dân Miền Nam ngỡ ngàng nhận ra đời sống xã hội sụp đổ cùng với sự sụp đổ của nền móng phát triển quốc gia, dù mới phôi thai nhưng hứa hẹn một tương lai tươi sáng bền vững.
Khi hệ thống sản xuất và phân phối của Miền Nam lọt vào tay người chủ mới, người dân bắt đầu làm quen với hình thức tổ chức của hệ thống hợp tác xã thương nghiệp. Nghĩa là làm quen với tem phiếu thực phẩm, cuốn sổ mua hàng phân phối từng cây kim sợi chỉ, từng lít dầu thắp đèn, từng gram thịt, từng kg gạo theo tiêu chuẩn mỗi loại con người.
Điều chua chát hơn hết, trong khi chật vật trở lại với đời sống cách đó nửa thế kỷ, người ta buộc phải nghe, phải học tập nhà nước mới rằng đó là một xã hội hoàn hảo nhất do chủ nghĩa cộng sản mang lại.
Ở nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp mọc lên như nấm dại. Người nông dân ngậm ngùi mang ruộng đất của mình ký thác vào tay các cán bộ cộng sản để trở thành một bộ phận được xưng tụng là những ông chủ mới của nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhất loài người.
Bởi vì, theo lời giải thích đầy hào hứng của cán bộ nông nghiệp, từ đây nông dân mới thực sự làm chủ. Trước đây làm chủ một vài ha ruộng đất, bây giờ vì là thành viên nên làm chủ hàng trăm ha ruộng của hợp tác xã: làm chủ tập thể. Nhưng không bao lâu sau, người nông dân càng cay đắng khi được chia công điểm từng bó rơm, kí-lô lúa theo kiểu Miền Bắc xã hội chủ nghĩa mang vào.
Sự thất bại của một mô hình không được báo trước nhưng sự lặng lẽ tẩy chay của người dân thành thị đã đem đến một chiến thắng chung cuộc vào khoảng năm 1990 khi thương nghiệp hợp tác xã chính thức giải thể. Ở nông thôn, người nông dân phản ứng bằng cách bỏ ruộng, tự biến mình thành giai cấp công nhân vô sản, đẩy xã hội đi đến chỗ tan rã thiếu đói.
Nhưng một lần nữa kinh tế thị trường lại xuất hiện như một vị cứu tinh, đẩy lùi thời kỳ bao cấp vào bóng tối. Cho đến nay những thành tựu của kinh tế thị trường là không thể chối cãi, dù cho nó có được cố gắng trang trí bằng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngày nay không có mấy ai dám thừa nhận những thành tựu ấy là do chủ nghĩa xã hội mang lại, ngoài lời tuyên bố hùng hồn của các lãnh đạo Hà Nội trong các buổi lễ lớn hàng năm.
Người ta tưởng cái quá khứ nhục nhã và đau buồn ấy vĩnh viễn là đống tro tàn của một thời sai lầm trong quá khứ. Nhưng mới đây, cái quá khứ ô nhục ấy được thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng dũng cảm khơi dậy khi ký ban hành “Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 9” đề cập về việc phải tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.
Theo đó, Bộ Chính Trị tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã có vị trí và vai trò quan trọng trong kinh tế đất nước. Và quan trọng hơn hết, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã là “xu thế tất yếu” và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nó phải được đem ra giảng dạy trong các học viện chính trị và trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Những lời lẽ dao to búa lớn ấy đã khiến cho dư luận quá đổi ngạc nhiên. Vì không ai có thể tưởng tượng được mô hình phản tiến bộ ấy lại được đảng CSVN đề cao, tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển như một thứ của quý trong giai đoạn hiện nay. Nó vừa cho thấy một sự thật hiển nhiên là đảng CSVN bất chấp sự sai lầm trong quá khứ, ra sức trì kéo hệ thống kinh tế đất nước vừa được vực dậy nhờ vào đồng tiền của tư bản.
Mặt khác qua thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng, dư luận quần chúng cũng thấy rất rõ đất nước đang bị dẫn dắt bởi những người cộng sản não bộ xơ cứng, tiếp tục dùng chủ thuyết Mác-Lê ru ngủ quần chúng và tự ru ngủ.
Trong khi những người sáng suốt nhất ở Việt Nam đã sớm nhìn thấy cộng sản không phải là mô hình duy nhất để phát triển đất nước vì bản chất độc tài của nó, thì những lãnh đạo cộng sản thời nay không ngần ngại tôn sùng lý thuyết Mác-Lê như chân lý bất biến. Họ cố tình không muốn thấy chân lý ấy đã hoàn toàn thất bại ở Liên Xô năm 1991 và mô hình kinh tế chỉ huy ở Việt Nam đã rệu rã khi hệ thống hợp tác xã thương nghiệp lẫn nông nghiệp buộc phải giải thể, dù có tái hiện dưới cái tên mỹ miều “Liên Minh Hợp Tác Xã” gì đó.
Có thể kết luận, nếu chấp nhận kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã là xu thế phát triển tất yếu như Bộ Chính Trị chỉ đạo, người ta không thể không chấp nhận sự sụp đổ của đảng cũng là tất yếu trong tương lai bất định của nó.
Phạm Nhật Bình