Xã Hội Công Dân Và Hiệu Quả Của Thể Chế Dân Chủ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nhiều người cho rằng chế độ dân chủ Tây phương không thích hợp với Đông phương. Mấy cuộc bầu cử ở Đài Loan, Đại Hàn và mấy lâu nay ở Nhật Bản, cho chúng ta thấy các định chế dân chủ đem dùng thử cũng thành công ở các xứ gốc văn hóa Khổng Mạnh: dân chúng, các đảng phái đều tham dự tích cực và họ có vẻ bằng lòng với “luật đấu của trò thể thao mới“. Thay vì để súng đẻ ra quyền hành (như Mao vẫn nói) thì có thể dùng lá phiếu bầu cử, cách đó văn minh. Cãi nhau trên báo chí và trong nghị trường cũng có vẻ văn minh hơn ám sát, bắt cóc hay thủ tiêu nhau.

Nhưng vì các dân tộc Á châu đều nhập cảng những định chế dân chủ Âu Mỹ vào xứ mình, thì các nước đó có thể dân chủ hóa nhanh chóng và tạo nên đời sống ấm no hay không? Vội vàng trả lời có hay không đều trái tinh thần khoa học. Các định chế nhập cảng không phải bao giờ cũng thành công, hay chắc chắn sẽ thất bại. Các nghiên cứu chính trị gần đây cho biết thành lập định chế dân chủ không thôi chưa đủ. Có một yếu tố cần để xây dựng dân chủ (và mở mang kinh tế) mà lâu nay chúng ta ít bàn đến là việc xây dựng xã hội công dân.

THẢO LUẬN VỀ XÃ HỘI CÔNG DÂN

Ở Đông Âu các nhà trí thức đã nêu ý tưởng phục hồi xã hội công dân từ thập niên 1980, Václav Havel là một thí dụ. Cuộc cách mạng ở Đông Âu không phải chỉ thay đổi đảng cầm quyền (nhiều nơi đảng cộng sản đã trở lại chính quyền bằng cửa chính, qua lá phiếu, nhờ họ thích ứng nhanh chóng với luật giao đấu trong sân banh mới). Nhưng các biến cố ở Đông Âu từ năm 1989 có tính cách mạng vì sau năm năm đã tạo nên một kết quả, là sự tái lập của một lãnh vực sinh hoạt tư nhân ngoài phạm vi của chính trị. Kết quả đó sẽ tồn tại bền bỉ, và có ảnh hưởng lâu dài.

Trong cuốn sách Các Điều Kiện của Tự Do, Ernest Gellnaer, đã rời Anh trở về quê hương Tiệp, kết luận rằng dùng ý niệm Xã Hội Công Dân hay hơn ý niệm Dân Chủ vì nó cho ta biết các điều kiện cần thiết để người dân có thể lựa chọn tự do, tham dự vào việc quản lý xã hội.

Ở Trung Quốc cuộc bàn cãi về xã hội công dân cũng bắt đầu khá sớm. Năm 1986 báo Thiên Tân Xã Hội Khoa Học (số 4) đã bàn đến đề tài này. Bài báo có vẻ được các giới chức trong đảng chấp nhận, nên đăng lại trên Nhân Dân nhật báo (24-11-86), chứng tỏ chính sách đảng lúc đó khá cởi mở.

Báo Khoa Học Xã Hội ở Thiên Tân cho rằng khi Karl Marx viết về burgerliche Gesellschaft mà người Trung Quốc dịch là Tư sản chủ nghĩa xã hội, đúng ra phải dịch là Thị dân xã hội vì chữ Burg nghĩa gốc là thành thị. Do đó cũng phải nói “thị dân quyền lợi” thay vì “tư sản chủ nghĩa quyền lợi”. Vì thị dân bao gồm cả tư sản lẫn vô sản. Do đó các quyền lợi, mà người ta gọi là quyền công dân, không có tính cách phân biệt giai cấp. Cách đặt vấn đề này cũng giống như Trần Đức Thảo bàn về chuyện “con người” ở Việt Nam, nhưng cụ Thảo nói chuyện có vẻ thuần túy tríết lý, có vẻ cao xa, cho nó an toàn.

