Những chuyển động nguy hiểm ở eo biển Đài Loan

Du khách chụp hình bên các cột chống đổ bộ được đặt dọc theo bờ biển tại đảo Kim Môn của Đài Loan, chỉ cách bờ biển Trung Quốc Đại Lục 3,2 km ở eo biển Đài Loan. Đài Loan đang sống trong mối đe dọa thường xuyên của Trung Quốc. Ảnh: Sam Yeh/AFP via Getty Images
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Cùng với cuộc chiến tranh ở Ukraine, tình hình eo biển Đài Loan đang nóng lên từng giờ khi Bắc Kinh gia tăng sức mạnh Hải Quân và Washington gia tăng cam kết bảo vệ đảo quốc dân chủ này trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc.

Sáng Thứ Sáu, 17 tháng Sáu, Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba, đặt tên là Phúc Kiến (Fujian), mang số hiệu 18.

Truyền thông quốc tế dẫn lời các quan sát viên quân sự cho biết tàu Phúc Kiến lớn hơn, tân tiến hơn hai chiếc trước, hoàn toàn do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc mở rộng năng lực và tầm hoạt động của Hải Quân Trung Quốc.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, tàu Phúc Kiến có độ giãn nước 80.000 tấn, được trang bị các loại vũ khí tân tiến nhất và sử dụng công nghệ phóng điện từ để phóng phi cơ, tương tự như các hàng không mẫu hạm của Mỹ và Pháp.

Một hàng không mẫu hạm tân tiến hơn chắc chắn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tham vọng từ lâu của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, xâm chiếm và sáp nhập Đài Loan – đảo quốc dân chủ mà Trung Quốc vẫn khăng khăng là một phần lãnh thổ của họ và không loại trừ khả năng tấn công xâm lược bằng quân sự để đạt mục đích.

Hàng không mẫu hạm mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Hải Quân Trung Quốc sẽ đặt ra một thách thức lớn cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và đồng minh.

Trung Quốc hiện có lực lượng Hải Quân lớn nhất thế giới tính theo số tàu chiến. Trong báo cáo gửi Cơ Quan Nghiên Cứu của Quốc Hội Mỹ hồi tháng Ba, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có 355 tàu chiến các loại, kể cả tàu ngầm, dự tính có thể tăng lên 420 chiếc vào năm 2025 và 460 chiếc vào năm 2030. Hải Quân Hoa Kỳ có ít tàu hơn và phải phân bố tới nhiều điểm nóng trên toàn cầu nên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hải Quân Trung Quốc có ảnh hưởng vượt trội.

Trong những năm gần đây, Hải Quân Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti ở Châu Phi, đã ký một thỏa thuận an ninh bí mật với quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương và đang làm việc với Cambodia để cải tạo quân cảng Ream trên bờ vịnh Thái Lan, chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam 30 cây số.

Nhưng mặc dù mở rộng như vậy theo các nhà phân tích, mục tiêu lớn nhất của Hải Quân Trung Quốc là đảo Đài Loan – chỉ cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc 80 dặm. Đặt tên cho hàng không mẫu hạm mới nhất là Phúc Kiến có thể là một dấu hiệu cho thấy ý đồ rõ ràng của các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc.

*

Đảo Đài Loan – có lần được Tướng Douglas MacArthur của Mỹ gọi là “chiếc hàng không mẫu hạm và căn cứ tàu ngầm không thể đánh chìm” – có một giá trị hết sức quan trọng về quân sự, là tiền đồn trấn giữ vùng Đông Bắc Á, ngăn cản mưu đồ đe dọa và tấn công của Trung Quốc vào các đồng minh quan trọng Nhật Bản và Nam Hàn.

Trên tạp chí Foreign Affairs, Giáo Sư Brendan Rittenhouse Green, đại học University of Cincinnati, và Giáo Sư Caitlin Talmadge, đại học Georgetown University, đã viết một bài dài phân tích giá trị về mặt quân sự của đảo Đài Loan và những thất bại chiến lược đặt ra cho Hoa Kỳ nếu hòn đảo này bị Trung Quốc sáp nhập. Thất bại lớn nhất khi mất Đài Loan là Hoa Kỳ chẳng những không bảo vệ được Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, không bảo vệ được tuyến giao thương quốc tế hết sức thiết yếu qua Biển Đông mà Hải Quân Hoa Kỳ cũng bị đuổi ra khỏi khu vực, thậm chí một số vùng lãnh thổ Hoa Kỳ như Alaska, các đảo Thái Bình Dương và các tiểu bang Bờ Tây có thể bị đe dọa tấn công của Hải Quân Trung Quốc.

Chính vì tầm quan trọng của Đài Loan đối với lợi ích của Mỹ mà gần đây, mặc dù phải tập trung nguồn lực cùng với Châu Âu giúp người dân Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga, chính phủ Hoa Kỳ vẫn không xao lãng với tình hình ở Đài Loan và tham vọng của Trung Quốc.

Tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á Shangri-La ở Singapore tuần trước, ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, cảnh báo chuyện Trung Quốc thay đổi chính sách Đài Loan, gia tăng sự cưỡng ép bằng cách hoạt động quân sự nhằm khiêu khích và gây bất ổn. Ông Austin nói tại diễn đàn có sự tham dự của ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, rằng: “Chính sách của chúng tôi không thay đổi, nhưng rất tiếc điều đó dường như không đúng với Trung Quốc… Chúng tôi vẫn tập trung duy trì hòa bình, ổn định và hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Nhưng các hành vi của Trung Quốc đe dọa phá hủy an ninh, sự ổn định và sự thịnh vượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.” Ông còn nhấn mạnh Hoa Kỳ “giữ vững nguyên tắc những sự khác biệt giữa hai bờ eo biển phải được giải quyết bằng những phương thức hòa bình” nhưng tiếp tục thực hiện các cam kết với người dân Đài Loan là bảo đảm cho hòn đảo có đủ nguồn lực để tự vệ và ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ mới là kẻ gây bất ổn ở eo biển Đài Loan. Ông Ngụy cho rằng việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho hòn đảo này “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc,” và nhấn mạnh “Sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công.” Với giọng điệu hung hăng thường thấy ở các giới chức Trung Quốc, Tướng Ngụy đe dọa “sẽ đập tan mọi âm mưu độc lập của Đài Loan và cương quyết bảo vệ sự thống nhất của tổ quốc,” “cương quyết phản đối và lên án mạnh mẽ” hành động hỗ trợ Đài Loan của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác. Đại Tá Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên quân đội Trung Quốc, thậm chí còn đe dọa “bằng mọi giá, kể cả phát động chiến tranh” để đập tan những âm mưu ủng hộ Đài Loan độc lập.

Cuộc khẩu chiến về Đài Loan lại càng nóng lên trong tuần này sau khi một nhà lập pháp hàng đầu của Đài Loan tiết lộ quân đội nước này có loại hỏa tiễn siêu thanh Yun Feng (Vân Phong) có tầm bắn tới thủ đô Bắc Kinh và đập Tam Hiệp của Trung Quốc.

Hôm Chủ Nhật, ông Du Tứ Khôn (You Si-kun), chủ tịch Quốc Hội Đài Loan, nói khi ông còn làm thủ tướng (2002-2005) ông đã biết Đài Loan có loại hỏa tiễn siêu thanh tầm trung này và lúc đó ông không được công khai nói về nó; còn bây giờ, ông cảnh báo Trung Quốc “phải suy nghĩ kỹ trước khi xâm lược Đài Loan.” “Tất nhiên Đài Loan sẽ không bao giờ xâm lược Trung Quốc… Đài Loan sẽ không bao giờ chủ động tấn công Bắc Kinh hoặc đập Tam Hiệp. Nhưng trước khi tấn công Đài Loan, Trung Quốc cần phải xem xét năng lực hiện có của Đài Loan, có thể bắn tới Bắc Kinh,” ông Du nói.

Phát biểu của người đứng đầu ngành lập pháp Đài Loan tất nhiên bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Ông Mã Tiểu Cương (Ma Xiaoqiang), giám đốc Văn Phòng Đài Loan Sự Vụ của Bắc Kinh, nói “tiếng gào thét của những người Đài Loan cứng đầu cứng cổ đòi độc lập như Du Tứ Khôn chỉ bộc lộ bản chất điên cuồng của họ” mà thôi. “Nếu họ dám lấy trứng chọi đá, họ sẽ bị vỡ thành từng mảnh,” ông Mã nói.

*

Trong chính sách của Hoa Kỳ và các đồng minh, Đài Loan không chỉ là một đảo quốc 24 triệu dân và chỉ có quan hệ ngoại giao với 15 trong số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc mà vấn đề Đài Loan gắn liền với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, theo đó không quốc gia nào được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để xâm chiếm đất đai của nước khác hoặc giải quyết những bất đồng trong quan hệ quốc tế.

Tại Diễn Đàn Shangri-La hôm 11 tháng Sáu, Bộ Trưởng Austin chỉ ra sự tương đồng của tình hình Đài Loan với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine: “Một cuộc tấn công vô cớ, không biện hộ được vào một láng giềng hòa bình đã kích động cả thế giới… và nhắc chúng ta nhớ tới tất cả những mối nguy hiểm của việc phớt lờ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và lòng tôn trọng.”

“Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine là chuyện xảy ra khi những kẻ áp bức chà đạp lên các luật lệ bảo vệ tất cả chúng ta. Đó là những gì xảy ra khi các cường quốc quyết định rằng các tham vọng đế quốc của họ thì quan trọng hơn quyền của các láng giềng hòa bình. Và đó là hình ảnh báo trước một thế giới hỗn loạn, xáo trộn mà không ai trong chúng ta muốn sống,” ông Austin nói và nhấn mạnh “Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thì ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng quan trọng ngang với ở Châu Âu.”

