Những Chuyện Bên Lề Của Cuộc Thi Hoa Hậu Hoàn Vũ 2008

Lê Minh

Lễ đăng quang Hoa Hậu Hoàn Vũ 2008 (HHHV) đã diễn ra sáng hôm qua 14/7 tại Trung tâm hội nghị Hoàn vũ (tức là Crown Convention Center, thuộc Diamond Bay Resort, ở ngoại ô thành phố Nha Trang, trên đường đi Cam Ranh) với chiếc vương miện “Hoa hậu Hoàn Vũ 2008” (HHHV) thuộc về Hoa hậu Venezuela. Chuyện tưởng cũng chẳng có gì để nói thêm, bởi vì việc các người đẹp khoe sắc trên sàn Catwalk và chuyện thắng thua thì cuộc thi nào cũng phải có. Nhưng trong việc tổ chức cuộc thi HHHV 2008 tại Việt Nam lần này có một số điều đáng ghi nhận, tưởng cũng cần nên nhắc lại để đọc giả được rõ.

Về Công ty tổ chức Hoa Hậu Hoàn Vũ – Miss Universe Organization (MUO)

Đi ngược dòng thời gian một chút mới thể thấy rằng việc Việt Nam xin đăng cai HHHV 2008 và được chấp thuận cũng là vì nhiều duyên do. Số là, trong vòng khoảng chục năm kể từ sau khi “Mở cửa”, tại Việt Nam bắt đầu nở rộ phong trào thi hoa hậu. Người ta đã tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu “vô tiền khoáng hậu” và cũng rất ư là vô … hậu. Miền, tỉnh, thành phố nào cũng có thi hoa hậu. Rồi kế đến là các trường học, xí nghiệp nhà máy, các tờ báo,… đều tổ chức thi hoa hậu. Đương nhiên tổ chức thi Hoa hậu là để kiếm tiền, cho nên các cuộc thi lớn đều có các nhà bảo trợ đứng sau lưng. Có lẽ vì muốn tiến ra biển lớn về mọi mặt và muốn thử lửa, cho nên Việt Nam đã xin đăng cai cuộc thi HHHV 2008.

Nói đến cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, có lẽ cũng cần phải lượt qua gốc gác của nó. Cuộc thi HHHV đầu tiên được tổ chức tại Long Beach, California vào năm 1952. Đến năm 1996 thì cuộc thi HHHV được chuyển qua tay của Công ty Miss Universe Organization (MUO), là một liên doanh giữa Hãng Truyền Hình NBC Universal và Đại Công ty Trump (của ông tỷ phủ ngành bất động sản Donald Trump). Tính cho đến nay MUO đã tổ chức được 57 cuộc thi Miss Universe hằng năm.

Trong những thập niên gần đây, khi cuộc thi HHHV trở nên gây cấn hào hứng hơn thì các giải thưởng của cuộc thi và chiếc vương miện càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các thí sinh. Đương nhiên Ban tổ chức là Công ty MUO cũng lời nhiều hơn. Đến lúc này thì việc “toàn cầu hóa” cuộc thi HHHV cũng là điều tất yếu. Các quốc gia lần lượt nộp đơn xin đăng cai tổ chức cuộc thi HHHV.

Phí tổn đăng cai HHHV 2008

Việc gì đến cũng phải đến: Việt Nam là một trong vài nước đang xếp hàng đã xin được đăng cai tổ chức cuộc thi HHHV 2008. Đương nhiên, để giành được đăng cai tổ chức HHHV 2008, nước chủ nhà Việt Nam chắc chắn đã phải chịu thiệt hoặc chấp nhận những điều kiện tài chánh do phía MUO đưa ra, hoặc là chủ động đưa ra những điều kiện “hấp dẫn” hơn các đối thủ khác.

Mặc dầu Việt Nam xin được đăng cai từ năm ngoái, thế nhưng báo chí và người dân Việt Nam không hề được biết các điều kiện tài chánh và số tiền mà Việt Nam phải bỏ ra để được đăng cai. Mãi cho đến khi cuộc thi gần kết thúc thì mới vỡ lẽ hư thực: để có được quyền đăng cai HHHV 2008, Việt Nam đã bỏ ra gần 20triệu Mỹ Kim, bao gồm 7triệu Mỹ kim để xây cơ ngơi cho việc tổ chức HHHV 2008, cùng với nhiều điều kiện khắt khe, bất lợi cho phía chủ nhà tổ chức. Để hình dung được con số 20 triệu Mỹ kim lớn hay nhỏ, và có thể làm được gì cho một quốc gia như Việt Nam thì chúng ta hãy làm một vài so sánh.

Theo “Đề án về trường đại học chất lượng cao ở Việt Nam” được trình lên thủ tướng nhà nước CSVN vào tháng 9 năm 2005, các chuyên gia thuộc nhóm làm đề án này đã ước lượng rằng chỉ cần 10 triệu thì có thể xây dựng được cơ ngơi, học cụ, cùng các chi phí lương bổng, điều hành trong 1 năm cho một trường “Đại học Chất lượng cao” (ĐHCLC – đạt phẩm chất quốc tế). Như vậy, 20 triệu Mỹ kim chi cho việc tổ chức HHHV 2008, là tương đương với phí tổn để thành lập 2 “Đại học Chất lượng cao” (vào thời điểm tháng 9 năm 2005) tai Việt Nam. Thế nhưng lời đề nghị thành lập 2 “Đại học Chất lượng cao” tại Việt Nam ra đời từ tháng 9 năm 2005, mà cho đến nay vẫn chưa …. nhúc nhích. Trong khi đó thì Việt Nam đã hối hả đón nhận đăng cai HHHV 2008 từ tháng 9 năm ngoái để rồi tất bật mọi công việc cho kịp cuộc thi HHHV vào tháng 7 này.

