Play Video
Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Share on whatsapp
Share on email

Việt Nam sắp ra quy định siết chặt quản lý mạng xã hội

Việt Nam đang chuẩn bị đưa ra các quy định mới yêu cầu các công ty mạng xã hội gỡ bỏ nội dung mà họ cho là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ, ba người nắm rõ về vấn đề này nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Những quy định sửa đổi này sẽ càng củng cố Việt Nam thành một trong những chế độ khắt khe nhất thế giới đối với mạng xã hội và tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản cầm quyền trong lúc chính quyền đàn áp các hoạt động ‘chống phá nhà nước’.

Khung thời gian 24 giờ để gỡ bỏ ‘nội dung và dịch vụ bất hợp pháp’ sẽ không có thời gian ân hạn, trong khi các ‘buổi phát trực tiếp bất hợp pháp’ phải bị chặn trong vòng ba giờ. Nếu không tuân thủ, các mạng xã hội có thể sẽ bị cấm ở Việt Nam.

Các công ty mạng xã hội cũng đã được thông báo rằng các nội dung “có hại cho an ninh quốc gia” phải được gỡ xuống ngay lập tức, theo các nguồn tin ẩn danh nói với Reuters.

Hiện tại, các nền tảng mạng xã hội thường có vài ngày để xử lý các yêu cầu từ chính phủ Việt Nam, các nguồn tin cho biết.

Các quy định sửa đổi này, vốn vẫn chưa được công bố, dự kiến sẽ được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào tháng tới và có hiệu lực từ tháng Bảy.

Các nguồn tin nói chuyện với Reuters không muốn được nêu danh tính do sự nhạy cảm của vấn đề. Các Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

TikTok, do hãng ByteDance của Trung Quốc sở hữu, sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp hiện hành của chính quyền sở tại để đảm bảo TikTok vẫn là không gian an toàn cho thể hiện sáng tạo, đại diện TikTok tại Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh nói với Reuters. Ông Thanh cho biết TikTok sẽ gỡ bỏ những nội dung vi phạm nguyên tắc của họ.

Việt Nam với dân số 98 triệu người nằm trong số 10 thị trường hàng đầu của Facebook với số lượng người dùng vào khoảng từ 60 đến 70 triệu, theo dữ liệu của công ty năm 2021.

Việt Nam đem đến doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ đô la cho Facebook. Thị trường này đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với các thị trường châu Âu, theo các nguồn tin nắm rõ vấn đề.

YouTube có 60 triệu người dùng tại Việt Nam và TikTok có 20 triệu, theo ước tính của chính phủ năm 2021.

Nhưng thị trường Việt Nam đặt ra những vấn đề nan giải về đạo đức. Đảng Cộng sản Việt Nam gần như không cho phép chỉ trích và các tòa án ở nước này đã tuyên những án tù dài hạn đối với những nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động do những lời chỉ trích chính quyền của họ trên Facebook và YouTube.

Hồi năm 2020, Facebook đã đồng ý đẩy mạnh kiểm duyệt đáng kể các nội dung ‘chống nhà nước’ sau khi giới chức Việt Nam làm chậm lượng truy cập và đe dọa đóng cửa Facebook hoàn toàn, các đại diện Facebook từng nói với Reuters.

Facebook cho biết vào thời điểm đó họ đã ‘miễn cưỡng tuân thủ yêu cầu của chính phủ’ là ‘hạn chế truy cập vào các nội dung mà họ cho là bất hợp pháp.’

Những thay đổi quy định này xuất phát từ sự bất mãn của chính quyền Việt Nam với tỷ lệ gỡ bài hiện tại theo yêu cầu của chính quyền, các nguồn tin ẩn danh cho biết.

Theo dữ liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý đầu tiên của năm 2022, Facebook đã tuân thủ 90% yêu cầu gỡ bài của chính phủ, Alphabet tuân thủ 93% và TikTok tuân thủ 73%.

Các nguồn tin cho biết ngoài loại bỏ các nội dung ‘bất hợp pháp,’ Chính phủ Việt Nam còn muốn các mạng xã hội thay đổi thuật toán để hạn chế các nội dung gợi ý về tình dục, cờ bạc và buôn bán các loại thuốc và thuốc bổ không theo quy định.

Chính phủ cũng muốn gỡ tài khoản của những nhân vật nổi tiếng mà họ cho là đang sử dụng ảnh hưởng để bán hàng không phù hợp, nhục mạ người khác và thúc đẩy các hoạt động từ thiện giả mạo.

Các công ty mạng xã hội sẽ gặp khó trong việc tuân thủ quy định gỡ bài trong vòng 24 giờ, các nguồn tin cho biết thêm.

Họ nói rằng trong khi những vi phạm rõ ràng về nguyên tắc của riêng họ về mô tả bạo lực cực đoan có thể được xử lý rất nhanh, các yêu cầu khác mất nhiều thời gian hơn để đánh giá và việc tìm kiếm nhân viên đủ năng lực là một thách thức.

Reuters/ VOA