Cùng quan điểm như vậy, ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, cảnh báo: “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai.” Ông khuyến cáo quốc tế nên “chuẩn bị cho việc một quốc gia chà đạp lên hòa bình và an ninh của quốc gia khác bằng vũ lực bất chấp các quy tắc của thế giới.” Dù không đề cập cụ thể Trung Quốc trong phát biểu của mình, ông Kishida liên tục kêu gọi “phải biết tôn trọng luật lệ để duy trì trật tự quốc tế.”

Và không chỉ cảnh báo, kêu gọi, trong lúc Trung Quốc thay đổi chính sách, gia tăng áp lực quân sự với Đài Loan mà việc hạ thủy hàng không mẫu hạm mới là một ví dụ, các chính phủ Hoa Kỳ và đồng minh đã bắt đầu có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong vấn đề Đài Loan.

Tại thủ đô Washington, sáng 17 tháng Sáu, các thượng nghị sĩ đã trình ra Thượng Viện một dự luật lưỡng đảng, xác định các cam kết chính của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Đạo luật mới có tên Luật Chính Sách Đài Loan 2022, nếu được thông qua, sẽ thay thế cho Luật Quan Hệ Đài Loan 1979, do hai Thượng Nghị Sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) bảo trợ, sẽ cải cách toàn diện chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan đã thực hiện hơn 40 năm qua.

Điểm mới và nổi bật của đạo luật là cung cấp cho Đài Loan viện trợ về an ninh trị giá $4,5 tỷ trong bốn năm tới, xác định Đài Loan là “Đồng minh chính ngoài NATO” (Major Non-NATO Ally) của Hoa Kỳ – đặt căn cứ để cung cấp cho Đài Loan sự hỗ trợ về quốc phòng, thương mại và hợp tác an ninh. Ngoài ra, đạo luật cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế và các tổ chức thương mại đa phương – điều mà chắc chắn Trung Quốc sẽ ngăn chặn.

Trong hơn 40 năm qua, Hoa Kỳ luôn giữ chính sách “mơ hồ chiến lược,” cung cấp vũ khí, quân dụng để Đài Loan tự bảo vệ mà không nói rõ trong trường hợp đảo quốc này bị tấn công thì quân đội Mỹ có trực tiếp tham chiến hay không.

Trong chuyến công du Đông Á đầu tiên cuối tháng Năm vừa qua, trả lời câu hỏi của báo chí, Tổng Thống Joe Biden nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng quân sự nếu Trung Quốc xâm lược. Câu trả lời của ông Biden làm Bắc Kinh nổi giận vì cho rằng Washington đơn phương thay đổi chính sách; nhưng các nhà lập pháp cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ từ lâu đã kêu gọi bãi bỏ “mơ hồ chiến lược,” kêu gọi Washington thể hiện mạnh mẽ hơn quyết tâm bảo vệ Đài Loan trước những mối đe dọa ngày càng tăng và sức ép quân sự ngày càng mạnh của Bắc Kinh.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm… Nguy hiểm sẽ chỉ ngày càng tệ nếu chúng ta bộc lộ sự yếu kém trước mối đe dọa của Trung Quốc và âm mưu xâm lược Đài Loan của họ,” Thượng Nghị Sĩ Graham nói trong tuyên bố trình dự luật Chính Sách Đài Loan 2022 ra Thượng Viện sáng 17 tháng Sáu.

Đạo luật mới đặt Đài Loan làm “Đồng minh chính ngoài NATO” là một sự thể hiện như vậy; nó đặt căn cứ pháp lý cho phép tổng thống Mỹ thẩm quyền quyết định can thiệp bằng quân sự khi Đài Loan bị tấn công, tương tự như quy định trong Điều 5 của hiệp ước NATO. Từ đó, cam kết mới của Mỹ – cùng với sự thất bại thấy trước của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine – có thể làm nguội những cái đầu nóng máu phiêu lưu trong Quân Ủy Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng nó cũng có thể kích thích Bắc Kinh ra tay sớm, thôn tính Đài Loan trước khi hòn đảo này có thêm lợi thế quân sự từ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh. Trái banh đang ở phần sân Trung Quốc, ông Tập có sút bóng, có ghi bàn được hay không, hãy chờ xem.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 02/03/2023 trước Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: AP - Nhan Huu Sang

Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền?

Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. (TS Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp – IRSEM)

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27 tháng 11 năm 2023. Ảnh: AP

Các nhà phân tích: Việc chủ tịch nước Việt Nam từ chức cho thấy đấu đá trong nội bộ đảng

Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức trong tháng này, chỉ sau một năm trong nhiệm kỳ 5 năm, cho thấy sự đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản và tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Người dân Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện... hôm 17/3/2024 tại TP. Santiago. Ảnh chụp màn hình video Aljazeera.com

Cuba

Trong 2 ngày 17 – 18/3 (2024) vừa rồi, truyền thông thế giới đưa tin hàng nghìn người, rồi cả vạn người dân Cuba đổ ra đường biểu tình.

… Họ, người Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện. Trước đó mấy ngày, dân chúng cũng biểu tình sau khi nhà nước đột ngột tăng giá xăng đến… 500%. Họ không hô “tự do hay là chết” nữa, mà hô “dân chủ hay là chết,” “quyền sống hay là chết,” “lương thực hay là chết.”