Nội Dung Cuộc Gặp Gỡ Giữa Tổng thống Bush Với Các Nhà Vận Động Dân Chủ Việt Nam

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cách đây khoảng 4 giờ đồng hồ, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã gặp 4 đại diện của những tổ chức tranh đấu, vận động cho dân chủ Việt Nam là các ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản; ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, Chủ Tịch Ðảng Việt Tân, ông Ðỗ Thành Công, thành viên Ban Lãnh Ðạo Ðảng Dân Chủ Nhân Dân; và ông Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Ðiều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

JPEG - 73.5 kb
Từ trái sang phải: Ông Ðỗ Thành Công, thành viên Ban Lãnh Ðạo Ðảng Dân Chủ Nhân Dân; Ông Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Ðiều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam; Phó Tổng thống Dick Cheney; Tổng Thống George W. Bush; Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, Chủ Tịch Ðảng Việt Tân; Ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản (Hình AFP)

Ngay sau khi cuộc gặp gỡ kết thúc, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã được ông Ðỗ Hoàng Ðiềm và ông Lê Minh Nguyên dành cho cuộc phỏng vấn đặc biệt. Rất tiếc vào giờ chót, ông Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Ðiều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, phải ra sân bay ngay để về lại California nên không thể có mặt trong buổi nói chuyện hôm nay. Xin mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn ông Ðỗ Hoàng Ðiềm do Nguyễn Khanh thực hiện sau đây.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã bỏ thì giờ nói chuyện với chúng tôi. Ðược gặp gỡ các nhân vật quan trọng nhất của chính trường Hoa Kỳ ngay ở Phòng Bầu Dục là nơi làm việc của Tổng Thống Mỹ George W. Bush, điều đó có khiến các ông ngạc nhiên không?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Quả thật là chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên. Chúng tôi biết là cuộc gặp gỡ này sẽ xảy ra tại Nhà Trắng, và khoảng độ chừng nửa tiếng, 45 phút trước buổi gặp thì chúng tôi được thông báo là buổi gặp sẽ diễn ra ngay tại Phòng Bầu Dục là văn phòng làm việc của Tổng Thống Bush. Thành ra sự ngạc nhiên đó cũng một phần nào thôi.

Nguyễn Khanh: Bên cạnh Tổng Thống Bush có những ai hiện diện trong buổi gặp gỡ với những người đại diện cho các tổ chức tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền Việt Nam?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Về phía Hoa Kỳ thì có sự hiện diện của tất cả 7 người. Có Tổng Thống George W. Bush, Phó Tổng Thống Dick Cheney, ông Tony Snow là phát ngôn nhân Nhà Trắng, ông Stephen Hadley, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, ông Michael Kozack, một thành viên của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, người thứ sáu là ông Joshua Bolton, Chánh Văn Phòng Tổng Thống, và người thứ bảy là ông Tenet Wyler, nếu tôi không lầm thì ông Wyler là một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao.

Nguyễn Khanh: Như ông vừa mới trình bày thì tất cả các nhân vật nổi bật nhất của nước Mỹ -nếu không muốn nói là những nhân vật nổi bật nhất của thế giới- đều hiện diện trong buổi gặp gỡ ngày hôm nay. Nội dung buổi gặp gỡ gồm những gì?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Cả buổi gặp gỡ kéo dài khoảng 45 phút và xoáy vào hai chủ đề chính. Chủ đề đầu tiên là Tổng Thống Bush ngỏ ý muốn tìm hiểu tình trạng tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, đặc biệt là thực trạng của phong trào dân chủ ở Việt Nam ngày hôm nay. Phần này đã chiếm một thời lượng khá dài của buổi nói chuyện. Sau đó khi ông Bush nói rõ là ông lắng nghe ý kiến của những đại diện của các tổ chức dân chủ Việt Nam, những biện pháp nào cần có sự giúp đỡ hay là Hoa Kỳ có thể làm những gì để hỗ trợ cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Có lẽ ngay lúc này, tất cả quý thính giả của Ðài Á Châu Tự Do và ngay chính anh chị em trong Ban Việt Ngữ đều có cùng thắc mắc là Tổng Thống Bush hỏi những gì và quý ông trả lời như thế nào?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Như chúng tôi mới nói thì chúng tôi đã dành khá nhiều thì giờ để trả lời các câu hỏi của Tổng Thống Bush về thực trạng Việt Nam ngày hôm nay. Ông Bush đặc biệt muốn nghe nói về thực trạng của phong trào dân chủ ở Việt Nam, đặc biệt là cuộc đàn áp, bắt bớ đã diễn ra trong một vài tháng qua.

