50 năm: Thay ngôi đổi bậc*

GS Nguyễn Văn Tuấn - FB Nguyễn Tuấn

GS Nguyễn Văn Tuấn, University of Technology Sydney (hàng đầu, thứ 5 từ phải) chụp hình lưu niệm với những lãnh đạo trong Hiệp hội loãng xương Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự Hội nghị ICO 2023 Seoul, tháng 11/2023. Ảnh: FB Nguyễn Tuấn

Tới Seoul chiều qua. Đây là lần đầu tiên tôi đi công tác bên xứ kim chi sau đại dịch, nên có cảm hứng ghi lại đôi điều.

Chẳng rõ ngày xưa (thế kỷ 13) đoàn của Hoàng tử Lý Long Tường phải mất mấy tháng mới qua tới đây tị nạn, nhưng ngày nay chỉ mất non 5 giờ đồng hồ là đã tới Seoul. Seoul mùa này rất dễ chịu, vì nhiệt độ chỉ dao động trong khoảng 16-23 độ C thôi.

Rời máy bay chỉ vài bước là có cái biển điện tử đề bằng 3 thứ tiếng Anh, Hàn và tiếng Việt: Welcome to Korea / Chào mừng bạn đã đến Hàn Quốc. Tôi nghĩ đây là một sáng kiến hay. Nhưng tôi cũng tự hỏi sao họ có vẻ ưu ái với khách từ Việt Nam thế?

Đến khu làm thủ tục di trú thì câu trả lời đã có một phần. Ui chao, 5 dòng người dài đang xếp hàng làm thủ nhập cảnh, tôi thấy người Việt mình chiếm đa số, có lẽ lên đến 90%! Nhìn đồng hương tôi có thể đoán rằng đa số là du khách (vì có người dẫn đoàn với cây cờ hiệu), nhưng số người lao động cũng nhiều (nhìn lấy mặt mũi lam lũ là biết), và số còn lại chắc là học sinh hay du học sinh còn trẻ hay rất trẻ. Tiếng gọi nhau í ới, đủ thứ giọng Bắc, Trung, Nam, nghe cứ tưởng như là mình đang ở Việt Nam.

Nhìn dòng người đồng hương làm tôi nhớ tới một bài viết của ông cựu đại sứ VNCH tại Seoul vào đầu thập niên 1970. Ông tiết lộ rằng thời đó, người Nam Hàn đứng xếp hàng dài để được cấp visa sang Việt Nam làm việc theo các hợp đồng xây dựng đường xá và công trình khác. Ông cho biết rằng khi nhận được visa làm ở Việt Nam họ vui mừng lắm. Dĩ nhiên, thời đó thì Nam Hàn còn nghèo, nên họ tìm cơ hội công ăn việc làm khắp nơi là điều dễ hiểu.

Vậy mà chỉ 50 năm sau thì tình thế thay đổi 180 độ. Ngày nay, đồng hương mình vui mừng khi được đi làm việc và học tập ở Nam Hàn. Có dạo phụ nữ Việt mình xếp hàng làm dâu cho Nam Hàn! Hỏi sao những người thuộc thế hệ tôi không ‘tâm tư’ được. Chẳng những ‘tâm tư’ mà còn tức tối vì mình thua kém họ quá xa, dù người mình đâu phải là kém sáng dạ gì đâu.

Thật ra, tôi nghĩ người mình chẳng kém gì, thậm chí có phần trội hơn họ. Chẳng hạn như tiếng Anh. Trên máy bay, anh phi công trưởng người Hàn Quốc nói tiếng Anh mà tôi cứ tưởng ảnh nói tiếng Hàn, nhưng cô tiếp viên người Việt thì nói tiếng Anh rất giỏi — tôi còn phải khen cô ấy mà. Tài xế taxi ở đây thua tài xế Sài Gòn về kỹ năng tiếng Anh, thua xa. Hỏi anh nào cũng cười cười chứ nói không rõ như tài xế taxi Việt Nam đâu.

Khi checkin khách sạn ở đây tôi còn phát hiện rằng mấy tiếp viên ở đây nói tiếng Anh kém xa xa so với tiếp viên khách sạn cùng đẳng cấp ở Việt Nam. Ở Việt Nam (Sài Gòn cũng như Hà Nội), các tiếp viên khách sạn nói tiếng Anh như người nước ngoài, còn ở Seoul này họ nói tôi phải vận dụng một chút suy luận mới biết họ nói gì.

Ngay cả trong giới khoa học cũng vậy, họ nói tiếng Anh không bằng người Việt chúng ta. Có thể các bạn cho rằng tôi chủ quan. Có thể chủ quan, nhưng quả thật tôi chưa thấy bằng chứng họ hơn người mình về tiếng Anh.

Nhưng nói gì thì nói, ngày nay Nam Hàn đã đi trước Việt Nam mình quá xa. Tôi không nói tới khía cạnh kinh tế hùng mạnh hay công nghệ hiện đại, mà ngay cả văn hoá tôi có cảm giác họ cũng hơn mình. Tới phi trường và nhìn cách các nhân viên di trú ở đây làm việc thì thấy khác Việt Nam nhiều lắm. Tôi đứng xếp hàng sau một chị có vẻ là người đi lao động, khi tới phiên chị làm thủ tục, chị lúng túng vì không biết tiếng Anh lẫn tiếng Hàn, và thế là có người tới giúp ngay. Không đầy 3 phút chị đã làm xong thủ tục. Tới khách sạn cũng vậy, đi lầm chỗ là có người chỉ đường ngay. Đi một vòng đường xá và phố chợ, tôi giả bộ lạc đường, và nhận ngay những giúp đỡ tận tình, y chang như lúc tôi ở Nhật vậy.

Một trung tâm shopping? Không phải. Đây là nhà ga [xe điện] Long Sơn, Seoul. Ảnh: FB Nguyễn Tuấn
Không biết Seoul/ Hán Thành thời thập niên 1970 ra sao, nhưng ngày nay thì nó giống y chang như một thành phố phương Tây. Những toà nhà cao ngút, những xa lộ thênh thang, những cây cầu dài và đẹp, phố xá trật tự, người dân rất Tây (toàn mặc veston đi làm) và phong cách rất Tây. Thành ra, người quen với văn hoá làm việc phương Tây sẽ thấy rất dễ hoà mình với các đồng nghiệp ở đây.

Tối qua định ghé chỗ nổi tiếng này để đi spa và massage, nhưng nghĩ lại thì thôi. Mấy chỗ này ‘nguy hiểm’ lắm vì nếu đại biểu tham dự hội nghị thấy mình ở chốn này và hôm sau thấy trên bục giảng thì chắc họ chẳng nghe mình đâu. Thôi, tránh xa nó cho lành🙂. Ảnh: FB Nguyễn Tuấn [Mang chuông đi đánh xứ người, GS Tuấn hành xử có khác với ông quan thượng thư ‘Bò Dát Vàng’🙂, BBT]
Chiều nay tôi giảng bài khai mạc, rất quan trọng và cũng là một vinh dự. Do đó, phải chuẩn bị cẩn thận từng chữ một, để bù đắp vào cái lam lũ của chị đồng hương mình chiều hôm qua. Tôi có đề cập tới hai vị Lý Long Tường và Lý Dương Côn từng tới đây và đã giúp cho Triều Tiên chống trả China thời xa xưa. Tôi muốn họ hiểu là ‘chúng tôi tới đây không phải chỉ làm mướn cho mấy ông, chúng tôi từng giúp các ông.’ 🙂

GS Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

* Tựa do BBT đặt