Thấy gì qua việc Bộ Tài Chính nói nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm khi mua trái phiếu?

Hồng Hà

Bộ Tài Chính liên tục kêu gọi nhà đầu tư không nên nóng vội, không nên bán sớm trái phiếu, nhưng cũng chính Bộ Tài Chính vừa phát đi thông báo nói rằng nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm toàn bộ về quyết định mua trái phiếu của mình. Ảnh: VietNam Finance

Những ngày vừa qua, Bộ Tài Chính liên tục kêu gọi nhà đầu tư không nên nóng vội, không nên bán sớm trái phiếu vì như thế ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư, nhưng cũng chính họ nói rằng nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm toàn bộ về quyết định mua trái phiếu của mình. Các phát biểu trái chiều nhau liên tục đưa ra khiến cho nhiều nhà đầu tư không khỏi hoang mang về trách nhiệm của chính phủ, Bộ Tài Chính và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN).

Trái phiếu thực chất là những khoản vay nợ tín dụng trên thị trường tài chính, mà cụ thể là thị trường trái phiếu. Không phải tự nhiên chúng ta có thị trường trái phiếu, và không phải doanh nghiệp nào thích phát hành là phát hành. Các cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là UBCKNN và Bộ Tài Chính, Ngân Hàng Nhà Nước), bằng chức năng của mình, thực hiện việc thẩm định điều kiện phát hành của các trái phiếu doanh nghiệp này. Doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn của Bộ Tài Chính và được sự thông qua của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) thì mới được phát hành trái phiếu thông qua Ủy Ban Chứng Khoán (UBCK). Và Ủy Ban Chứng Khoán đóng vai trò cung cấp thông tin về doanh nghiệp phát hành cho các trái chủ.

Về mặt nguyên tắc, nếu một doanh nghiệp có tài chính và khả năng quản trị vốn yếu kém được cho phép phát hành trái phiếu không đảm bảo ra công chúng thì cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm. Nếu trái phiếu được phát hành có sự bảo lãnh của ngân hàng thương mại thì ngân hàng phải trả nợ thay, nếu có tài sản đảm bảo của doanh nghiệp cho trái phiếu thì phải bán tài sản đi để thanh toán nợ cho trái chủ.

Còn nếu không được ngân hàng bảo lãnh, không có tài sản đảm bảo mà vẫn được phép lưu hành thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Tài Chính và UBCKNN, bởi vì đó là trách nhiệm kiểm tra kiểm định của các vị, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho nền kinh tế, tránh những việc lừa đảo diễn ra, cũng giống như tránh để người dân mua phải hàng cấm, hàng giả vậy. Đừng để đến lúc người dân mua phải hàng giả thì lại đòi “xử lý cả người mua hàng giả hàng nhái.”

Trách nhiệm của các vị là không để những điều đó tồn tại trên thị trường. Nhưng lại có rất nhiều doanh nghiệp không có chức năng tài chính vẫn ngang nhiên phát hành trái phiếu vẫn được các vị thông qua, các dự án huy động trái phiếu xong thì sử dụng vốn sai mục đích đăng ký trong hồ sơ phát hành trái phiếu nhưng các vị vẫn không có sự thanh, kiểm tra sớm để ngăn chặn hậu quả, sự việc diễn ra rồi cũng không tìm cách khắc phục hậu quả. Để rồi mất khả năng thanh toán diễn ra.

Vậy người dân nuôi chính phủ để làm gì khi mà trách nhiệm thì không thực hiện, còn thuế thì cứ ngửa tay thu đều? Để rồi khi nhà đầu tư gặp nạn thì phủi tay rằng “nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về quyết định mua trái phiếu của mình.” Sau đó xua đội quân DLV ra rêu rao rằng “nhà đầu tư tham lãi suất cao,” “lúc có lời thì có cho nhà nước đâu, lúc gặp nạn mới kêu gào nhà nước.” Những lập luận hết sức kém cỏi, mang tính bao che, phủi tay vô trách nhiệm của chính phủ đối với người dân.

Chính phủ này thực sự, nuôi tốn thuế của dân.

Hồng Hà