Ảnh Hưởng Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Của Hoa Kỳ Trên Thế Giới

Trần Đức Tường

Ngày 4 tháng 7 năm 1776, 57 dân biểu của 13 tiểu bang thuộc địa vương quốc Anh tại Bắc Mỹ đã hội họp Đại Hội tại Đại Sảnh Độc Lập, thành phố Philadelphia để đồng ký tên vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập, đoạn tuyệt với triều đình nước Anh. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với lá cờ 13 ngôi sao trắng trên nền xanh và 13 vạch gồm 7 vạch đỏ, 6 vạch trắng đã ra đời. Và cũng từ đó, đã 231 lần, ngày 4 tháng 7 là ngày Lễ Độc Lập, ngày Quốc Khánh của Hoa Kỳ. Thiết tưởng, nhân ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, cũng nên tìm hiểu về ý nghĩa cũng như ảnh hưởng của bản Tuyên Ngôn Độc Lập này không những trên đất nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới từ ngày nó ra đời cho đến ngày hôm nay.

Ông Thomas Jefferson, vị Tổng Thống thứ Ba của nước Mỹ.

Nói đến Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, người ta không thể không nhắc đến một nhân vật mà tên tuổi đã gắn liền với bản Tuyên Ngôn lịch sử này. Đó là ông Thomas Jefferson, vị Tổng Thống thứ Ba của nước Mỹ. Vào năm 1776, ông Jefferson 34 tuổi và là dân biểu Quốc Hội tiểu bang Virginia. Lúc đó Phong trào giải thực tại Tân Thế Giới đang lên cao, cuộc chiến tranh giữa các tiểu bang thuộc địa chống lại quân đội hoàng gia Anh bắt đầu từ năm 1775, đang ở vào giai đoạn khốc liệt. Ý chí đoạn tuyệt với mẫu quốc, giành độc lập đang phổ quát trong mọi tầng lớp quần chúng, sôi sục oán hận vì sưu cao thuế nặng do triều đình nước Anh giáng xuống các thuộc địa Mỹ Châu. Các tiểu bang thuộc địa đã giao cho một ủy ban gồm 5 vị đại biểu soạn bản dự thảo Tuyên Ngôn Độc Lập trước khi đưa ra Đại Hội duyệt xét biểu quyết. Ủy ban này mệnh danh là “Ủy Ban 5 Người”, trong đó có Thomas Jefferson. Tiếng là bản dự thảo do 5 người biên soạn, nhưng thực chất Thomas Jefferson mới là người chính thủ bút. Ông hoàn tất bản thảo ngày 21/06/1776, đệ trình Ủy Ban và đưa ra Đại Hội liên bang thông qua ngày 4/7/1776.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ được viết tay trên giấy da và mang chữ ký của 57 vị đại biểu của 13 tiểu bang đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ý chính của bản văn là Tự Do. Không phải là tự do chung chung, tự do tập thể mà là quyền Tự Do Cá Nhân. Tư tưởng này đã được nêu lên một cách trang trọng ngay trong phần dẫn nhập. Bản văn viết: “Những Chân Lý sau đây đã được chúng tôi công nhận như lẽ đương nhiên: Tất cả mọi con người đã được dựng nên bình đẳng; (họ) đã được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm; trong những quyền đó có quyền sinh sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Ý tưởng thứ nhì mang tính quan trọng nòng cốt trong bản văn là tư tưởng chống độc tài, tàn ác. Và để bảo vệ các quyền tối thượng của con người, thể theo nguyện vọng của toàn dân, các thuộc địa Anh tại Châu Mỹ long trọng tuyên bố trở thành những tiểu bang Tự Do và Độc Lập. Tuy rằng nền độc lập của Hoa Kỳ chỉ được chính thức công nhận vào năm 1783 với Hiệp Định Paris, các sử gia đã đồng ý, đây là bản Tuyên Ngôn Độc Lập của quốc gia thuộc địa đầu tiên trên thế giới thoát ách cai trị thực dân.

Các nội dung trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ đã trở thành tài liệu gợi ý cho nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta thường nhắc tới Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp sau cuộc Cách Mạng 1789. Các sử gia đã chứng minh rằng cả văn bản này cũng lấy ý từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. Từ đó, một cách trực tiếp hay gián tiếp, những tư tưởng về Tự Do căn bản của con người đã được phổ quát trên trái đất này. Tuy không sao chép nguyên văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, nhiều quốc gia đã dựa trên những tư tưởng này để xây dựng cho đất nước mình một nền dân chủ tôn trọng mọi Nhân Quyền của người dân. Nhưng cũng có những nước, đặc biệt là CSVN, Hồ Chí Minh dùng những câu cú nguyên văn của bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ để dẫn nhập cho bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1945 của Việt Nam, nhưng lại không tôn trọng những quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam.

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CSVN, ký giả Mike Benge trên tờ Washington Times điện tử ngày 1/7/2007 vừa qua, đã viết rằng “Ông Thomas Jefferson có thể đã phải lật sấp trong mồ khi biết rằng Hồ Chí Minh đã lợi dụng những lời bất tử của mình để làm phần mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam…”. Ông cho rằng từ ông Hồ Chí Minh đến ông Nguyễn Minh Triết đều là những kẻ đại gian dối, đại bịp khi viết rằng con người Việt Nam có quyền sinh sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; nhưng lại áp dụng chính sách độc tài, hôn quân, bạo chúa, chà đạp Nhân Quyền tại Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ sao chép câu nói bất tử của Thomas Jefferson, nhưng ông ta không dám chép câu tiếp theo sau là: “Các chính phủ, do chính những con người thiết lập để bảo đảm những quyền đó, và quyền hành chính đáng của các chính phủ này xuất phát từ sự chấp nhận của nhân dân. Bất cứ hình thức chính phủ nào trở nên phá hoại đối với mục đích đó, nhân dân có quyền thay thế nó, có quyền hủy bỏ nó và thiết lập một chính phủ mới…”. Hồ Chí Minh cũng như những người CSVN kế vị ông không hề chấp nhận tư tưởng Dân Chủ này. Vì thế họ luôn đàn áp những người tranh đấu đòi Dân Chủ.

Nói theo ký giả Mike Benge theo kiểu Việt Nam là CSVN “treo đầu dê, bán thịt chó”. Hành động này, dân ta từ ngàn xưa cũng đã kết án và khinh bỉ vì đây là hành động gian dối không thể chấp nhận được.