78 Năm Nhìn Lại Biến Cố Yên Bái

Trung Điền
Anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học: 1902 – 1930.

Rạng sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930 (nhằm vào ngày 21 tháng 5 năm Canh Ngọ), Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Ðảng Nguyễn Thái Học và 12 Chiến hữu của ông đã bị Thực dân Pháp hành quyết tại Yên Bái. Tất cả 13 người đều bình thản bước lên máy chém và đều hô to câu “Việt Nam Muôn Năm” vào lúc lìa trần. Kể từ đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã gọi ngày 17 tháng 6 là Ngày Tang Yên Bái, tổ chức các buổi lễ tưởng niệm thật long trọng hàng năm ở trong nước trước năm 1975 và sau này tại hải ngoại. Tuy nhiên, đối với dân tộc Việt Nam thì biến cố Yên Bái không chỉ là một ngày Tang mà còn là điểm chuyển mình quan trọng của cuộc cách mạng độc lập dân tộc vào những thập niên đầu thế kỷ 20.

Năm 1927, Nguyễn Thái Học đang là sinh viên trường Sư Phạm Hà Nội đã cùng với mấy Chiến hữu của ông như Hoàng Phạm Tuân (Nhượng Tống), Phạm Tuấn Tài, v.v… thành lập Nhà Xuất Bản “Nam Đồng Thư Xã” ở Hà Nội, với hai mục đích: Kinh tài và Truyền bá tư tưởng cách mạng chống Pháp. Chỉ một thời gian ngắn sau, Thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa cơ sở này. Để có thể tiếp tục hoạt động, Nguyễn Thái Học đã cùng các Chiến hữu của ông thành lập một tổ chức cách mạng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng, với chủ trương đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nguyễn Thái Học được mọi người bầu là Đảng Trưởng. Sau khi ra đời, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phát triển rất nhanh trong hàng ngũ những người lao động, tiểu thương, công chức, thanh niên sinh viên và cả những người Việt phải đi lính cho Pháp. Nói chung, Việt Nam Quốc Dân Đảng được coi là một đảng cách mạng lớn và mạnh nhất trong hàng ngũ các lực lượng đấu tranh chống Pháp vào cuối thâp niên 20 của Thế kỷ trước. Đặc biệt Việt Nam Quốc Dân Đảng có một tiềm lực mạnh mẽ trong giới trung lưu và bình dân.

Sau khoảng 2 năm hoạt động, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã xây dựng được nhiều cơ sở, vừa bán công khai như quán cơm, Việt Nam Hotel ở Hà Nội, vừa bí mật như các tiểu tổ ở mọi nơi và bắt đầu tạo ảnh hưởng lan rộng trong quần chúng. Lẽ dĩ nhiên, các hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng làm Thực dân Pháp chú ý và theo dõi. Tối ngày 9 tháng 2 năm 1929, tên trùm mộ phu của Pháp là Bazin bị đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ám sát chết. Pháp bắt đầu lo sợ vì thanh thế và ảnh hưởng của Việt Nam Quốc Dân Đảng nên lập tức ra tay truy lùng và khủng bố. Nhiều đảng viên bị bắt và bị đày đi Côn Đảo như Đào Hưng, Nhượng Tống, Trúc Khê… Nguyễn Thái Học cũng bị theo dõi ráo riết. Trước những áp lực khủng bố nặng nề của Pháp, Nguyễn Thái Học đã cùng với các Chiến hữu của ông bàn tính kế hoạch Tổng Nổi Dậy nhằm cứu vãn tình thế. Nhiều vụ chế tạo bom bị phát nổ bất ngờ đã. khiến cho Thực dân Pháp thấy là có những dấu hiệu chuẩn bị nổi dậy đang được tiến hành nên lại càng ra lệnh truy tầm. Nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị bắt và Nguyễn Thái Học đã phải ẩn trốn mạng lưới tình báo của Thực dân.

Trước tình thế khó khăn không thể chần chờ được nữa, Nguyễn Thái Học đã ra lệnh Tổng Khởi Nghĩa vào ngày 10 tháng 2 năm 1930. Nhưng sau đó, vì lý do đặc biệt, lệnh khởi nghĩa được hoãn đến ngày 15 tháng 2 năm 1930. Vì Yên Bái không nhận được lệnh hoãn kịp thời, nên cuộc khởi nghĩa đã được tổ chức đúng vào ngày 10 tháng 2. Các nơi khác cũng liên tiếp khởi nghĩa theo. Thành phố Hà Nội cũng bị rối loạn. Nhiều nơi bị đặt bom, dây điện bị cắt đứt… Thực dân Pháp hoảng sợ nên đã thẳng tay đàn áp. Bộ phận lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đặt ở làng Cổ Am bị ném bom. Sau một vài tuần lễ cầm cự, cuối cùng Nguyễn Tháoi Học và những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lần lượt bị mật vụ Pháp bắt giữ

