Sự thật ”hợp tác” giữa Bộ công an và Bộ ngoại giao CSVN

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Ngày 24 Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tiếp các Đại sứ, Tổng Lãnh sự được bổ nhiệm làm Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, nhiệm kỳ 2017 – 2020. Tin được viết dưới tiêu đề: Đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Một facebooker khi đọc tin này đã bình luận: Thêm một lý do Việt Kiều tránh xa Sứ quán. Một người khác thì nhận xét: Công an hợp tác với Ngoại giao làm gián điệp? Tôi muốn viết một vài thông tin để độc giả hiểu thêm về mối quan hệ giữa an ninh và ngoại giao của Cộng sản Việt Nam (CSVN), nó có phần rất khác với những gì chúng ta thấy ở một xã hội văn minh.

Trong chế độ công an trị, việc an ninh xen vào mọi ngõ ngách của đời sống chính trị – xã hội tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Ngay từ thời Nhân văn Giai phẩm đã có một câu quy gọn cực đắt, đó là: Bục công an đứng giữa trái tim người. Hầu hết các bộ ngành ở Việt Nam đều có sự hiện diện của an ninh chìm. Bài viết này xin khoanh nhỏ vào nội dung “hợp tác” giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Công an của Việt Nam và nội dung chỉ trong tầm hiểu biết giới hạn của tác giả.

JPEG - 59.3 kb
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt các Đại sứ, Tổng Lãnh sự mới được bổ nhiệm đại diện cho Việt Nam tại nước ngoại nhiệm kỳ 2017 – 2020, diễn ra tại Hà Nội hôm 24-5-2017. Ảnh: Báo Mới

Sự “hợp tác” giữa an ninh và ngoại giao thể hiện trên các mặt sau:

1. Về nhân quyền:

Bộ Chính trị giao cho Bộ Ngoại giao hai nhiệm vụ trọng tâm, đó là: lãnh thổ và nhân quyền. Thông thường các nước đều có cơ quan (hoặc cơ chế) quốc gia bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Các cơ quan này được khuyến khích càng độc lập càng tốt. Về hình thức, Việt Nam cũng có cơ chế này, nhưng nó hoàn toàn không được độc lập mà nằm dưới sự lãnh đạo của đảng do hai Bộ Ngoại giao và Công an làm chủ chốt.

Thường thì hai Bộ này phải vất vả đối phó nhất trong những thời kỳ mà Việt Nam là quốc gia phải báo cáo trong Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Họ đã phải kiểm điểm trong năm 2014 và sắp tới vào năm 2018. Hoặc ở những kỳ đón đoàn quốc tế đến giám sát về thực hiện nhân quyền hay những kỳ Đối thoại về nhân quyền với Mỹ và Châu Âu. Ở những thời kỳ này, hai Bộ chủ trì họp liên miên để nghe ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, cân nhắc từng câu chữ và bàn những mánh khóe để che đậy những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Đã từng có quan niệm cho rằng Bộ Ngoại giao có hai nhiệm vụ, đó là: tô vẽ, minh họa cho những gì đảng cộng sản làm được và biện hộ, thanh minh hoặc cãi cố cho những gì đảng cộng sản vi phạm quy ước quốc tế. Như vậy, trong câu chuyện “hợp tác” giữa an ninh và ngoại giao về nhân quyền, thì phía an ninh là bên đàn áp và cản trở thực thi nhân quyền, còn phía ngoại giao là bên đi làm thầy cãi cho những vi phạm đó.

Phải công nhận rằng CSVN đã nhiều lần thoát hiểm về nhân quyền cũng nhờ tài biện hộ lấp liếm của Bộ Ngoại giao. Họ đã biết lợi dụng những kẽ hở của các thủ tục làm việc để ngăn chặn việc thảo luận về những vụ việc bất lợi cho họ, hoặc họ thanh minh về đặc thù văn hóa và luật pháp của các quốc gia khác nhau, hoặc họ biết lợi dụng tình trạng “đánh trống bỏ dùi” lâu nay của LHQ, đưa ra nhiều khuyến nghị nhưng không có khả năng theo dõi và giám sát việc thực hiện.