Tờ Lý Luận Nguyệt san số 1 năm 1988 còn bàn đến sự tôn trọng quyền công dân, và ý thức công dân phải được nâng cao. Tờ Chính Trị Học Nghiên Cứu số 5 năm 1988 phân biệt “quần chúng xã hội” ở Trung Quốc và “công dân xã hội” ở Tây phương, đưa đến kết luận rằng khi nào người dân không nghĩ mình chỉ là một phần của một đám đông, mà mỗi người còn là một công dân với tư cách cá nhân nữa, thì ý thức công dân mới lên được. Khi đó mới bảo đảm được tự do, dân chủ, thay thế lối “lấy người cai trị” (nhân trị) bằng lối “cai trị qua luật pháp” (pháp trị).

Những lời bàn luận trên không đánh lừa được các người “mác xít chân chính” ở Trung Quốc, họ rất thuộc bài. Marx đã mượn từ ngữ “burgerliche Gesellschaft” của Hegel, mà cụ Helgen (trong Triết lý về Quyền – Philosophie des Rechts) cũng chịu ảnh hưởng của Adam Smith và Adam Ferguson. Helgel cũng như Ferguson cho hoạt động kinh tế, tức thị trường, chỉ là một phần của Xã Hội Công Dân, Marx thu khái niệm của Hegel vào một ý nghĩa hẹp hơn, thuần kinh tế và mang tính đấu tranh giai cấp. Ông coi “cái gọi là xã hội công dân” chỉ là một “trò bịp” của giai cấp tư sản. Cho nên khi người cộng sản Trung Hoa dùng chữ “xã hội tư sản chủ nghĩa” để dịch burgerlicher Gesellschaft là họ dịch đúng ý của Marx. Tạp chí Triết Học Nghiên Cứu năm 1990, sau biến cố Thiên An Môn, đã “chỉnh” đốn, cho các học giả vào hàng ngũ trở lại.

Nếu Marx cho xã hội công dân là trò bịp, điều này phù hợp với lối suy luận quen thuộc của ông. Theo ông, chính phủ dân chủ là trò bịp, xã hội công dân chỉ là cánh tay khác, bên cạnh nhà nước để giai cấp tư sản thống trị.

Chế độ dân chủ giúp xã hội chia hai phạm vi sinh hoạt, chính trị lo việc cầm quyền, sử dụng quyền qua bộ máy nhà nước, và phạm vi còn lại của xã hội gồm các chuyện “lặt vặt ” như buôn bán làm ăn, ca hát, cứu trợ, lễ bái,v.v. để cho mọi người tự do lấy, ngoài phạm vi thẩm quyền nhà nước. Theo Karl Marx chính cái đó là cái bịp, để giai cấp tư sản thống trị. Coi sự phân biệt đó là trò giả mạo thì đổi lại, người mác xít chủ trương thu gồm tất cả lại, không phân biệt lãnh vực công và lãnh vực tư nữa. Chính trị sẽ bao gồm hết các mặt sinh hoạt của xã hội: kinh tế, thể thao, văn nghệ,…tất cả trở thành một khối nhất quán, do chính trị lãnh đạo hết!

Khi các nhà trí thức Trung Quốc mang vấn đề phân biệt công dân với quần chúng, quyền thị dân và quyền tư sản, ra bàn, họ chứng tỏ đức dũng cảm, xứng đáng truyền thống “Tại Tề Thái sử Giản – Tại Đổng Hồ bút” (Chính Khí Ca, Văn Thiên Trường). Họ có giá trị – cao hơn là sự lượng giá của Mao Trạch Đông. Chắc hẳn các cuộc thảo luận của họ ảnh hưởng đến thanh niên trí thức ở Thiên An Môn năm 1989.