Ông Bush đã bày tỏ mối quan tâm là muốn nghe về những đàn áp, bắt bớ này như thế nào, và chúng tôi đã trình bày với ông một số hiện tượng, những sự kiện đã xảy ra. Chúng tôi cũng đã trình bày và chia sẻ nhận định về tình trạng xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đặc biệt là sự bất mãn của người dân Việt Nam, đặc biệt trong giới công nhân, nông dân khiếu kiện, công nhân đình công, những hiện tượng bất mãn xã hội đó, chúng tôi đã trình bày thêm một số dữ kiện để ông Bush có thể nắm vững. Ðó là phần đầu tiên.

Sau khi trình bày khá nhiều về những lãnh vực đó, chúng tôi có thảo luận, đưa ra một số đề nghị cụ thể về các lãnh vực hoạt động mà phong trào dân chủ Việt Nam cần sự giúp đỡ của các quốc gia yêu chuộng dân chủ, tự do, mà trong trường hợp này là Hoa Kỳ. Chúng tôi đã nêu lên khá nhiều điều trong lãnh vực đó.

Nguyễn Khanh: Ông có thể lược sơ qua những điểm đã được trình bày với Tổng Thống George W. Bush và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Dick Cheney được không ạ?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Vâng. Cá nhân tôi đã nêu lên 3 lãnh vực chính. Phong trào dân chủ Việt Nam rất cần đến sự hỗ trợ của thế giới tự do, đặc biệt là Hoa Kỳ. Lãnh vực thứ nhất là lãnh vực nhân quyền, chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ gia tăng áp lực với Cộng Sản Việt Nam về mặt nhân quyền, đặc biệt về tự do ngôn luận và tự do lập hội. Ðây là một lãnh vực mà tôi cho là vô cùng quan trọng vì sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên trên các lực tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, đặc biệt là phong trào dân chủ.

Ðó là lãnh vực thứ nhất. Thứ hai chúng tôi cũng nhấn mạnh đến là Hoa Kỳ làm sao tác động vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam một cách rõ nét và cụ thể hơn, điển hình là công khai hỗ trợ những lực lượng dân chủ tại Việt Nam cũng như sẵn sàng tiếp cận làm việc với thành phần có thể tương đối gọi là tự do cấp tiến hơn ở ngay trong guồng máy cầm quyền của Việt Nam ngày hôm nay.

Ðó là lãnh vực thứ hai. Lãnh vực thứ ba là làm sao hỗ trợ cho tiến trình xây dựng một bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam, điển hình là giúp các đoàn thể quần chúng, các tổ chức quân chúng hoạt động tại Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là phái đoàn Hoa Kỳ có thể đi vào Việt Nam, làm việc hỗ trợ các tổ chức quần chúng đó. Chúng tôi có nói đây là một lãnh vực mà nhà nước Cộng Sản Việt Nam rất quan tâm.

Chúng tôi cũng nhắc đến trường hợp của một người đã từng được qua Mỹ du học bởi cơ quan NED (National Endowment for Democracy) và khi về lại Việt Nam đã bị bắt, đó là trường hợp của Luật Sư Lê Quốc Quân. Trường hợp Luật Sư Quân cũng đã được nêu lên nhiều lần trong cuộc họp này với Tổng Thống Bush.

Nguyễn Khanh: Thưa ông, những người khác trong đoàn trình bày gì với Tổng Thống Bush?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Những vị khác có mặt trong đoàn cũng một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Tổng Thống Bush đã đặc biệt quan tâm về lãnh vực INTERNET, tức là mảng thông tin điện tử. Tổng Thống Bush rất quan tâm về kênh thông tin đó.

Chúng ta cũng nêu đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách những nước cần quan tâm, tức là danh sách CPC, vì tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có những yêu cầu Chính Phủ Hoa Kỳ nhân chuyến đi sang Mỹ sắp tới đây của Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết, Hoa Kỳ nên có những áp lực cụ thể để Hà Nội phải trả tự do cho các tù nhân chính trị vừa mới bị bắt giữ trong những đợt đàn áp gần đây. Ðó là một số các đòi hỏi, đề nghị đã được nêu lên.

