Tối Cao Pháp Viện Mỹ theo đảng nào?

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Tại sao dân Hong Kong đi biểu tình hàng triệu người, rồi tới hai triệu người, bày tỏ thái độ chống Cộng Sản Trung Quốc?

Bắc Kinh không đòi thay đổi chế độ, bắt lãnh thổ này nhập ngay vào Trung Quốc. Không công ty thương mại nào bị đe dọa quốc hữu hóa hay đóng cửa. Không ai bị bắt giam rồi “tự tử” trong đồn công an. Trung Cộng cũng không tính đem quân tới chiếm đóng – họ đã lập đồn quân duy nhất tại chỗ để xác định chủ quyền.

Nguyên nhân chính yếu huy động các thanh niên, các thương gia, cho tới các bà nội trợ xuống đường chống dự luật cho phép dẫn độ người Hong Kong qua lục địa là một khái niệm trừu tượng: Pháp Luật Công Minh. Người ta sợ có ngày họ sẽ bị đưa vào xét xử trong một tòa án của chế độ Cộng Sản mà họ biết là không độc lập. Họ lo sẽ bị mất một thứ gọi là An Toàn Pháp Lý; tức là cứ làm đúng pháp luật thì sẽ được yên ổn làm ăn sinh sống. An Toàn Pháp Lý là một nền tảng xây dựng lên nền kinh tế thịnh vượng của xứ này.

Sống trong các xã hội tự do dân chủ nhiều khi chúng ta không để ý đến tình trạng an toàn pháp lý mình đang được hưởng. Nó cũng giống như khí trời. Chỉ khi nào thiếu, hay lo mình sắp mất, như dân Hong Kong lo, mình mới kêu lên.

An Toàn Pháp Lý chỉ có được khi hệ thống tư pháp độc lập với chính trị, những người nắm quyền không thể ép buộc, thao túng các vị thẩm phán.

Hiến Pháp Mỹ bảo đảm tư cách độc lập của các thẩm phán liên bang bằng nhiều cách. Thí dụ, việc bổ nhiệm thẩm phán phải do cả hành pháp và lập pháp đồng ý; ấn định nhiệm kỳ của họ rất dài, suốt đời không lo bị chính quyền cách chức. Nhưng bảo đảm quan trọng nhất để có nền tư pháp độc lập là ý thức của người dân, phản ảnh qua quyền tự do ngôn luận. Báo chí luôn luôn theo dõi và phê phán chính quyền, kể cả các tòa án.

Vì vậy, mỗi lần Thượng Viện thảo luận để phê chuẩn một vị thẩm phán, nhất là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, là cả nước bàn tán. Ai cũng biết đảng Cộng Hòa thích các thẩm phán “bảo thủ” bên Dân Chủ thích người “cấp tiến.” Nhưng câu hỏi chính là các ứng viên này, dù có khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến, họ có phán đoán một cách độc lập hay không?

Trong Tòa Tối Cao hiện có năm vị do các tổng thống Cộng Hòa đề cử, bốn người do đảng Dân Chủ. Chánh Án John Roberts cùng với các ông Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh được coi là “cánh bảo thủ,” hai người chót mới do ông Trump đưa vào. Phía “cấp tiến” có các bà Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor, Elena Kagan và ông Stephen Breyer.

Những phán quyết mà dư luận chú ý nhất thường được quyết định với tỷ số 5-4 sát nút, cho nên nhiều người nghĩ rằng hiện nay Tối Cao Pháp Viện đang nghiêng hẳn về phía bảo thủ, hay Cộng Hòa. Chính Tổng Thống Trump cũng nghĩ như vậy, khi ông nói có những thẩm phán của Obama hay thẩm phán của Bush.

Ngay sau khi ông Trump nói lên điều đó, Chánh Án John Roberts đã nói công khai, một cách mạnh mẽ, rằng không một vị thẩm phán nào là của ông tổng thống nào hết. Họ phán đoán và quyết định bỏ phiếu theo pháp luật và công tâm.

Nhưng nhiều người vẫn không tin. Một độc giả Người Việt góp ý kiến, đã viết rằng Tổng Thống Trump muốn đưa một vụ tranh chấp lên Tối Cao Pháp Viện vì trên đó ông ta có đủ các thẩm phán thuộc phe mình (nhận xét này không đăng tải vì xúc phạm cả nền tư pháp).

Một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện mới đây cho thấy các thẩm phán bỏ phiếu rất độc lập, không những độc lập với các đảng chính trị mà độc lập với cả các khuynh hướng, “nhãn hiệu” người ta thường gán cho họ.

Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết, với tỷ số 5-4 về một đạo luật phân chia đơn vị bỏ phiếu của tiểu bang Virginia, khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Đảng Dân Chủ chiếm lại đa số năm ngoái, đã thay đổi bản đồ phân chia đơn vị đó, và bị phía Cộng Hòa kiện. Một tòa án cấp dưới đã phán cho phía Dân Chủ thắng, vì bản đồ cũ phân chia các vùng cử tri da đen cố ý để họ có mặt rất đông tại một số đơn vị trong khi quá ít trong một số đơn vị khác. Có 11 đơn vị bị ảnh hưởng, lợi cho đảng Cộng Hòa. Phân chia như vậy, gọi là “gerrymandering,” vẽ bản đồ đơn vị bỏ phiếu méo mó không tự nhiên, là một cách các nhà chính trị chiếm lợi thế cho đảng mình. Ông Elbridge Gerry là người đầu tiên dùng thuật này, ở tiểu bang Massachusetts năm 1812.