Cho nên, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam nghiêm trọng là vậy mà các ông Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, ông Đại sứ Nguyễn Trung Thành vẫn “dõng dạc” tuyên bố tại LHQ: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền”. Hoặc mỗi khi có những báo cáo về nhân quyền của các tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao vẫn không ngần ngại chối phăng: “đó là những thông tin sai lệch, là thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.

Như vậy, bên an ninh tuân theo lệnh của đảng là chuyên đi đàn áp, bắt bớ những người đứng lên đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, bên ngoại giao cũng là làm theo chủ trương của đảng là bác bỏ, cãi phăng những vi phạm nhân quyền của chế độ, hoặc tìm cách lấp liếm, bưng bít thông tin. Chính vì thế mà hai Bộ Ngoại giao và Công an luôn cần phải “phối hợp nhịp nhàng” làm sao cho ăn giơ, ăn khớp với nhau.

JPEG - 47.5 kb
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: vietnamnet

Thường thì khi bắt bớ, giam cầm một người nào đó, bên an ninh gán cho họ một cái tội vu vơ. Bên ngoại giao thì chối phăng với quốc tế là ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Thí dụ, như bà Bùi Thị Minh Hằng bị gán cho tội gây rối trật tự công cộng, điều mà dân mạng phản đối một cách dí dỏm “tội hai xe máy đi hàng ba”.

Ông Tô Lâm, thời còn bên tổng cục an ninh, quan hệ khá mật thiết với Bộ Ngoại giao, nhất là với cán bộ Vụ Tổ chức Quốc tế. Trong một buổi nhậu nhẹt, ông đã từng cao hứng: “các anh bên Bộ Ngoại giao thấy có nhân vật nào khó chịu, cứ bảo bọn em một câu, em cho đàn em xử lý đẹp ngay”.

2. Quản lý xuất nhập cảnh:

Quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, nhưng việc cấp visa, phần lớn là do các Đại sứ quán, Lãnh sự quán bên ngoài cấp. Bộ Ngoại giao được bên Công an cung cấp một bảng danh sách “đen”, danh sách những người cấm không được nhập cảnh Việt Nam. Hàng năm, danh sách này dài thêm do những “phần tử không được chào đón” tại Việt Nam càng ngày càng đông. Những năm gần đây, lại xuất hiện một loại danh sách cấm xuất cảnh, dành cho người Việt Nam ở trong nước muốn ra nước ngoài. Có lẽ chỉ trừ có một vài nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều tiên, hiếm thấy nơi nào trên thế giới có tình trạng tương tự.

Mỗi khi cấp một visa cho khách nước ngoài hoặc Việt Kiều, các Đại sứ quán, Lãnh sự quán phải xin phép nhập cảnh, thông qua một công ty du lịch trong nước. Hầu hết các công ty du lịch này đều phải có tay chân bên an ninh, hoặc thậm chí đó là công ty ngầm của công an. Một khi có số phép nhập cảnh của công ty du lịch đó thì các cơ quan bên ngoài mới được cấp một visa hợp lệ.

Khi có Nghị quyết 36 (2004) về người Việt Nam ở nước ngoài, xuất hiện thêm loại visa 5 năm, mà theo cách gọi của họ đó là Tờ miễn thị thực xuất nhập cảnh. Thủ tục để xin được loại visa này, họ cũng vẽ đủ thứ rườm rà để bắt chẹt, vòi thêm tiền Việt Kiều. Câu chuyện về tệ nạn làm tiền của các Đại sứ quan thông qua visa, hộ chiếu là câu chuyện không có hồi kết từ nhiều năm nay.

Do visa, hộ chiếu là nguồn thu béo bở, nên đã xảy ra việc hai Bộ tranh giành lẫn nhau. Nhiều năm trước đây, Bộ Ngoại giao là nơi cấp phát tất cả các loại hộ chiếu, thậm chí người dân đã cầm hộ chiếu Việt Nam, Bộ Ngoại giao còn phải cấp thêm visa mới được quyền xuất nhập cảnh. Sau này, việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước do Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an đòi lại. Bộ Ngoại giao chỉ còn cấp hộ chiếu ngoại giao và các Đại sứ quán cấp hộ chiếu phổ thông cho Việt Kiều ngoài nước.

