Thư Ngỏ Gửi Phạm Hồng Sơn

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

(liên quan đến giải Hellman-Hemmett 2008)

Đà Lạt ngày 28-7-2008

Phạm Hồng Sơn thân mến

Khi thấy “Thư ngỏ” này xuất hiện trên mạng chắc Sơn ngạc nhiên lắm. Đời thuở nhà ai, “chú Phu” lại viết “thư ngỏ” cho P.H.Sơn bao giờ? Thế nên trước hết chú phải xin lỗi, vì nếu Sơn biết trước, nhất định cháu sẽ ngăn cản chú làm việc này.

*

Ngày 22-7-2008 tổ chức HRW đã công bố giải thưởng Hellman-Hammett năm nay của 34 người thuộc 19 nước. Trong danh sách 8 người Việt nam được vinh danh có cháu và chú. Thành tích tóm tắt của từng người đã được tóm tắt trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong 2 ngày 23 và 24-8 chú nhận được nhiều lời thăm hỏi và chúc mừng, của bạn bè, của một số dân oan… bằng thư từ, bằng điện thoại và thăm trực tiếp. Có hai cuộc thăm khá đặc biệt. Một là của mấy vị cộng sản lão thành mang hoa đến mừng, vì thấy “đây là sự xác nhận có tính chất quốc tế …”. Chú rất cảm kích vì đó là các đảng viên vẫn đang còn “sinh hoạt đảng”.

Một cuộc thăm khác là của một người bạn. Ông bạn cho biết khi nghe tin này, nhiều anh em đã bàn tán : Liệu ông Tụ có nhận giải này hay từ chối?

Chú hỏi anh em dự đoán thế nào Ông bạn bảo: Hầu hết bạn bè đều cam đoan ông Tụ sẽ không nhận giải, vì ông ấy là người có học, lại có chữ Nho thì nhất định không phải là người háo danh.

Chú bảo: “Nói thế có phần đúng, vì bản tính tôi ưa thầm lặng, không thích ồn ào, không ham hố những chuyện giải thưởng . Nhưng nhận một giải thưởng mà đồng nghĩa với háo danh thì ông Tố Hữu và nhiều nhà văn nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Asean thì há chẳng háo danh lắm hay sao ? Người ta chỉ cự tuyệt một giải thưởng khi khinh bỉ giải thưởng ấy là không chân chính hoặc không xứng tầm với mình”.

Sau đó chú tóm tắt mấy ý để ông bạn hiểu giải Hellman-Hammett là một giải quốc tế có ý nghĩa dân chủ-nhân văn cao cả thật sự chứ không phải giải của những người Việt chống cộng đâu, chính báo chí nhà nước mình đã ca ngợi một nhà văn Iran được giải Hellman-Hemmett này đấy. Chú cũng đưa một đoạn dịch từ tiếng Anh, cho thấy người ta tặng giải cho chú chỉ vì những suy nghĩ, vì những bài viết đóng góp về dân chủ và ảnh hưởng sâu rộng của các bài viết ấy, chứ không phải chú có hoạt động “chống đối nhà nước”. Vậy tại sao chú lại không nhận? (về những thông tin liên quan đến cá nhân, cuối thư chú sẽ có “chú thích” để nói rõ thêm) (1) .Ông bạn nghe chú giải thích thế, không nói gì nữa.

*

Chú gửi thư này đến cháu là vì một ý chung và một việc riêng.

Ý chung, chú gửi cháu một đoạn giải thích rõ về nguồn gốc của giải Hellman-Hamett mà nhiều người chỉ nghe loáng thoáng, cứ sợ đây là một giải của những người Việt phản động ! (Xem bài viết ngắn kèm theo).

Việc riêng là việc chú tự xử lý món tiền thưởng, mà có phần phải nhờ đến cháu.

JPEG - 87.7 kb
Hà Sĩ Phu và Phạm Hồng Sơn.

Giải có 25 triệu tiền Việt thôi, món tiền này khá lớn đối với một người cầm bút nghèo, nhưng cũng chỉ bằng một giải thưởng vui chơi tào lao vẫn diễn ra hàng ngày trên truyền hình. Đối với chú món tiền này cũng rất quan trọng vì có ý nghĩa tinh thần của một giải thưởng. Đây là dịp chú có một món tiền để “trang trải” những “món nợ” tinh thần mà chú chẳng bao giờ quên.

- Trong 25 triệu, chú dành 15 triệu đưa cho vợ, để góp phần cho vợ trang trải bao nhiêu khoản tồn đọng bấy lâu, mà có lẽ hầu hết là do chú “gây ra”. Ngần ấy đâu có đủ, nhưng cũng không thể “chi” cho vợ hơn được.