Những người trí thức đem thảo luận lại chuyện xã hội công dân ở Đông Âu, Nga, và Trung Quốc vì họ đã nhìn thấy điều quả quyết của Marx có cái gì không ổn. Trong việc phê phán xã hội tư sản cũng như trong việc áp dụng quan niệm Mác xít về tổ chức xã hội, họ cảm thấy còn nhiều lấn cấn. Cái lấn cấn đó, người ta ” cảm thấy trên da thịt “, như Hà Sĩ Phu thường nói. Ở Việt Nam, Nguyễn Khắc Viện cảm thấy tình trạng “nhất quán” đó không ổn, nên ông đề nghị đảng Cộng sản nên rời bỏ quyền hành mà trở về lãnh đạo nhân dân thôi. Ông cũng hình dung một thể chế mới trong đó, bên cạnh các công ty liên quốc đầy quyền lực và nhà nước, có một lãnh vực sinh hoạt tư độc lập và đối trọng với nhà nước. Lữ Phương cũng viết về xã hội công dân mà ông hiểu là tất cả các hoạt động tư, ngoài kế hoạch, ngoài biên chế nhà nước. Ông thấy nó trong các hoạt động “chui ” đầy rẫy chung quanh, và kết luận rằng xã hội công dân ở Việt Nam vẫn sống đây.

MỘT CUỘC NGHIÊN CỨU VỀ THAY ĐỔI ĐỊNH CHẾ

Có một điều còn thiếu trong các thảo luận về xã hội công dân ở Việt Nam và Trung Quốc là các học giả thường bàn luận triết lý, có vẻ an toàn nhưng không có tính thực tế. Nhưng việc nghiên cứu về đề tài xã hội công dân có thể dùng một khảo hướng khác, dùng các trường hợp cụ thể, có đo lường, một cách khách quan hơn. Mục đích bài này, có tính cách thông tin, là trình bầy một nghiên cứu khách quan đó.

Trong bài này chúng tôi sẽ tóm lược một cuộc nghiên cứu về cải tổ chính trị, tản quyền và dân chủ hóa ở nước Ý, của Robert D. Putnam, in thành sách năm 1993: Làm cho thể chế dân chủ có hiệu quả – Making Democracy Work. Cuốn sách này đã mau chóng trở thành một “tác phẩm cổ điển” trong môn chính trị học trong mấy năm qua. Câu chuyện đầu đuôi xin kể lại dưới đây.

Từ khi lập quốc, năm 1870, nước Ý vốn có một chế độ trung ương tập quyền, tất cả các con đường đều dẫn về Roma. Chế độ mô phỏng Napoleon (hay Tần Thủy Hoàng) đó rất cần cho quốc gia mới. Lúc lập quốc chỉ có 10% dân chúng nói “tiếng Ý”. Họ đã sống hàng ngàn năm như các tiểu quốc riêng, kinh tế, chính trị, địa dư đều phân cách.

Hiến pháp năm 1948 dự trù các “vùng” (giống như các tỉnh ở Việt Nam, nhưng qua lịch sử chia cách lâu đời) được bầu cử chính quyền. Nhưng lúc đầu chỉ đem áp dụng ở năm vùng đặc biệt. Năm 1968 quốc hội Ý mới chính thức ban hành luật tổ chức bầu cử cho tất cả các vùng. Năm 1970 bầu “nghị hội vùng”, từ đó bầu cử chủ tịch vùng, và nội các (giunta) của vùng. Nghị hội mỗi vùng tự soạn lấy quy chế giống như hiến pháp của vùng. Người ta hy vọng rằng cuộc cải tổ này sẽ đưa Dân chủ xuống tận hạ từng, nhờ thế dân chúng sẽ tham gia vào việc chính trị nhiều hơn, chính quyền sẽ đáp ứng nhu cầu của dân hơn, kinh tế và xã hội phát triển hơn. Cuộc khảo sát của Putnam cốt để coi những kỳ vọng trên có thành sự thật hay không. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị cho rằng thay đổi định chế thì thay đổi đời sống, tác phong người cai trị và người bị trị. Trường phái “Định chế” đó có lý đến chừng mực nào?