Cao Nguyên Yên Bái

Chỉ trong ba năm ngắn ngủi xây dựng một đảng cách mạng để đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nguyễn Thái Hoc và những Chiến hữu của ông đã để lại một trang sử vô cùng giá trị trong dòng lịch sử đấu tranh của dân tộc. Trong trang sử oai hùng đó, sự kế tục đấu tranh của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ năm 1930 cho đến nay, biểu hiện một ý chí bất khuất của tất cả những thế hệ đảng viên đã tiếp nối tấm gương trung liệt của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học. Thông thường khi Đảng Trưởng và những người lãnh đạo hy sinh, đa phần tổ chức đó sẽ bị soi mòn và tan rã theo thời gian. Tuy nhiên, đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng thì khác. Là một lực lượng cách mạng được những người rất trẻ tiên phong xây dựng ngay trong buổi giao thời của hai nếp sống cũ và mới của xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã tạo một điểm tựa rất lớn cho hầu hết những ai khát khao độc lập dân tộc nhưng lại thất vọng trước những thất bại liên tục của các phong trào Cần Vương, Văn Thân của thời Phong Kiến. Do đó, tuy cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng biến cố này đã mang đến cho chúng ta ba ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, tuy bị dồn vào tình thế cấp bách phải hành động nhưng cuộc nổi dậy đã là một đòn quyết tử đánh vào chế độ Thực dân, khai mào cho một giai đoạn đấu tranh công khai và trực diện với Thực dân Pháp, vốn chưa hề xảy ra trước đó. Chính yếu tố tiên phong của biến cố Yên Bái đã giúp cho lực lượng cách mạng Việt Nam, trong đó có Việt Nam Quốc Dân Đảng, một Thế đấu tranh mới để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn của quần chúng. Biến cố Yên Bái đã là điểm tựa cho sự ra đời của thêm nhiều đảng phái cách mạng khác từ thập niên 40 trở đi.

Thứ hai, tuy không thành công, nhưng biến cố Yên Bái đã tạo một chấn động trong tâm tư của mọi người Việt Nam vào lúc đó để không còn thờ ơ với lịch sử, giao khoán việc đấu tranh giành độc lập cho giới sĩ phu của thời đại trước. Nếu từ năm 1858 đến năm 1930 là thời kỳ đấu tranh của những sĩ phu còn nặng lòng với Nhà Nguyễn thì kể từ sau khi ngọn lửa Yên Bái bùng cháy, đại cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đã là trách nhiệm chung của mọi thế hệ Việt Nam.

Thứ ba, tuy nằm trong tay địch nhưng Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học vẫn còn quan tâm đến sự sống còn của đảng. Ông đã viết thư cho Thực dân Pháp hiên ngang nhận mọi trách nhiệm và chỉ xin xử tội một mình ông thôi. Còn nếu Thực dân Pháp chưa hài lòng thì ông xin xử cả gia đình ông và xin tha cho các đảng viên khác. Nguyễn Thái Học biết rằng lời xin của ông là một điều vô vọng nhưng ông vẫn làm vì đó là tín hiệu sau cùng mà ông muốn nhắn nhủ đến toàn đảng: phải hiên ngang đi tới như ông, và các Chiến hữu của ông đã hiên ngang lên đoạn đầu đài.

Có hiểu ba ý nghĩa quan trọng của biến cố Yên Bái, chúng ta mới thấy hết giá trị ưu việt của con người Nguyễn Thái Học và sự đấu tranh kiên trì của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1930 cho đến nay. Đương nhiên, lịch sử đấu tranh của đảng phái nào cũng có những giai đoạn thăng trầm do những yếu tố khách quan và chủ quan tạo ra. Luận thành bại của một tổ chức không chỉ dựa vào một biến cố mà phải xét đến những ảnh hưởng tích cực lâu dài mà tổ chức đó đã cống hiến cho đất nước và dân tộc. Biến cố Yên Bái đã là chứng tích ghi lại rằng Việt Nam Quốc Dân Đảng đã có công trong việc tiên phong phất cao ngọn cờ đấu tranh giành độc lập vào thập niên 30 của thế kỷ 20, và đã góp phần làm nên những trang sử oai hùng của dân tộc.

Trung Điền
June 17 2008
Kỷ Niệm Ngày Tang Yên Bái