Nước Xa, Lửa Gần

Huy Đức

Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 22-7, hướng dẫn các quan chức của mình trả lời báo chí về vụ ExxonMobil: không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên, Mỹ phản đối những cố gắng gây sức ép lên các công ty Mỹ đang hoạt động trong khu vực. Nhưng tín hiệu nhận được bên trong có lẽ chưa đủ mạnh, ExxonMobil, hình như vẫn phải “chạy làng” nên cùng ngày ra thông cáo nói rằng, họ chưa ký bất cứ hợp đồng thăm dò dầu khí nào với Việt Nam, mặc dù, không phủ nhận là đã làm việc nhiều năm với PetroViệtnam để “đánh giá tính khả thi của nhiều dự án”.

Năm 2005, khi Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đến Washington, ông Bush hỏi: “How about China?”, ông Khải đã trả lời “…láng giềng hữu nghị”. Ba năm sau, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp ông Bush ở White House, trong ngăn kéo bàn làm việc ở phòng Oval, ông Bush có thêm tấm bản đồ về Biển Đông. Sau cuộc gặp ấy, ông Bush tuyên bố: “Mỹ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Chắc chắn đây không phải là loại ý kiến ông Bush có thể nói ra vì buột miệng.

Sau tuyên bố đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã không ngồi yên, giới ngoại giao ở Washington nói rằng, đích thân Bí thư thứ nhất của họ ráo riết săn tìm những thông tin đằng sau những lời của ông Bush. “ExxonMobil” có lẽ, là cú “nắn gân” đầu tiên của người Trung Hoa. Không biết các quan chức ngoại giao Trung Quốc, được nói là đi lại như thoi, đe dọa hay mặc cả với ExxonMobil, mà công tynày đã “không bình luận” gì về những can thiệp của người Trung Quốc.

Trung Quốc công khai thừa nhận việc họ “gây áp lực” để ExxonMobil rút lui. Ông Lê Dũng, lần này cũng rõ ràng, tuyên bố: “Việt Nam sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài” và khẳng định các dự án thăm dò ấy đều nằm trong vùng lãnh thổ mà Việt Nam có chủ quyền hợp pháp. Không rõ tuyên bố khá tự tin này của ông Dũng có liên hệ gì tới thái độ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Phản đối mọi nỗ lực gây sức ép lên các công ty Mỹ). Trung Quốc bày ra vụ ExxonMobil ngay sau khi ông Bush lên tiếng về “toàn vẹn chủ quyền” của Việt Nam, có lẽ, cũng để thử xem “nước xa” có cứu “lửa gần”. Ở bên trong, khi bàn về các mối quan hệ Đông- Tây, vụ ExxonMobil rất có thể sẽ được nêu ra và gây tranh cãi.

ExxonMobil có tiếp tục, BP (công ty Anh, năm ngoái cũng bị Trung Quốc gây sức ép để ra đi) có trở lại mới chứng tỏ được khả năng “bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư nước ngoài” chứ không chỉ là các lời tuyên bố. Đối đầu với Trung Quốc là không đơn giản, vấn đề Biển Đông lại càng hết sức khó khăn. Số phận đã đặt Việt Nam bên cạnh một tay hàng xóm nhiều âm mưu. Tiếc rằng những cơ hội kéo bạn bè đứng bên, Việt Nam lại thường bỏ lỡ. Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam có nhiều cơ hội đi trước, nhưng rồi bao giờ cũng lỡ nhịp để phải lẽo đẽo sau lưng Trung Quốc. Vì quyền lợi của người Mỹ ở Trung Quốc bao giờ cũng lớn hơn, họ không có thời gian để chờ chúng ta õng ẹo. Hồi tháng 5, trước khi tới Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có đánh tiếng thăm Việt Nam, nhưng theo một nguồn tin từ Washington, thì ông Gates đã không nhận thấy nỗ lực ngoại giao nào từ phía chủ nhà để ông có thể tranh thủ bay vào Hà Nội. Tất nhiên, không thể dựa dẫm vào bất cứ ai, nhưng trước khi ngoảnh lên hướng Bắc mà nhận thấy có bóng dáng đồng minh ở sau lưng, ăn nói cũng sẽ thêm phần tự tin, cứng cỏi.

Chỉ tiếc, báo chí trong nước, ngay cả sau khi ông Lê Dũng phát ngôn, vẫn im lặng như thể bóng ma Trung Hoa không còn ở ngoài Biển khơi Ta nữa. Không nhất thiết phải có một lệnh cấm rõ ràng, cụ thể. Những loại thông tin như thế này, bây giờ được coi là “nhạy cảm”, Thông tấn xã không phát thì báo chí trong nước, trong thời điểm này, nhìn thấy vẫn còn như chim thấy cành cong. Cái cách mà Trung Quốc phản ứng mỗi khi báo chí Việt Nam đưa tin về những việc làm xấu xa của họ, cho thấy, Trung Quốc cũng rất sợ báo chí, rất sợ nhân dân Việt Nam. Họ giống như một cô gái muốn ngủ với cả làng nhưng vẫn đòi phải được công nhận là tiết hạnh.

Nhớ vụ Trung Quốc dùng “bản đồ Olympic” để “đoạt khống” Hoàng Sa- Trường Sa, báo chí trong nước gần như phải im. Chính quyền, dẫu biết đàm phán ở bên trong rất căng, cũng không thể nào thay sức mạnh của nhân dân được. Để cho đuốc qua được Việt Nam, Trung Quốc tạm sửa bản đồ, đưa hai quần đảo của Việt Nam ra khỏi ranh giới của họ mấy ngày, đuốc rước xong, Trung Quốc lại “thôn tính” Hoàng Sa và Trường Sa bằng bản đồ như cũ. Một nguồn tin từ Trung Quốc cho hay, bản đồ chính thức của Olympic sắp được phát hành vào ngày 1-8 tới đây sẽ là tấm bản đồ có cả Hoàng Sa, Trường Sa, điều mà đương nhiên là người dân Việt Nam nào cũng phản đối.

Tuyên bố của ông Lê Dũng về vụ Exxonmobil mang tới hy vọng, Chính phủ có thể sẽ không còn mềm mỏng mà im lặng khi một bản đồ như vậy được xuất bản tại Bắc Kinh. Câu chuyện: Trung Quốc tìm mọi cách để loại Lê Minh Phiếu ra khỏi những người cầm đuốc; gây sức ép để người dân Việt không thể công khai phản đối hành động xâm lược nhân khi ngọn đuốc đi qua; trong khi, Lãnh sự quán của Trung Quốc lại đem người Hoa và bản đồ có cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa tới Sài Gòn đứng đầy các phố; cho thấy, Chính phủ không thể không có nhân dân bên cạnh trong cuộc đấu tranh chống lại sự bành trướng của người Trung Quốc. Lửa ở rất gần, nước không thể để xa.

Huy Đức
Osin’s Blog