Nguyễn Khanh: Khi nghe những đề nghị quý ông đưa ra, phản ứng của Nhà Trắng đặc biệt là phản ứng từ Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, từ Phó Tổng Thống Dick Cheney và từ ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hadley như thế nào?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Phải nói rằng là phản ứng rất thuận lợi. Tổng Thống Bush đã lắng nghe và trong suốt thời gian chúng tôi trình bày, Tổng Thống Bush lập đi lập lại là “quý vị hiểu rõ, biết rõ quan điểm của tôi là tôi rất quan tâm đến vấn đề dân chủ, tôi luôn luôn muốn nhìn thấy dân chủ tại Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới và tất cả những điều quý vị trình bầy ở đây tôi lắng nghe và tôi sẽ cân nhắc và suy xét, cứu xét việc này”.

Ông Phó Tổng Thống Cheney cũng lắng nghe, đặc biệt là ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hadley cũng đưa ra những phản ứng rất thuận lợi. Ông Hadley nói rằng “những điều quý vị trình bày ở đây sẽ được chúng tôi coi rất quan trọng, chúng tôi sẽ nghiên cứu nghiêm chỉnh tất cả những đề nghị của quý vị để xem có thể tiến hành được hay không”.

Nguyễn Khanh: Riêng cá nhân ông, ông đánh giá thế nào về buổi gặp gỡ?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Tôi coi đây là một buổi gặp gỡ đặc biệt, rất quan trọng. Quan trọng vì đây có thể nói là cuộc họp cao cấp nhất giữa những người đại diện một số những tổ chức tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam, những thành viên của phòng trào dân chủ Việt Nam với giới chức cao nhất của Chính Phủ Hoa Kỳ là Tổng Thống George W. Bush cũng như Phó Tổng Thống Dick Cheney.

Bởi vì lẽ đó, tôi nghĩ đây là chỉ dấu cho thấy, thứ nhất, Chính Phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến chuyện gì đang xảy ra tại Việt Nam; thứ hai, những hành vi vi phạm nhân quyền, những hành động đàn áp, bắt bớ mới xảy ra hồi gần đây thực sự đã làm cho Chính Phủ càng quan tâm hơn nữa, và đang muốn nghiên cứu một biện pháp để có thể hỗ trợ cho phong trào dân chủ Việt Nam, và đặc biệt chấm dứt tình trạng đàn áp đang xảy ra tại Việt Nam.

Thành ra tôi nghĩ buổi họp này rất quan trọng vì những lý do mà tôi vừa trình bày, thể hiện sự quan tâm vào mức cao nhất từ phía Chính Phủ Hoa Kỳ. Tóm lại, tôi nghĩ rằng là buổi họp này có thể nói là buổi họp lần đầu tiên mà những tiếng nói dân chủ Việt Nam có cơ hội trình bày quan điểm của mình với giới chức thẩm quyền và cao cấp nhất của Hoa Kỳ.

Nguyễn Khanh: Đây là điều tôi nghe được từ phía Nhà Trắng và nếu có thể được, xin ông xác nhận hộ. Tôi nghe bảo lúc khởi đầu buổi gặp gỡ, sau khi các ông đã ngồi xuống thì Tổng Thống Bush có nói đùa là Tổng Thống muốn gặp các ông trước khi gặp Chủ Tịch Nước Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết. Tôi còn được nghe nói rất rõ là Tổng Thống Bush vừa nói vừa cười. Ðiều đó có đúng không thưa ông?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Dạ, vâng. Khi đề cập đến chuyến viếng thăm Hoa Kỳ sắp tới vào tháng Sáu này của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Thống Bush có nói rằng “bởi vì chúng tôi quan tâm đến những gì đang xảy ra tại Việt Nam, thành ra buổi gặp gỡ ngày hôm nay cũng giúp cho tôi dữ kiện, có thêm chất liệu để tôi có thể nắm vững hơn những gì đang xảy ra tại Việt Nam, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Minh Triết” vào tháng Sáu sắp tới đây.