- Chú dành 8 triệu để biếu 2 bà goá phụ là vợ của hai nhà văn dân chủ đã quá cố Phùng Cung và Phùng Qúan, là hai người bạn cũng như hai người anh của chú. Hai vị ấy lại gắn với một nhà văn quá cố khác là cụ Nguyễn Hữu Đang. Ba vị ấy có văn tài hơn chú, lại chịu khổ cực hơn, nếu còn sống thì xứng đáng nhận giải hơn chú nhiều. Ba vị ấy nghèo lắm, nghèo xơ xác, mà thương chú lắm, khi nghe chú bị đi tù đều cố công tìm vợ chú để cố đưa cho được những đồng tiền trợ cấp (như một thứ trợ cấp kiểu Hellman-Hammet bây giờ vậy). Phùng Quán đi qua Huế, đọc thơ dọc đường được ít tiền cũng không quên gửi về Đà Lạt cho Hà Sĩ Phu (Bát cơm Siếu Mẫu dã ơn ngàn vàng cháu ạ !). Khi ba vị ấy mất chú đã viếng những đôi câu đối ruột thịt khắc vào bia mộ. Còn lại hai bà vợ là hai bà Nguyễn Thị Thoa và Vũ Bội Trâm, chú nhờ cháu hỏi thăm đến nhà và đưa giúp chú món quà nhỏ tượng trưng cho tấm lòng thành của chú, gọi là sẻ chia chút vinh dự tinh thần của nghề cầm bút với hai bậc đàn anh. Chú mong hai bà nhận món quà mọn như những nén nhang cho ba nhà văn dân chủ Phùng Cung, Phùng Quán và Nguyễn Hữu Đang.

- Thế là chỉ còn 2 triệu, làm gì đây cháu nhỉ ? Cháu cho chú nạp vào quỹ của Hội Ái hữu TNCT-TGVN mà cháu đang là Chủ tịch lâm thời của Hội. Coi như một chút “hội phí tự nguyện” của anh “cố vấn” vô tích sự như chú. Mong cháu nhận cho.

Chú phải gửi “thư ngỏ” trên mạng, vì nếu gửi thư riêng, chú chỉ sợ cháu sẽ không tán thành, thì chú không được tròn ước nguyện, cháu sẽ bảo : chú đang đau yếu, cần giữ lấy để chi dùng cho bớt khó khăn ?). Khổ thế, có dăm triệu bạc Việt nam, không đáng một cuộc nhậu của những ai đó, nhưng đối với mình thì có ý nghĩa lắm, phải sử dụng cho xứng với ý nghĩa ấy, chẳng dám coi thường.

Cháu bớt chút thời giờ giúp chú việc ấy nhé.

Hà Sĩ Phu

JPEG - 83.3 kb
Hà Sĩ Phu,Phùng Cung, Phùng Quán.

JPEG - 208.2 kb
Hà Sĩ Phu và Phùng Cung.


(1) Phần thông tin về Hà Sĩ Phu:
(http://www.hrw.org/english/docs/2008/07/22/vietna19419.htm) Trong bản tin về 8 người Việt nam được nhận giải Hellman-Hammett năm 2008 của tổ chức HRW, phần thông tin về Hà Sĩ Phu (dịch ra tiếng Việt) như sau:

Nguyễn Xuân Tụ, bút danh là Hà Sĩ Phu, 68 tuổi, nhà nghiên cứu sinh vật học và là một trong những nhà văn đối kháng được kính trọng nhất Việt Nam. Viết văn dưới bút hiệu Hà Sĩ Phu, ông được biết đến trong năm 1987 dưới bài luận văn “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Ông tiếp tục viết những bài văn có tính chất triết học, những bài châm biếm và thơ được xuất bản ở nước ngoài và được lưu truyền ở Việt Nam. Hơn 20 năm qua, ông bị trấn áp, cô lập hóa, làm việc với công an, giam hãm, cầm tù và quản chế tại gia. Vì ảnh hưởng rộng lớn của ông đối với phong trào dân chủ, trong vòng 11 năm nay ông bị cấm không cho dùng internet hoặc điện thoại. Mặc dù sức khoẻ yếu kém, ông vẫn tiếp tục viết và tham gia những cuộc tranh luận về dân chủ.

Xin bổ sung cho chính xác thêm về việc “trong vòng 11 năm nay ông bị cấm không cho dùng internet hoặc điện thoại”: HSP bị cắt điện thoại nhà từ tháng 4-1997, đến tháng 4-2008, tròn 11 năm, trong đó đã nhiều lần yêu cầu nối lại nhưng không được, vậy thông tin trên là đúng. Nhưng từ tháng 4-2008 (khoảng 1 tháng trước ngày Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ lên thăm Đà Lạt) HSP đã được nối lại điện thoại, tin này chỉ thông báo đến vài người bạn trong nước, vậy xin bổ sung để thông tin được kịp thời (trường hợp “tạm cắt” điện thoại đến 11 năm kể cũng là hiếm, việc nối lại tuy có hơi muộn nhưng cũng là một điểm tốt).

