Tô Lâm vừa làm tổng bí thư, 4 ủy viên trung ương bị cho thôi chức

Người Việt

Từ trái, các ông Lê Minh Khái, Đặng Quốc Khánh, Chẩu Văn Lâm, Nguyễn Xuân Ký. Ảnh: Tuổi Trẻ

Chỉ vài giờ sau khi đảng công bố ông Tô Lâm, chủ tịch nước, được “suy tôn” làm tổng bí thư, đã có bốn ủy viên trung ương đột ngột bị cho thôi chức.

Theo báo VNExpress hôm 3 tháng Tám, bốn người này gồm ông Lê Minh Khái, phó thủ tướng; ông Đặng Quốc Khánh, bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường; ông Nguyễn Xuân Ký, bí thư Quảng Ninh; và ông Chẩu Văn Lâm, bí thư Tuyên Quang.

Trong số này, ông Đặng Quốc Khánh là người bị rò rỉ tin đồn về việc mất ghế từ ít nhất nửa tháng trước.

Đáng nói, thông cáo của Văn phòng Trung ương đảng công bố cho thôi chức bốn quan chức nêu trên nhưng chỉ ghi lý do chung chung rằng họ “vi phạm các quy định của đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

Tương tự các trường hợp “ngã ngựa” trước đây, cả bốn ông đều “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân” và “tự nguyện làm đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công.”

Nhiều khả năng cả bốn quan chức bị kỷ luật do “các sai phạm trong quá khứ.”

Việc mất chức ủy viên trung ương chỉ là thủ tục trước khi bốn ông bị mất ghế trong chính phủ và tỉnh ủy.

Không rõ sự việc nêu trên có liên quan gì đến tuyên bố của ông Tô Lâm ngay khi ông này vừa “được bầu” làm tổng bí thư: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy mạnh theo phương châm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm…”

VNExpress cho hay, tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, ông Tô Lâm nói mình “rất may mắn” khi “bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm” và “đã có những kinh nghiệm nhất định [về chống tham nhũng].”

Theo cách tường thuật của các báo trong nước hôm 3 tháng Tám, ông Tô Lâm kiêm nhiệm cả hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, tương tự người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.

Một số nhà quan sát cho rằng ông Tô Lâm nắm hồ sơ tham nhũng của rất nhiều đồng đảng. Điều này vừa là lợi thế nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi vì đồng đảng của ông sẽ không ngồi yên để cho ông “cạo đầu” hay “lột da.” Trước nay, chưa có tiền lệ là một trùm công an lên làm tổng bí thư đảng cho đến khi Tô Lâm làm được việc này.

Theo hãng tin Reuters, hiện đang có các bàn luận trong nội bộ đảng là có nên đưa một nhân vật khác lên làm chủ tịch nước để ông Tô Lâm chỉ giữ ghế tổng bí thư hay không. Một nhà ngoại giao xác nhận với hãng tin này là các cuộc bàn luận “vẫn tiếp diễn.”

Một khi ông Tô Lâm nắm quyền hành cả hai chức vụ và với quyền lực to hơn, ông ta có thể càng lúc càng trở nên độc tài hơn, tương tự như ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

Trong trường hợp này, đảng CSVN sẽ không còn kiểu quyết định các chính sách từ “dân chủ tập trung” ở thượng tầng nữa.

Nguồn: Người Việt