Sau Những Màn Vũ Pháo Bông

Ngô Nhân Dụng

Trong Thế Vận Hội Athens 2004, các lực sĩ Trung Quốc đã vượt Nga về số huy chương vàng; năm đó họ chỉ thua Mỹ ba huy chương vàng. Năm nay đua tài trên sân nhà, quen thuộc với bầu không khí đầy bụi ở Bắc Kinh, và quyết tâm cao hơn vì thể diện dân tộc, chắc đoàn lực sĩ Trung Quốc sẽ nhận được nhiều huy chương vàng nhất thế giới.

Nhiều người sẽ coi đây là một thắng lợi của chế độ chính trị Trung Quốc. Nếu nghĩ như vậy là đúng thì Liên Xô và Ðông Ðức trước đây phải là những chế độ chính trị mạnh nhất thế giới, chứ không đến nỗi sụp đổ như đã xẩy ra.

Cũng suy nghĩ theo lối sai lầm đó, nhiều người coi tốc độ phát triển kinh tế 10% của Trung Quốc chứng tỏ ưu thế của một chế độ độc tài. Từ đó, kết luận rằng muốn phát triển kinh tế thì phải duy trì một thể chế độc tài. Như vậy thì chế độ dân chủ không có lợi cho việc phát triển kinh tế. Những ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Ðiều hiển nhiên nhất là hiện nay trên thế giới những nước kinh tế cao nhất (đo bằng lợi tức theo đầu người chứ không phải đo bằng tổng số lợi tức của toàn dân) cũng là những nước theo thể chế tự do dân chủ. Muốn cụ thể hơn thì hãy so sánh Ðài Loan với Trung Quốc, Nam Hàn với Bắc Hàn, biết ngay chế độ chính trị nào dẫn tới trình độ kinh tế nào. Nhưng ngay trong tiến trình đổi mới ở Trung Quốc người ta cũng thấy một điều, là khi chính quyền Bắc Kinh cho dân được tự do hơn, thì kinh tế cũng phát triển tốt hơn, và ngược lại khi họ giảm bớt quyền tự do của dân thì sự phát triển kinh tế sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Thập niên 1980 là giai đoạn cải tổ cả kinh tế lẫn chính trị, ngược lại từ sau vụ Thiên An Môn thì các cải tổ chính trị bị ngưng và quay ngược lại.

Trong cuốn sách “Chủ Nghĩa Tư Bản với Ðặc Tính Trung Hoa” vừa xuất bản năm 2008, Giáo Sư Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang) thuộc Massachusetts Institute of Technology (Ðại Học MIT), đã mô tả diễn biến của những cải tổ kinh tế ở Trung Quốc, 30 năm kể từ khi Ðặng Tiểu Bình cởi trói cho dân Trung Hoa, năm 1978. Trong hơn một thập niên qua, Hoàng Á Sinh đã chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc và Ấn Ðộ, làm việc tại nhiều đại học các nước này; những công trình của ông được đăng trên những tạp chí khoa học ở khắp nơi kể cả bên Trung Quốc.

Trước ý kiến cho là Trung Quốc phát triển nhờ chế độ độc đảng, Giáo Sư Hoàng Á Sinh thấy phải nói ngược lại: Trung Quốc đã bắt đầu phát triển kinh tế khi đảng Cộng Sản bớt độc tài đi và trả lại cho dân nhiều quyền tự do hơn. Bắt đầu với những cải tổ từ 1978, 79, lợi tức của người dân ở nông thôn trong thập niên 1980 đã tăng vọt, song song với lợi tức quốc gia. Trong giai đoạn đó, lợi tức bình quân của người dân tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế, vì số lương bổng cho người lao động chiếm tỷ lệ cao hơn, phân bố lợi tức quốc gia công bằng hơn. Trong những năm này, số người dân thoát khỏi cảnh nghèo đã tăng rất nhanh mặc dù số đầu tư ngoại quốc vào rất ít so với bây giờ. Thời Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, chính quyền Trung Quốc thay đổi chính trị cởi mở hơn còn từ thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào thì thắt lại.

Từ thập niên 1990, hệ thống chính trị khép chặt lại thì phúc lợi của người dân đã giảm. Sự sút giảm thấy rõ khi lợi tức bình quân của các gia đình tăng chậm hơn trong thập niên 1980 trong lúc Tổng Sản Lượng Quốc Gia vẫn tăng với tốc độ nhanh. Các gia đình nông dân càng bị thụt lùi so với dân thành thị. Trong 4 năm từ 1980 đến 1984, số nông dân Trung Quốc được thoát khỏi cảnh nghèo nhiều hơn con số đạt được trong 15 năm từ 1990 đến 2005.