=======

Bài đọc thêm

NGUỒN GỐC GIẢI THƯỞNG HELLMAN-HAMMETT

Giải này tên chính thức là giải thưởng Hellman-Hammett Grant, lấy tên hai nhà văn phái tả nổi tiếng Hoa Kỳ Lillian Hellman và Dashiell Hammett. Lillian Hellman (1905-1984) là nữ kịch tác gia, còn Dashiell Hammett (1894-1961) là một nhà viết tiểu thuyết hình sự (trinh thám).

Họ là những người tích cực tham gia hoạt động trong chiến dịch chống lại sự phát triển của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, ủng hộ phe cộng hòa trong suốt cuộc nội chiến Tây Ban Nha, chống lại chế độ chính trị đàn áp dưới thời McCarthy .Trong thập niên 1950 hai nhà văn người Mỹ này đã bị thượng nghị sĩ chống cộng Joseph R. McCarthy tra hỏi, đàn áp vì việc tham gia các tổ chức chính trị khiến cho một người sụp đổ về nghề nghiệp còn người kia bị thất nghiệp trong nhiều năm.

Hai nhà văn Mỹ này đã cống hiến tài sản của mình để đề cao những người bị đàn áp vì tự do ngôn luận.

Năm 1989, những người thừa hưởng di sản của hai nhà văn Hoa Kỳ Lillian Hellman và Dashiell Hammett này đã đề nghị với tổ chức Human Rights Watch (HRW) thiết lập một chương trình nhằm giúp đỡ tài chánh cho các nhà văn (chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) trên toàn thế giới bị truy bức vì đã can đảm trình bày quan điểm chính trị của mình, nên giải còn được gọi là giải Tự Do Phát Biểu (Free Expression). Tất cả những người như thế đều bị các chính quyền trù dập – bỏ tù, sách nhiễu, quản thúc tại gia, cô lập với các cộng đồng của họ – mặc dù những gì họ làm cũng chỉ là thực thi những quyền con người đã được quốc tế bảo đảm.

Phạm vi bao quát của giải Hellman-Hammett cũng như phạm vi bao quát của tổ chức HRW nói chung rất rộng. HRW là một trong những tổ chức phi chính phủ có tầm vóc quốc tế lớn nhất, nhằm mục tiêu cổ võ cho nhân quyền, với quy chế tham vấn bên cạnh Liên Hiệp Quốc và hoạt động quan sát, theo dõi đối với 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mọi nguồn tài chính của HRW đều đến từ tư nhân, không nhận trợ cấp từ bất cứ chính phủ nào.

Ủy ban xét duyệt Giải thưởng Hellman-Hammett gồm có 7 thành viên, gồm các tác giả, các nhà xuất bản, ký giả, những người đã đầu tư rất nhiều cho quyền tự do ngôn luận. Mỗi năm họ cứu xét một số ứng viên được đề nghị từ khắp các quốc gia trên thế giới , rồi thông báo những người trúng giải. Mọi tổ chức hay cá nhân đều có quyền đề cử hay kiến nghị, phản đối.

Sau khi Ủy ban tuyển chọn duyệt qua những đề nghị, giải thưởng (từ 1000$ đến 10.000$) thường được công bố vào mùa xuân, nhưng có những trường hợp danh tánh của người trúng giải không được công bố vì lý do an toàn cho người được vinh danh.

Hà Sĩ Phu
sưu tập từ Wikipedia và các trang Web liên quan

=======

Thư Ngỏ Hồi Âm

Hà nội, ngày 29 tháng 07 năm 2008

Chú Hà Sĩ Phu kính mến,

Trước tiên cháu xin được thổ lộ với chú ngay là cháu sẽ cố gắng thực hiện sớm sự “giao phó” của chú về chuyển món quà nhỏ tới hai bà quả phụ đáng kính của hai cố nhà văn hết sức đáng khâm phục là Phùng Cung và Phùng Quán. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay của chúng ta, việc chuyển món quà này có thể không hoàn toàn dễ dàng, nhưng cháu hy vọng mọi người cuối cùng sẽ đều ủng hộ cho nghĩa cử đầy ân tình này. Về việc thứ hai mà chú nhờ cháu liên quan đến Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam. Trước tiên, cháu xin được thay mặt Hội đồng điều hành và các quí vị thành viên trong Hội rất xúc động cảm ơn tấm lòng của chú muốn đóng góp thêm về vật chất cho Hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của cháu, với tư cách Hội trưởng tạm thời, do hoàn cảnh khó khăn của chú hiện nay, nên cháu sẽ cần phải bàn bạc thêm với các vị lãnh đạo khác trong Hội để có thể sớm hồi đáp chú rõ ràng về vấn đề này. Như chú đã biết, mặc dù hiện nay Hội còn gặp nhiều trở ngại và có nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Hội chúng ta vẫn đặt trọng tâm chính yếu là giữ vững và quảng bá tinh thần chủ đạo của Hội là tình Thân ái. Do vậy, vấn đề quĩ của Hội cũng chưa phải là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Vậy, kính mong chú an tâm.