Ngày Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2019, Tối Cao Pháp Viện quyết định không xét lại phán quyết của tòa dưới, tức là đồng ý rằng bản đồ cũ thiên lệch vì lý do chủng tộc, không đúng Hiến Pháp. Quyết định này là một thắng lợi lớn cho đảng Dân Chủ ở Virginia.

Điều đáng chú ý là trong tỷ số 5-4, người ta thấy mỗi bên có đủ các vị thẩm phán thuộc cả hai khuynh hướng, Cộng Hòa (bảo thủ) và Dân Chủ (cấp tiến). Phe đa số có các bà Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor, Elena Kagan (cấp tiến) và các ông Justices Clarence Thomas, Neil Gorsuch (bảo thủ). Phía bốn người kia có các ông Stephen Breyer (cấp tiến) Samuel Alito, Brett Kavanaugh, và Chánh Án John Roberts (bảo thủ). Hai người do ông Trump bổ, Gorsuch và Kavanaugh bỏ phiếu khác nhau.

Cùng một ngày, Tối Cao Pháp Viện còn xử một vụ khác, xác nhận lại một án lệ đã có từ 170 năm, cho phép các tòa án liên bang và tiểu bang xử cùng một vụ phạm pháp. Người kháng cáo là Terance Gamble, đã bị tòa án tiểu bang Alabama xử một năm tù về tội mang cần sa marijuana và súng bất hợp pháp, sau anh ta lại bị xử ở tòa án liên bang về cùng tội đó. Với tỷ số 7-2, Tối Cao Pháp Viện quyết định việc xử Gamble hai lần là hợp hiến, vì luật lệ của liên bang và tiểu bang có thể khác nhau (thí dụ, luật phá thai, đánh bạc, uống rượu, và hút cần sa).

Trong phán quyết với tỷ số 7-2 này, hai người phe thiểu số là bà Ruth Bader Ginsburg (cấp tiến lão thành!) và ông Neil Gorsuch (cực kỳ bảo thủ!)

Vụ Gamble được dư luận chú ý vì có thể liên hệ đến Tổng Thống Trump! Ông Paul Manafort, cựu chủ tịch ủy ban tranh cử của ông Trump, đang bị ra tòa về một số tội tài chính. Nhưng ông cũng bị tòa án tiểu bang New York xử về cùng một tội. Với phán quyết này của Tối Cao Pháp Viện, các báo đài bàn rằng ông Manafort khó tránh khỏi tù tội dù có được ông tổng thống ân xá.

Cũng trong ngày Thứ Hai, Tối Cao Pháp Viện còn xử vụ Virginia Uranium v. Warren, trong đó tiểu bang Virginia bị các công ty khai thác uranium kiện. Sáu vị thẩm phán đồng ý với tiểu bang gồm có ông Gorsuch, Kavanaugh, Thomas, bà Kagan, Sotomayor và Ginsburg, ba bà cấp tiến và ba ông bảo thủ. Phán quyết này sẽ có ảnh hưởng là tăng thêm quyền hạn các tiểu bang khi muốn giới hạn các công ty khai thác dầu lửa, khí đốt, hoặc đặt ống dẫn dầu, khí. Thường những người có khuynh hướng bảo thủ tôn trọng quyền của các xí nghiệp hơn là tin tưởng vào nhà nước. Trong số ủng hộ chính quyền Virginia có hai thẩm phán do Tổng Thống Trump đề cử, Gorsuch và Kavanaugh.

Các phán quyết trong ba vụ xét xử trên cho thấy các vị Thẩm Phán Tối Cao không bỏ phiếu theo các nhãn hiệu cấp tiến hoặc bảo thủ mà công chúng gán cho họ! Mỗi người quyết định từng vụ án theo cách họ hiểu bản Hiến Pháp nước Mỹ, theo phán đoán của họ về những bằng chứng cùng luận cứ của bên nguyên và bên bị. Họ không theo quyền lợi chính trị, đảng phái hay tư lợi.

Có nhiều yếu tố khiến các vị thẩm phán cố giữ tư cách độc lập, nhưng trong đó một động cơ lớn là bảo vệ thanh danh của chính họ. Thẩm Phán Tối Cao là địa vị cao nhất trong ngành tư pháp (có các vị ra ứng cử tổng thống và cũng có ông tổng thống về hưu muốn vào Tối Cao Pháp Viện). Nhưng khi đã đạt được địa vị “Tối Cao” thì người ta muốn bảo vệ danh dự của chính mình cũng như gia đình, con cháu mình. Với ý thức danh dự này, các thẩm phán không muốn bị nghi ngờ mình chỉ là một công cụ của đảng chính trị hay các nhóm quyền lợi riêng. Ý thức về danh dự này sẽ mạnh hơn khi người thẩm phán sống trong một xã hội có tự do ngôn luận.

Sống trong xã hội mà biết rằng các thẩm phán đều phải độc lập trước bất cứ quyền lực nào, người ta thấy yên tâm, không lo bị bắt, bị giam cầm vô cớ.

Dân Hong Kong đã sống trong chế độ thuộc địa Anh Quốc hàng thế kỷ. Họ không có độc lập, thiếu dân chủ, nhưng được tự do và sống trong một hệ thống tư pháp đáng tin cậy. Tòa án ở Hong Kong được người dân kính trọng, cũng như ở Mỹ, nhờ các truyền thống lâu đời. Người Hong Kong không tin tưởng các tòa án của chế độ Cộng Sản trong lục địa. Hàng triệu người xuống đường chính là để tự bảo vệ, bảo vệ quyền sống an toàn pháp lý; chính đến lúc thấy nguy cơ có thể mất người ta mới biết tư pháp độc lập là quý.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.