Từ 1979 chính quyền Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu trả lại cho dân những tài sản bị tịch thu từ khi đảng Cộng Sản chiếm chính quyền, trong đó có những nhà ở, chứng khoán, trương mục ngân hàng, của những người “tư sản mại bản” trước đó. Các lãnh tụ Cộng Sản công khai bầy tỏ lòng tin tưởng vào giới kinh doanh từ. Năm 1979 một tiệm ăn tư đầu tiên thoát khỏi cảnh “bán chui,” công khai mở cửa tại Bắc Kinh, đã có hai ông phó thủ tướng đến thăm khen ngợi chủ tiệm để quảng bá cho chính sách mới!

Những chính sách cải tổ cơ cấu chính trị đáng kể đã được đưa ra cũng trong thập niên 1980: ấn định tuổi về hưu của các viên chức cao cấp để thay đổi lớp lãnh tụ già, củng cố thêm quyền hành cho Quốc Hội, cải tổ luật pháp, cho dân hương thôn bầu cử tự do chính quyền cấp thấp, cho các sinh hoạt của xã hội công dân được tổ chức tự do hơn, ngay cả báo chí, truyền thông cũng được thả lỏng cho tự do hơn. Giáo Sư Hoàng Á Sinh cho là chính các hành động nới lỏng cho dân được tự do hơn là động cơ phát triển của nền kinh tế.

Thập niên 1980 cũng là thời nông thôn phát triển mạnh, nhờ guồng máy kiểm soát của đảng trên đời sống được nới lỏng. Tư nhân được làm chủ doanh nghiệp, nông dân thoát khỏi các nông trường và hợp tác xã. Trong số 12 triệu xí nghiệp được xếp vào loại “hương thôn” thì có 10 triệu là của tư nhân hay đã được tư nhân hóa. Chính không khí chính trị cởi mở đã tạo lòng tin cho mọi người nỗ lực làm ăn.

Nhưng từ thập niên 1990 đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quay ngược lại trào lưu đổi mới chính trị. Hoàng Á Sinh nêu lên nhận xét của Giáo Sư Ngô Dân, thuộc Trường Ðảng ở tỉnh Sơn Tây, trong một bài viết năm 2007. Theo Ngô Dân, đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 13 năm 1987 đã ấn định những cải tổ lớn, trong đó có việc xóa bỏ các đảng bộ trong các cơ quan chính quyền, và tách guồng máy nhà nước ra khỏi guồng máy đảng. Trong thập niên 1980, dưới thời các tổng bí thư Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, bộ máy chính quyền bắt đầu có cần bằng và kiểm soát đối với guồng máy đảng, và ngay trong nội bộ đảng cũng được dân chủ hóa. Ngược lại, từ thập niên 1990 chính trị Trung Quốc đã đi ngược chiều các thay đổi cũ. Pháp Luân Công bị cấm. Các nhà báo tự do bị bắt. Những người vận động quyền cho giới lao động bị bắt. Một bước đi lùi rõ ràng nhất, theo Giáo Sư Ngô Dân là Quốc Hội Trung Quốc không còn được quyền chất vấn các viên chức chính phủ nữa. Hệ quả rất hiển nhiên. Năm 1979 một vụ giàn khoan dầu bị sập khiến 72 công nhân chết đã làm cho ông bộ trưởng dầu lửa mất chức sau khi bị Quốc Hội đàn hặc. Hiện nay thì mỗi năm bao nhiêu tai nạn hầm mỏ, hàng ngàn người chết nhưng không biết có bao nhiêu người mất chức.

Nông dân Trung Quốc kéo lên Bắc Kinh khiếu kiện.

Trong thời gian chế độ chính trị đi thụt lùi như vậy, người dân trung bình bị thiệt thòi về mặt kinh tế. Tỷ lệ của lương bổng người lao động vào năm 1990 là hơn 53% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, đến năm 2002 tụt xuống chỉ còn 45% – tỷ số này tệ hơn thời trước khi cải tổ, vì năm 1978 lương bổng lao động chiếm 48% GDP. Tức là trong tổng số lợi tức quốc gia, phần của người lao động đã bị giảm đi sau 30 năm đổi mới kinh tế! Bất công xã hội nặng nề hơn, 250 triệu người với lợi tức từ 10,000 đô la một năm trở lên, còn 500 triệu người sống với dưới một đô la một ngày; mỗi năm có hàng trăm ngàn cuộc biểu tình chống chính quyền thối nát. Cùng với khuynh hướng thắt chặt về chính trị, chính quyền không phải bận tâm đến phản ứng của dân, cho nên số chi tiêu cho y tế và giáo dục đã xuống thấp. Một quốc gia không đầu tư đủ vào y tế và giáo dục thì không thể giữ mức phát triển lâu dài cho tương lai.

