Xã Hội Công Dân

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Kỳ về thăm quê hương lần đầu tiên vào năm 2002 tôi đã lúng túng không biết phải diễn tả con Wombat, một con thú đặc thù của Úc với cô em họ. Để giúp em ấy hiểu, tôi đã cố dùng những hình ảnh, những vật quen thuộc ở Việt Nam để tả nhưng cũng không sao vẽ ra một bức hình trọn vẹn. Làm sao có thể diễn tả một con vật mà người ta chưa từng bao giờ sờ, thấy hoặc mường tượng được? Tả vật còn khó như thế thì diễn giải một tư tưởng, một lối sống, một nền tảng giá trị của một xã hội rất khác với Việt Nam còn khó hơn đến mức nào? Không biết có phải vì thế mà người ta thường tranh cãi về thế nào là một xã hội tự do, dân chủ hơn là nhìn sâu vào những giá trị làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển cơ chế tự do dân chủ. Theo tôi, mức độ tự do, dân chủ của một xã hội dựa hoàn toàn vào sự hiện hữu và áp dụng những giá trị căn bản về con người và mối liên hệ giữa con người với nhau ở trong xã hội đó.

Những ai chưa từng sống ở Mỹ hoặc những nước tây phương khi gặp Việt Kiều thường coi những việc làm và hành xử của các “Việt Kiều con” là hơi “quái đảng”. Ngoài những sở thích, Việt Kiều còn khác trên mặt trao đổi và giao tiếp với người xung quanh. Một người quen có nói với tôi một câu chỉ để cười nhưng rất chí lý (anh ấy vừa được chấp nhận ở lại Úc). Anh nói: “ở Việt Nam dù có mặc đồ rách người ta cũng biết mình là Việt Kiều vì chỉ có Việt Kiều mới có thói quen nói cám ơn (hoặc xin lỗi) trong khi xã giao và thấy ái ngại khi phải chen lấn người khác (như xếp hàng chờ được nhân viên tiếp chẳng hạn).” Những kiểu cách của “Việt Kiều con” có thể không Việt Nam tí nào, không phù hợp với xã hội Việt Nam, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao Việt Kiều lại suy nghĩ và ứng xử như thế không? Nếu hỏi một cậu Việt Kiều tại sao hành xử như thế thì có thể anh ta cũng sẽ lúng túng giống như tôi khi phải diễn tả con Wombat với cô em họ. Câu trả lời đương nhiên (tôi mường tượng) sẽ là “vì đó là việc cần làm, là phép lịch sự tối thiểu”. Trả lời kiểu này có thể sẽ khiến nhiều người Việt Nam nóng giận và kết tội cậu Việt Kiều này cái tội là xem thường người Việt, cho là người Việt kém văn hoá và lễ độ.

Thực ra những cái mà người tây phương hay một phần nào đó Việt Kiều cho là “việc cần làm, là phép lịch sự tối thiểu” nói lên những giá trị căn bản mà lâu ngày qua cách sống và giáo dục đã thấm nhuần vào tâm trí của họ từ bao giờ. Những giá trị nền tảng này là tiêu chuẩn đánh giá để họ nhận định chính mình và những gì đang xẩy ra xung quanh họ. Những giá trị căn bản này cũng là khung sườn cho văn hoá, nguyên tắc, sự liên hệ giữa người với người và những sinh hoạt trong xã hội. Nói tóm lại, nó là cái xương sống, là mạch huyết của một xã hội công dân tây phương.

