Sự phá sản của các bí thư thành ủy

Các bí thư thành ủy 3 thành phố lớn nhất Việt Nam: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, điển hình của sự phá sản của không những công tác nhân sự của đảng CSVN, mà còn là sự phá sản của toàn bộ một hệ thống lãnh đạo.
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Ngày 7 tháng Hai vừa qua, ông Hoàng Trung Hải, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội được dư luận mô tả “rơi đài” trước thềm đại hội 13. Ông Hải bàn giao chức vụ cho Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ và được đảng phân công vào ghế phó trưởng bộ phận thường trực tiểu ban văn kiện đại hội 13. Sau một đêm thức dậy, từ một bí thư thành ủy đầy uy quyền của thủ đô, ông Hải bị biến thành một quan chức bàn giấy ăn lương đảng.

Đây là một cái tin không làm nhiều người quá ngạc nhiên. Vì lẽ trước đó một tháng, ngày 10 tháng Giêng, Bí Thư Hoàng Trung Hải đã bị đảng thi hành kỷ luật cảnh cáo, mức kỷ luật có nhân nhượng, vì chỉ đứng hàng thứ hai đối với một đảng viên chính thức sai phạm ở mức nghiêm trọng. Sai phạm của ông Hải có liên quan tới một dự án mà tổng thầu là Tập Đoàn Xây Lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC).

Trở về từ những năm 2007, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên còn được gọi là TISCO II, bắt đầu lâm vào sự đình trệ không lối thoát do chọn phải một nhà thầu tráo trở của Trung Quốc.

Ông Hoàng Trung Hải lúc đó trong cương vị là phó thủ tướng đã liên tục chỉ đạo tháo gỡ, trong đó quan trọng nhất là đồng ý điều chỉnh mức đầu tư ban đầu từ 3.843 tỷ đồng lên tới hơn 8.100 tỷ với nhiều ưu ái cho MCC.

Thế nhưng sự cấp cứu đó không làm thay đổi được tình trạng đắp chiếu của TISCO II mà lại làm thay đổi con đường quan lộ của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải hơn 10 năm sau. Vừa qua một loạt sai lầm cố ý của nguyên Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải được nêu ra: thiếu trách nhiệm, cho ý kiến không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, cho ý kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án TISCO II vi phạm quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước… Ông Hải mất chức nhưng chưa chắc đã được yên thân, dù nay ông có ngồi gần ông Trọng hơn.

Trở về năm 2017, trường hợp bí thư thành ủy thứ hai được cho “thôi chức” khi chưa hết nhiệm kỳ, rơi vào Bí Thư TP.HCM Đinh La Thăng. Đây cũng là nhân vật đình đám trong số các quan chức triều đình cộng sản, một loại “tư lệnh ngành” mồm loa mép giải khi còn là bộ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải thời Nguyễn Tấn Dũng và trước đó ở  ngành dầu khí.

Dầu khí là mảnh đất mầu mỡ hái ra tiền nên trong vị trí chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), ông Thăng bước vào lãnh vực làm ăn mờ ám để tư lợi. Sau khi bị phanh phui và bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, Bí Thư Thăng được Chủ Tịch Uỷ Ban Trung Ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân thay thế ngày 10 tháng Năm, 2017 để về Hà Nội đảm nhiệm một chức phó mang tính cách ngồi chơi xơi nước, phó Ban Kinh Tế Trung Ương.

Chưa đầy một năm sau, Thăng bị bắt và ngày 8 tháng Giêng, 2018 Đinh La Thăng xuất hiện trước toà án Hà Nội cùng Trịnh Xuân Thanh và một lô đại gia ngân hàng để trả lời về những cáo buộc làm thất thoát hàng tỷ đô-la ở PVC (Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí) và PVN (Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam).

Cũng trong năm 2017, dư luận Đà Nẵng nổi sóng khi Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, đồng thời mất luôn ghế uỷ viên trung ương đảng. Tuy không đến nỗi bị truy tố hình sự nhưng theo kết luận của Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương, ông Anh được nói là sử dụng bằng cấp “không đúng quy định”, thiếu trung thực, thiếu gương mẫu và vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm.

Là cán bộ quy hoạch chiến lược loại con ông cháu cha, Nguyễn Xuân Anh lọt vào giang sơn của Nguyễn Bá Thanh và tiếp nối con đường mị dân bên ngoài, bên trong thu tóm đất vàng của Đà Nẵng, sống cuộc đời xa hoa. Cho tới lúc bị lột sạch các chức vụ, có lẽ Nguyễn Xuân Anh vẫn không cho là mình có tội và tự tin vào chỗ dựa người cha là cựu ủy viên Bộ Chính Trị.

