Ai có thẩm quyền giải quyết cho chị Tạ Phong Tần về nhà chịu tang Mẹ?

VRNs

VRNs (01.08.2012) – Sài Gòn – Theo bản tin hôm qua “Liệu chị Tạ Phong Tần có được về đưa tang Mẹ?“, Luật sư của chị Tạ Phong Tần cho biết đã nộp đơn yêu cầu Toà án ra lệnh cho trại giam đưa chị Tạ Phong Tần về nhà chịu tang Mẹ. Những qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành nói gì về việc này? Một Luật sư ở Sài Gòn cho biết như bài viết sau đây:

Hiện tại, pháp luật không qui định trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam được về gia đình – trong thời gian ngắn hạn – để chịu tang người thân. Qui chế về tạm giữ, tạm giam (năm 1998) có qui định “cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân, Luật sư hoặc người bào chữa khác”, nhưng là gặp “trong khu quản lý của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam” hoặc “tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam”. Và thời gian gặp không quá một giờ mỗi lần gặp, có cán bộ, chiến sỹ giám sát… Đến năm 2002, Qui chế được sửa đổi qui định “cho gặp thân nhân, Luật sư hoặc người bào chữa khác” là trường hợp trích xuất… tiến hành các hoạt động ở bên ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. Nhưng lại không sửa đổi hay qui định gì khác về “bên ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ” là ở đâu?

Như vậy, trong trường hợp chị Tạ Phong Tần – đang bị tạm giam và đã có quyết định đưa ra xét xử – ai có thẩm quyền giải quyết cho chị về gia đình chịu tang Mẹ?

Theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự, chị Tạ Phong Tần có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Bảo Lĩnh” để thay thế biện pháp tạm giam và Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.

Cũng trong trường hợp chị Tạ Phong Tần – ít nhất phải có hai cá nhân đứng ra nhận bảo lĩnh cho chị. Hai cá nhân này phải là người thân thích với chị Tần, có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân phải làm giấy cam đoan không để bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị cáo theo giấy triệu tập của Tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.

Cá nhân nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Theo chúng tôi, cũng như trường hợp của Anh Paulus Lê Sơn, việc chị Tạ Phong Tần được áp dụng biện pháp bảo lĩnh thay tạm giam, trong trường hợp cụ thể này, là cực thấp. Tuy vậy, vẫn cần có hai cá nhân đứng ra làm thủ tục nhận bảo lĩnh cho chị để đo lường mức độ áp dụng và tuân thủ pháp luật – ngay trước phiên xử – của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa.

Luật sư Sài Gòn

Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/archives/35378