Tương tự như vậy với visa, phía an ninh đã “quảng cáo” khá nhiều về việc cấp visa trực tiếp tại cửa khẩu, tranh giành “thị phần” với phía ngoại giao. Thậm chí phía an ninh còn nghĩ ra việc cấp visa online, tức là khách xin visa được cấp một mã số để có thể lấy visa tại cửa khẩu. Điều đó cho thấy hai Bộ cũng tranh giành nhau khá ác liệt về khoản thu phí visa, hộ chiếu này.

3. Theo dõi người Việt ở nước ngoài:

Với hơn ba triệu người Việt ở nước ngoài, thì công việc theo dõi cũng là “trách nhiệm” khá quan trọng của cả hai Bộ trước đảng cộng sản. Trên bề mặt thì công việc này được giao cho Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, trực thuộc Bộ Ngoại giao đảm trách. Nhưng dưới bề chìm thì đây là công việc của phía an ninh là chính. Trong Ủy ban Người Việt cũng nhiều an ninh cài cắm, bên ngoài ỏ các Đại sứ quán phần theo dõi cộng đồng cũng phần lớn do người bên an ninh, núp dưới danh nghĩa ngoại giao, đảm trách.

Rõ ràng việc theo dõi cộng đồng người Việt hải ngoại, mà phần đông là ra đi di tản sau 30/4/1975, thì đây là công việc thuộc nội dung an ninh quốc gia. Do tính chất chiến lược của công việc, nên hai Bộ được đảng chi khá nhiều tiền cho nhiệm vụ này. Công việc của cả hai Bộ ở vấn đề này có thể gồm:

Thứ nhất là tuyền truyền, lôi kéo đồng bào nghe theo Nghị quyết 36, gây phân hóa, chia rẽ trong cộng đồng hải ngoại. Gầy dựng những lực lượng thân chế độ.

Thứ hai là cài cắm những phần tử gây rối, gây chia rẽ trong cộng đồng hải ngoại.

Thứ là là phía an ninh phụ trách phần làm gián điệp thu thập thông tin từ cộng đồng và từ nước sở tại. Đồng thời theo dõi những tổ chức của người Việt ở nước ngoài, theo dõi việc xuất nhập cảnh Việt Nam của các tổ chức này.

Có thể nói trong mấy năm đầu thực hiện Nghị quyết 36, các Đại sứ quán cũng đã thu hút được nhiều người Việt về đầu tư và về thăm Việt Nam đông hơn. Nhiều kiều bào đã xin hộ chiếu Việt Nam để về mua nhà tại Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, những chiêu trò lừa bịp của Nghị quyết 36 bị lộ tẩy, càng đông người Việt vỡ lẽ, cộng sản chỉ mong muốn thu hút ngoại tệ của kiều bào, không phải như đã tuyên truyền “đồng bào hải ngoại là khúc ruột ngàn dặm” của đất nước.

4. Quản lý việc ra vào Việt Nam của nhà báo nước ngoài:

Chế độ cộng sản tồn tại được khá lâu, cũng là do họ bưng bít thông tin thành công một thời. Đó là việc họ chủ trương dân trong nước không biết thế giới bên ngoài và nước ngoài không biết những gì đang diễn ra ở bên trong Việt Nam. Một trong những mấu chốt của vấn đề là làm sao quản lý thật chặt các nhà báo nước ngoài ra vào Việt Nam.

Một nhà bào muốn vào được Việt Nam, khi họ xin visa ở các Đại sứ quán họ phải cung cấp cho phía CSVN: chương trình và nội dung làm việc ở Việt Nam, đi đâu, với ai; danh sách dụng cụ mang theo (máy ghi hình, thu âm, ánh sáng…). Hồ sơ được gửi về Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao để xin phép. Họ phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để có được giấy phép vào Việt Nam. Đấy là trường hợp nội dung làm báo của họ phù hợp với Việt Nam. Còn nếu không họ đã bị chặt ngay từ ở cửa xin visa.

Nhà báo đã được vào Việt Nam thì do Trung tâm báo chí, trực thuộc Bộ Ngoại giao quản lý. Bao giờ đoàn nhà báo nước ngoài nào cũng có “hướng dẫn viên” của Trung tâm báo chí. Đó là không kể Trung tâm cũng đã thông báo trước cho phía an ninh, và họ cũng sẽ cử người ngầm chìm đi theo. Mọi hành vi và nội dung của nhà báo nước ngoài đều được theo dõi chặt chẽ.