Năm 1970 Putnam đang là một nghiên cứu sinh ở Roma thì cuộc cải tổ chính trị có tính cách tản quyền diễn ra. Ông bèn thực hiện một cuộc nghiên cứu, kéo dài suốt 20 năm, để đo lường Hiệu Quả của cuộc cải tổ này. Báo cáo của ông là kết quả 20 năm khảo sát đó. Ông đã thực hiện nhiều đợt phỏng vấn các nghị viên vùng, các nhà lãnh đạo thuộc nhiều phạm vi sinh hoạt, và nghiên cứu dư luận người dân thường.

Mục đích cụ thể của cuộc khảo sát là: Các định chế mới có thay đổi tác phong các nhà chính trị vùng hay không? Có thay đổi cơ cấu ảnh hưởng chính trị địa phương không? Dân chúng có thấy sự thay đổi nào không? Định chế mới ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như thế nào? Ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, tinh thần tham dự và tính chất bình đẳng của đời sống dân chúng như thế nào. Sau khi thấy kết quả khác biệt về Thành Quả cuộc cải tổ giữa các vùng, ông đi tìm nguyên nhân, trong đời sống xã hội, và trong lịch sử.

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy sau 20 năm đời sống chính trị các vùng đã thay đổi. Chính quyền vùng gần gũi và đáp ứng nhu cầu của dân hơn. Các nhà chính trị thay đổi, trở nên ôn hòa hơn, bớt quá khích, thực tế hơn khi giải quyết các xung đột thay vì quá chú trọng đến ý thức hệ. Thái độ của các nhà chính trị và lãnh đạo trong khu vực tư ở các vùng đối với chính phủ trung ương cũng ôn hòa hơn, không chống đối nhiều như trước. Tỷ số dân chúng cảm thấy hài lòng hay rất hài lòng đối với chính quyền vùng tăng lên dần, gần gấp rưỡi từ năm 1977 đến 1988. Nhưng dân ở những vùng phía Bắc nói họ hài lòng có tỷ số cao hơn hẳn ở các vùng miền Nam nước Ý.


ĐO LƯỜNG THÀNH QUẢ CẢI TỔ ĐỊNH CHẾ

Sự khác biệt giữa các vùng, về thái độ hài lòng của dân cũng như về thành quả của việc cải tổ mới là điểm đáng chú ý trong cuộc nghiên cứu này.

Để đo lường “Thành Quả” của 20 năm cải tổ định chế, Putnam dùng 12 chỉ số (indicator). Có các chỉ số để xem chính phủ vùng có hiệu năng trong công việc hay không, như biểu quyết ngân sách, thâu lượm và cung cấp tin tức, làm ra các đạo luật đáp ứng nhu cầu của dân, và các đạo luật phù hợp với nhau. Có những chỉ số đo lường hiệu quả thực hiện các chính sách nhằm gia tăng phúc lợi cho dân, như con số nhà giữ trẻ, chẩn y viện gia đình, chính sách phát triển kỹ nghệ, nông nghiệp, số chi tiêu về y tế, về gia cư, và đo lường mức độ cơ quan nhà nước có đáp ứng nhanh chóng khi người dân thường cần đến họ hay không.

Tác giả đã trắc nghiệm và thấy các chỉ số trên phù hợp với nhau (coherence) và có độ tin cậy (reliability) cao. “Chỉ số Thành quả”, tổng hợp 12 chỉ số trên, cũng tỷ lệ thuận với mức độ hài lòng của dân chúng (chỉ số r, Correlation cao). Nói cách khác, người dân biết thế nào là chính phủ tốt, chính phủ xấu, thước đo khách quan và nhận xét chủ quan của dân có cùng một kết quả.