Nói đến những giá trị nền tảng của xã hội tây phương thì có thể quy tụ lại một điểm cốt lõi duy nhất, đó là tôn trọng, bảo vệ, duy trì và phát huy tự do cá nhân và quyền tự trọng của một con người. Từ cái căn bản này dẫn đến những giá trị khác. Để quyền tự do cá nhân và tự trọng của một người được tôn trọng thì tất cả mọi người đều phải tự đồng ý với những nguyên tắc được đưa ra cũng như cách áp dụng nó; và bảo đảm mọi người đều tôn trọng sự tự do cá nhân của người khác dù có thích hay không thích người đó, có đồng tình hay không đồng tình với người đó. Tóm lại để bảo đảm tính công bằng và sự tôn trọng giữa người với nhau thì phải có luật pháp và những cơ chế áp dụng luật pháp một cách nghiêm chỉnh. Ai cũng như ai trên bình diện quyền hạn. Công bằng và bình đẳng trong xã hội là nằm ở chỗ đó chứ không phải là bình đẳng về mặt khả năng, nguồn gốc hay tài sản. Những ai chịu khó, biết tận dụng những cơ hội mà chính phủ mở ra qua những chính sách kính tế và xã hội thì sẽ thành công. Về mặt pháp lý thì anh bị cáo cũng như anh nguyên cáo đều phải được pháp luật bảo vệ như nhau. Vì thế mà người ta thấy cảnh một người bị công tố viên đưa ra toà vì tội giết người nhưng lại được tổ chức giúp pháp lý cho những người thiếu khả năng giúp đỡ dù chính tổ chức đó lại được chính phủ tài trợ. Đó cũng giải thích tại sao lại có chuyện Tổng Thống Bush tiếp đón phái đoàn Phan Văn Khải nhưng người dân lại được biểu tình chống đối. Nhiều người không hiểu về bản chất vấn đề đã khiển trách tại sao chính quyền Bush lại cho người dân biểu tình như vậy. Sự “cho phép biểu tình” phải chăng là sự giả dối của chính quyền Mỹ? Thực ra lý do đơn giản là chính quyền cũng chẳng có quyền cho phép hay không cho phép trong vấn đề này. Tự do cá nhân, tự do bày tỏ suy nghĩ của mình một cách ôn hoà và không gây tổn thương đến người khác là cái quyền luôn luôn đứng trên mọi quyền hạn, trên cả những quyền hạn của nhà nước. Những quyền liên quan đến tự do cá nhân không những được đề cao trên pháp luật mà còn được ghi rõ trên hiến pháp. Nếu có dịp đọc kỹ hiến pháp của các nước như Hoa Kỳ và Úc, chúng ta sẽ thấy những hiến pháp này chỉ xoay quanh một điểm chính, đó là bảo vệ tự do và quyền làm người của công dân nước đó. Mọi người đều có tự do mưu cầu hạnh phúc, nói những gì mình muốn nói, làm những gì mình muốn làm miễn sao bảo vệ nguyên tắc và bảo đảm quyền tự do và tự trọng của người khác.

Tự do cá nhân và quyền tự trọng đi đôi với quyền phải được đối xử công bằng, đúng nghĩa với một con người, tức nhân phẩm. Chính vì thế mà tại sao những cô cậu Việt Kiều lại ái ngại khi phải chen chân người khác vì việc làm nay đi ngược lại “cái luật tự nhiên” là ai cũng phải được đối xử tử tế và công bằng. Người đến trước thì phải được tiếp trước. Cảnh sát bắt nghi phạm thì phải có giấy phép của toà án và không được câu lưu họ nếu không đủ bằng chứng tội của họ để trình trước toà. Cảnh sát cũng phải cho nghi phạm biết những quyền hạn của họ như là được liên lạc với gia đình và luật sư, không bắt buộc phải trả lời những chất vấn của cảnh sát nếu không có đại diện pháp lý ở đó v.v… Nếu có thiếu sót trong việc này thì những cáo buộc sẽ không được toà án công nhận vì đối với toà án, chẳng có gì bảo đảm là người này không bị lợi dụng, áp đảo tinh thần từ phía cảnh sát để đưa ra những lời khai đó.

Tự do cá nhân cũng đưa đến quyền tự quyết, từ những chuyện riêng tư cho đến chuyện chung. Người dân có quyền chọn lựa những người đại diện mình trong chính quyền cũng như những chính sách mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ (chứ không có nạn đảng chọn dân bầu). Từ đó, nền chính trị dân chủ đa nguyên và kinh tế thị trường được áp dụng. Nhưng để tự quyết định về đời sống và tương lai của mình thì người dân lại phải “được biết”, phải được thông tin và cung cấp hết tất cả những dữ kiện mà sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng và đời sống của họ. Vì thế mà trong xã hội tự do và dân chủ, tự do ngôn luận và tự do truyền thông rất quan trọng. Tự do phát biểu và thông tin đa chiều cũng là cách để giúp cho con người có những suy nghĩ độc lập và góp phần vào sự phát triển của xã hội. Trong mười ý khác nhau thì ít ra cũng có vài ý mà đa số thấy hay, thấy chấp nhận được. Đó là chưa kể những góp ý khác nhau có thể bổ xung cho nhau làm phong phú thêm xã hội.