Nguyễn Khanh: Phải Nhà Trắng có cho các ông biết bao giờ buổi gặp gỡ sẽ thành hình hay không?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Dạ cho đến giờ phút này, nếu tôi không lầm thì vào cuối tháng Sáu. Tôi có nghe ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Stephen Hadley có nhắc đến ngày 22 tháng Sáu là thời điểm ông Nguyễn Minh Triết sẽ có mặt tại Washington D.C để gặp Tổng Thống Bush.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối cùng chúng tôi muốn đặt ra là một câu hỏi khá tế nhị nên trước hết phải xin ông Ðỗ Hoàng Ðiềm tha lỗi cho. Ông là Chủ Tịch Ðảng Việt Tân, một người khác cũng có mặt trong buổi gặp gỡ Tổng Thống Bush ngày hôm nay là ông Ðỗ Thành Công, thành viên lãnh đạo của Ðảng Dân Chủ Nhân Dân. Ðối với nhà cầm quyền Việt Nam, ông và ông Công là hai người hoạt động khủng bố.

Trước hết, ông nghĩ như thế nào về lời cáo buộc đó và thứ nhì, cảm tưởng của ông, của một người bị cáo buộc hoạt động khủng bố lại gặp gỡ với Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush là người đang lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Cá nhân chúng tôi là đại diện cho một tổ chức, một đảng mà trong 5 tuần lễ liền từ cuối tháng Ba cho đến đầu tháng Năm cơ quan truyền thông của Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã liên tục tấn công chúng tôi và đặc biệt cáo buộc chúng tôi là một tổ chức khủng bố, ngoài ra thì đúng như anh vừa nói, anh Ðỗ Thành Công là người đã từng bị bắt về cái tội đó.

Thì điểm rất buồn cười là trong buổi gặp gỡ với các giới chức của Hội Ðồng An Ninh Hoa Kỳ -trước khi gặp Tổng Thống- chúng tôi cũng đã nói đùa với những người trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ là chúng tôi là những người bị cộng sản Việt Nam cáo buộc là khủng bố, thì tất cả mọi người đều bật cười, bảo rằng đó là luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam mà thôi, không có ai lạ gì với luận điệu tuyên truyền kiểu như vậy cả.

Và khi gặp Tổng Thống Bush, anh Công có đề cập đến cáo trạng buộc anh tội khủng bố khi anh bị bắt ở Việt Nam, và tôi có nhắc đến chuyện chúng tôi bị tấn công, thì chính Tổng Thống Bush cũng cười bảo ông không lạ gì cái thủ đoạn của những chế độ độc tài luôn luôn cáo buộc những người đối lập với mình bằng mọi tội trạng xấu xa nhất, và ông bảo ông biết điều đó không bao giờ là sự thật cả.

Ðó là những phản ứng mà chúng tôi ghi nhận được, và dĩ nhiên, về phía chúng tôi thì qua câu chuyện chúng tôi vừa trình bầy thì quý thính giả cũng thấy rằng phía Việt Nam sẽ dùng bất kỳ thủ đoạn nào để xuyên tạc, bôi bẩn tất cả những người đang có những nỗ lực tranh đấu đem lại tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Liệu bước kế tiếp họ không bảo các ông là khủng bố nữa, và từ nay họ có thể khoác cho ông cái nhãn làm việc cho Mỹ để thực hiện điều họ rất e ngại là diễn biến hòa bình?

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm: Một lần nữa, với tôi nghĩ rằng với bản chất của Ðảng Cộng Sản Việt Nam thì họ sẽ dùng tất cả mọi biện pháp, mọi thủ đoạn để tuyên truyền, chắc chắn họ cũng có thể gán cho chúng tôi rất nhiều cái tội khác nhau, rất nhiều cái mũ khác nhau.

Và tôi tin rằng người dân Việt Nam và dư luận quốc tế nữa, chẳng ai lạ gì với những thủ đoạn tuyên truyền này. Vấn đề đặt ra là những điều họ nói sẽ chẳng được ai tin cả, và với tôi, đó mới là cái quan trọng.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Ðỗ Hoàng Ðiềm cho cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

JPEG - 85.4 kb
Tổng Thống George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney tiếp xúc 4 đại diện của những tổ chức tranh đấu, vận động cho dân chủ Việt Nam, ngày 29 tháng 5 năm 2007.(Hình AFP)

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.

Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số người lao động trẻ từ 15 tuổi lên là 52,4 triệu, chiếm 53,3% tổng dân số.

Thời gian qua, tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh nói lên thực trạng khó khăn của người lao động Việt Nam, nhất là trong giới lao động trẻ.

Các chuyên gia nói gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?