Nhưng khi phân tích Chỉ số Thành quả giữa các vùng, tác giả thấy sự khác biệt rất xa. So sánh hai vùng có cùng một loại định chế chính trị và cùng một mức ngân sách chi tiêu, mà thấy hiệu quả của việc cải tổ khác nhau thì lấy yếu tố nào giải thích sự khác biệt này? Theo các lý thuyết xã hội học đương thời, tác giả chú ý đến hai cách giải thích. Thứ nhất là mức độ hiện đại hóa trong kinh tế và xã hội (socioeconomic modemity) có thể ảnh hưởng đến hiệu quả việc áp dụng thể chế dân chủ. Thứ hai là Trình Độ Công Dân (civic community) trong đó có tinh thần liên đới, cộng tác của người dân, và sự tham gia tích cực của họ vào đời sống cộng đồng.

Lối giải thích bằng kinh tế chứng tỏ có phần đúng. Trong số 15 vùng khảo sát, các vùng tiến bộ về kinh tế có Chỉ số Thành quả cao hơn những vùng nghèo, chia thành hai nhóm rõ rệt, các vùng giàu có thì thành quả cao hơn.

Nhưng yếu tố kinh tế không thể giải thích được sự khác biệt giữa các vùng bên trong mỗi nhóm trên. Thí dụ, trong nhóm kinh tế thấp, vùng Campania giầu hơn hai vùng Molise và Basilicata. Nhưng chính quyền ở hai vùng sau, sau 20 năm dân chủ hóa, lại có hiệu quả tiến xa hơn hẳn Campania.

Trong nhóm các vùng kinh tế giầu hơn cũng vậy. Lúc đầu cuộc cải tổ, năm 1970, ba vùng kỹ nghệ hóa cao nhất là Lombardia, Piemonte và Liguria giầu có hơn hẳn Umbria và Emilia Romagna. Nhưng chỉ số thành quả ở hai vùng sau lại cao hơn ba vùng trước. Nghĩa là sự trù phú và mức độ phát triển kinh tế không thôi không đủ để giải thích sự khác biệt về thành quả của việc cải tổ, dân chủ hóa, và tản quyền. Putnam quay sang thử dùng lối giải thích thứ hai, Trình Độ Công Dân.

Ông đã trắc nghiệm mối liên hệ giữa Thành QuảTrình Độ Công Dân. Ý niệm về Trình Độ Công Dân được cụ thể hóa nhờ nhiều cuộc nghiên cứu trước. Năm 1963 hai tác giả Gabriel A. Almond và Sidney Verba ấn hành một cuốn sách về Tinh Thần Công Dân: Thái độ chính trị và Nền Dân chủ ở năm quốc gia (Civic Culture: Political Attitudes ang Democracy in five Nations), trong đó họ khảo sát thực địa những nước Mỹ, Anh, Mễ Tây Cơ, Đức, Ý. Họ đã định nghĩa khái niệm Tinh Thần Công Dân (Civic Culture) bằng các yếu tố cụ thể, đo lường được. Cuốn sách đó ảnh hưởng lớn đến các cuộc nghiên cứu thực nghiệm sau này về thành quả của chế độ dân chủ, trong các môi trường văn hóa, xã hội và kinh tế khác nhau. (Nó cũng ảnh hưởng cả đến chính sách viện trợ của chính phủ Mỹ, khi họ tìm cách giúp trực tiếp các tổ chức tư nhân ở các nước nghèo, để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và phát triển kinh tế. Một điều mà họ chưa hiểu lúc đó là các định chế ngoại nhập, dù là tư nhân và nhỏ, mà thiếu yếu tố tự nguyện tham gia và tự trị của người địa phương thì khó thành công. Năm 1984, Milton J. Esman và Norman T. Uphoff ấn hành cuốn khảo sát về Các tổ chức địa phương trung gian trong việc Phát triển nông thôn, chương trình cuối đã nhấn mạnh đến khía cạnh này).