Một hình ảnh thụt lùi hiện ra trong số người thất học và mù chữ. Năm ngoái, báo chí Trung Quốc đã đăng bản tin thành thật nói rằng từ năm 2000 đến 2005 số người lớn tuổi mù chữ ở Trung Quốc đã tăng thêm hơn 30 triệu: Từ 85 triệu năm 2000, 5 năm sau lên tới gần 116 triệu. Giáo Sư Hoàng Á Sinh nhận xét: Những người lớn tuổi vào năm 2005 chính là những học sinh trong thập niên 1990. Ðiều này cho thấy từ khi chế độ chính trị thắt chặt lại thì trình độ giáo dục, nhất là ở hương thôn, đã xuống dốc nặng nề. Một thước đo khác thuộc phạm vi y tế, cũng cho thấy tình trạng xuống cấp: Tỷ số trẻ em được chích ngừa gia tăng trong thập niên 1980 nhưng đã giảm xuống trong thập niên 1990. Giáo Sư Hoàng Á Sinh nghĩ là tương lai Trung Quốc sẽ phải chịu những hậu quả về sự xuống cấp trong giáo dục và y tế này. Trong mấy năm gần đây Trung Quốc giữ được tỷ lệ phát triển cao nhờ việc xây dựng, với những tòa nhà cao lớn cho chính phủ tốn hàng trăm triệu Mỹ kim, và bây giờ thêm việc xây cất các cơ sở cho thế vận hội. Nhưng trong thời gian mà Thượng Hải xây thêm 3,000 cao ốc tối tân thì có thêm 30 triệu người Trung Hoa bị thất học. Ðó là một dấu hiệu đáng chú ý!

Nhiều người cho là Cộng Sản Trung Quốc đã tránh được cảnh tan rã như ở Liên Xô là nhờ chế độ Bắc Kinh không cải tổ chính trị. Giáo Sư Hoàng Á Sinh bác bỏ lý luận đó. Theo ông năm 1989 dân Trung Quốc không vùng lên lật đổ chính quyền Cộng Sản là vì trong mười năm trước đó họ đã được hưởng rất nhiều thay đổi, cả kinh tế lẫn chính trị, và hưởng lần đầu tiên trong lịch sử.

Giáo Sư Hoàng Á Sinh cũng từng so sánh Trung Quốc với Ấn Ðộ, hai nước đều có càng tỷ dân. Ấn Ðộ theo chế độ dân chủ từ năm 1947, còn Trung Quốc vẫn sống dưới chính quyền độc tài từ 1949 đến nay. Trong một bài nghiên cứu khác, ông cũng cho thấy sự phát triển của hai quốc gia Á Châu này theo cùng một mô thức: Khi nào chính trị được cởi mở rộng hơn thì kinh tế phát triển tốt đẹp hơn (Trung Quốc thời 1980, Ấn Ðộ sau năm 1990). Ngược lại khi nào chế độ chính trị thắt chặt lại thì kinh tế cũng trì trệ hoặc phát triển lệch lạc và không bền (Ấn Ðộ thời bà Indira Gandhi, Trung Quốc sau Thiên An Môn). Tóm lại, tự do chính trị là một động cơ giúp phát triển kinh tế. Trước luận điệu cho rằng cần “ổn định chính trị” thì kinh tế mới tiến bộ, Giáo Sư Hoàng Á Sinh lại nhắc tới thí dụ ở Ấn Ðộ. Thời bà Gandhi độc đảng quyền hành trung ương được củng cố mạnh nhất, nhưng kinh tế trì trệ. Ngược lại, chính trong những thời kỳ các chính phủ Ấn Ðộ là liên minh của nhiều đảng chính trị khác nhau và hay thay đổi, lại là những thời kỳ nhiều cải tổ lớn đưa nước Ấn Ðộ tới sự phát triển kinh tế ngoạn mục ngày nay.

Khi coi cảnh Thế Vận Hội Bắc Kinh khai mạc, quý vị chắc cũng khâm phục ban tổ chức đã biết dàn cảnh vĩ đại “hoành tráng!” Xin thành thật ngợi khen dân tộc Trung Hoa có những người tài giỏi! Nhưng khi cuộc vui chấm dứt, chúng ta đừng quên những trẻ em đã chết trong cuộc động đất ở Tứ Xuyên gần đây, chỉ vì người xây trường đã ăn cắp xi măng và sắt. Cha mẹ các em muốn lên tiếng mà không được phép nói công khai! (Người Việt;Friday, August 08, 2008)

Ngô Nhân Dụng