JPEG - 70.8 kb
Nhà báo Denis Nordmann và đồng nghiệp đã bị trục xuất khỏi Việt Nam khi đến Giáo xứ Cồn Sẻ và Đông Sơn gặp gỡ nạn nhân Formosa. Ảnh: FB Anthanh Linhgiang.

Mới đây, ngày 27 Tháng 5, hai phóng viên Thụy sĩ đã bị Việt Nam trục xuất. Ông Nordmann và đồng nghiệp là bà Wenger đã đến giáo xứ Cồn Sẻ và giáo xứ Đông Sơn ở Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, gặp một số bà con ngư dân, để tìm hiểu thông tin liên quan đến thảm hoạ môi trường của Formosa.

Phía Cục xuất nhập cảnh trục xuất hai người với lý do hai người đến Việt Nam bằng visa du lịch, nhưng khi đến đã không liên lạc với công ty môi giới du lịch nên bị trục xuất khỏi Việt Nam. Rõ ràng là an ninh Việt Nam đã có mặt khắp nơi để không nhà báo nước ngoài nào có thể hành nghề độc lập tại Việt Nam.

5. Quản lý nội bộ, quản lý lẫn nhau:

Trước đây, người Việt Nam ở trong nước bị cấm không được liên hệ và tiếp xúc với người nước ngoài. Ở Bộ Ngoại giao khi tiếp khách nước ngoài cần phải có hai người. Như vậy, ngay từ những năm đầu tiên của chế độ cộng sản họ luôn coi người nước ngoài “chấp chứa” một yếu tố nguy hiểm. Do vậy, không những họ theo dõi người nước ngoài, mà còn quản lý lẫn nhau khi có người nước ngoài.

Sau này, khi giao lưu quốc tế rộng mở hơn, những khắt khe nêu trên đã được nới lỏng phần nào. Tuy nhiên, họ vẫn giữ ở mức độ khá chặt. Phía an ninh đều cử người đến các bộ, ngành có yếu tố nước ngoài. Tại mỗi Đại sứ quán đều có một quan chức ngoại giao mang hàm Bí thư, nhưng là người của Bộ Công an. Như trên đã nói rõ, công việc của họ là theo dõi cộng đồng, tham gia vào việc cấp phát visa hộ chiếu. Và một phần không kém quan trọng đó là theo dõi nội bộ Đại sứ quán, mà thực chất là theo dõi bên ngoại giao có làm gì sai lệch với ý đảng không. Do vậy, mọi cán bộ, mọi con người đều là con tin của đảng.

Cơ quan thông tấn xã của Việt Nam ở nước ngoài bao giờ cũng có một phóng viên do bên an ninh cử sang. Bưu điện Việt Nam cũng có người của an ninh cài vào, họ sẵn sàng bóc những bì thư, những gói quà từ nước ngoài gửi về cho người trong nước để kiểm tra.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng “giúp” Bộ Ngoại giao phần bảo mật thông tin, bảo mật Đại sứ quán. Hai Bộ thường xuyên giao lưu gặp mặt, ký những biên bản, quy chế hợp tác trên các mặt. Bề mặt thì hai Bộ quan hệ rất khăng khít, nhưng thực chất bên trong, đảng chủ trương làm như vậy để quản lý lẫn nhau. Nhất là khi Bộ Ngoại giao có cơ hội tự do hơn trong việc tiếp xúc với thông tin bên ngoài. Họ rất sợ “tự diễn biến” trong cán bộ ngoại giao.

Tóm lại, trên đây là toàn bộ nội dung mà an ninh và ngoại giao phối hợp hoạt động để triển khai chính sách của đảng cộng sản Việt Nam. Cốt lõi của vấn đề là sự can thiệp vào tất cả các mặt của đời sống chính trị – kinh tế – ngoại giao – xã hội của chế độ công an trị tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện internet và mạng xã hội thì những chiêu trò của công an Việt Nam ngày càng bị bóc trần trước dư luận trong nước và quốc tế.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.