Một xã hội có Tinh Thần Công Dân cao khi người dân tự nguyện tham gia vào việc chung, ngay cả khi họ vẫn theo đuổi tư lợi trong đời sống kinh tế. Một xã hội thiếu tinh thần công dân khi mọi người ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của gia đình mình. E dward Banfield gọi đó là tinh thần “duy gia tộc phi luân lý” – amoral familism – khi khảo sát làng Montegrano năm 1958, ông thấy một xã hội mà cơ bản tinh thần trong đó mỗi người chỉ lo làm giàu ngắn hạn, cho gia đình mình, là nguồn gốc của sự nghèo đói, và chậm tiến. “Tình trạng nghèo khó và chậm tiến cùng cực chỉ có thể giải thích bằng chuyện dân làng không thể cộng tác lo cho các việc chung” (The Moral Basis of a Backward Society). Banfield đã áp dụng quy tắc đó khi nghiên cứu các khu ổ chuột trong thành thị ở Mỹ.

Trong một xã hội có tinh thần công dân, mọi người có những liên hệ hàng ngang, hỗ tương, cộng tác, mối ràng buộc đó mạnh hơn liên hệ hàng dọc theo lối “thầy-tớ hay “ở trên-ở dưới” truyền từ thời phong kiến. Tinh thần công dân biểu lộ qua óc tôn trọng sự bình đẳng, người ta có tính khoan hòa (tolerance), lòng tín nhiệm lẫn nhau, thành thật, đoàn kết với nhau hơn.

Một biểu hiện của tinh thần công dân là sự phát triển tự nhiên của những hội tư, những nhóm tham gia tự nguyện, như Tac queville nhận xét về Nền Dân Chủ ở Mỹ Châu. Nhờ sinh hoạt trong các hội, nhóm (không có tính cánh chính trị) đó, người ta tạo thói quen cộng tác, tinh thần công ích. Nhờ sự có mặt của nhiều nhóm, nhiều hội tư nhân, sự thực hiện nền dân chủ cũng có hiệu quả hơn. Đó là một thành phần không thể thiếu trong xã hội dân chủ.

Để đo lường Trình Độ Công Dân, Putnam đã dùng bốn chỉ số. Thứ nhất là số các hội tư, từ các hội đá bóng, ca đoàn, hội những người leo núi, nhóm văn nghệ, thể thao, âm nhạc, khoa học, tổ chức thương mạ, y tế, v.v…Có những vùng ở Ý các hội tư phát triển rầm rộ, có những vùng khác dân chúng thích sống lẻ loi, chỉ biết có gia đình mình.

Chỉ số thứ hai là số báo chí địa phương, số người đọc báo. Có vùng như Liguria 80% các hộ có ít nhất một người đọc báo hàng ngày, có nơi như Molise chỉ có 35%.

Chỉ số thứ ba là tỷ lệ người đi bầu.

Chỉ số thứ tư, đặc biệt chỉ có ý nghĩa trong đời sống chính trị ở Ý, cần giải thích, là số phiếu bầu đích danh. Ở nhiều nơi đảng phái chỉ là hình thức, dân chúng bầu cử theo “chỉ thị” của các ông trùm địa phương. Liên hệ “thầy – tớ” (patron – client) đó là dấu hiệu thiếu tinh thần dân chủ trong đời sống chính trị. Liên hệ “thầy – tớ” phát sinh vì sự mua chuộc, vì đe dọa hay vì lệ thuộc vào tôn giáo, gia tộc, v.v… truyền từ lâu đời.

Trong các cuộc bầu cử toàn quốc ở Ý, cử tri chọn một đảng, mỗi đảng được một số ghế dân biểu theo tỷ lệ số phiếu được bầu, rồi chọn trong danh sách ứng cử viên của đảng số người đắc cử, theo thứ tự đảng chọn. Nhưng cử tri có quyền “chọn đích danh” một ứng cử viên trong danh sách. Các nghiên cứu chính trị ở Ý từ nhiều năm vẫn thấy rằng số người đi bầu theo lối đích danh này là dấu hiệu của tình trạng thiếu tinh thần công dân. Cử tri chọn bầu đích danh không phải là họ chọn đường lối, chủ trương chính trị, mà họ chọn vì tình cảm cá nhân, phe phái, vì mang nợ quan hệ “thầy – tớ”. Số phiếu bầu đích danh là một chỉ số chứng tỏ một vùng thiếu Tinh Thần Công Dân. Putnam đã thử, và thấy chỉ số này thay đổi theo tỷ lệ nghịch với chỉ số thứ ba (tỷ số đi bầu).