Tự do cá nhân cũng có nghĩa là không ai có thể ép người khác làm theo ý mình. Tuy nhiên để tạo ảnh hưởng, vận động sự ủng hộ của người khác, những phần tử trong xã hội có thể tụ nhóm lại với nhau để tạo sức mạnh liên kết và có tiếng nói mạnh hơn. Vì thế trong xã hội tự do dân chủ lại còn có cái quyền tự do nhóm họp và lập hội. Người dân lập hội theo nhu cầu và sở thích của họ. Những hội, nhóm hay tổ chức phải được quyền sinh hoạt độc lập mà không bị chi phối bởi những thế lực khác vì trong trường hợp quyền lợi của những thành viên lại đối nghịch với những thế lực cầm quyền thì quyền lợi của thành viên sẽ bị xem rẻ. Vì thế mà những cơ quan tổ chức như công đoàn nghiệp đoàn nằm độc lập và không dính líu tới giới chủ nhân, chính phủ hay một tổ chức chính trị nào hết để thực sự khách quan trong việc phục vụ giới công nhân, thành viên của họ.

Tuy nhiên một suy nghĩ thường được đặt ra là nếu mọi người đều được tự do để làm bất cứ điều gì mình muốn thì xã hội sẽ loạn. Tự do phải đi đôi với trách nhiệm. Và như đã nói, ngoài việc bảo vệ quyền tự do của mình, tất cả mọi người cũng phải có trách nhiệm duy trì và tôn trọng quyền tự do để sống, để ăn, để thở, để mưu cầu hạnh phúc của người khác. Chúng ta thấy ở xứ Úc có rất nhiều đảng phái với những ý hướng chính trị rất khác nhau, nhiều khi đối ngược nữa nhưng vẫn sinh hoạt với nhau và rất ổn định. Nước Úc cũng chẳng có nguy cơ bạo loạn. Những phần tử trong xã hội chấp nhận trách nhiệm cũng như những ràng buộc về luật pháp vì chính họ ý thức rằng nếu mọi người đồng lòng làm theo những nguyên tắc được đề ra thì quyền lợi của chính họ và môi trường xã hội sẽ được duy trì. Một xã hội ổn định và trật tự sẽ là nền tảng giúp họ phát triển và sống hạnh phúc. Trong một xã hội mà những quyền hạn căn bản như trên không đồng đều hoặc những bộ phận trong xã hội không thực thi đúng trách nhiệm và nguyên tắc thì xã hội đó có nguy cơ bất ổn vì những phần tử trong xã hội sẽ không thấy nhu cầu phải hợp tác với nhau hay với các cơ quan chính quyền. Họ không muốn tham gia hoặc tuân theo những chỉ thị mà thực ra chẳng có ích gì cho họ. Điển hình cho việc này là người dân sẽ không thấy nhu cầu phải đóng thuế (tối thiểu) nếu họ không thấy rằng tiền thuế của họ được dùng cho những dịch vụ an sinh xã hội.

Nói đến đây và diễn tả đủ kiểu cũng chỉ mong vẽ ra được một bức tranh tương đối về những viên gạch, những kiến trúc mà một xã hội tự do dân chủ đã được xây dựng lên. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được những cái tinh hoa, những chất liệu căn bản đó thì chúng ta mới biết so sánh, phân tích và rút ra những bài học quý giá cho đất nước và xã hội Việt Nam. Những giá trị căn bản này đã khuôn đúc vài trò, quyền hạn và trách nhiệm của những bộ phận của xã hội, từ người dân cho đến các đoàn thể cho đến các cơ quan chính quyền cũng như các tổ chức phi chính phủ. Một xã hội công dân là thế. Trong cái tự do riêng tư, người dân lại đóng góp cho toàn xã hội về mặt kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá mà không cần phải ai chỉ đạo hay suy nghĩ hộ. Những xã hội mà đề cao giá trị của con người đều hướng đến, không ít thì nhiều, mô thức xã hội nói trên.

Trong những thảo luận về thế nào là một xã hội tự do dân chủ, một xã hội công dân thì có người sẽ nói là phải có đa nguyên đa đảng, chính phủ phải cung cấp và lo cho dân. Rồi có người lại đáp lại rằng không cần phải đa đảng mới là một xã hội dân chủ chứ chính phủ làm sao mà lo hết cho dân được v.v… Những kiểu tranh luận này chẳng khác gì bàn cãi là cái nhà nên sơn mầu xanh hay mầu trắng, nên có 9 cửa sổ hay 2 và quên điều tiên quyết là có cái nhà để làm gì trước đã. Như kiểu cậu Việt Kiều nói “vì đó là việc cần làm, là phép lịch sự tối thiểu” trong khi người tiếp thu lời nói cho rằng anh này “hỗn”. Một xã hội và những bộ phận cơ chế của nó dù muốn sắp đặt ra sao đi nữa phải trước tiên phục vụ con người và đó cũng là mức đo duy nhất để lượng giá cũng như làm mục tiêu canh tân cơ chế và môi trường xã hội.

Hoàng Dạ
22/8/2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.