Qua 3 trường hợp “ngã ngựa” nhục nhã của bí thư thành uỷ 3 thành phố lớn nhất Việt Nam nêu trên, người ta thấy gì?

Thứ nhất, rõ ràng đây là thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà đảng Cộng Sản Việt Nam dày công xây đắp với lòng tự hào cho sự nắm quyền liên tục của đảng. Cả ba bí thư thành ủy đều được đảng kỳ vọng trở thành những cán bộ chiến lược nòng cốt, đưa sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đến thành công.

Họ đều là những cán bộ cách mạng điển hình được đào luyện và đã đi qua các cấp chính quyền địa phương bằng con đường rộng mở “hồng hơn chuyên”. Hơn thế nữa, trường hợp của Nguyễn Xuân Anh lại còn là một loại “hạt giống đỏ” thứ thiệt, là con trai của cựu ủy viên Bộ Chính Trị khoá 10 Nguyễn Văn Chi, một nhân vật quyền uy cũng từng nắm chức trưởng Ban Kiểm Tra Trung Ương.

Sự đi lên của bộ ba Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Anh cũng không khác gì nhau. Tất cả đều ngoi lên từ ảnh hưởng của những nhóm quyền lực trong đảng, hoặc của gia đình, đã được rèn luyện trong lò luyện cộng sản từ thấp đến cao. Và sai phạm của họ khi khám phá ra cũng tương tự như nhau: vô trách nhiệm, thiếu khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tuỳ tiện, bè phái, thủ lợi cá nhân.

Qua đó cũng còn thấy công tác nhân sự của đảng CSVN tưởng chừng như vô cùng chặt chẽ nhưng thật ra đầy sai sót, vì không đặt trên một chuẩn mực giá trị nào mà chỉ dựa vào sự trung thành với lý thuyết cộng sản, tức trung thành với đảng. Đảng CSVN hiện nay còn trong tay một người có bằng cấp chuyên ngành về xây dựng đảng như ông Nguyễn Phú Trọng thì sự trung thành ấy vẫn là cách đánh giá chuẩn mực nhất khi “đề bạt” cán bộ.

Do đó, cán bộ nào bước lên hàng ghế lãnh đạo cũng không hề được trang bị kiến thức lãnh đạo chỉ huy, ý thức đạo đức tối thiểu, lại được giao cho quyền lực quá lớn. Nên chuyện họ trở thành những ông vua vô đạo đức không làm ai ngạc nhiên trong thời kỳ mà đồng đô-la làm bá chủ trong mọi hoạt động ở Việt Nam, chứ không phải chủ nghĩa Mác. Và trong suốt một thời gian dài, họ tin rằng mình có quyền làm bất cứ chuyện gì kể cả chuyện làm bậy, bởi suy nghĩ đất nước Việt Nam là của riêng đảng Cộng Sản.

Thứ hai, trong hệ thống cấp ủy đảng, từ bí thư trung ương đến bí thư thành ủy, bí thư huyện ủy và xã ủy tất cả thực sự là những ông vua con đứng trên tất cả. Nếu ở trung ương bên cạnh chính phủ, đảng có một siêu chính phủ thì ở các thành phố, tỉnh, huyện, xã cũng có những siêu chính phủ nhỏ hơn, nằm trên các ủy ban nhân dân và thực sự nắm quyền chỉ đạo, ra lệnh. Ủy ban nhân dân lúc từ bỏ quyền lực cai trị trong lãnh vực hành chánh và tự biến mình thành cấp thừa hành của đảng ủy.

Điển hình tại Thành Hồ trong suốt 10 năm từ 2006 đến 2016, bí thư Lê Thanh Hải trị vì như một ông vua con, gây ra biết bao thảm cảnh cho người dân Thủ Thiêm. Nhưng cho tới nay Lê Thanh Hải chưa bị rụng một sợi lông chân, ngoài lời hứa của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương “xem xét kỷ luật” một cách trống không.

Có thể kết luận, sự phá sản của 3 bí thư thành ủy chẳng những là sự phá sản của công tác nhân sự mà còn là sự phá sản của toàn bộ một hệ thống lãnh đạo. Hệ thống này đặt trên nền tảng độc quyền bộ máy cai trị của một đảng độc tôn, ngu dốt, tự nhận không ai có thể thay thế. Sự loại bỏ công bằng và dân chủ trong tuyển dụng, rốt cuộc chỉ tạo được một tầng lớp tuy mang danh lãnh đạo nhưng vô cùng bất xứng vì xa rời quần chúng, thiếu khả năng và vô đạo đức chính trị.

Trong tình thế của đảng CSVN hiện nay, sự lãnh đạo vừa độc quyền vừa lâu dài của đảng CSVN chỉ mang lại thảm họa cho dân tộc.

Phạm Nhật Bình

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.