Khi tìm mối liên hệ giữa các Chỉ Số Tinh Thần Công Dân và Chỉ Số Thành Quả, Putnam thấy hai bên có mối liên hệ rất cao. Sự khác biệt về Thành Quả giữa các vùng không thể giải thích hoàn toàn bằng yếu tố kinh tế, như trình bày ở trên, thì có thể giải thích do sự khác biệt về Chỉ số Tinh Thần Công Dân.

TINH THẦN CÔNG DÂN VÀ XÃ HỘI CÔNG DÂN

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy Trình độ Tinh thần công dân là yếu tố quan trọng nhất để định chế dân chủ thành công. Các vùng ở miền nam Ý có trình độ thấp hơn ở miến bắc, tác giả đã dùng một chương để giải thích nguồn gốc lịch sử, từ thế kỷ 11 tạo ra tình trạng này. Tại các tiểu quốc miền Bắc, từ thời Trung Cổ đã có các định chế phát triển tinh thần cộng đồng, hợp tác, và các mối liên hệ theo hàng ngang. Ngược lại các tiểu quốc miền nam phát triển các liên hệ hàng dọc, có tính cách chủ-tớ, từ thời Trung Cổ.

Putnam đã nghiên cứu kỹ hơn sáu vùng để biết những yếu tố khác liên quan đến tinh thần công dân. Có một số nhận xét đáng chú ý chúng tôi xin thuật tóm lược:

Ở các vùng tinh thần công dân cao (miền bắc trình độ học vấn của người dân thường cao hơn ở miền nam chút đỉnh), nhưng lớp người lãnh tụ chính trị (political elite) ở miền nam lại cao hơn ở miền bắc. Ở miền có tinh thần công dân cao thì 33 đến 40% các nghị viên đậu đại học, phần còn lại nghị viên thuộc giới bình dân, Nhưng ở miền nam 87% nghị viên đã qua đại học, phần lớn họ thuộc vào một tầng lớp vốn được ưu đãi. Ở hai vùng Calabria (tinh thần công dân và thành quả thấp nhất) và Emilia-Romagna (cao nhất) trình độ học vấn của dân chúng gần như nhau.

Số người tham gia các đảng chính trị ở hai miền không khác nhau, chỉ có tính chất việc tham gia khác nhau. Tinh thần công dân cao khi việc vào đảng dựa trên chủ trương, chính sách khác nhau, và thấp khi người ta vào đảng để chia chác, xin ân huệ hay vì lý do cá nhân khác.

Ở miền tinh thần công dân cao người dân có lòng tín nhiệm cao hơn, tôn trọng luật pháp hơn, và tin rằng người khác cũng tôn trọng luật pháp. Ngược lại, ở miền tinh thần công dân thấp người ta không trọng luật và tin là người chung quanh đều như thế cả, tìm cách trốn thuế, hay vi phạm luật lưu thông, – ai tôn trọng luật bị coi là cù lần (fesso). Nhưng chính trong các vùng tinh thần công dân thấp đó lại hay có lời kêu gọi “thượng tôn pháp luật” nhiều hơn.