Đương nhiên với 20 triệu đô la Mỹ còn có thể làm được nhiều chuyện cấp bách khác nữa, chẳng hạn như để giải quyết bệnh “tiểu đường” của người Việt Nam (bệnh “tiểu đường” ở đây là nghĩa bóng, ý nói đến nhu cầu vệ sinh tối thiểu của con người).

Suốt thời gian qua báo chí Việt Nam trong nước (báo chí quốc doanh đấy nhé, chứ không phải làng báo “phản động” ở hải ngoại) đã nhiều lần lên tiếng về nhu cầu vệ sinh nơi công cộng, công sở, trường học,… Vì không có hoặc thiếu phương tiện vệ sinh sạch sẽ mà các em học sinh phải nín thở khi phải “giải quyết”, hoặc là phải nín nhịn đến hết buổi học rồi chạy nhanh về nhà,… Ngay cả các trường được bình chọn là trường “sao”, có thể có nhà vệ sinh được xây mới nhưng học sinh vẫn phải… nín thở đi đại, bởi vì tuy còn mới nhưng vẫn bẩn. Vệ sinh ở nơi chốn công cộng thì khỏi phải “chê” luôn, cho nên riết rồi căn bệnh “tiểu đường” của người dân càng trở nên trầm kha hơn.

Và những chuyện ấm ức bên lề của HHHV 2008

Bất cứ cuộc chơi nào cũng có luật của nó. Cuộc thi HHHV cũng không ngoại lệ, hơn nữa lại do một công ty nước ngoài đứng ra đảm trách hoàn toàn: từ việc bảo vệ (security), soát vé, xếp chỗ ngồi, âm thanh, ánh sáng,… kể cả việc kiểm soát cánh nhà báo tác nghiệp.

Ông Nguyễn Công Khế “Chua” (một hỗn danh do người Việt tỵ nạn Úc Châu tặng ông Khế khi ông đưa bầu đoàn thê tử DDVN “đem chuông đi đánh xứ người” tại Úc Châu vào năm 2006) là TBT báo Thanh Niên, cũng là Phó Ban tổ chức cuộc thi (phía Việt Nam), mấy hôm cuối đã trịnh trọng tuyên bố với cánh nhà báo rằng mỗi người sẽ được biếu 1 vé để vào dự khán 2 ngày cuối của cuộc thi với điều kiện: tất cả máy ảnh phải được giao cho các anh bảo vệ người Mỹ da đen lực lưỡng giữ dùm cho đến …. khi Hoa Hậu đăng quang! Kể ra thì ông Khế cũng nghiêm luật ra phết.

Tuy là hầu hết các báo chí trong nước ít nhiều đều đưa tin ca ngợi cuộc thi HHHV 2008, nhưng cũng có một số phóng viên của các tờ báo lớn như Lao Động, VietnamNet,… (là những tờ báo đối thủ của tờ Thanh Niên do ông Nguyễn Công Khế làm TBT) đã viết bài phân tích thiệt thua.

Buổi lễ đăng quang ngôi HHHV 2008 được diễn ra lúc 8g sang. Đây là điều dễ hiểu bởi vì 8g sáng thứ Hai 14/7 thì vẫn là buổi chiều hoặc tối của các tiểu bang bên Mỹ, tức là giờ giấc giải trí của khán giả nói chung. Như vậy, “Việc tổ chức lễ đăng quang vào buổi sáng theo giờ Việt Nam cũng nhằm chủ yếu phục vụ cho khán giả Mỹ được xem vào buổi tối, hoàn toàn không có chút nhượng bộ nào cho thói quen, giờ giấc giải trí của khán giả nước chủ nhà lẫn các quốc gia khác”. Trong khi đó theo yêu cầu ghi trong vé thì khán giả trong và ngoài nước phải có mặt tại hội trường trước khi bắt đầu là 1 hoặc 2 tiếng (tức là 6g hoặc 7g sáng giờ Việt Nam) thì quả là làm khó khán giả Việt Nam.

Với 7,500 ghế, chắc chắn việc sắp xếp chỗ ngồi cho khán giả cần một một khoảng thời gian nhất định. Cho nên Ban tổ chức đã cẩn thận ghi rõ trong vé rằng “Trang phục sang trọng, đến trước giờ diễn 2 tiếng để BTC sắp xếp chỗ ngồi…”. Thế nhưng khi chương trình đã bắt đầu 1 tiêng rồi mà vẫn còn người lục tục kéo vào. Để giữ an ninh, trật tự, đáng lý ra bảo vệ không cho những người đi trễ vào, nhưng rốt cuộc phải “nhượng bộ” vì số người đi trễ quá đông, nên ghế bên trong còn trống quá nhiều, e rằng không tiện cho việc lên hình.

Chưa hết, khi các Hoa hậu bước ra chào cám ơn khán giả, thì cũng là lúc âm thanh “rào rào” của tiếng ghế bên dưới khiến số khán giả trong hội trường vơi đi một nửa, và thậm chí không ít ông bà cán cốm cấp tỉnh và trung ương ngồi ở khu vực Super VIP cũng đã … biến tự bao giờ!

Và còn không biết bao chuyện nực cười khác đã xảy ra trong suốt thời gian của cuộc tổ chức HHHV 2008, chắc chắn đã để lại lòng người xem đặc biệt là các du khách ngoại quốc một cảm giác “khó tả”.

Đương nhiên là “vui lòng khách đến”, nhưng “không vừa lòng thì khách cũng đi luôn”.

Lê Minh (15/7/2008)