Với tư cách là một người cùng được tổ chức HRW vinh danh, cháu xin cảm ơn chú về lá “thư ngỏ” này. Theo cháu thiển nghĩ, lá thư này đã góp phần xóa bớt đi những e ngại và sự hiểu sai của nhiều người trong nước về các giải thưởng ở ngoài Việt Nam dành cho những người có chính kiến khác biệt với Đảng cộng sản Việt Nam. Lá thư này cũng lại một lần nữa cho thấy những giá trị về dân chủ đa đảng, nhân quyền hay tự do cho con người vẫn có thể được chia sẻ và ủng hộ bởi chính những người Việt Nam vẫn còn là đảng viên Đảng Cộng sản. Có thể còn có những người băn khoăn hay chưa ủng hộ như “một người bạn” kể trong lá thư của chú, nhưng việc “người bạn” đó đến thẳng với chú để trao đổi những ý kiến khác cũng cho thấy sự khác biệt chính kiến là điều bình thường và không vì thế mà con người không đến với nhau, không vì thế mà chúng ta lại quên mất tình anh em, nghĩa đồng bào của cùng một dân tộc. Và lá thư ngỏ của chú cũng là thêm một thông điệp để những người cầm bút trẻ của Việt Nam hôm nay có thể tự tin rằng chúng ta có thể gặp khó khăn, hiểm nguy khi giữ vững ngòi bút trung trực, nhưng chúng ta rõ ràng sẽ không cô đơn và không quá thẹn với những bậc tiền nhân như các vị “Nhân văn-Giai phẩm” tại Việt Nam hay Hammett, Hellman trên thế giới. Cháu tin rằng những suy nghĩ này của cháu cũng được tất cả những quí vị khác cùng được HRW vinh danh năm nay tại Việt Nam chia sẻ.

Riêng cháu, những suy nghĩ và tấm lòng của chú trong lá thư này sẽ là một lời nhắc nhở thêm về việc cần phải học hỏi và nỗ lực nhiều hơn nữa trong cuộc sống sắp tới.

Kính chúc chú và gia đình nhiều sức khỏe,

Cháu Phạm Hồng Sơn.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng bí thư đảng CSVN kiêm chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ khóa 79, hôm 22/09/2024. Ảnh: AP

Tô Lâm ở Mỹ: đừng hy vọng để rồi thất vọng!

Trong chuyến đi Hoa Kỳ, ông Tô Lâm đọc những bài diễn văn soạn sẵn đầy những hình ảnh và từ ngữ lung linh về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” về “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,” nhưng đằng sau đó là gì?

Tuyến cáp quang biển nối kết Internet Việt Nam với thế giới. Ảnh: Internet

Đáng lo

Tôi có một người bạn thường về làm ăn ở Việt Nam. Anh nói một trong những vấn đề đáng lo nhất ở Việt Nam là các cán bộ, nếu không muốn nói là, tất cả các cán bộ, đều không tha thiết làm việc gì cả nếu chúng không có lợi cho bản thân họ. Lợi ích cho quốc gia? Mặc kệ! Mỗi người chỉ biết lo, trước hết, cho lợi ích của chính họ.

Văn Bút Mỹ (Pen America) kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt khi gặp gỡ Tô Lâm. Ảnh: Getty Images

Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với Tô Lâm

“Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống Biden và chính phủ Hoa Kỳ đưa vấn đề nhân quyền vào trọng tâm của quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vận động trả tự do cho những người vẫn đang bị giam giữ bất công,” bà Anh-Thu Vo, Giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America, đưa ra kiến nghị.

Người Việt Nam biểu tình phản đối TBT - Chủ tịch nước Tô Lâm trước trụ sở LHQ ở New York hôm 22/9/2024. Nguồn: RFA/ Facebook Việt Tân

Tổ chức phi chính phủ gửi thư ngỏ đề nghị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận TBT Tô Lâm

Các nhóm tham gia bức thư ngỏ bao gồm Việt Tân, Hội Anh Em Dân Chủ, ACAT tại Bỉ, Pháp và Đức đã liệt kê trong bức thư năm điểm đáng chú ý về vấn đề vi phạm nhân quyền mà ông cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thực hiện bao gồm: Bắt cóc quốc tế, sử dụng bạo lực với dân, đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội, bắt các nhà hoạt động phải sống lưu vong, kẻ thù của Internet.