Một khám phá quan trọng được Putnam tường thuật là về tình trạng phân chia đảng phái, ý thức hệ, xung đột xã hội. Ông thấy Thành Quả cao hay thấp của chính quyền dân chủ hóa không liên hệ gì đến sự “phân cực” (polarization), chia ra hai phe tả hữu chống đối nhau trong xã hội, trong ý thức hệ và trong đảng phái. Số lượng đảng phái nhiều cũng không làm cho thành quả thấp. Số lượng cuộc đình công, sự chênh lệch giàu nghèo trong nội bộ mỗi vùng cũng không ảnh hưởng đến Thành Quả. Một xã hội có Tinh Thần Công Dân cao không nhất thiết lúc nào cũng hòa hợp (harmonious) và tránh hết mâu thuẫn. Như Benjamin Barber viết: “Một chế độ dân chủ vững mạnh…người dân kết hợp lại không phải vì có các quyền lợi thuần nhất mà do có giáo dục tinh thần công dân…do đó thái độ trọng công ích, và các định chế để họ tham gia, hơn là do tính vị tha hay bản chất thiện của người dân. Nếu dân chủ vững mạnh cùng đi với, và tùy thuộc đời sống chính trị có xung đột, xã hội nhiều khuynh hướng, và sự phân tách lãnh vực công với lãnh vực tư “.

Lúc đầu, sau sáu năm khảo sát, Putnam thấy sự bất ổn xã hội vì thay đổi trong dân chúng quá nhanh làm cho thành quả thấp, nhưng sau 20 năm nghiên cứu ông thấy sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội không ảnh hưởng gì cả.

Báo cáo của Putnam còn nhiều phần có tính cách lý thuyết quan trọng, nhưng chúng tôi chỉ muốn chọn phần thực nghiệm đểtrình bày với quý vị. Một công trình 20 năm làm việc một cách khoa học chắc còn cho chúng ta nhiều bài học khác.

CÓ THỂ XÂY DỰNG DÂN CHỦ NGAY BÂY GIỜ

Khi nói đến việc dân chủ hóa nước ta, chúng ta thường nghĩ đến việc thay đổi hiến pháp, chính quyền, người cầm quyền. Nhưng khi chưa thay đổi được những thứ đó thì không phải là chúng ta không thể bắt đầu dân chủ hóa. Việc dân chủ hóa có thể bắt đầu ngay bằng việc tạonênnhững hạt nhân của một xã hội công dân. Ở nước ta hiện nay nhà cầm quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ các sinh hoạt đông người, dù có mục đích thể thao, văn hóa hay từ thiện. Nhưng ngay trong khuôn khổ đó có các sinh hoạt tư bắt đầu xuất hiện ở tầm cỡ nhỏ mà nhà cầm quyền phải làm ngơ. Nhiều đoàn Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, các bà sơ làm việc thiện, trại nuôi người cùi của Phật giáo và Công giáo đều hoạt động. Những hoạt động thanh niên, thể thao cũng phát triển được mà không chính quyền nào cấm nổi. Ở miền Nam Việt Nam từ năn 1964 đã có những hoạt động thanh niên phát triển tự nhiên như vậy, đó là những chuẩn bị cho thanh niên tập thói quen và học kỹ thuật sinh hoạt tập thể, dù với mục đích ca hát, thể thao hay làm việc xã hội.

Ngay các đảng viên cộng sản Việt Nam, nếu đồng ý việc phát triển Xã Hội Công Dân là chuyện cần làm thì họ không cần bàn luận triết lý gì cả, có thể khởi xướng gây các hạt nhân của xã hội, công dân ngay từ bây giờ. Trước 1945 dân ta bắt đầu như vậy với các hội truyền bá quốc ngữ, phong trào nhà ánh sáng. Năm 1945 có cả một phong trào các đoàn thể dân chúng tự động mọc lên như được mùa. Chỉ tiếc là sau đó các đoàn thể đều bị “quốc hữu hóa” cả, nếu không thì Tinh Thần Công Dân của người mình bây giờ đã cao lắm. Khi nhìn vào đời sống trong làng xã cổ truyền, chúng ta thấy có sẵn các truyền thống tốt, từ các tổ chức tương tế, ca hát, đến chơi hụi (đóng họ), đổi công, v.v… Cho nên chúng ta có thể hy vọng dân ta là một mảnh đất tốt để gieo hạt giống dân chủ.

Vương Hữu Bột` May 1996.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.